Những trăn trở về nghệ thuật cải lương

Cải lương là một trong những loại hình sân khấu ra đời ở TK XX, mang trong mình những đặc trưng là lợi thế khi không bị trói buộc nhiều bởi những trình thức vũ đạo , làn điệu như Chèo, Tuồng hay hấp thu được sự hiện đại như Kịch nói... Vậy nhưng, hiện tại thì sân khấu Cải lương đang dần vắng khách, mất đi vị thế của mình trong xã hội để rồi từ đó, xuất hiện hàng loạt những vấn đề cần phải khắc phục, mà một trong những vấn đề nổi bật là sự thiếu vắng thế hệ diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công tài năng.

Cảnh trong vở “Trời Nam”- Nhà hát Cải lương Hà Nội - Ảnh: tư liệu

 

Theo thống kê gần đây nhất của Cục Nghệ thuật biểu diễn, số lượng diễn viên trong độ tuổi 20-25 ở các đơn vị sân khấu cả nước chỉ chiếm tỉ lệ 5,6%, độ tuổi 25-30 chỉ chiếm 42,3%. Những con số biết nói, chứng minh tình trạng thiếu vắng nghệ sĩ trẻ cho ngành Sân khấu nói chung, nghệ thuật Cải lương nói riêng. Đã nhiều năm nay, các đơn vị đào tạo danh giá của nghệ thuật sân khấu nước nhà đang rơi vào tình trạng số thí sinh dự thi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu, mà chỉ tiêu đào tạo nghệ thuật chỉ tầm vài chục em một khóa cho một chuyên ngành.

Theo các nghệ sĩ gạo cội của ngành Cải lương, không chỉ khó tuyển sinh, ngay tại các giải thưởng có uy tín của Cải lương nhằm tuyển chọn giọng ca và diễn viên Cải lương được tổ chức thường niên hoặc hai năm một lần như các giải Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ, Giọng ca cải lương Nguyễn Thành Châu… cũng rơi vào tình trạng thiếu vắng lực lượng thí sinh dự thi, lại càng  khó khăn để phát lộ được giọng ca hay, một triển vọng tài năng cho ngành.

Như lời tâm sự của các lãnh đạo đơn vị cải lương phía Bắc thì hiện nay đang gióng lên tiếng chuông báo động vì thiếu vắng các diễn viên trẻ tài năng. Nhạc sĩ Phạm Chỉnh - Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết, các diễn viên trẻ đang rất thiếu, dù đơn vị luôn rộng cửa để tuyển dụng. Khi xem vở mới của đơn vị, người hâm mộ dù vẫn hoan nghênh các đào kép thành danh của đơn vị như NSND Thanh Hương, NSƯT Hồng Nhung, Tuấn Cường hay các tài năng như Nhật Linh nhưng vẫn trông ngóng các diễn viên trẻ trung, những gương mặt mới để đem lại nguồn sinh khí mới mẻ cho các tác phẩm của nhà hát. Nhưng điều mà ông lo lắng hơn cả sự thiếu vắng các diễn viên trẻ còn là nhân lực cho âm nhạc Cải lương. Với tư cách lãnh đạo, lại là nhạc sĩ nên ông càng quan ngại khi cho biết, đào tạo nhạc công mất rất nhiều thời gian, nhất là nhạc công của dàn nhạc cổ. Nếu không có phương pháp, cơ chế và sự tuyên truyền từ nhiều phía thì rất gần thôi, dàn nhạc của các đơn vị cải lương sẽ trống vắng, khó mà đảm nhiệm nổi vai trò của âm nhạc cho ngành kịch hát này.

NSND Trọng Bình, Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, lực lượng diễn viên biểu diễn 40 tuổi trở lên ở Nhà hát Cải lương Việt Nam hiện chiếm 64% và đã có gần chục người sắp nghỉ hưu. “Tuyển chọn diễn viên trẻ như đãi cát tìm vàng, vài khóa mới chọn được một em. Bởi Cải lương không thời thượng, không theo trend, cuộc sống bấp bênh khi không có biên chế”. Vì thế, ở đơn vị hầu hết các đào chính đều đã lớn tuổi. Diễn viên trẻ đủ khả năng đóng vai chính cũng ngoài 30 tuổi, có diễn viên hơn 50 tuổi vẫn phải đóng vai thiếu nữ.

Người hoạt động trong ngành Sân khấu đều thuộc câu “Thầy già, con hát trẻ”, sức trẻ mới là sự thanh xuân của nghệ thuật biểu diễn. Vậy nhưng, thực tế hiện nay, tình hình lực lượng trẻ của ngành đang gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, đây cũng là một trong những lý do dẫn tới sự suy thoái, giảm sút sức hút của Cải lương đối với khán giả vì Cải lương rất cần những ngôi sao khi tâm lý của số đông công chúng đam mê đến rạp vì thần tượng của họ sẽ hát.

Nghệ thuật Cải lương ở TP HCM từng có một thế hệ vàng các nghệ sĩ tên tuổi đã đi vào lịch sử của ngành nghệ thuật này như: Thanh Nga, Thanh Sang, Thành Được, Út Bạch Lan, Tấn Tài, Lệ Thủy, Minh Vương, Diệp Lang, Hoài Thanh, Diệu Hiền, Thanh Tú, Bảo Quốc, Hoàng Giang, Hùng Minh, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Minh Phụng, Ngọc Giàu, Minh Cảnh, Thanh Tòng... Tiếp nối thế hệ vàng, Cải lương Việt Nam có những gương mặt xuất sắc, được khán giả mến mộ nồng nhiệt như Vũ Linh, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Tài Linh, Thanh Thanh Tâm, Thoại Miêu, Ngọc Huyền, Kim Tiểu Long, Thanh Ngân, Thanh Hằng... Rồi là thế hệ tiếp theo, có những học trò của các nghệ sĩ thế hệ trước cũng đã thành danh như Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… Gần đây , Cải lương miền Nam có các nghệ sĩ trẻ tài năng như Võ Minh Lâm, Bình Tinh, Nguyễn Minh Trường, Nguyễn Văn Khởi, Kim Luận, Ngọc Đợi, Thu Vân, Huyền Trang, Võ Thành Phê, Huyền Trâm, Tô Tấn Loan, Phương Cẩm Ngọc… Song, thông qua việc điểm tên này, cũng có thể nhận ra, càng về sau số lượng nghệ sĩ Cải lương ngày càng ít đi. Điều này phản ánh sự hoạt động của ngành khi vị thế của Cải lương trong lòng khán giả mỗi thời điểm mỗi khác. Ở thời kỳ trước, sân khấu sáng đèn liên tục, Cải lương được đại chúng yêu thích nên nghệ sĩ cũng có nhiều cơ hội để trau dồi nghề nghiệp, tiếp cận khán giả, được khán giả nhớ mặt thuộc tên, yêu mến, thần tượng nhiều hơn. Hiện tại, các nghệ sĩ Cải lương trẻ rất khó khăn để phát triển, để ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi tình hình hoạt động ngày càng ít được biểu diễn, cải lương cũng không còn đứng vị trí quan trọng trong lòng khán giả. Và đây cũng là tình hình chung của cải lương cả nước, ngay tại những địa phương được coi là chiếc nôi Cải lương như Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu...

Ngoài việc thực trạng đau lòng này của Cải lương là do sự thưa vắng khán giả, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới, có sức cuốn hút lớn với công chúng thì còn những nguyên nhân nào khiến Cải lương ở tình trạng thiếu vắng nghệ sĩ trẻ, nhất là những nghệ sĩ tài năng?

Có thể khẳng định rằng, vẫn còn những nghệ sĩ tâm huyết với nghề, quyết tâm gắn bó để tìm ra con đường phát triển cho mình, cho Cải lương. Điển hình như ở TP. HCM, đã và vẫn có những cơ sở từ nguồn lực xã hội hóa đã chung tay đào tạo diễn viên. Báo chí đưa tin về nghệ sĩ Cải lương trẻ Thanh Long vừa tổ chức đêm diễn Vàng son gìn giữ quy tụ những diễn viên Cải lương trẻ như Huyền Châu, Bảo Khánh, Hà Mỹ Anh, bé Khả Hân, bé Thảo Nhi… Dù không bán được vé, khán giả đa số là người thân, bạn bè đến ủng hộ thế nhưng Thanh Long cùng các bạn diễn và học trò đã cống hiến hết mình trong từng trích đoạn, thể hiện các vũ đạo khó trên sân khấu. Họ thể hiện quyết tâm, dù rất khó khăn trong việc bán vé, nhưng chỉ cần còn một khán giả chịu đến xem Cải lương thì họ vẫn sẽ gắng để tập, để diễn vì “Cải lương là vàng son mình cần phải gìn giữ”.

Tuy nhiên, với hiện thực Cải lương đang chật vật để sống, khi Cải lương không còn là lựa chọn của số đông khán giả trẻ thì không ít nghệ sĩ trẻ đang băn khoăn về tương lai của ngành, tương lai của chính mình. Bán vé khó, nghệ sĩ thành danh đã khó có cơ hội diễn thì nghệ sĩ trẻ lại càng “ít đất” để thể hiện mình. Không có cơ hội được ca hát, biểu diễn trên sân khấu, đẩy các nghệ sĩ trẻ rơi vào tình trạng trầy trật trong việc kiếm sống bằng nghề mà mình theo đuổi. Dù có thật sự đam mê với nghề nhưng cơm áo gạo tiền lại buộc họ phân tâm với nghề vì phải phân bổ thời gian, làm thêm các công việc khác để nuôi đam mê. Quá vất vả, không ít diễn viên đã bỏ nghề để chọn công việc khác mưu sinh. Các nghệ sĩ Cải lương gạo cội cho rằng, thách thức trong vấn đề nhân sự kế thừa trong lĩnh vực này có rất nhiều, trong đó phải kể đến yếu tố giảm dần sự quan tâm từ thế hệ trẻ. Cải lương đòi hỏi sự đầu tư cao về thời gian, công sức và lòng đam mê. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự thay đổi trong thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả, nhất là khán giả trẻ khiến Cải lương lùi dần khỏi vị trí hàng đầu như thủa trước. Mối quan tâm của giới trẻ đang thiên về những lĩnh vực giải trí hiện đại và thời thượng, khiến cho các chuyên ngành Kịch hát nói chung, Cải lương nói riêng trở thành “âm lịch”, lạc hậu trong con mắt các bạn trẻ. Sự xa rời của thế hệ trẻ đối với nghệ thuật cải lương dẫn đến tình trạng thiếu thốn lớp kế nghiệp, trong khi đây là một trong những nghề “học thì rất dài, làm nghề lại… ngắn ngủi”, không đủ để sống, vì thế, cái khó càng thêm chồng chất.

Đã có rất nhiều các biện pháp được tham mưu cho cấp lãnh đạo, cũng đã có những chính sách ưu đãi cho những ngành nghề cần bảo tồn như các ngành kịch hát dân tộc. Nên chăng, chúng ta cần có những nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu thực tế ở từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn mang tính khả thi chứ không chỉ kêu gọi chung chung. Ví dụ, cần đưa Cải lương vào chương trình ngoại khóa, đưa vào kênh thông tin rộng rãi để các em hiểu, yêu thích thì tương lai mới có nguồn cho đầu vào làm nghệ sĩ, và số đông sẽ yêu từng câu ca vọng cổ, từng làn điệu Cải lương. Hiểu sâu thì mới yêu sâu, có nhận thức mới có sự thấu hiểu. Có cơ chế chính sách cụ thể hơn, những văn bản quy định chặt chẽ hơn để cải thiện mức lương, cải thiện đời sống của anh chị em nghệ sĩ, đó cũng là một sự tuyên truyền cần thiết để tạo động lực cho giới trẻ đến với hình thức nghệ thuật này. Cần rất nhiều những biện pháp cụ thể, khả thi để thay đổi tình trạng thiếu vắng lớp diễn viên, nhạc công kế cận hiện nay.

Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc, giữ gìn những thành quả của các thế hệ đi trước đã tạo dựng, cống hiến.

 

NGUYỄN THỊ THANH TÂM

Ban Văn hóa, Thể thao, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật

                                     

Tham luận tại Hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa nghệ thuật” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tháng 11-2024.

 

 

;