Khi công nghệ là chìa khóa trong điện ảnh

Sự tham gia của công nghệ, đặc biệt những ứng dụng kỹ thuật đã trao cơ hội cho ai nhanh chân làm chủ công nghệ và ứng dụng nó trong công việc, trong sáng tạo. Và thị trường nghệ thuật, trong đó có điện ảnh đang đứng trước cơ hội và cả những thách thức không nhỏ.

Bên cạnh những mặt tích cực từ tháo bỏ rào cản trong tư duy, sáng tạo, cách mở rộng trường đề tài, huy động vốn, đưa công nghệ cài cắm vào trong tình tiết, câu chuyện, nhân vật, bối cảnh… thì thị trường điện ảnh trong bối cảnh kỹ thuật ngày càng can thiệp vào mọi lĩnh vực cũng rất khốc liệt. Đó là sự cạnh tranh của các mạng phát hành phim trực tuyến, phim tại nhà với chi phí rẻ, dung lượng lớn khiến phim chiếu rạp bị cạnh tranh gay gắt về thị phần. Nhiều hãng phát hành lớn như Netflix, Disney, NBCUniversa, WarnerMedia… không chỉ tận dụng công nghệ để lưu trữ, cung cấp cho khán giả hàng trăm đầu phim mà thậm chí còn sản xuất riêng phim để chiếu trên hệ thống. Hàng trăm triệu thành viên đã đăng ký tham gia và sẵn sàng trả phí để được xem phim trên nền tảng trực tuyến của họ. Không chỉ đua nhau trang bị những kho phim lớn (big data) mà việc liên tục hạ giá thành thuê bao cũng khiến thị trường điện ảnh phải chia sẻ thị phần. Trong một tương lai gần, có lẽ chỉ những phim độc, lạ với sự trợ giúp của công nghệ, cảm giác mạnh mới có thể thu hút khán giả đến rạp để tận hưởng những ưu thế mà chỉ các rạp chiếu mới có điều kiện trang bị.

Một nguy cơ khác đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự thay đổi nhanh chóng về ứng dụng, công nghệ cũng đặt mạng lưới phát hành trước tình trạng cạnh tranh gay gắt. Công nghệ chiếu phim 2D, 3D, 4D, 5D, 6D… diễn ra quá nhanh buộc các hệ thống phát hành phải liên tục cập nhật, đổi mới, nâng cấp. Điều đó gây khó cho những nhà phát hành nhỏ, lẻ khi chưa kịp thu hồi vốn đã phải lên kế hoạch trang bị cho một loạt máy chiếu công nghệ mới. Đó cũng là khi cánh tay của các tập đoàn phát hành lớn vừa trường vốn vừa rộng khắp vươn dài thống lĩnh thị trường và áp đặt luật chơi có lợi cho riêng mình. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, nhiều hãng làm phim, phát hành lớn cũng bị thâu tóm, sát nhập để gia tăng thêm sức mạnh, nguồn lực và đặc biệt là chi phí với những ứng dụng công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và ngày càng can thiệp sâu vào mọi quy trình từ lên ý tưởng, sản xuất đến phát hành, quảng bá.

Với số lượng phim nhập áp đảo, không khó để nhận ra Việt Nam là nơi đổ bộ của nhiều bom tấn thế giới với các ứng dụng của công nghệ tiên tiến mang đến nhiều cảm giác mới lạ cho khán giả. Trong bối cảnh công nghệ, kỹ thuật, kỹ xảo can thiệp mạnh mẽ vào đề tài, câu chuyện, nhân vật, bối cảnh… nhiều êkip làm phim Việt Nam cũng mạnh dạn sáng tạo, đầu tư. Có thể kể tới một loạt phim đã tận dụng kỹ thuật, kỹ xảo để tăng thêm hiệu ứng cho phim như Lôi Báo, Tấm Cám: chuyện chưa kể, Người bất tử… Tuy nhiên, kinh phí hạn chế cũng không cho phép các êkip tận dụng được nhiều sức mạnh từ công nghệ cũng như tự bó hẹp, hạn chế chính mình.

Phim Quá nhanh, quá nguy hiểm

 

Không chỉ khó khăn trong việc nắm bắt, tận dụng các ưu thế của kỹ thuật, kỹ xảo vào trong quá trình sản xuất, mạng lưới phát hành Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi hầu hết phim chiếu rạp được làm theo công nghệ mới đòi hỏi các thiết bị truyền dẫn, trình chiếu phải tương thích.

Hàng loạt rạp chiếu với hệ thống máy móc cũ đã không thể đáp ứng các bộ phim mới. Nhiều rạp phải đi thuê máy chiếu với đơn vị cung cấp và chịu tỷ lệ ăn chia cao. Tận dụng số phòng lớn, điểm chiếu nhiều, lợi thế về bản quyền ký với các nhà cung cấp lớn, đã từng có những áp đặt, bất lợi mà các nhà phát hành ngoại áp dụng tại thị trường Việt Nam. Trong tương lai, tình trạng này sẽ còn tái diễn khi khoảng cách về công nghệ, thị trường vốn quá chênh lệch. Vậy giải pháp nào cần đặt ra cho điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

Phim Avatar - dòng chảy của nước

 

Đầu tiên là Luật Điện ảnh cũng như các chính sách về phát triển, bảo hộ nền điện ảnh trong nước đã được bàn bạc, thảo luận và có quy định chặt chẽ trong luật. Một tín hiệu vui là Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được áp dụng từ ngày 1/1/2023 với sự tham khảo thêm các bộ luật điện ảnh từ một số quốc gia mang đến tính thực tiễn hơn. Bên cạnh đó, việc thành lập các quỹ đầu tư, xúc tiến điện ảnh cũng là giải pháp để kích thích, hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật hay thử nghiệm trong nước.

Về mảng phát hành, cần có sự bắt tay, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp phát hành phim nội như Trung tâm chiếu phim quốc gia, BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, Công ty VAA.… để tạo thế và lực. Khi mạng lưới phát hành trong nước đủ mạnh (về địa điểm, thiết bị, phòng chiếu…) sẽ tạo nên thế trận để hệ thống phát hành phim ngoại như CGV, Lote có những điều chỉnh, tỷ lệ ăn chia hợp lý giữa các nhà sản xuất trong nước với mạng phát hành ngoại cũng như các phim ngoại khi phát hành trên hệ thống rạp chiếu trong nước. Năm 2015, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam đã được thành lập, liên kết các nhà quản lý, phát hành phim trong nước (bao gồm phát hành phim Nhà nước và tư nhân). Tuy nhiên, để mạng lưới phát hành phim trong nước đủ mạnh, trở thành một đối trọng cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa hiệp hội, các thành viên, cơ quan quản lý điện ảnh để tạo sự phối hợp, thống nhất. Các nhà phát hành phim nội cũng có thể liên kết với các mạng phát hành ngoại khác để tạo thế chủ động. Chỉ khi nắm bắt, làm chủ được đầu ra thì các hãng sản xuất mới giảm bớt nỗi lo, sự phập phồng khi bao tâm huyết, công sức, sự sáng tạo lại thiếu một đầu ra đảm bảo.

Phim Lôi Báo

 

Việt Nam hiện có hơn 400 hãng phim tư nhân. Một con số không nhỏ nhưng điều mà điện ảnh Việt Nam thiếu nhất hiện nay là nguồn vốn và nguồn nhân lực sáng tạo bị tản mát, thiếu tập trung. Từng có những dự án là cú bắt tay, hợp tác giữa hai, ba hoặc nhiều hơn các đơn vị, nhà sản xuất nhưng chưa nhiều. Với áp lực gia tăng kinh phí sản xuất phim, kinh phí dành cho việc áp dụng, sử dụng công nghệ, việc liên kết đầu tư cần đẩy mạnh để giảm bớt áp lực về nguồn vốn, chia sẻ được rủi ro và có thêm những đóng góp, kinh nghiệm tại các khâu. Thành công của mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong dự án phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng cần nhân rộng để có thêm nhiều dự án phim tận dụng được thế mạnh của các bên. Việc hợp tác, liên kết với các đối tác nước ngoài cũng cần đẩy mạnh để gia tăng mầu sắc cho phim, tăng cơ hội giao lưu, học hỏi và có thêm những đầu mối phát hành tại khu vực và quốc tế.

Phim Thanh Sói - Cúc Dại trong đêm
 

Phim Người bất tử

Sau tất cả, thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ đi được bao xa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngoài sự hỗ trợ về chính sách, tài chính của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ngành còn trông cậy rất nhiều ở ý chí, quyết tâm, niềm đam mê và sự sáng tạo của các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh. Thực tế cho thấy ngay cả ở những nước có sự kiểm soát ngặt nghèo về tư tưởng như Trung Quốc hay Iran thì một số nghệ sĩ vẫn tìm ra được đường đi và có tiếng nói riêng vì niềm đam mê với điện ảnh.

Chính các nghệ sĩ, bằng tư duy đổi mới, bằng niềm đam mê khôn cùng với nghệ thuật điện ảnh sẽ chắp cánh cho những sáng tạo, những khao khát chiếm lĩnh và chinh phục các đỉnh cao mới của nghệ thuật thứ bảy. Họ cũng chính là người tham gia vận hành và quyết định nhiều đến sự thành bại của điện ảnh dân tộc.

 

BÌNH NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023

 

;