Khai thác các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch đêm ở Việt Nam hiện nay

Phát triển du lịch đêm là xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm và đã có những nước thành công trong việc phát triển du lịch đêm. Du lịch Việt Nam sau một thời gian tăng trưởng mạnh, thu hút được số lượt du khách lớn cả trong và ngoài nước, thì vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu, tăng nguồn thu từ ngành Du lịch. Do đó, phát triển du lịch đêm là hướng đi có thể đáp ứng được yêu cầu này và trên cơ sở nhận thức được rõ vai trò của du lịch đêm, một số địa phương đã chú ý khai thác các di tích lịch sử - văn hóa thành sản phẩm du lịch đêm, song vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần có những định hướng và giải pháp đồng bộ, thiết thực và có hiệu quả để phát huy được các di tích này vào thúc đẩy phát triển du lịch đêm, từ đó tạo ra sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói ở Việt Nam.

1. Lợi ích của việc phát triển du lịch đêm và tiềm năng khai thác các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch đêm ở Việt Nam

Ngày 27-7-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Để triển khai quyết định của Chính phủ, ngày 14-7-2023, Bộ VHTTDL đã có Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành “Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”.

Nhận thức vai trò to lớn của du lịch đêm, trong “Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, Bộ VHTTDL đã khẳng định: “Phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Lợi ích của du lịch đêm có thể kể đến:

Tăng mức chi tiêu của du khách: Mặc dù số lượng du khách đến Việt Nam tăng qua các năm, nhưng chi tiêu của du khách đến Việt Nam còn thấp so với mức chi tiêu của du khách ở các quốc gia khác. Chẳng hạn, năm 2019 được xem là năm “đỉnh cao” của du lịch Việt Nam khi nước ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế, với thời gian lưu trú trung bình khoảng 9,1-9,2 ngày, mức chi tiêu của du khách ước 1.200 USD/người. Cùng năm 2019, Thái Lan đón 40 triệu lượt khách quốc tế, thời gian lưu trú trung bình tương đương với Việt Nam, nhưng mức chi tiêu của du khách cao gấp đôi (khoảng 2.400-2.500 USD) (1). Chi tiêu của du khách đến Việt Nam thấp và chủ yếu dành cho các dịch vụ thuê phòng, ăn uống, còn chi tiêu cho tham quan, vui chơi, giải trí và mua sắm rất thấp. Khảo sát của Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) chỉ ra, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 chủ yếu là dành cho thuê phòng, ăn uống (chiếm 56-60%). Mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, vui chơi, giải trí chiếm 20%, còn lại là chi phí khác. Đặc biệt, mức chi của du khách dành cho hoạt động tham quan kèm vui chơi thường chỉ chiếm 7-10% tổng chi phí của chuyến đi. Trong khi đó tại Malaysia, Thái Lan, con số này là 40-50%, thậm chí 70% (2). Muốn tăng chi tiêu của du khách, cần phải tăng sức hút từ các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí. Vì mức chi trả dịch vụ chỗ ở gần như khó thay đổi do khi số lượng ngày lưu trú của du khách không thay đổi. Một số du khách đến Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn họ muốn tranh thủ tối đa thời gian để khám phá, tìm hiểu những danh lam thắng cảnh hay những đặc sắc về văn hóa của một vùng đất, thì bên cạnh việc tham quan ban ngày, họ còn có nhu cầu tiếp tục các hành trình khám phá vào ban đêm. Bên cạnh đó, còn có du khách là những cán bộ, doanh nhân, nhà khoa học… trong các chuyến đi công tác, làm việc với các địa phương, muốn tranh thủ thời gian rảnh sau các ngày làm việc để đi tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hóa bản địa. Họ không có thời gian ban ngày mà chỉ có thể tranh thủ tham quan vào ban đêm. Như thế, các hoạt động du lịch đêm không chỉ góp phần thỏa mãn nhu cầu của du khách mà còn tăng mức chi tiêu của khách du lịch trong các hoạt động tham quan, vui chơi giải trí, mua sắm và ăn uống. Vấn đề ở đây là thời gian lưu trú của du khách không thay đổi, nhưng thời gian hoạt động của du khách được mở rộng lên gấp đôi.

Tăng thời gian lưu trú của du khách: Phát triển du lịch đêm chính là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Để phát triển du lịch đêm, các công ty du lịch, điểm đến cần phải suy nghĩ thêm hoạt động để du khách có thể tham gia. Việc phát triển du lịch đêm khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam hiện nay là “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi”. Với nhiều hoạt động để du khách có thể khám phá sâu hơn về điểm đến, thời gian lưu trú của du khách sẽ tăng lên. Thời gian du khách lưu trú ở Việt Nam còn thấp hơn so với các nước khác. Theo thống kê, thời gian lưu trú của du khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ đạt 8,1 ngày (thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng của Thái Lan là 9 ngày) (3). Do đó, phát triển du lịch đêm là giải pháp để khắc phục những hạn chế này. Đồng thời, xu hướng hiện nay của khách du lịch đang có chiều hướng giảm về tần suất đi du lịch, nhưng lại gia tăng thời gian tham gia trong một chương trình du lịch. Vì thế, ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch cho khách tham quan, trải nghiệm ban ngày, thì mỗi địa phương cũng cần phát triển thêm các sản phẩm, các hoạt động về đêm. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú và đáp ứng nhu cầu của du khách hiện nay. Bộ VHTTDL ban hành “Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” cũng là hướng đến kéo dài thời gian lưu trú (tăng thêm ít nhất một đêm) của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam: Để phát triển du lịch đêm thì các công ty du lịch, nhà quản lý phải chú ý khai thác chiều sâu, những điểm đặc sắc về văn hóa của nơi đến. Mỗi điểm đến cần chú ý tạo ra những sản phẩm, mặt hàng đặc trưng, những món ăn đặc sắc của địa phương. Chính các sản phẩm, các hoạt động văn hóa có tính chất đặc trưng này sẽ góp phần tạo nên sự hấp dẫn riêng có của điểm du lịch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút du khách quay lại. Theo kết quả khảo sát khách du lịch ở Thái Lan 50% du khách muốn quay lại điểm đến, trong khi ở Việt Nam chỉ có 20% du khách trả lời sẽ quay lại điểm đến. Có thể có nhiều lý do, nhưng một trong những lý do phổ biến mà du khách ít quay lại là do sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, các dịch vụ, vui chơi giải trí vào khoảng thời gian từ đêm tới sáng còn thiếu vắng (4).

Để phát triển du lịch đêm, “Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ VHTTDL đã đưa ra 5 mô hình gồm: hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Trong mô hình du lịch tham quan đêm, theo chúng tôi di tích lịch sử - văn hóa, với những đặc trưng về giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cần được chú trọng khai thác thành những điểm tham quan trọng tâm. Chẳng hạn, khi đưa các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch đêm có thể tích hợp với các mô hình du lịch đêm khác như biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống tại di tích, các hoạt động “trình nghề” biểu diễn các kỹ năng tạo tác sản phẩm, kết hợp với hoạt động kinh doanh mua sắm sản phẩm, sản vật…

Việt Nam là nước có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch đêm bởi số lượng các di tích lịch sử - văn hóa ở Việt Nam vừa phong phú, vừa đa dạng. Nước ta có gần 40 ngàn di tích đã đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có 10 ngàn di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.061 di tích cấp quốc gia (123 di tích cấp quốc gia đặc biệt), 8 di tích được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (5). Hệ thống di tích của Việt Nam có giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử là tài nguyên vô giá, tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách. Nhiều di tích nằm ngay tại các trung tâm lớn của thành phố, nơi đông dân cư, ví dụ như đình, chùa, cơ sở thờ tự… Như vậy, các di tích này đã có hệ thống cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển du lịch đêm như giao thông thuận tiện, có nhiều dịch vụ hàng quán, lưu trú xung quanh. Tiềm năng phát triển du lịch đêm còn thể hiện qua những danh hiệu mà tổ chức du dịch quốc tế đã vinh danh, như: điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á năm 2019, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á năm 2019, điểm đến di sản hàng đầu thế giới do World Travel Awards trao tặng. Thời tiết ban đêm ở Việt Nam cũng rất phù hợp cho việc phát triển du lịch đêm.

Nhận thức được vai trò to lớn của di tích lịch sử - văn hóa, nhiều địa phương trên cả nước đã khai thác để xây dựng thành những sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn. Chẳng hạn, từ tháng 12-2020, khu Du lịch văn hóa tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình), bắt đầu khai thác phục vụ khách hành hương các dịch vụ đêm như: hoạt động thiền trầm - ngồi thiền với trầm hương, thiền hành - đi bộ xung quanh khu vực tượng La Hán kết hợp với kiểm soát hơi thở, thiền hoa đăng, tập yoga ở khu vực Chuông gió… Tại Quảng Trị, di tích Thành cổ Quảng Trị, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có chương trình tham quan di tích vào ban đêm. Ở Hà Nội, di tích Nhà tù Hỏa Lò đưa vào hoạt động hành trình trải nghiệm về đêm hấp dẫn với nhiều hoạt cảnh, tái hiện chân thực cuộc sống khắc nghiệt trong nhà tù. Di tích Hoàng thành Thăng Long cũng có tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và rất nhiều di tích khác đang hướng đến việc mở cửa vào ban đêm cùng những hoạt động văn hóa, hoạt động trải nghiệm hấp dẫn. Ở Phú Thọ, tại di tích Đền Hùng có tour đêm “Trở về nguồn cội”. Ở TP.HCM, khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi phối hợp với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xây dựng kịch bản chương trình phục vụ du khách ban đêm tại khu tái hiện vùng giải phóng với chủ đề “Trăng chiến khu”, tour đêm “Đêm huyền bí thành phố Hồ Chí Minh” đưa du khách trải nghiệm đường địa đạo dưới Dinh Độc Lập, Bảo tàng Mỹ thuật, di tích Nhà giam Chợ Quán. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đầu, các tour này không thường xuyên, chỉ tập trung vào thứ bảy, chủ nhật, các hoạt động tại di tích về đêm chưa đa dạng. Sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào mua sắm, giải trí, làm đẹp… chưa chú ý nhiều đến khai thác các di tích lịch sử - văn hóa. Các hoạt động về đêm mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ và chưa tạo được nhiều dấu ấn.

2. Một số định hướng để khai thác các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch đêm ở Việt Nam

Để khai thác giá trị di tích lịch sử - văn hóa, đưa di tích trở thành điểm tham quan hấp dẫn trong các hoạt động du lịch đêm, cần chú ý một số định hướng:

Thứ nhất, cần chuẩn bị đủ nguồn nhân lực cho du lịch về đêm. Các sản phẩm du lịch về đêm rất đa dạng, vì vậy nguồn nhân lực cho du lịch đêm cũng cần có sự tham gia của nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ là những người làm văn hóa, nghệ thuật mà cả những người hoạt động trong các dịch vụ về ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp… Nguồn nhân lực này cần được đảm bảo đáp ứng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn. Khi khai thác các di tích lịch sử văn hóa vào phát triển du lịch đêm, đồng thời phải mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động văn hóa tại di tích. Điều này đòi hỏi phải gia tăng số lượng người tham gia, từ thuyết minh viên đến những người quản lý, người làm nghệ thuật, người tổ chức sự kiện… Tuy nhiên, hiện nay những người làm việc trong các di tích lịch sử - văn hóa phần lớn theo biên chế cứng, được tuyển dụng và làm việc theo chế độ hành chính của nhà nước. Do vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sớm ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để vừa phát huy được nguồn nhân lực tại chỗ, vừa huy động được các nguồn nhân lực khác cùng tham gia các hoạt động văn hóa, phát triển dịch vụ đêm, đáp ứng yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Thứ hai, có những chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, các công ty du lịch xây dựng các tour du lịch về đêm gắn với các di tích lịch sử - văn hóa. Trong phát triển du lịch, các công ty du lịch đóng vai trò nòng cốt, quan trọng. Họ là những người có tính chuyên nghiệp, là người trực tiếp tổ chức cho du khách đến các điểm tham quan du lịch và quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch tới du khách. Họ là người nắm rõ nhất nhu cầu của du khách cũng như những phản hồi của du khách về các hoạt động du lịch. Để khai thác các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch cần có những chính sách khuyến khích để họ tích cực tham gia xây dựng các tour về đêm gắn với các điểm di tích này. Khi xây dựng các tour đêm, các công ty cần phải kết hợp giữa việc tham quan di tích lịch sử - văn hóa với việc mua sắm, vui chơi, giải trí hoặc thưởng thức ẩm thực về đêm của du khách. Vì vậy, các cơ quan chức năng trên cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đăng ký hoạt động về đêm, có thể kết nối với các công ty du lịch để xây dựng các tour du dịch đêm, kết hợp giữa đưa đến điểm tham quan với các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, trong đó có sự chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên. Nhà nước có thể khuyến khích bằng các ưu đãi về thuế. Với các công ty lớn có nhu cầu về không gian diện tích đất lớn để xây dựng các trung tâm vui chơi, giải trí hoặc biểu diễn nghệ thuật phục vụ cho du lịch đêm, các cơ quan nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để triển khai và có những ưu đãi nếu các công ty đó kết hợp với các công ty du lịch để xây dựng các tour đêm. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch đêm cũng như du khách tham gia du lịch đêm như miễn lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh tại địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm; miễn phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường tại địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm; giảm mức phí tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa nằm trong địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm; giảm phí thẩm định chương trình nghệ thuật biểu diễn tại địa bàn thí điểm phát triển du lịch đêm…

Thứ ba, chính các cấp ở địa phương cần có kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch đêm gắn với các di tích lịch sử - văn hóa. Các khu đô thị, vùng đông dân cư và những địa bàn có hạ tầng phát triển, có các trung tâm mua sắm, vui chơi, giải trí vốn được xem là phù hợp để phát triển du lịch đêm. Tuy vậy, khi quy hoạch cần xác định được những khu vực trung tâm có khả năng liên kết với các khu vực còn lại để ưu tiên quy hoạch, phát triển trước, tránh kiểu làm tùy tiện, tràn lan. Đồng thời, việc xác định các di tích lịch sử - văn hóa nào đưa vào xây dựng các tour du lịch đêm cũng phải có trọng tâm, trọng điểm. Để phát triển du lịch đêm cần có quy hoạch, thậm chí là chiến lược cụ thể, có như vậy mới có thể khai thác được các đặc trưng văn hóa của vùng miền.

Thứ tư, các cơ quan chức năng cần tăng cường và đổi mới mô hình quản lý vừa đảm bảo an toàn, an ninh, vừa tạo điều kiện thuận tiện cho du khách tham quan du lịch đêm. Việc phát triển du lịch đêm có thể gia tăng nguy cơ về tệ nạn xã hội, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp an ninh và trật tự để đảm bảo an toàn cho du khách và cộng đồng địa phương. Mặt khác, phát triển du lịch đêm có thể dẫn tới ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của những người dân sở tại, những vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất thải... cũng cần có những quy định, tiêu chuẩn cụ thể. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhằm kiểm tra, giám sát tốt hơn các hoạt động du lịch đêm, từ các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ cho đến các hoạt động, phản hồi của du khách. Những quy định về mô hình quản lý, giờ làm việc giữa khung giờ hành chính với du lịch đêm cũng cần được chú ý, thay đổi cho phù hợp.

Tóm lại, di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá có thể khai thác thành các sản phẩm du lịch đặc thù trong phát triển du lịch đêm. Tuy nhiên, việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa vào phát triển du lịch đêm ở nước ta hiện nay còn khá sơ khai, chưa đồng bộ. Để có được những thay đổi có tính chất đột phá, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và năng lực quản lý, tổ chức của các cơ quan nhà nước, sự tham gia tích cực của các công ty du lịch, cộng đồng dân cư tại chỗ (địa phương có di tích lịch sử - văn hóa), các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch đêm, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của ngành Văn hóa, trên cơ sở sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan.                                                               

___________________

1. Thanh Hoa, Du khách tiêu 70% tiền vào ban đêm, nhưng du lịch Việt còn nhiều “khoảng trống”, vnbusiness.vn, 31-7-2023.

2. Việt Nam lập kế hoạch phát triển du lịch đêm tại 12 tỉnh thành, vnexpress.net, 19-7-2023.

3. mof.gov.vn.

4. Phát triển kinh tế ban đêm - Bài 4: Cơ hội lớn dành cho ngành Du lịch, baodautu.vn, 11-10-2020.

5. Kỷ yếu Hội thảo văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, quyển 2, Bắc Ninh, 2022, tr.15.

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Nhật Quỳnh, Thân Trọng Thụy, Đánh giá sự phát triển của các sản phẩm du lịch đêm tại thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, số 5, 2017.

2. Phạm Thị Kiều Trân, Các điều kiện phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Tạp chí khoa học Trường Đại học Trà Vinh, số 46, 2022.

TS NGUYỄN TIẾN THƯ - HÀ THỊ THÙY DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;