Một nền giáo dục phát triển cần có định hướng phát triển đúng đắn; định hướng đó có hạt nhân cốt lõi là triết lý đào tạo (TLĐT). Mỗi một cơ sở đào tạo bậc đại học cũng cần có những TLĐT phù hợp phản ánh mục đích, yêu cầu, phương châm hành động của cơ sở đào tạo đó. Thời gian vừa qua, nhiều TLĐT của các cơ sở giáo dục đại học mang tính “triết lý tư tưởng” và “triết lý hành động” đã và đang được triển khai. Triết lý “Thay đổi tư duy - Khơi nguồn sáng tạo” là một TLĐT đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực đào tạo nhân lực Du lịch bậc đại học trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Nó phù hợp với thông điệp của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) “Rethinking tourism” (tư duy lại về du lịch) sau đại dịch COVID-19.
1. Triết lý đào tạo là gì?
Với bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội muốn phát triển đều phải được định hướng phát triển đúng đắn. Định hướng chiến lược phát triển có hạt nhân là những tư tưởng chủ đạo chi phối mọi hoạt động có liên quan, đó chính là triết lý sống, triết lý hành động của các cá nhân và tổ chức. Trong giáo dục đào tạo, những tư tưởng cốt lõi định hướng, chi phối hoạt động giáo dục đào tạo chính là TLĐT. TLĐT được con người tổng kết và rút ra từ thực tiễn hoạt động giáo dục; những tư tưởng chủ đạo như là những nguyên tắc về đạo lý và phương pháp quản lý để dẫn dắt hoạt động đào tạo. Nó bắt nguồn và hình thành từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, những diễn biến trong hoạt động giáo dục đào tạo và xu thế phát triển của xã hội. TLĐT thường thể hiện các quan điểm hành động, liên quan đến các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý, các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước, từ đó chi phối hoạt động giảng dạy, đào tạo ở các cơ sở đào tạo.
TLĐT chính là những giá trị cốt lõi được xâu chuỗi, kết nối và đúc rút từ thực tế đào tạo tương ứng với các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội trong những không gian và thời gian nhất định. TLĐT là những luận điểm căn cốt về đào tạo; là sự cụ thể hóa phương châm đào tạo, là mục tiêu chính cần phải đạt được trong quá trình đào tạo. TLĐT thường thể hiện các quan điểm hành động, liên quan đến các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý, các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước rồi từ đó chi phối hoạt động giảng dạy, đào tạo ở các cơ sở đào tạo. Tóm lại, TLĐT là sự định hướng căn bản nhất mang tính hệ thống, xâu chuỗi và kết nối tiến trình đào tạo để đạt được mục đích đào tạo, tạo ra những giá trị cốt lõi của cơ sở đào tạo.
Từ thực tiễn hoạt động đào tạo, bằng nhận thức của mình, chúng tôi đưa ra khái niệm TLĐT: “TLĐT là tư tưởng mang tính triết học về giáo dục đào tạo, phản ánh thực tiễn, yêu cầu và định hướng phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước. Nó được hình thành thông qua sự trải nghiệm thực tiễn, suy ngẫm, đúc rút, khái quát hóa những nội dung có liên quan trong quá trình điều tiết sự vận hành bộ máy đào tạo của các chủ thể quản lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học cũng như dư luận xã hội; để rồi trở lại định hướng, điều tiết hoạt động giáo dục đào tạo trong những không gian và thời gian nhất định” (1). TLĐT bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, từ yêu cầu của cuộc sống. Đối với hệ thống giáo dục, liên quan đến các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo, TLĐT phải được coi là tư tưởng chủ đạo của những nguyên tắc về đạo lý và phương pháp quản lý để dẫn dắt hành vi của các cá nhân và tổ chức trong quá trình đào tạo. Đối với mỗi cơ sở đào tạo, TLĐT thể hiện định hướng phát triển, quan điểm hành động để đạt được mục tiêu của mình. Nó bắt nguồn từ quá trình đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ và sản xuất - kinh doanh…
2. Những TLĐT bậc đại học ở Việt Nam hiện nay
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay đang đặt ra cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục đại học nói riêng cần có những thay đổi to lớn, toàn diện, triệt để… trên mọi phương diện. Đào tạo đại học là bậc đào tạo căn bản, cốt lõi trong nền giáo dục - đào tạo của đất nước. Là cửa ngõ của sự chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, bậc đào tạo này cần được quan tâm nghiên cứu để có định hướng phát triển đúng, trước hết phải bắt đầu từ xây dựng TLĐT. Trong thời gian vừa qua ở các cơ sở giáo dục đại học đã hình thành một số TLĐT chi phối đến đào tạo nhân lực bậc đại học nói chung, nhân lực du lịch nói riêng:
Những “triết lý tư tưởng” mang tính định hướng, phương châm
Trong nền giáo dục cách mạng Việt Nam, chúng ta luôn nhắc đến câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì hạnh phúc mười năm thì phải trồng cây - Vì hạnh phúc trăm năm thì phải trồng người”. Nội dung câu nói của Bác thể hiện mục tiêu chiến lược của giáo dục và đào tạo đất nước. Đây có thể coi là TLĐT sớm nhất và xuyên suốt của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Trên nền tảng tư tưởng đó, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách để phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 4-11-2013 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (2). Nghị quyết cũng khẳng định: đây không chỉ là quốc sách hàng đầu, là “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước tiến lên phía trước mà còn là “mệnh lệnh” của cuộc sống.
Năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong vai trò phụ trách khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo, đã phát biểu trước Quốc hội để chia sẻ ý kiến của ông về vấn đề giáo dục: “Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế” (3). Phó Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam cũng thực hiện đầy đủ 5 trụ cột giáo dục của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) bao gồm: học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình, học để thay đổi bản thân và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn. Bao trùm lên trên hết là mục tiêu cần đạt được của nền giáo dục Việt Nam là “phấn đấu cho một nền giáo dục trí tuệ và nhân văn của đất nước”. Từ mục tiêu, định hướng lớn này, các cơ sở giáo dục - đào tạo khác nhau trên cả nước có những định hướng cụ thể cho quá trình đào tạo của mình.
Thời gian vừa qua, ở nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xuất hiện những phương châm, TLĐT áp dụng trong cơ sở đào tạo của mình. Những triết lý giáo dục theo hướng tư tưởng đem đến những giá trị nhân văn trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập. Linh hồn của các triết lý tư tưởng này luôn lấy con người làm trung tâm; việc đào tạo hướng tới tạo ra những con người mới đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập sâu rộng của thế giới, những “chiến binh” của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Là một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hiện cũng xác định TLĐT là “Giáo dục toàn diện - Nâng tầm sáng tạo”. Triết lý này phản ánh yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo của nhà trường nhằm cung cấp cho người học những hiểu biết toàn diện, đầy đủ không chỉ những hiểu biết về kiến thức chuyên môn mà còn hiểu biết toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không dừng lại ở đó, mục tiêu “nâng tầm sáng tạo” là một kỳ vọng lớn của nhà trường đặt ra đối với đội ngũ cán bộ giáo viên và sinh viên để làm theo lời Bác Hồ căn dặn: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Những TLĐT theo hướng “triết lý tư tưởng” như: xây dựng “Một nền giáo dục khai phóng (liberal education)” hay TLĐT nhấn mạnh yếu tố “nhân bản, sáng tạo, hội nhập” của Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE) chứa đựng những tư tưởng mới về một nền giáo dục mở, tạo điều kiện tự do sáng tạo cho người dạy và người học.
GS, TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: TLĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội là “đào tạo nhân tài, đào tạo tinh hoa”. Việc đào tạo chất lượng cao như vậy đã và đang góp phần đáp ứng yêu cầu cao những thay đổi của thế giới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với tình hình và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nghị quyết số 04-NQ/ĐU của Đảng ủy Trường Đại học KHXHNV, Đại học Quốc gia TP.HCM ngày 4-12-2015 đã xác định triết lý giáo dục của Trường, là: “Giáo dục toàn diện - Khai phóng - Đa văn hóa” (Whole Person - Liberal - Multi Cultural Education). Các hoạt động đào tạo của nhà trường đều hướng tới mục tiêu như vậy.
Những “triết lý hành động” triển khai trong hoạt động đào tạo
Bên cạnh những phương châm, TLĐT theo xu hướng “triết lý tư tưởng” như đã trình bày ở trên là những phương châm, TLĐT của nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo theo xu hướng “triết lý hành động”. Đó là các TLĐT để người học đạt được chuẩn “thái độ - kiến thức - kỹ năng” (attitude - knowledge - skill) đúng mức trong các cơ sở đào tạo.
Là một trong những cơ sở giáo dục - đào tạo trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra những “Giá trị cốt lõi” mang tư cách là TLĐT của nhà trường, bao gồm 5 khía cạnh: chất lượng - hiệu quả; tận tụy - cống hiến; chính trực - tôn trọng; tài năng cá nhân - trí tuệ tập thể; kế thừa - sáng tạo. 5 giá trị cốt lõi này chính là những TLĐT nhằm hướng tới những hành động cụ thể mà Đại học Bách khoa Hà Nội hướng tới.
Trong khi đó, Đại học Ngoại thương Hà Nội cũng đưa ra 5 giá trị cốt lõi của mình là: “Chất lượng - Hiệu quả - Uy tín - Chuyên nghiệp - Hiện đại”. Cả 5 giá trị cốt lõi của hai cơ sở đại học nổi tiếng này đều đã trở thành những TLĐT; góp phần tạo nên chất lượng và hiệu quả đào tạo đối với xã hội.
Cũng với triết lý hành động, Trường Đại học FPT lại đưa ra triết lý giáo dục là “Giáo dục đào tạo là tổ chức và quản trị việc tự học của người học”. Đây thực chất là nhiệm vụ của quá trình tổ chức đào tạo; từ triết lý theo hướng phương châm, định hướng hành động này, Trường đã tổ chức để sinh viên phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo trong việc tự học đồng thời gắn chặt việc đào tạo với các doanh nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, triển khai các tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại vào quá trình đào tạo nhân lực…
3. Xây dựng TLĐT nhân lực du lịch bậc đại học ở Việt Nam hiện nay
Đào tạo đại học là cấp đào tạo tiệm cận với đời sống kinh tế, xã hội; đào tạo ra những người làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp; trực tiếp tạo ra các của cải vật chất cho xã hội. Đào tạo đại học không chỉ đào tạo ra “thợ” mà cả đào tạo ra những người “thày” có khả năng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; lãnh đạo, điều phối hoạt động những nhóm, cộng đồng nhất định trong những không gian và thời gian xác định. Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam cần có được nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó nguồn nhân lực được đào tạo ở bậc đại học có vai trò đặc biệt quan trọng. Muốn có được nguồn nhân lực du lịch bậc đại học đáp ứng yêu cầu, cần xây dựng TLĐT phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Cái đích của sự nghiệp đào tạo đại học ở Việt Nam là đào tạo ra đội ngũ nhân lực trình độ đại học có tư duy mới, có óc sáng tạo và năng lực hành động tương ứng với những ngành nghề cụ thể. Nhìn từ góc độ đổi mới, đáp ứng yêu cầu của quá trình đào tạo đại học trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, theo chúng tôi TLĐT đại học nói chung, đào tạo đại học du lịch nói riêng hiện nay cần triển khai TLĐT vừa mang tính tư tưởng vừa mang tính hành động. Từ đó, chúng tôi đưa ra TLĐT đại học nói chung, đào tạo nhân lực du lịch bậc đại học nói riêng hiện nay, là “Thay đổi tư duy - Khơi nguồn sáng tạo”.
Triết lý này áp dụng cho cả người dạy, người học và người đảm bảo, phục vụ giáo dục đào tạo trong những không gian và thời gian tương ứng. Triết lý này biểu đạt những mong muốn, yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo đại học phải trở thành nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Thực hiện thành công triết lý này, người được đào tạo sẽ trở thành một mẫu hình hành động đạt chuẩn nghề nghiệp thay vì một “cái kho” chứa kiến thức thuần túy. Trong Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, khoa học công nghệ hiện đại phát triển như vũ bão, tri thức xã hội và tri thức của mỗi cá nhân cũng thay đổi không ngừng. Muốn tiếp thu cái mới cần thay đổi tư duy cũ, đi cùng với đó là phát triển năng lực sáng tạo; không tiếp thu bị động, dập khuôn máy móc. Biến thành quả của loài người thành trí tuệ của mỗi người để tiếp tục phát triển sáng tạo trở thành tài sản của đất nước. Người được đào tạo phải là người được tích hợp hệ thống tri thức của nhân loại, phát triển thành những kỹ năng nghề nghiệp mới, nâng cao năng lực sáng tạo, nâng tầm cho tri thức và kỹ năng lên một tầm cao mới bằng chính sự tích hợp thành quả của quá khứ và năng lực sáng tạo đương đại để đáp ứng các yêu cầu của tương lai.
4. Những giải pháp căn bản để thực hiện TLĐT đại học hiện nay
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…” (4). Đảng cũng luôn xác định đây là quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong TK XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”.
Sau đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, du lịch thế giới đang từng bước phục hồi và phát triển, Tổ chức Du lịch thế giới đã đưa ra thông điệp: “Rethinking tourism”. Đây là yêu cầu cần thiết mang tính cấp bách hiện nay đối với du lịch toàn thế giới. Cần tư duy lại về quan điểm, định hướng phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức quản lý vận hành kinh tế du lịch… Trong rất nhiều nội dung cần tư duy lại về du lịch, chúng tôi cho rằng những người làm việc trong lĩnh vực du lịch dịch vụ cần thay đổi quan điểm xác định vai trò của mình - người phục vụ trong các dịch vụ du lịch: chuyển từ “người làm dâu trăm họ” sang thành “Người bạn bốn phương”. Quan điểm này không chỉ là sự thay đổi lớn về tư duy mà sẽ trở thành một cuộc cách mạng trong hành động của mỗi cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ ở Việt Nam hiện nay. Do đó, việc triển khai TLĐT: “Thay đổi tư duy - Khơi nguồn sáng tạo” sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản trong tư duy và hành động của cả người dạy, người học và những người đảm bảo phục vụ quá trình đào tạo. Để thực hiện được triết lý này, cần đổi mới căn bản phương cách đào tạo đại học, thay đổi nội dung và phương pháp đào tạo. Chuyển hướng mô hình đào tạo, từ mô hình truyền thống: “Chuyển giao tri thức” cho người học, sang mô hình mới: “Phát triển năng lực sáng tạo” của người học.
Sơ đồ nội dung triển khai TLĐT đại học
Trong quá trình đào tạo đại học nói chung, đào tạo nhân lực du lịch bậc đại học nói riêng, các nội dung truyền tải của giáo viên phải được phát triển từ thấp đến cao qua 3 giai đoạn: Chuyển tải kiến thức - Phát triển kỹ năng - Định hướng và phát triển năng lực sáng tạo người học. Tư duy sáng tạo là tài sản vô giá của mỗi chúng ta, không thể đo đếm được, cần được phát triển sáng tạo không ngừng. Do vậy đào tạo đại học phải kết hợp cả hai quá trình “chuyển giao tri thức” và “phát triển năng lực sáng tạo”, trong đó “phát triển năng lực sáng tạo” giữ vai trò quyết định. Điều đó đúng với các cơ sở đào tạo đại học nhân lực du lịch là các cơ sở thuộc loại hình đào tạo nghiên cứu ứng dụng.
Năng lực là phẩm chất, trình độ, khả năng của mỗi người để có thể giải quyết được những yêu cầu đặt ra từ cuộc sống. Để định hướng và phát triển năng lực sáng tạo người học, người thày cần phải tạo ra môi trường tự do sáng tạo cho trò. Thay vì ấn định những “khuôn vàng thước ngọc”, giáo viên sẽ cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin, trao cho người học những dữ liệu căn bản, khuyến khích, gợi mở sự sáng tạo; đặt ra yêu cầu đổi mới sáng tạo đối với người học; đánh giá nhận xét một cách khách quan, chỉ ra cái được và chưa được của người học; khen ngợi/ khen thưởng và tiếp tục yêu cầu phát triển sáng tạo tiếp đối với người học vươn lên những đỉnh cao/ tầm cao mới. Các thày cô giáo luôn phải phấn đấu làm sao nâng cao chất lượng đào tạo để “thu hút sự chú ý của người học”: hướng về - theo dõi - học tập tạo ra sự hội tụ. Đồng thời, người dạy phải đổi mới, làm thế nào để tạo ra sự lan tỏa trong quá trình “truyền cảm hứng sáng tạo cho người học”. Khi đó, quá trình đào tạo đại học sẽ chính là kết quả của quá trình hội tụ và lan tỏa của tri thức, học vấn và kỹ năng chuyên môn.
5. Kết luận
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, giáo dục đào tạo nói chung, đào tạo đại học (trong đó có đào tạo nhân lực du lịch) nói riêng có ý nghĩa quyết định thành công sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phát triển của du lịch Việt Nam phụ thuộc vào yếu tố quyết định là chất lượng nguồn nhân lực. Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào kết quả của quá trình đào tạo. Xây dựng và phát triển nền giáo dục khai phóng của đất nước bắt đầu bằng những thay đổi trong tư duy để xây dựng các phương châm, TLĐT. Triển khai TLĐT: “Thay đổi tư duy - Khơi nguồn sáng tạo” vào thực tế đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, chuyển đổi từ quá trình “chuyển giao tri thức” sang quá trình “phát triển năng lực sáng tạo” của cả người dạy và người học thực sự là giải pháp mang tính quyết định để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đại học, nhằm phát triển nguồn nhân lực (trong đó có nhân lực du lịch) Việt Nam có chất lượng cao đáp ứng những yêu cầu trong thời kỳ hiện nay.
Cùng với việc thay đổi TLĐT là việc phải triển khai các giải pháp cụ thể làm thay đổi căn bản phương pháp, cách thức giảng dạy, đào tạo của đội ngũ cán bộ giáo viên. Cần có những tiêu chí cụ thể đối với việc triển khai giảng dạy các môn học trong các chương trình đào tạo về thời lượng lý thuyết và thực hành; xây dựng tiêu chí, yêu cầu về trang thiết bị, phương tiện phục vụ đào tạo; các chỉ số cần đạt được về phía giảng viên và về phía sinh viên sau quá trình giảng dạy - học tập… Lấy thực tiễn để đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo và để điều chỉnh mọi hoạt động giảng dạy, học tập và phục vụ giảng dạy học tập.
Chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng rằng giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo đại học ở Việt Nam nói riêng sẽ có những chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ trên nền tảng của một nền giáo dục khai phóng. TLĐT: “Thay đổi tư duy - Khơi nguồn sáng tạo” đáp ứng các yêu cầu hội nhập của quá trình CNH-HĐH đất nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay. Điều đó tương xứng với tiềm năng, vị thế và kỳ vọng của dân tộc trên con đường hội nhập.
_________________
1. Dương Văn Sáu, Xây dựng triết lý đào tạo đại học, góp phần thay đổi căn bản giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu hội thảo quốc gia về Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng, do Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam tổ chức tại TP. HCM, Nxb Đà Nẵng, 2018, tr.15.
2. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, 4-11-2013.
3. Minh Thúy, Việt Nam có triết lý giáo dục chỉ không có trích dẫn kinh điển, vneconomy.vn, 16-11-2016.
4. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, 26-2-2021.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ban hành ngày 16-1-2017.
2. Dương Văn Sáu, Triết lý đào tạo đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, số 27, 2019, tr.72-81.
3. Dương Văn Sáu, Giáo trình Văn hóa du lịch (tái bản lần 1 có sửa chữa bổ sung), Nxb Lao động, Hà Nội, 2019.
4. vnu.edu.vn.
5. hcmussh.edu.vn.
6. hust.edu.vn.
7. huc.edu.vn.
8. ftu.edu.vn.
9. daihoc.fpt.edu.vn.
PGS, TS DƯƠNG VĂN SÁU
Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023