Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững.

Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong nội dung phát triển nguồn nhân lực du lịch đã nêu rõ: Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch. Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch.

 Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay ở Việt Nam, thì tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm khoảng 43% tổng số lao động du lịch. Số lao động chưa tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 30% trong tổng số lao động, và hơn ½ lao động làm việc trong hoạt động du lịch không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động Du lịch ở Việt Nam bằng 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, 1/5 Malaysia, 2/5 Thái Lan (1).

Vấn đề phát triển nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch Việt Nam một cách bền vững. Trong khuôn khổ diễn đàn ATF, so với các nước trong khu vực, thì chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó, theo ý kiến chung của nhiều chuyên gia là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp. Để tạo ra sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao thì chất lượng của nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng. Chỉ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực được quan tâm đúng mức và hợp lý mới duy trì được thương hiệu và chất lượng phục vụ trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh thỏa thuận MRA-TP cho phép dịch chuyển lao động trong ngành Du lịch thuộc khối ASEAN. Một người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, và Việt Nam cũng có thể thu hút các lao động có trình độ để đáp ứng được các vị trí đòi hỏi trình độ cao đang bị thiếu hụt nhân lực.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời với đặc trưng chung là thừa nhận lẫn nhau về văn bằng của người lao động, trong đó có nghề du lịch. Việt Nam hội nhập với cộng đồng kinh tế ASEAN nên sẽ thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP). Đây được coi là lộ trình để phát triển và triển khai thực hiện nghề du lịch ở cấp quốc gia. Việc triển khai thỏa thuận này ở nước ta sẽ mang lại nhiều lợi ích. Nhưng nếu không tận dụng tốt cơ hội, không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì du lịch Việt Nam sẽ thua trên chính sân nhà.

 Hiện nay, ngành Du lịch ASEAN đã xây dựng tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề, không bao gồm nghề hướng dẫn viên du lịch. Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng. Một số nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đã có cơ quan quốc gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lao động. Việc triển khai các thỏa thuận chung này mang lại rất nhiều lợi ích, Việt Nam có thể áp dụng được ngay các tiêu chuẩn chung của ASEAN, tiết kiệm được rất nhiều chi phí xây dựng các bộ tiêu chuẩn. Mặt khác, các doanh nghiệp và người lao động sẽ có điều kiện phát triển năng lực, được thừa nhận trình độ chuyên môn. Đối với các doanh nghiệp, họ sẽ có bộ tiêu chuẩn để áp dụng đào tạo tại chỗ, người lao động đáp ứng được kỹ năng nghề trong bộ tiêu chuẩn chung ASEAN sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch quốc tế và trong nước. Doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội tuyển dụng trong ASEAN. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng lên và chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp cũng sẽ được nâng cao.

Ở các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo khung trình độ đã được thừa nhận là điều kiện tiên quyết để xây dựng ngành Du lịch hội nhập quốc tế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Du lịch tại Việt Nam, Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã sửa đổi bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS). Bộ tiêu chuẩn VTOS mới được phát triển mở rộng bao gồm cả các lĩnh vực được xác định là quan trọng đối với Việt Nam, ví dụ như thuyết minh du lịch, phục vụ trên tàu thủy du lịch và vận hành cơ sở lưu trú nhỏ, cũng như mở rộng thành 5 bậc nghề từ nhân viên tập sự cho tới quản lý cấp cao, áp dụng và thực hiện theo tiêu chuẩn VTOS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cũng như hiệu quả đào tạo nghề du lịch một cách thống nhất. Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam sửa đổi, ngoài việc kế thừa các nội dung từ phiên bản trước đã được phát triển phù hợp với các quy định của Việt Nam cũng như được chuẩn hóa, tương thích với các tiêu chuẩn nghề quốc tế, tiêu chuẩn ASEAN. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam bản mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng của ngành Du lịch thông qua việc triển khai thực hiện, định hướng công tác đào tạo và hội nhập khu vực.

 Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp, 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Với lực lượng giảng dạy có: 2.000 giáo viên, giảng viên, 540 cán bộ quản lý và phục vụ đào tạo, 2.579 đào tạo viên du lịch. Trong khi đó nhu cầu đào tạo dự báo đến năm 2020 chúng ta cần đào tạo được 3.500 người có trình độ sau đại học, 113.500 người có trình độ đại học và cao đẳng, 174.000 trung cấp tương đương, 231.000 sơ cấp và 348.300 dưới sơ cấp (học nghề tại chỗ) (2).

 Chất lượng phát triển kỹ năng tại các cơ sở đào tạo cho thấy tỷ lệ đánh giá hài lòng (n=183): kỹ năng lập kế hoạch 30%, kỹ năng quản lý môi trường 33%, kỹ năng phục vụ khách hàng 84%, kỹ năng quản lý 38%, kỹ năng vận hành kỹ thuật 41%, kỹ năng lãnh đạo 41%, kỹ năng làm việc nhóm 51%, kỹ năng CNTT 54%, kỹ năng bán hàng 60%, kỹ năng ngoại ngữ 63%, kỹ năng giao tiếp 77% (3).

Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay cho thấy một số vấn đề cần quan tâm:

Chương trình đào tạo của chúng ta chưa thống nhất, mã ngành đào tạo chưa cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội; chưa áp dụng triệt để các tiêu chuẩn kỹ năng nghề trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Hiện nay chương trình đào tạo du lịch ở các cấp độ đều thiếu tính đồng nhất, đặc biệt đối với các cơ sở không đào tạo chuyên ngành Du lịch mà chỉ tham gia đào tạo 1 hoặc 2 chuyên ngành, chúng ta cần thống nhất dưới sự quản lý của Bộ chủ quản - Bộ VHTTDL, các cơ sở mở mã ngành đào tạo cần tham khảo ý kiến của Bộ chủ quản và có sự thống nhất giữa Bộ VHTTDL và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tránh trường hợp mở mã ngành đào tạo du lịch tràn lan không có sự quản lý của cơ quan nhà nước, việc mở mã ngành đào tạo phải đi song song với các điều kiện như: cơ sở vật chất, lực lượng giảng viên, chương trình giảng dạy… Vấn đề tự chủ của các trường cũng cần phải có tiêu chuẩn cụ thể tham chiếu.

Chất lượng của đội ngũ giảng viên còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn giảng viên, phần lớn số lượng giáo viên, giảng viên ở các trường có đào tạo về du lịch được đào tạo từ các ngành khác. Cơ bản là từ các khối ngành Văn hóa, Xã hội hoặc Quản trị kinh doanh. Việc giảng dạy về du lịch chủ yếu dựa vào vốn kiến thức tự học, tổng hợp từ nhiều nguồn, từ nhiều kinh nghiệm của giáo viên. Trong điều kiện hội nhập hiện nay, ngoài yếu tố tích hợp tiêu chuẩn trong nước và quốc tế đối với chuyên môn nghiệp vụ trong khuôn khổ chương trình cho phép, thì khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và công nghệ thông tin để nâng tầm trong công tác giảng dạy là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên. Tuy đã có những cải thiện đáng kể với các chương trình đào tạo bổ sung, song để đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đây vẫn là một trong những điểm yếu đối với đội ngũ giảng viên, đặc biệt là về ngoại ngữ. Giảng viên dạy thực hành phải là những người có tay nghề cao, có uy tín trong lĩnh vực họ giảng dạy và phải có trình độ sư phạm giỏi, yêu nghề và toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ.

Cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập còn thiếu thốn, đây chính là nguyên nhân làm cho chất lượng giảng dạy thấp, không đáp ứng yêu cầu, chạy theo số lượng, không vì quyền lợi của người học.

Lực lượng lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở đào tạo du lịch phần lớn còn yếu về năng lực chuyên môn, phương pháp quản lý thiếu tìm tòi sáng tạo học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm hay của các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước cho cơ sở đào tạo của mình, phần lớn còn ỷ lại vào cơ quan chủ quản, máy móc trong tư duy. Có những cơ sở bổ nhiệm lãnh đạo chưa đủ tiêu chuẩn tạo ra hiệu quả thấp trong công tác quản lý.

Phần lớn các cơ sở đào tạo chưa đưa ra được tiêu chuẩn của đầu ra (chất lượng sinh viên tốt nghiệp) do đó chưa khẳng định được thương hiệu cho mình, còn đào tạo chung chung, đại trà.

Phương pháp giảng dạy tại nhiều trường du lịch còn nặng về lý thuyết, coi nhẹ hay lẩn tránh thực hành, trong khi việc đào tạo nghề cần ưu tiên cho thực hành ở tỷ lệ cao. Đây là dấu hiệu của chất lượng giảng viên yếu và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy không đảm bảo, học sinh, sinh viên không được thực hành nghề nghiệp dẫn đến khi ra trường các doanh nghiệp phải đào tạo lại sau khi nhận người vào làm. Nghịch lý thường được chia sẻ khi đề cập tới việc đào tạo du lịch đó là khi đào tạo đòi hỏi phải có thực hành, nhưng khi đi kiến tập và thực tập tại các cơ sở, thì thì sinh viên khó có thể tiếp cận được với công việc thực tế bởi nhiều quy định ràng buộc dẫn tới tình trạng suốt thời gian thực tập (8 tuần), kiến tập (1-3 tuần) sinh viên vẫn không có khả năng tiếp cận với thực tế nghề nghiệp và tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân. Trách nhiệm này thuộc về cơ sở đào tạo. Sự mất cân bằng trong đào tạo giữa lý thuyết và thực hành ở các bậc học cũng cần được quan tâm thích đáng. Ở hai bậc học này, việc đào tạo theo truyền thống trên giảng đường ít được gắn với thực hành. Vì vậy, mặc dù ngồi trên ghế nhà trường 3-4 năm, nhưng có không ít sinh viên không có kỹ năng xử lý công việc. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố có thể xuất phát từ cách nhìn học đại học thì không hướng vào dạy nghề, bên cạnh sự hạn chế về cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ khi dạy thực hành chưa tương xứng nên giờ thực hành thường bị coi nhẹ hoặc làm lấy lệ. Nhìn chung, phần thực hành vẫn là một trong những vấn đề khó khăn rất lớn đối với việc giảng dạy du lịch ở các bậc học... Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp cũng như các cơ sở đào tạo trong các chương trình hội thảo chuyên ngành đều thống nhất ở vấn đề cơ bản: đào tạo thiên về lý thuyết mà thiếu thực hành: khả năng tiếp cận thực tế và thích nghi với môi trường làm việc kém, giao tiếp cơ bản trong công việc chưa đạt yêu cầu đặc biệt là việc sử dụng ngoại ngữ.

Để triển khai Nghị quyết 08 một cách đồng bộ và hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực du lịch, với mục tiêu đề ra: xin đề xuất một số giải pháp về công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tiếp theo:

Cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng thống nhất và đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỷ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh. Xây dựng khung chương trình đào tạo tiên tiến, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Xây dựng mối liên hệ có trách nhiệm giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch, trên cơ sở nhu cầu của việc làm, đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hằng năm. Các doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại cơ sở của mình, từ đó triển khai việc kiểm tra, tuyển dụng nhân viên sau khóa học.

Đội ngũ giảng viên du lịch cần phải có chế độ bồi dưỡng nâng cao tay nghề, trình độ sư phạm, kỹ năng thực hành, giao tiếp học hỏi các cơ sở đào tạo tiên tiến trong và ngoài nước, có sự trao đổi lựa chọn lực lượng giảng viên giữa các cơ sở đào tạo với nhau thông qua Hội đồng hiệu trưởng.

Hằng năm, Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thi tay nghề toàn quốc, tiến tới Hội thi tay nghề ASEAN cho nguồn nhân lực lao động du lịch cả nước và các giảng viên các cơ sở đào tạo, từ đó tìm ra những tài năng trong du lịch, bổ sung cho đội ngũ giảng viên có tay nghề cao của các trường đào tạo du lịch.

Tăng cường hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng các trường đào tạo du lịch với tiêu chí bám sát thực tiễn, trao đổi, liên kết hỗ trợ lẫn nhau, tham mưu trực tiếp cho cơ quan quản lý nhà nước về chính sách chế độ và các giải pháp trước mắt và lâu dài cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Cần thành lập tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng và cấp chứng chỉ nghề cho lao động ngành Du lịch.

Tổ chức đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế cho các trường đào tạo du lịch.

Thành lập các trung tâm bồi dưỡng tay nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế tại các vùng miền để kịp thời cung cấp bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở du lịch.

_________________

1. Báo cáo chuyên đề “Du lịch Việt Nam thực trạng và giải pháp phát triển”, Bộ VHTTDL, 2014, tr.3-12.

2. Chiến lược phát triển nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch 2011-2020, Bộ VHTTDL, 2011.

Tài liệu tham khảo

1. Vũ Đức Minh, Dương Hồng Hạnh, Đào tạo và phát triển nhân lực ngành Du lịch trong giai đoạn đến năm 2020, saigonact.edu.vn, 2015.

2. Nguyễn Phượng, Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ: Thúc đẩy hợp tác, nâng cao khả năng cạnh tranh, congthuong.vn, 13-1-2016.

3. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, 2013.

4. Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Du lịch giai đoạn 2011-2020, Bộ VHTTDL, 2011.

Ths NGUYỄN QUỐC Y

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;