Giá trị văn hóa vật thể tiêu biểu của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch văn hóa khu vực miền núi phía Bắc hiện nay

Từ đặc điểm địa cơ tầng sinh thái khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam (Tây Bắc, Việt Bắc), hoạt động canh tác nông nghiệp từ dưới đáy thung lũng lên đỉnh núi phản ánh cơ tầng văn hóa chu kỳ vòng đời của cư dân nơi đây. Những giá trị vật thể biểu hiện sức sống duy tồn giàu bản sắc, tạo nên những sản phẩm văn hóa tộc người, cần được định hình, phát triển trong hoạt động du lịch văn hóa. Các sản phẩm du lịch văn hóa hữu hình được tạo thành từ không gian cảnh quan, sản phẩm nghề truyền thống tại các điểm du lịch. Sản phẩm văn hóa được giao lưu, xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, tạo ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi tới khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bảo tồn giá trị văn hóa cho đồng bào thiểu số vùng núi phía Bắc Việt Nam hiện nay.

1. Sinh thái tộc người và đời sống xã hội khu vực miền núi phía Bắc

Khu vực miền núi phía Bắc dưới góc nhìn văn hóa được kiến tạo cơ bản bởi 14 tỉnh, thành: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Giang. Trải qua biến động lịch sử, bản sắc văn hóa tộc người tồn lưu trong tín ngưỡng, phong tục, kỵ hèm, hình thức tổ chức nghi lễ, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng… độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tiêu biểu như: Tày, Nùng, Thái, Mường, Dao, Sán Dìu, Mông... Từ điều kiện cảnh quan tự nhiên được phân giới theo cách gọi chỉ định đặc hữu 2 tiểu vùng tộc người: Việt Bắc, Tây Bắc. Địa hình là vùng núi với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kiến tạo bởi ba hình thái môi trường: thung lũng, rẻo cao, rẻo giữa (sườn núi), đặc trưng riêng về tự nhiên, văn hóa, lịch sử. Khu vực miền núi phía Bắc là địa bàn sinh sống của hơn 30 dân tộc thiểu số phân bố không đồng đều, ngôn ngữ khác nhau, bản sắc văn hóa vừa đặc trưng, vừa đa dạng sinh thái gắn với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử.

Dưới thung lũng với nguồn nước dồi dào, thuận tiện cày cấy là nhóm Tày - Thái, Mường, Nùng, Lào, Lự, Giáy, Sán Chỉ, cư dân sinh sống dưới thung lũng luôn thành thạo sử dụng hiệu quả dòng chảy (sông, suối) phát triển hệ thống thủy lợi: mương, phai, lái, giã gạo, cán, bật bông... Ngoài trồng lúa, họ còn kết hợp thả cá ruộng, tạo nguồn thực phẩm theo mùa vụ. Nghề thủ công gia đình phát triển, nhất là nghề trồng bông, dệt vải, thêu thổ cẩm.

Trên rẻo cao, địa hình xen kẽ đồi, rừng núi, tách biệt, nơi sinh sống đa phần cư dân là người Mông, Dao và số ít cư dân Tạng - Miến (Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá...). Địa hình rẻo cao là điều kiện phát triển các loài cây ở rừng trống, đồi trọc nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện sinh kế cho người dân qua các sản phẩm nghề điển hình như trồng cây lanh ở Hà Giang. Với nhiệt độ thoáng mát, độ ẩm cao, sương mù là điều kiện giúp các tộc người Mông - Dao, Tạng - Miến sớm thích ứng, tổ chức hoạt động sinh kế theo chu kỳ 4 mùa. Nghề thủ công phát triển như rèn sắt, trồng lanh dệt vải, thêu, vẽ sáp ong trên vải, kỹ năng làm đồ gỗ… Xã hội tổ chức theo thôn làng, dòng họ, cố kết dòng họ sức mạnh cộng đồng, phân tán theo gia đình phụ hệ, vai trò tộc trưởng, trưởng họ quan trọng theo hệ thống phụ tử liên danh (Tạng - Miến). Ngôn ngữ Mông - Dao, Tạng - Miến có quan hệ gắn bó với đồng tộc bên kia biên giới Việt - Trung. Tín ngưỡng còn giữ yếu tố Shaman giáo với kỵ hèm, tà thuật trong tầng lớp Mo, Then, Tào…

Rẻo giữa, nơi cư dân Môn - Khmer có thói quen đốt nương làm rẫy thấp, xen kẽ núi, đồi, rừng, rẫy không có sự bằng phẳng. Đồng bào có truyền thống kéo nước lên làm ruộng bậc thang do đất đai có độ dốc cao, giao thông đi lại khó khăn. Các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer như: Khơ mú, Xinh Mun, Kháng, Mảng, Lự là cư dân bản địa miền núi phía Bắc Việt Nam, phương thức canh tác truyền thống theo lối du canh. Hiện nay, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền khuyến khích người dân trồng cây, bảo vệ môi trường, giữ gìn và khai thác tài nguyên qua các dạng thức vật chất, tri thức để biến đổi tạo ra giá trị sử dụng cho hoạt động du lịch. Họ có thể tận dụng di sản, bản sắc, thực hành văn hóa của mình, hoặc tận dụng những cảnh quan, đặc điểm đặc biệt của môi trường tự nhiên bao quanh để xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

2. Giá trị văn hóa vật thể - sản phẩm du lịch đặc sắc

Giá trị văn hóa được nhiều nhà nghiên cứu cho là yếu tố cốt lõi, biểu tượng sáng tạo hướng đến chân - thiện - mỹ. Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh khẳng định: Giá trị văn hóa ẩn tàng trong bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng, chuẩn mực văn hóa. Chính vì vậy, văn hóa góp phần điều tiết, phát triển xã hội. Giá trị văn hóa vật thể (giá trị vật chất) thể hiện ở không gian cảnh quan, ăn, ở, trang phục đó các hình thức hoạt động thích ứng và khai thác tài nguyên thiên nhiên để sinh tồn theo đặc trưng từng vùng, miền. Việc khai thác các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch văn hóa mang lại lợi ích kinh tế cho các bên tham gia cung cấp sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần tuyên truyền quảng bá giá trị văn hóa của điểm đến, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Văn hóa vật thể khu vực miền núi phía Bắc là sản phẩm du lịch đặc sắc qua danh lam thắng cảnh, sản phẩm nghề, cảnh quan làng (bản)…

Cảnh quan tại cao nguyên Đồng Văn, Bản Giốc, Tà Xùa

Cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng trên 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng Tư vấn mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO ghi danh là Công viên địa chất toàn cầu. Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng đá vôi đặc biệt, dấu ấn lịch sử, tự nhiên, cảnh quan đặc sắc, đa dạng sinh học, văn hóa lâu đời của cư dân bản địa. Hình ảnh “vườn đá”, “rừng đá” như: vườn đá Khâu Vai (Mèo Vạc) với chóp đá hình bông hoa, nụ hoa, nhành hoa; vườn đá Lũng Pù (Mèo Vạc); vườn đá Vần Chải (Đồng Văn) tạo cho Cao nguyên đá Đồng Văn một vẻ đẹp hùng vĩ, mang bản sắc riêng.

Cao Bằng có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: hang Pác Bó, suối Lênin, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén và đặc biệt là thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh). Tháng 4-2018, UNESCO ghi danh Công viên địa chất non nước Cao Bằng với cảnh quan nổi bật là thác Bản Giốc - danh lam thắng cảnh văn hóa vật thể. Trên đỉnh thác, địa hình tự nhiên phân tách làm 3 dòng thác đổ nước xuống quanh năm, nước thác tỏa hơi rộng từ dưới chân thác tạo thành cầu vồng trông giống hình con rồng đang vùng vẫy, bay lượn. Thác Bản Giốc được coi là thác nước tự nhiên và có tiềm năng lớn về phát triển du lịch. Hiện nay, khu du lịch thác Bản Giốc trở thành điểm du lịch hấp dẫn, du lịch xanh, du lịch thông minh.

Theo xếp hạng của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, núi Tà Xùa xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La được ghi nhận là một trong 15 núi cao nhất Việt Nam (2.865m). Xã Tà Xùa nằm cách thị trấn Bắc Yên khoảng 15km, khí hậu trong lành, mát quanh năm với nhiều điểm nhấn như cây cô đơn, mỏm cá heo, sống lưng khủng long, đỉnh gió... Hiện nay do sự phát triển du lịch, đường đến Tà Xùa dễ đi hơn, hình thành nhiều cung đường, xuất hiện nhiều homestay, nhà hàng, nhiều dịch vụ khác và sự thay đổi về nhận thức cũng như kinh tế của cư dân nơi đây. Xã Tà Xùa có hơn 90% dân số là người dân tộc Mông, ngoài ra có số ít người Kinh. Người Mông ở Tà Xùa gồm Mông đen, Mông trắng, Mông hoa với nhiều tập quán văn hóa truyền thống đặc sắc. Theo bà Mùa Thị Máy, “Mùa đẹp nhất ở Tà Xùa không phải mùa đông, mùa dễ “săn mây” nhất nhưng thời tiết cũng khắc nghiệt nhất, mà là cuối mùa hè chuyển sang thu. Khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8, bầu trời Tà Xùa hầu như lúc nào cũng trong xanh, có nắng nhưng không hề gay gắt, có gió nhưng không quá lạnh, không khí trong lành thích hợp với du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng. Cảnh những ngôi nhà, rừng cây xanh, ruộng bậc thang vàng ươm đối với tôi chính là một dạng chữa lành, tôi ở đây ngày nào tôi cũng thấy đẹp” (1). Cảnh quan Tà Xùa khoảng 30 năm trở lại đây là địa điểm yêu thích của nhiều khách du lịch trong đó đa phần là giới trẻ thích khám phá. Chị Nhung chia sẻ “Ngoài cảnh đẹp từ bản làng và nếp sống của đồng bào dân tộc Mông, tôi còn được trải nghiệm hái chè cùng người dân địa phương tại đồi chè shan tuyết cổ trăm năm tuổi” (2). Với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, biển mây trắng xóa, những cánh đồng hoa rực rỡ (hoa đào, hoa mận, ruộng bậc thang chín vàng) biểu tượng giá trị văn hóa vật thể - thắng cảnh thiên nhiên tuyệt sắc khu vực miền núi phía Bắc hiện nay.

Sản phẩm nghề truyền thống dệt lanh của người Mông xã Lùng Tám

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2023 (3), xác định Hà Giang phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, phát triển du lịch văn hóa... để phát huy các giá trị văn hóa dân gian của các dân tộc. Hướng đi gắn làng nghề thủ công với phát triển du lịch là thế mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống qua sản phẩm nghề tại các dân tộc ít người ở khu vực miền núi phía Bắc hiện nay. Nghề thủ công thường được người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm từ khâu trồng cây nguyên vật liệu đến khâu kéo sợi, dệt vải, nhuộm, khâu… tạo thành sản phẩm văn hóa hữu hình với hoa văn thẩm mỹ cao. Hà Giang có nhiều làng nghề, điển hình như dệt lanh Lùng Tám ở Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Quản Bạ là nơi cư trú nhiều dân tộc, trong đó nhiều nhất là người Mông, Dao, Tày… Quản Bạ là địa danh với những cảnh quan thiên nhiên, đời sống văn hóa vật chất truyền thống lâu đời đặc sắc của đồng bào các dân tộc, các thôn bản cư trú rải rác theo khu vực núi, nghề thủ công phát triển. Tham quan làng nghề dệt lanh Lùng Tám là hoạt động không thể thiếu trong chuỗi trải nghiệm du lịch văn hóa tại tỉnh Hà Giang. Nghệ thuật dệt tạo ra sản phẩm vải lanh được truyền qua các thế hệ. Người Mông quan niệm sản phẩm dệt bền đẹp là thước đo tài năng, phẩm chất người phụ nữ qua mọi công đoạn bằng phương thức thủ công từ gieo trồng, xe sợi, dệt vải, nhuộm tràm tới khi hoàn chỉnh.

Qua thực tế tại bản Lùng Tám, theo những người cao tuổi kể rằng, xa xưa đã xuất hiện tại đây một loài cây mà ban đầu mọi người cho là cây dại, không có giá trị sử dụng. Người Mông đúc kết quy trình trồng, lấy giống làm đất, gieo hạt, thu hoạch, bóc tách vỏ lanh làm nguyên liệu dệt vải đến may trang phục truyền thống tạo nên nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng. Hiện nay, Lùng Tám có Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến thành lập năm 1999 cạnh bờ sông Miện do bà Vàng Thị Mai khởi xướng ban đầu cùng 10 hội viên tham gia. Bà Vàng Thị Mai kể lại: “Nghề dệt lanh truyền thống của tổ tiên ngày một phai nhạt mà đời sống kinh tế gia đình cùng dân bản nghèo khó quá. Từ suy nghĩ ấy tôi có ý tưởng vực dậy nghề dệt lanh truyền thống, làm giàu cho gia đình và người dân trong bản, hiện nay nhờ có du lịch các sản phẩm lưu niệm như quần áo, túi, khăn, ví… được làm từ chất liệu dệt lanh truyền thống được khách du lịch rất thích đặc biệt là khách nước ngoài ” (4)… Nhờ sản phẩm dệt lanh đã tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ Mông, tăng thêm thu nhập cho họ. Thông qua du lịch, cơ hội để sản phẩm túi, quần áo, khăn... ngoại giao văn hóa, quảng bá du lịch, góp phần gìn giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống. Trong gian hàng lưu niệm trưng bày truyền thống tại nhà riêng của nghệ nhân Vàng Thị Mai được bày bán nhiều sản phẩm từ vải lanh như túi, ví, khăn, gối... ngoài trưng bày sản phẩm bán hàng lưu niệm cho du khách tham quan, bà còn sắp xếp trang trí những bộ váy áo truyền thống của phụ nữ Mông từ vải lanh, được thêu tay, trang trí họa tiết vẽ sáp ong. Bà muốn du khách không chỉ biết sản phẩm dệt từ vải lanh, mà còn chiêm ngưỡng, thưởng thức giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống ở màu sắc, hoa văn họa tiết do phụ nữ Mông Lùng Tám sáng tạo. Khách du lịch tới Lùng Tám trải nghiệm sản phẩm du lịch như mua hàng lưu niệm (túi xách, ví, váy áo, khăn, gối), đi tham quan và trải nghiệm tại chỗ quy trình dệt lanh thổ cẩm (quay sợi, tước lanh, lăn sợi, vẽ hoa văn sáp ong, luộc nhuộm ủ vải) do các nghệ nhân và đồng bào hướng dẫn... tất cả đem lại cho du khách cảm giác hào hứng, muốn quay trở lại Lùng Tám.

Sản phẩm thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số được nhiều du khách đến tham quan và mua sắm, tạo nên sắc thái riêng của tộc người với đời sống đương đại để bảo tồn, quảng bá trong phát triển du lịch văn hóa hiện nay.

Khảo tả đặc trưng văn hóa làng, bản (làng Kin Chu Phìn)

Kin Chu Phìn là một bản nhỏ nằm ở nơi cao và xa xôi nhất của xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, giáp với biên giới Trung Quốc, nơi đây tập trung đa phần là người Hà Nhì sinh sống với những căn nhà trình tường nguyên sơ xinh đẹp, được ví như ngôi làng cổ tích với điểm nhấn là những ngôi nhà nấm mái cỏ rêu xanh rì. Làng Kin Chu Phìn là một bản nhỏ của người Hà Nhì, tọa lạc trong thung lũng gồm những dãy núi trùng điệp có độ cao hơn 1.000m với môi trường thiên nhiên núi rừng. Nằm sâu trong lòng thung lũng, giữa quả đồi rộng lớn, những mái nhà vuông vức được phủ mái cỏ theo thời gian đã phủ một lớp rêu thành những ngôi nhà “nấm” khổng lồ, bản Kin Chu Phìn thu hút nhiều du khách tới tham quan và chiêm ngưỡng bởi vẻ đẹp độc, lạ này. Ngoài ra, nét mộc mạc trong sinh hoạt hằng ngày khiến ai đến một lần cũng nhớ mãi về sự nổi trội, sự khác biệt của văn hóa trong đặc điểm văn hóa sinh thái tộc người. Theo anh Huy (khách du lịch) “Thật hấp dẫn với làng của những ngôi nhà nấm nằm nhấp nhô trong khói sương của vùng cao tạo nên một nét văn hóa bản địa rất riêng cho Kin Chu Phìn làm tôi rất thích khi du lịch đến đây” (5).

3. Kết luận

Từ đặc điểm về điều kiện tự nhiên, không gian, vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên (núi, rừng, đồi thấp, thung lũng...) sinh thái cộng cư, nhiều giá trị văn hóa hữu hình của các tộc người được biến đổi tạo nên những sản phẩm du lịch mang dấu ấn bản sắc địa phương. Phát triển loại hình du lịch văn hóa không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam mà còn góp phần nâng cao dân trí, tinh thần, sự đoàn kết cho các dân tộc thiểu số hiện nay. Thông qua du lịch quảng bá sản phẩm văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa không chỉ ở Việt Nam mà trên thị trường quốc tế. Những sản phẩm “ngoại giao” văn hóa như quần áo, váy, túi, khăn, ga gối... đa dạng về mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách và mang tính ứng dụng cao. Các sản phẩm du lịch thường gắn liền với địa phương, do vậy đều mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng và mang tính bản địa đặc sắc, độc đáo khác lạ, là cơ sở tạo nên các loại hình du lịch trong đó có du lịch văn hóa. Việc khai thác các giá trị văn hóa vật thể để tạo nên sản phẩm du lịch không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho các bên tham gia cung cấp và hưởng thụ sản phẩm du lịch văn hóa. Thông qua hoạt động du lịch, sự trao đổi hàng hóa, quảng bá sản phẩm truyền thống, đời sống của con người được nâng cao và kinh tế làm sống lại các lớp giá trị văn hóa truyền thống bằng chính văn hóa bản địa. Trong những năm qua, việc vận dụng phương thức phát triển giá trị văn hóa vật thể gắn với du lịch văn hóa đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội về việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương. Tuy nhiên, các chủ thể tham gia làm du lịch cần làm tốt công tác tuyên truyền để khách thể tham gia nâng cao ý thức trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa và môi trường khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

_______________

1. Tác giả phỏng vấn Mùa Thị Máy, người kinh doanh hàng ăn tại cổng chào xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên tháng 8-2023.

2. Tác giả phỏng vấn Nguyễn Hồng Nhung, khách du lịch tại Tà Xùa tháng 12-2022.

3. Quyết định 1646/QĐ-UBND 2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang đến 2020 tầm nhìn 2030.

4. Tác giả phỏng vấn bà Vàng Thị Mai - chủ nhiệm hợp tác xã Hợp Tiến, Lùng Tám tháng 3-2018.

5. Tác giả phỏng vấn Phạm Quốc Huy, khách du lịch tại làng Kin Chu Phìn tháng 10-2022.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Công Thảo, Hoạt động du lịch cộng đồng vùng dân tộc thiểu số Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2022.

2. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010.

3. Đinh Trọng Thu, Khai thác tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch bền vững vùng Tây Bắc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2022.

TS NGUYỄN THỊ THANH LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;