Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch ở Quảng Nam phục hồi sau đại dịch COVID-19

1. Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch ở Quảng Nam

Quảng Nam nằm trong tọa độ địa lý 14054’ - 16013’ vĩ độ Bắc và 10703’-108045’kinh độ Đông, có diện tích tự nhiên là 10.438km2. Quảng Nam thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, cùng với Đà Nẵng được xem là hai tỉnh, thành phố nằm ở vị trí trung độ của nước ta. Đồng thời, Quảng Nam cũng được xem là trung tâm của Đông Nam Á. Quảng Nam tiếp giáp với Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế ở phía Đông Bắc và Bắc, tiếp giáp với Quảng Ngãi và Kon Tum ở Nam và Đông Nam, phía Tây giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp với biển Đông rộng lớn, do đó Quảng Nam được xem là địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.

Với dân số khoảng 1,84 triệu người, Quảng Nam là tỉnh có dân số lớn thứ hai của vùng ven biển miền Trung (sau Bình Định) và đứng thứ 15 về dân số trên toàn quốc, trong đó 50% ở độ tuổi 18-35. Dân tộc Kinh chiếm 92,3% tổng số dân cư, còn lại là các dân tộc ít người như: Cơ Tu, Xơ Đăng, M’nông, Co và Gié Triêng. Dân số trong tuổi lao động của tỉnh chiếm khoảng 62,86% tổng số dân. Mật độ dân số của tỉnh là 176 người/km2 (1). Đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Nam phát triển nguồn nhân lực cho tất cả các ngành nghề trong tỉnh nói chung và ngành Du lịch nói riêng.

Trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát (2020-2021), ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh; doanh ghiệp kinh doanh lưu trú du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch đóng cửa, tạm dừng hoạt động; có khoảng 14.000 lao động ngành Du lịch mất việc làm. Tuy nhiên, sau những hoạt động nỗ lực phục hồi ngành Du lịch, kết quả hoạt động du lịch năm 2022 ước đạt 4.746.000 lượt, tăng 13 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách quốc tế đạt 634.000 lượt, tăng 36 lần so với cùng kỳ năm 2021, khách nội địa đạt 4.112.000 lượt, tăng 12 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, hiện nay tổng số lao động ngành Du lịch đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch khoảng 11.000 lao động, giảm hơn 40% so với năm 2019 (18.000 lao động). Lực lượng lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch: lao động trong lĩnh vực lưu trú chiếm khoảng 70% tương đương 7.700 người. Trong đó: lĩnh vực lữ hành - vận chuyển chiếm 5,5% tương đương 605 người; lĩnh vực nhà hàng, sân golf và các dịch vụ khác chiếm 24,5% tương đương 2.695 người. Hiện nay, lực lượng lao động nòng cốt tại các doanh nghiệp gồm các cấp quản lý, trưởng bộ phận hoặc nhân viên có kinh nghiệm và đã qua đào tạo được doanh nghiệp giữ hoặc quay lại làm việc chiếm khoảng 40% tương đương khoảng 4.000 người (2). Các doanh nghiệp sau khi mở cửa hoạt động trở lại đều phải tuyển lao động lại và tự đào tạo tại chỗ. Ngoài ra, lực lượng lao động trong ngành Du lịch bao gồm đội ngũ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và người dân tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng cần được bồi dưỡng kiến thức về công tác quản lý du lịch; bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của ngành Du lịch... góp phần nâng cao chất lượng lao động ngành Du lịch.

Dự kiến nhu cầu lao động phục vụ cho ngành Du lịch ở Quảng Nam trong những năm tới lao động trực tiếp ngành Du lịch là 23.000 người đến năm 2025. Trong đó lĩnh vực lưu trú cần khoảng 16.100 người; lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên 1.265 người; lĩnh vực nhà hàng, các khu vui chơi giải trí và các lĩnh vực khác khoảng 5.635 người. Trong đó, 30% lực lượng lao động cấp quản lý, điều hành và trưởng các bộ phận đã được đào tạo, tương đương với khoảng 6.900 người. Còn lại, hằng năm nhu cầu lao động ngành Du lịch cần được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách khoảng 70% tương đương với 16.100 người (3).

Từ thực trạng và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch trên, có thể thấy những vấn đề thách thức đặt ra với nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ở Quảng Nam trong thời gian tới là: chất lượng lao động nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu của từng nghề, năng suất lao động đạt thấp; tỷ lệ khách phàn nàn về chất lượng dịch vụ còn khá cao; kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm và kỹ năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài còn hạn chế và chưa có tác phong làm việc chuyên nghiệp; chưa có sự ổn định cao về đội ngũ lao động du lịch. Đặc biệt, tại các khách sạn, nhà hàng tư nhân có quy mô nhỏ, lao động biến động thường xuyên do tính thời vụ trong kinh doanh du lịch; chế độ tiền lương, tiền thưởng và kỷ luật lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa có tác động khuyến khích người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ theo mục tiêu chung của đơn vị. Chính sách phân phối tiền lương, thưởng chưa dựa trên sự đánh giá chính xác mức độ hoàn thành công việc của mỗi người; nhận thức về việc làm, về nghề nghiệp của người lao động trong các đơn vị du lịch chưa đầy đủ, nhiều người lao động chưa hiểu rõ các đặc trưng ngành nghề trước khi bước vào làm việc trong ngành; công tác đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ kinh doanh cho khu vực còn chưa được quan tâm...

2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch ở Quảng Nam

Nghị quyết số 08-NQ/TW về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” tiếp tục xác định: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch” (4). Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định: “Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo; chú trọng chất lượng nguồn nhân lực ở các trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp về du lịch” (5). Nhằm xây dựng nguồn nhân lực du lịch đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý và đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn tới và sử dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư địa phương để phục vụ cho ngành Du lịch, cần phải thực hiện các giải pháp:

Quy hoạch và sử dụng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch một cách hợp lý, hiệu quả

Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc quy hoạch nguồn nhân lực đối với ngành Du lịch phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Quy hoạch phát triển nhân lực phải phù hợp với các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới. Coi trọng việc bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài, việc phát hiện, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ đối với người có tài luôn được tiến hành thường xuyên, nhất quán. Có chính sách hỗ trợ, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này. Đảm bảo hài hòa giữa chính sách thuyên giảm biên chế với chính sách tuyển mộ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp. Có cơ chế đãi ngộ tốt và cơ chế thu hút hiền tài cho ngành Du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về công tác, môi trường làm việc cho nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ trong ngành Du lịch. Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với người lao động trong ngành có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong công việc.

Sử dụng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình hoạt động và phát triển du lịch, bao gồm lực lượng lao động trực tiếp với du khách và lực lượng lao động gián tiếp chỉ tham gia vào công tác quản lý, điều hành hoạt động du lịch một cách hợp lý, hiệu quả. Trong đó, chú trọng phân bổ và sử dụng hiệu quả các nhóm ngành lao động khác nhau hoạt động trong lĩnh vực du lịch, tạo sự liên kết và hỗ trợ cho nhau. Chú trọng đến nhu cầu, sở thích của người lao động để từ đó có quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyên tâm và phát huy cao độ năng lực của mình. Chú trọng đến công tác tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là sàng lọc hồ sơ ứng tuyển kỹ càng, lựa chọn một kênh tuyển dụng uy tín, tuyển dụng nguồn nhân lực ưu tú, chuyên nghiệp với năng lực và trình độ cao.

Chú trọng đào đạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao

Chủ động xây dựng và ban hành các kế hoạch, đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Du lịch, kết hợp đào tạo dài hạn, trung hạn và ngắn hạn (cả trong nước và nước ngoài), nội dung chương trình gồm những vấn đề thiết thực về chính trị, nghiệp vụ du lịch và an ninh kinh tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm du lịch có trình độ và kỹ năng nghiệp vụ, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tiến trình hội nhập quốc gia, quốc tế.

Tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch, Sở Du lịch với các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch được tiến hành thường xuyên, liên tục. Mở các lớp chuyên đề, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên, đồng thời kết hợp với các hội nghị, hội thảo tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động được học hỏi lẫn nhau, nâng cao nghiệp vụ du lịch. Chương trình đào tạo dài hạn đặt trọng tâm đào tạo nhiều nhân viên trẻ, nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, đặc biệt là nhân lực trong loại hình du lịch MICE (kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác). Đồng thời, khuyến khích nhân viên theo học các chương trình đào tạo tại các trường đại học chuyên về du lịch, định hướng cho các em học sinh phổ thông thi vào các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về du lịch.

Quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ trong ngành Du lịch

Nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch là nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và đạo đức nghề nghiệp, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn của hoạt động du lịch. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho ngành Du lịch phát triển nhanh, bền vững, ổn định. Do đó cần tập trung phát triển những kỹ năng cần thiết cho người học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho những người làm công việc du lịch, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học làm cơ sở bước đầu trong đào tạo nguồn lao động có văn hóa, đạo đức cho công việc sau này. Phát triển năng lực cho đội ngũ nhân lực quản lý nhà nước về du lịch cần theo hướng chú trọng vào đào tạo đạt chuẩn năng lực theo chức danh thay vì bằng cấp.

Đặc điểm nổi bật trong kinh doanh du lịch là sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người sản xuất và người tiêu dùng trực tiếp gặp nhau trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Do đó quá trình làm việc của lao động trong lĩnh vực này luôn có mối quan hệ hai chiều với nhau (nhân viên - khách hàng, khách hàng - nhân viên). Với môi trường làm việc như vậy, người lao động không được giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp rất dễ có phát sinh những hành vi tiêu cực, vậy nên yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động du lịch là rất cần thiết. Do đó cần phải có nội quy nguyên tắc trong tổ chức hoạt động du lịch, người lao động phải có trách nhiệm với việc làm của mình.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đào tạo nguồn nhân lực

Tăng cường đào tạo kiến thức về khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực tin học, ngoại ngữ, rèn luyện năng lực thiết kế sáng tạo gắn với các dự án thực tế trong trường đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt thông qua hình thức đào tạo STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học). Tăng cường định hướng nghề nghiệp và tư vấn theo đuổi khoa học, kỹ thuật và ngành kỹ thuật trong các trường học phổ thông và các trường đại học. Tiếp tục chương trình tuyển chọn, gửi đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo có khoa học và công nghệ tiên tiến. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp trong địa bàn tỉnh liên kết với các trường đại học lớn trong nước để đào tạo nguồn nhân lực. Đổi mới chương trình đào tạo cho đối tượng là người làm công tác quản lý, điều hành và hoạch định phát triển du lịch, người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tạo kênh kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Thiết lập cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thuộc nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ tiếp nhận các sinh viên thực tập từ các trường đại học. Đa dạng hóa các hình thức và tài liệu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp thông qua công nghệ số, mạng xã hội, các kênh truyền thông.

Bên cạnh đó cần xây dựng, phát triển các ứng dụng du lịch thông minh được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin - truyền thông, qua đó, bảo đảm sự tương tác giữa nhà quản lý - doanh nghiệp và khách du lịch; ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu khách du lịch. Tập trung vào khía cạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Nam, cung cấp thông tin dịch vụ du lịch thông qua các nền tảng công nghệ thông tin, truyền thông và trải nghiệm các tiện ích thông minh đối với du khách. Theo đó, tập trung đẩy mạnh đa dạng hóa các kênh truyền thông trên nền tảng số như các trang web, mạng xã hội, các ứng dụng thông minh… Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu du lịch Quảng Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng và phát hành nhiều ấn phẩm du lịch, xây dựng trang web du lịch Quảng Nam với nhiều thứ tiếng tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế. Xây dựng hệ thống phần mềm du lịch thông minh để nâng cao hiệu quả quảng bá, tuyên truyền và giao dịch thương mại du lịch, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, hình ảnh du lịch Quảng Nam được nhiều du khách trong nước và nước ngoài biết đến nhiều hơn, đồng thời cũng là cơ sở, tiêu chí cần và đủ cho mỗi người lao động xác định chọn ngành Du lịch để làm việc, từ đó thúc đẩy người lao động tự giác nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi nâng cao kiến thức về hoạt động du lịch trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0.

Trong giai đoạn hiện nay, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang bị cuốn theo xu thế toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa không chỉ hiểu đơn thuần là toàn cầu hóa kinh tế hay chính trị, mà còn bao gồm toàn cầu hóa về văn hóa và xã hội. Toàn cầu hóa làm thay đổi thế giới, khiến các quốc gia trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Sự phát triển của ngành Du lịch cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu đó. Bên cạnh những yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của ngành, cũng đặt ra một số yêu cầu năng lực mới mà nhân lực ngành Du lịch cần đáp ứng: Đối với nhân lực đảm nhiệm quản lý nhà nước về du lịch, các yêu cầu năng lực mới gồm khả năng: hoạch định chiến lược và chính sách du lịch ở tầm quốc gia, quốc tế; kết nối, hợp tác để thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào du lịch; thiết lập chuẩn và quản lý đạt chuẩn trong lĩnh vực du lịch; thu hút và quản trị nhân sự theo mô hình tiên tiến. Đối với nhân lực kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch và đào tạo về du lịch, các yêu cầu năng lực mới gồm: khả năng nắm vững những tri thức mới; kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên sâu; áp dụng khoa học kỹ thuật phục vụ công việc; khả năng đạt được tính nghệ thuật trong công việc và bản thân... Các năng lực trên chỉ có thể đạt được khi ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Nam nói riêng đổi mới về thể chế, thiết chế trong quản lý và hoạt động du lịch cũng như có giải pháp pháp nâng cao năng lực nguồn nhân lực.

___________________

1. UBND tỉnh Quảng Nam, Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 “phương án phát triển ngành Du lịch, dịch vụ, thương mại và logistics”, 2021, tr.4.

2. UBND tỉnh Quảng Nam, Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 5-1-2023 về phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, 2023, tr.2.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2350/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, 2014.

4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22-1-2020 Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Hà Nội, 2020.

5. Tỉnh ủy Quảng Nam, Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 20-7- 2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, 2021.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, Chỉ thị số 18/CT-BVHTTDL, ngày 6-2-2012 về việc tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội, 2012.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

3. Sở VHTTDL Quảng Nam, Báo cáo kết quả hoạt động du lịch từ năm 2015 đến năm 2020, Quảng Nam, 2021.

4. Tỉnh ủy Quảng Nam, Quảng Nam - thế và lực mới trong thế kỉ XXI, Nxb Lao động, Hà Nội, 2001.

5. Tỉnh ủy Quảng Nam, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, 2015.

6. Trương Sĩ Quý, Phương hướng và một số giải pháp để đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội, 2002.

7. Trần Thị Nẵng, Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Luận văn thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, 2019.

8. Phạm Thị Trung Mẫn, Năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Quảng Nam, Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.

PHẠM ĐÌNH LỆ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;