Đặc trưng phong cách nghệ thuật trang trí trên kiến trúc hiện đại tại Sài Gòn, giai đoạn 1954-1975 (Trường hợp Dinh Độc lập và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh)

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc hiện đại tại Sài Gòn giai đoạn 1954-1975 đã được lưu giữ trên một số công trình kiến trúc tiêu biểu tại đất Sài Gòn, như Dinh Độc lập và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Những biểu hiện đặc trưng của nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đó có tính truyền thống rõ nét. Bởi một hệ thống hoa văn họa tiết độc đáo như nhóm môtíp trang trí hoa văn hình học, nhóm hoa văn chiết tự và nhóm môtíp trang trí lam (Brise-soleil) trên mặt đứng của kiến trúc.

Nhóm mô típ trang trí lam mặt đứng công trình Dinh Độc lập - Nguồn: tác giả (2019-2022)

Những nhận diện của nghiên cứu này có giá trị đối với nghệ thuật trang trí trên kiến trúc phong cách hiện đại tại Sài Gòn và lịch sử kiến trúc miền Nam Việt Nam. Bên cạnh đó, bài viết còn bàn luận và kiến giải hướng phát huy các giá trị nghệ thuật trang trí trên kiến trúc giai đoạn 1954-1975 tại Sài Gòn vào kiến trúc đương đại.

Dinh Độc lập do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế tọa lạc tại 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM có tổng diện tích 12ha, mặt tiền hướng Đông Bắc. Trước đây là dinh Norodom thời Pháp (1868-1873), bị phá bỏ do chiến tranh, sau xây dựng mới trở thành Dinh Độc lập, là nơi làm việc và ở của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ trước 30/4/1975) (1). Một công trình công quyền duy nhất thời kỳ này có phong cách hiện đại, kết hợp triết lý phương Đông và văn hóa Việt Nam trong thiết kế kiến trúc và nghệ thuật trang trí. Công trình Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (trước năm 1975 có tên gọi khác) được xây dựng 1968-1971, tọa lạc tại 69 đường Lý Tự Trọng, Quận 1, TP.HCM. Trước kia là xưởng đúc tiền Sài Gòn (1886-1890), là Trường Đại học Văn khoa (1948-1967), do kiến trúc sư Bùi Quang Hanh và Nguyễn Hữu Thiện thiết kế, với tổng diện tích 7.070m2. Đây là công trình văn hóa công cộng, mặt tiền hướng về Tây Bắc. Công trình Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM đã được xây dựng từ cảm hứng kiến trúc nhà sàn Việt cổ với một lối kiến trúc truyền thống có mái đao, vì kèo, có hồ nước bao quanh... trong đó, đặc trưng của công trình là những dấu ấn tiêu biểu được thể hiện trang trí trên kiến trúc đó.

1. Những nét đặc trưng của nghệ thuật trang trí trên kiến trúc phong cách hiện đại tại Sài Gòn (1954-1975)

Tạo hình mỹ thuật trang trí truyền thống phong phú của Việt Nam đã ảnh hưởng thiết kế kiến trúc và được biểu hiện trong các môtíp trang trí có nhiều biến đổi hình dạng, nhưng tựu chung dựa trên các nguyên tắc: nội dung, hình thức, chất liệu và kỹ thuật thi công chế tác từ hai công trình kiến trúc tiêu biểu, đã nhận diện được ba nhóm trang trí mỹ thuật trên kiến trúc có đặc tính dân tộc và làm nên thương hiệu phong cách kiến trúc cho Việt Nam từ những thập niên 1954-1975. Đề xuất sắp xếp thứ tự tiếp cận nghiên cứu từ nhóm môtíp trang trí lam (Brise-soleil) trên mặt đứng kiến trúc, đến nhóm môtíp trang trí hoa văn hình học (hình kỷ hà) và hoa văn chiết tự trên kiến trúc.

Nhóm một, môtíp trang trí lam/ Brise-soleil mặt đứng chắn nắng công trình kiến trúc

Brise-soleil như lớp rèm bảo vệ, có công năng chắn nắng, chống bức xạ nhiệt, đồng thời bẫy gió vào làm mát công trình ở khí hậu nhiệt đới được đúc kết từ nguyên lý biểu đồ nắng: hướng Đông và Tây, lam thẳng đứng dày; hướng Bắc lam đứng kết hợp nghiêng; hướng Nam lam đứng kết hợp ngang. Từ góc nhìn kiến trúc thì màn chắn nắng là bộ phận công năng, nhưng nhìn từ góc độ mỹ thuật, trang trí thì hình dạng lam chắn nắng của kiến trúc, thời kỳ này được tạo hình thẩm mỹ đặc biệt hơn; thể hiện những chủ đề về thiên nhiên, như tre, trúc… chiết tự cách điệu (chữ Thọ, chữ Vạn, chữ Công), chuyển hóa cấu trúc từ tấm phên tre đan (tấm dạn) trong nhà dân gian truyền thống của người Việt.

Lam chắn nắng ở Dinh Độc lập lấy cảm hứng từ hình tượng lũy tre khóm trúc của làng quê Việt cách điệu cơ bản từ hình khối hộp bốn cạnh được thu nhỏ phần giữa thân hộp tạo nên dáng đốt trúc, chất liệu bê tông đúc trát đá rửa trắng bảo vệ đã làm cho chi tiết trang trí này nổi bật khi phơi dưới nắng mặt trời. “Bức tường hoa gió cao hai tầng, với các chi tiết thẳng đứng bằng bê tông đúc sẵn được tạo hình trừu tượng (hình tứ diện) trông như những cây tre, gợi nhắc đến văn hóa Việt Nam” (3) do nhà điêu khắc Nguyễn Văn Thế thiết kế. Tổ hợp các đoạn trúc vào trong mười lăm nhịp cột, mỗi nhịp phân thành ba đoạn đều, với mười hai đốt trúc hợp lại tạo thành “bức rèm đá” có chín ô trống hình chiếc lá để lấy sáng vào bên trong. Lam che nắng giống như bức rèm trúc, tấm phên tre thông dụng trong ngôi nhà người Việt. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người Huế, phải chăng ông lấy cảm xúc từ câu thơ: “lá trúc che ngang mặt chữ điền” trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử tả cảnh đẹp Huế xưa. Theo tư tưởng Nho gia, trúc là biểu tượng của quân tử, biểu tượng trường thọ, bền bỉ, xanh tươi. Trúc thuộc bộ tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), mang ý nghĩa an bình, thanh cao (trúc - điểu, trúc - tước) và còn thể hiện qua những đề tài trong nghệ thuật trang trí Huế như trúc hóa long/ hóa giao… Nếu nói tác phẩm kiến trúc có ảnh hưởng ý chí của nhà cầm quyền là chủ nhân công trình thì có một phần đó là sở thích thẩm mỹ về hình tượng tre trúc. Hình tượng này được thấy trên huy hiệu, quốc huy, đồng tiền xu thời đó.

Lam chắn nắng mặt tiền Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM là tổ hợp các cấu trúc hình học và chiết tự cách điệu. Toàn bộ mặt tiền khối được chia thành mười chín nhịp, mỗi nhịp chia ra bốn ô dọc và bảy ô ngang, trang trí mặt trước mười hai chữ Vạn và mười hai chữ Thọ. Chữ Thọ cách điệu theo ngôn ngữ tạo hình hiện đại, đơn giản nhưng có dấu ấn từ hoa văn trang trí chữ Thọ ở Huế. Hoa văn hình học giống như chong chóng bốn cánh đồng tâm được tạo hình từ quy tắc chữ Vạn (卍). Lam như “bức rèm hoa” bằng bê tông nhưng trông nhẹ nhàng. Tác phẩm Lam được làm từ tấm lưới tre có mối quan hệ giữa hình và nền tạo ảo giác như tấm phên đan. Lam có cấu trúc sáu thanh ngang và năm thanh đứng (các ô hình học chữ nhật) đan với nhau theo kiểu “nong mốt”, chất liệu bê tông, tuy khô cứng nhưng với giải pháp tạo hình này đã làm cho lam nhẹ nhàng. Mel Schenck cũng đồng quan điểm: “Tòa nhà được yêu thích vì sự kết hợp của các họa tiết và hình học truyền thống Việt Nam trên tấm bê tông đúc sẵn án ngự ngay mặt tiền tòa nhà” (4).

Nhóm hai, môtíp trang trí hoa văn hình học hình/ hình kỷ hà, hình lôi văn

Hoa văn trang trí ở công trình Dinh Độc lập đa số được cách điệu trở thành hình học đơn giản, chất liệu bê tông, đá rửa, sắt, đồng, gỗ… Vị trí trang trí hoa văn trên khắp các cửa, lan can ban công toàn công trình, hoa văn trên cửa là hình dạng xoắn ốc một chiều, xoắn ốc hai chiều đối xứng (tạo nên chữ Thọ) giống với nghệ thuật trang trí cung đình Huế. Xoắn ốc hai chiều nghịch nhau tạo thành kiểu chữ S (lôi văn), trong đó hoa văn xoắn ốc hình chữ S nằm ngang có dấu ấn tương đồng với hoa văn trên những di vật Việt cổ bằng gốm, đá, đồng: “Các dạng hoa văn ở hệ này, khá rõ nét trên những di vật Việt cổ. Chẳng hạn, trên những dải viền đồng tâm trang trí trên thành của thạp đồng Đào Thịnh, Đông Sơn. Các hình trang trí cùng những kiểu thức trong các dụng cụ thời Phùng Nguyên và Đông Sơn” (5). Hoa văn hình học bốn ô vuông liên kết tạo ra khoảng trống hình dấu Thập ở giữa (giống chữ Á 亞, hoa văn này được nhà Nguyễn tiếp biến trong trang trí ở TK XIX). Trên lan can ban công trang trí hoa văn hình học ô vuông, các vạch ngắn song song, phối hợp hình học chữ nhật và nét tạo chữ Thọ cách điệu.

Nhóm mô típ trang trí lam mặt đứng công trình Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM - Nguồn: Tác giả (2019-2022)

Hoa văn trang trí ở Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM lại có nhiều dạng kết hợp trên lam, lan can hành lang, trần, cửa. Nhóm hoa văn trang trí trên Lam chắn nắng công trình có bố cục hàng lối được tạo từ nhiều mô đun hình học (bốn hình chữ nhật xoay quanh tâm tạo thành hình vuông ở giữa) và hoa văn chữ Thọ. Đặc biệt, cấu trúc loại hoa văn hình học này được trang trí khá phổ biến trên hệ lam mặt đứng công trình giai đoạn này. Nó giống ký hiệu chong chóng bốn cánh, làm liên tưởng chữ Vạn (卍) hình thức tạo hình cách điệu, mới lạ, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy quen thuộc bởi các chi tiết trang trí là hình kỷ hà này được cách điệu từ những vốn cổ trong trang trí Việt cổ hay gần hơn là ở Huế. Hoa văn chữ Thọ trang trí liền kề nhau như trang trí đường diềm tạo thành hồi văn ở vị trí lan can tầng trên. Nhóm hoa văn dạng ký hiệu như hình mũi tên (>), ba vòng tròn (o) đồng tâm, hình mũi tên đôi (>>), hình dấu (X) trong toàn bộ hệ lan can hành lang bao quanh khối đọc thư viện. Hoa văn này cho cảm nhận thị giác chuyển động, chỉ dẫn hướng, phù hợp với giao thông của hành lang hiên. Một góc nhìn khác, các hoa văn ký hiệu này giống với các hoa văn của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, phải chăng, có sự giao lưu tiếp biến với các dân tộc anh em. Vì vậy, còn tìm thấy thêm trong phòng đọc dành cho thiếu nhi rất nhiều hoa văn hình dáng kiến trúc nhà rông làm đèn trần. Hoa văn gấp khúc bố cục kiểu xoắn ốc cách điệu lạ mắt trên các khung sắt cửa kính. Hoa văn này tạo thành hồi văn liên tục giống với hoa văn hình S.

Nhóm ba, môtíp trang trí chiết tự

Kiến trúc hiện đại Sài Gòn đã có sự phá cách áp dụng chiết tự trang trí tưởng chừng khó thành công. Đó là sử dụng văn tự Việt Nam thời phong kiến là chữ Hán, chữ Nôm cách điệu, lược giản đến mức thành ký hiệu trang trí nghệ thuật. Ở Huế phong cách trang trí chiết tự gọi là: “cát tường tự văn” có ý nghĩa ca tụng những điều tốt đẹp trong cuộc sống và gia chủ công trình.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là người Việt đầu tiên ở thời kỳ này có thủ pháp sử dụng chiết tự trong thiết kế mặt bằng và mặt đứng kiến trúc phong cách hiện đại tại Sài Gòn. Ông đã kế thừa tinh thần sử dụng chiết tự bố trí mặt bằng kiến trúc như các đình chùa truyền thống Việt Nam. Ví dụ như chùa Tây Phương (Hà Tây) xây dựng mặt bằng hình chữ Tam (三) ở TK XVII. Nhiều tài liệu đã công bố nghiên cứu về vấn đề áp dụng chiết tự trong kiến trúc Dinh. Vì vậy, khi nghiên cứu tham khảo ý nghĩa chiết tự, Ngô Viết Thụ đã áp dụng thiết kế Dinh như: Mặt bằng hình chữ Cát (吉) có nghĩa là tốt lành, may mắn. Mặt đứng chính gồm chứa một số chiết tự: Chữ Tam (三) tạo thành từ mái hiên, bao lơn trục giữa, biểu thị ba yếu tố nhân, minh, ... Gian bên phải và gian bên trái tòa Dinh có cửa gỗ được trang trí hoa văn chiết tự chữ Vạn (卍) chữ Công (工) làm nền cho chữ Thọ nổi lên. Tương đồng với bố cục trang trí “bát bửu” trên nền “gấm chữ Vạn, chữ Công” ở Huế. Hoa văn cửa sắt toàn bộ Dinh được trang trí hình chữ Thập hay gọi là chữ Á (亞) được tạo bởi bố hình vuông, hoa văn xoắn ốc chữ S đối xứng tạo chữ Thọ tối giản (6).

Hoa văn chiết tự chữ Thọ cách điệu hình khối đơn giản mà hiện đại làm điểm nhấn chính trên tổng thể lam mặt đứng kiến trúc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM. Chiết tự chữ Thọ được thể hiện thủ pháp tạo hình thực và ảo, tức là chữ Thọ dương bản trang trí mặt đứng trước và chữ Thọ âm bản trang trí mặt đứng sau. Sự kết hợp hoa văn Vạn - Thọ mang ý nghĩa vững bền, dài lâu. Nếu là sự phối hợp của nhiều chữ Vạn tạo nên thì đó là kiểu thức võng lưới (còn gọi là nền gấm chữ Vạn) thời Nguyễn, biểu tượng của sự tốt đẹp, vĩnh cửu, hướng thiện. Có thể phương pháp tạo hình chữ Vạn trang trí trên kiến trúc hiện đại bị hạn chế về mặt chất liệu do bê tông nên giải pháp thể hiện cần lược giản, trừu tượng bằng hình học, không mềm mại như chất liệu gỗ trang trí kiến trúc truyền thống.

2. Bàn luận những giá trị và kiến giải phát huy nghệ thuật trang trí trên kiến trúc tại Sài Gòn (1954-1975)

Từ những nhận diện và phân tích thông qua các môtíp trang trí trên kiến trúc phong cách hiện đại tại Sài Gòn giai đoạn 1954-1975, đã thấy rõ những nét đặc trưng trong từng nhóm môtíp hoa văn trang trí. Kiến trúc phong cách hiện đại tại Sài Gòn được thể hiện nét độc đáo trên hệ lam mặt đứng. Những đề tài nội dung trang trí thời kỳ này có mang yếu tố truyền thống kết hợp với hình thức mới, hình khối mạnh mẽ, chất liệu bê tông, đá rửa bền với thời gian. Những hoa văn hình học kỷ hà như vuông, tròn, hình chữ nhật là ngôn ngữ tạo hình chủ đạo, phổ biến. Hoa văn cách điệu từ thực vật như tre, trúc trang trí công trình Dinh trở nên độc đáo. Hoa văn hình học chiết tự có sự phổ biến hơn, lan rộng ra các khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam, tiêu biểu là hoa văn kiểu chong chóng bốn cách đồng tâm có hình dáng như chữ Vạn (卍) cách điệu. Vì vậy, việc tiếp thu các giá trị nghệ thuật trang trí trên kiến trúc phong cách hiện đại tại Sài Gòn (1954-1975) cần có hướng phát huy trong giai đoạn hiện nay như thế nào, rất cần bàn luận và kiến giải.

Tuy nhiên, có những vấn đề cần phải thảo luận tính cấp thiết đối với thực trạng đã và đang diễn ra. Đó là sự gượng ép trang trí các môtíp không có chủ đề mang tính truyền thống vào công trình đương đại một cách nông cạn. Đối với trang trí hệ lam mặt đứng kiến trúc không được chú trọng nội dung và hình thức trang trí từng môtíp dẫn đến không có giá trị nghệ thuật. Đa số công trình hiện nay vì tận dụng tối đa diện tích sử dụng, đầu tư thiết kế tạo hình rất sơ sài, phần lớn dùng nhôm thanh, nhôm lá ốp ngang ốp dọc rất khô khan, trông như chi tiết thừa, càng không có biểu hiện đặc tính dân tộc, bản sắc kiến trúc. Những hoa văn, họa tiết hình học, hoa văn xoắn ốc, hoa văn hình S, hoa văn chiết tự... càng không thấy trang trí trên kiến trúc hiện đại, chỉ có thể tìm thấy trong các công trình tôn giáo. Vấn đề này không phải thảo luận đúng hay sai, mà phải chỉ ra giải pháp gì để có cơ hội ứng dụng các mô típ trang trí truyền thống đó đạt hiệu quả khả thi. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất một số hướng phát huy mang tính tham khảo cho từng nhóm môtíp trang trí.

Thứ nhất, nhóm trang trí lam chắn nắng công trình phải đảm bảo tính quy luật của khí hậu (nắng, gió), sau đó là thiết kế mỹ thuật phải hài hòa tổng thể với kiến trúc, ngôn ngữ tạo hình phù hợp, nội dung có ý nghĩa làm điểm nhấn mặt đứng, mang giá trị văn hóa dân tộc… đừng xem nó như những thanh nhôm, thanh bê tông khô cứng, chỉ có nhiệm vụ chức năng. Đây là một bộ phận cấu trúc rất đặc trưng của kiến trúc nhiệt đới tại Sài Gòn, cần phải phát huy. Thiết kế trang trí hệ lam mặt đứng cần chú ý: “...hướng Bắc che chắn ngang hoặc nghiêng, hướng Đông và hướng Tây che chắn đứng… hướng Nam dùng che chắn nắng ngang và đứng kết hợp” (7).

Thứ hai, các nhóm hoa văn họa tiết hình học, đường nét trang trí có tính kế thừa từ mỹ thuật trang trí Việt cổ phải khai thác và ứng dụng hợp lý hài hòa, vì vậy, nhà thiết kế phải hiểu biết và nghiên cứu kỹ lịch sử mỹ thuật. Đề xuất phát huy các môtíp hoa văn hình học kỷ hà, có hình thức thể hiện điêu khắc khối, sẽ phù hợp với ngôn ngữ kiến trúc đương đại. Hoa văn xoắn hình S vẫn phù hợp với tư tưởng của dân tộc phát triển từ nền nông nghiệp, đó là lời cầu chúc mưa thuận gió hòa đối với nền văn hóa lúa nước vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ ba, nhóm hoa văn chiết tự tiếp thu tinh thần sáng tạo hoa văn qua thủ pháp cách điệu tạo họa tiết phù hợp ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, tối giản tạo hình thì sẽ phát huy được giá trị nghệ thuật này. Đề xuất phát huy nhóm hoa văn chiết tự chữ Thọ trong kiến trúc giai đoạn hiện nay vì ý nghĩa của nó vẫn còn nguyên giá trị trong tâm thức người Việt. Thực tế các hoa văn chữ Á, chữ Thọ, hay hoa văn hình chong chóng bốn cánh đồng tâm cách điệu dạng chữ Vạn (卍) vẫn xuất hiện trên thị trường và ứng dụng trang trí có chức năng thông gió, tạo thành hệ lam mặt đứng hay hàng rào cho kiến trúc.

3. Kết luận

Qua quá trình nghiên cứu, thực địa công trình, tổng hợp kiến thức và so sánh hai công trình tiêu biểu Dinh Độc lập và Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, giai đoạn 1954-1975, nghiên cứu đã phân nhóm môtíp trang trí rõ ràng nhằm nhận diện giúp cho công việc thiết kế mỹ thuật trên kiến trúc đương đại trong tương lai có thêm tư liệu tham khảo khi đề xuất giải pháp truyền thống kết hợp với hiện đại. Qua đó, góp một phần kiến nghị vào các chương trình của quốc gia có tính văn hóa, bản sắc trong kiến trúc.

_________________

1, 6. Kiến trúc Di tích Dinh Độc lập, Di tích lịch sử, dinhdoclap.gov.vn.

2. Alexandre Garel, Tim Doling, Sài Gòn portrait of a city 2011-2020 (Chân dung thành phố Sài Gòn 2011-2020), Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2020, tr.26.

3, 4. Mel Schenck, Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2020, tr.185, 282.

5. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2001, tr.147.

7. Đại học kiến trúc Hà Nội, Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1999, tr.97.

Ths LÊ LONG VĨNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;