Hình tượng điêu khắc trên cầu ngói Việt Nam

Hình tượng đầu rồng trên dầm cầu ngói Bình Vọng - Ảnh: tác giả

Đặt vấn đề

Trên hành trình của đời người, trong mỗi chúng ta, chắc hẳn với trải nghiệm của mình, bước chân đã từng vượt qua hàng trăm ngàn cây cầu, từ cầu tre, cầu gỗ đến cầu đá, cầu gạch…; từ chiếc cầu vượt qua con suối, dòng sông đến những nhịp cầu bắc qua ao hồ và những địa hình vốn bị chia cắt… ở hầu khắp các làng quê. Trong số hàng trăm ngàn những nhịp cầu, cây cầu đã và đang hiện diện đó, đa phần thường chỉ là những phương tiện được người dân làm ra để đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sinh kế và giao lưu văn hóa xã hội, ứng xử với những điều kiện địa hình, sinh thái nhất định. Nhưng cũng có những nhịp cầu, cây cầu được sáng tạo ra ở vùng quê nào đó, lại xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử - văn hóa, không ít trường hợp lại nảy sinh từ những điều huyền bí, linh thiêng, mang dấu ấn đặc biệt, trở thành nơi ký thác tâm tư, nỗi niềm, nơi đọng lại những quan niệm về cái hay, cái đẹp cùng lòng tự hào của người dân, dần dần hình thành nên những biểu tượng văn hóa độc đáo, được người dân coi như di sản văn hóa chung “bất khả xâm phạm” của quê hương mình (1).

Những hệ thống cầu ngói có tuổi thọ hàng trăm năm, ẩn chứa trong nó ngoài chức năng nối kết không gian địa lý - địa hình phục vụ nhu cầu dân sinh với giá trị thực dụng giúp cho người, vật, các phương tiện qua lại, còn là hàng loạt những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, góp phần bảo tồn cho hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở không ít làng quê. Đặc biệt, các hình tượng điêu khắc trang trí trên kiến trúc cầu ngói đã góp phần làm tăng thêm nét đẹp hài hòa, nên thơ cho những không gian cầu và cảnh quan mang những giá trị nghệ thuật tạo hình độc đáo gắn với đời sống của người dân mỗi địa phương.

Sơ lược về cầu ngói Việt Nam

Hiện nay, không còn nhiều những di tích cầu ngói theo lối kiến trúc “Thượng gia hạ kiều”, đã và đang hiện hữu ở một số làng quê khu vực châu thổ Bắc Bộ, Trung Bộ. Những nhịp cầu, cây cầu đó còn luôn gắn liền với đời sống tinh thần và môi trường sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng cư dân nhất định, nhiều khi lại trở thành biểu tượng văn hóa cho dấu ấn một làng quê, bên cạnh những “cây đa, bến nước, sân đình” và cũng nhiều khi, hiện hữu trên mỗi thân cầu còn là những dấu ấn/ dấu tích lịch sử - văn hóa, mang đặc trưng văn hóa của từng vùng miền - làng quê, trở thành những di sản văn hóa vật thể đầy tự hào của người dân (2). Mỗi cây cầu, dù ít hay nhiều đều liên quan đến đời người, bởi cây cầu, trước hết, là không gian quê hương, đất nước, là cảnh vật quen thuộc nơi làng xã, thôn xóm. Không gian này đã tác động trực tiếp đến con người, được con người phản ánh vào trong đời sống của mình thông qua nhiều phương diện sinh hoạt tinh thần như thần thoại, truyền thuyết, ca dao, dân ca, tục ngữ, câu đố, lễ hội, trò chơi... Có thể kể đến những cây cầu như: chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam); cầu ngói Thanh Toàn (Huế); cầu ngói chùa Lương, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu (Nam Định); cầu ngói chợ Thượng, xã Bình Minh, huyện Nam Trực (Nam Định); cầu ngói Phát Diệm, huyện Kim Sơn (Ninh Bình); cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên thuộc chùa Thầy, huyện Quốc Oai (Hà Nội); cầu ngói Bình Vọng, huyện Thường Tín (Hà Nội); cầu Khum, huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Nhận diện một cách tổng quan, mặc dù chỉ còn hiện hữu số lượng cây cầu ngói cổ hữu hạn đó, nhưng khả dĩ vẫn đủ trữ lượng để có thể tiếp cận bước đầu những cảm nhận của cộng đồng sở tại về các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật qua các hình tượng điêu khắc của hệ thống cầu ngói Việt Nam. Như vậy, có thể thấy rằng, hệ thống các giá trị văn hóa, nghệ thuật gắn với từng cây cầu ngói vốn có tuổi đời hàng trăm năm vẫn còn những khoảng trống chưa được quan tâm nghiên cứu.

Điêu khắc trên cầu ngói

Hình tượng vật linh

Hình tượng rồng: trong nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc và điêu khắc cổ nói chung và cầu cổ nói riêng, rồng là một mô típ xuất hiện với nhiều dạng, nhiều biểu đồ mang đặc trưng của rồng TK XVII, XVIII cho đến rồng thời Nguyễn TK XIX. Trên các trang trí tượng rồng không chỉ làm đẹp cho tác phẩm bằng nhiều bố cục đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa biểu trưng gắn với Phật giáo, ước nguyện của con người (3).

 Hình tượng rồng chầu mặt nguyệt: mô típ rồng chầu vào mặt nguyệt lớn ở giữa mang phong cách TK XVIII được sử dụng ở cầu ngói Thanh Toàn hay chùa Cầu ở Hội An, rồng chầu mặt nguyệt ở tầng trên mái cầu. Tất cả những đôi rồng này đều trong tư thế bay ngang chầu vào mặt nguyệt tròn nổi khối với những mây mác bay ngang sang hai bên. Rồng có đặc điểm thân mập, nhiều vảy, đầu mắt dài bay ngược về phía sau. Cách thể hiện rồng mang phong cách dân gian như chạm khắc đình làng, rồng bay ngang nhưng mặt lại nhìn từ trên xuống thấy rõ cả trán, hai mắt với đao trên mắt chạy ngang. Trên mình rồng xuất hiện nhiều mây đầu xoắn, đuôi đao mác dài đè chéo lên thân. Chân rồng xoè rộng, có ba móng. Với hình tượng này, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là hình ảnh rồng như một biểu tượng của tín ngưỡng cầu mưa. Rồng hiện hình trên một nền vân xoắn, gốc đao mác như hình ảnh của tia chớp, ánh sáng và rồng là một bầu trời đầy mây. Cũng với cách tạo hình bố cục như trên của rồng đao mác nhưng đôi rồng chạm trên câu đầu tiền đường lại chầu vào một viên ngọc. Viên ngọc đã được đôi rồng dâng lên cao thể hiện một sự tôn kính với Phật giáo. Hình tượng rồng được sử dụng trên các vị trí mái cầu, cổng cầu hay tổng thể kiến trúc cầu ngói Việt Nam rất ấn tượng và thể hiện cho mọi điều tốt lành, mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi gắn với người dân lao động. Ở các địa phương, mỗi cây cầu ngói đều được thể hiện hình tượng rồng với phong cách khác nhau nhưng vẫn toát lên được tinh thần của vật linh mang phong cách dân gian đậm chất văn hóa Việt trong đó.

Hình tượng lân nghê: trong nghệ thuật trang trí ở cầu ngói và đình, chùa, hình tượng lân được thể hiện dưới những đồ án sau: lân chạy, lân đứng, lân chầu hoa. Hình tượng lân chạy trong tư thế từ trên xuống với hình thức gần như tượng tròn thường được thể hiện ở cửa võng, mi cửa, trên mái đầu guột, chỗ con xô. Lân trên mái kiến trúc được thể hiện khá sinh động, trong tư thế đối nhau, một con ở khúc ngoặt đang lao xuống, một con ở đầu guột lại lao lên. Tất cả có ý nghĩa tạo chiều hướng chuyển động của đường nét tạo hình, làm sinh động thêm cho bộ mái kiến trúc, vừa có ý nghĩa canh gác, trấn trừ.

Hình tượng lân (nghê) được sử dụng trang trí ở các vị trí như mái cầu, cổng cầu như cầu ngói chợ Lương, chùa Cầu… Tại mái cầu ngói, phía hai đầu cầu là hai con nghê trong tư thế hai chân sau đứng trên quả cầu, hai chân trước nâng bức cuốn thư với biểu trưng “bốn nghê chầu về tứ Tổ”. Phía ngoài bên góc cầu, phần tiếp giáp của mái đã khéo léo được biến thành một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh. Đó là một con nghê nhìn nghiêng đang lao xuống, miệng ngậm một đám mây với tư thế lao xuống nó làm cho mảng kiến trúc như được kéo dài hơn đầy nghệ thuật cũng như tính tâm linh. Với hình tượng lân (nghê) này được thể hiện tinh tế với phong cách nghệ thuật dân gian nhưng toát lên được tinh thần của vật linh mang lại nhiều may mắn cho người dân địa phương.

Hình tượng điêu khắc thực vật

Mô típ lá đề: lá đề được biểu hiện là lá thiêng, một trong ý nghĩa phổ biến mà lá đề tượng trưng là giác ngộ Phật pháp. Lá đề được trang trí dưới nhiều hình thức và rộng khắp, khi là đường diềm trang trí, khi lá đề được đôi rồng, đôi phượng chầu vào, cũng có khi là những lá đề chạm thủng liên kết vào nhau tạo thành những vòng hoa văn lớn. Trong trang trí kiến trúc cầu ngói, lá đề thường được tạo hình trên các thanh gỗ của lan can cầu ngói cũng như trên yếm kèo của cầu.

Hình tượng lá đề thường lồng ghép với hình tượng rồng, phượng trong một tổng thể hài hòa, giàu thẩm mỹ. Từ lâu nay, các nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật đều công nhận, nghệ thuật điêu khắc thời Lý là một nét son rực rỡ trong lịch sử của nền nghệ thuật Việt Nam. Nền điêu khắc ấy định hình trong hoàn cảnh lịch sử đặc trưng, khi đất nước mới thoát khỏi cảnh nghìn năm nô lệ, người dân được hưởng cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Trong cuộc sống thái bình, những nghệ nhân tài hoa đã tạo tác nên những tác phẩm điêu khắc mang vẻ đẹp của sự tự do trong cảm hứng sáng tạo và cái nhìn phóng khoáng thấm đẫm âm hưởng của Phật giáo.

Mô típ hoa sen: hình tượng hoa sen được thể hiện phổ biến trong kiến trúc, điêu khắc, hoa sen thường gặp dưới nhiều dạng khác nhau. Khi bước chân vào chùa, ta bắt gặp những đài sen trên Phật điện, những cánh sen đan vào nhau, xếp theo tầng lớp như một bông hoa đang nở để nâng đức Phật. Ở kiến trúc cầu ngói, hoa sen được trang trí trên các vì kèo là những đấu sen với các cánh sen cách điệu xếp đều nhau nở ra các phía. Hoa sen còn gặp trong các phù điêu trang trí, hoa sen có thể nhìn theo chiều chính diện với đài sen ở giữa, các cánh sen mở đều xung quanh, hoặc cũng có thể nhìn theo chiều nghiêng với những cánh sen lớn tầng ngoài, tầng trong là những cánh sen nhỏ lấp ló, tạo cho bông sen có không gian chiều sâu.

Hoa sen trong điêu khắc chùa Lương được thể hiện dạng khối trên kiến trúc, bệ tượng Phật, dạng phù điêu trên cửa võng, nhang án... Biểu tượng đặc trưng nhất của hoa sen chùa Lương được thể hiện trên tượng Cửu Long Thích Ca sơ sinh. Trên một bệ vuông đặt trong lòng tòa cửu long là một lá sen lớn cách điệu với những đường cong uốn lượn của mép lá. Bên trên lá sen là bông sen mãn khai với hai lớp cánh đan xen bao quanh nâng tượng Thích Ca sơ sinh đầy tính thiêng liêng. Trong một bệ thờ hình vuông, hình ảnh một đầm sen được cô đọng trong một hình tròn đường kính 81cm. Với một bông hoa sen chính diện nằm giữa vòng tròn, xung quanh là lá, đài, nụ sen, cây cỏ cùng các con vật như tôm, cua, cào cào cho ta cảm giác yên bình nơi làng quê Việt (4).

Mô típ hoa cúc: hoa cúc thời Lý - Trần thường thể hiện với dạng dây lượn hình sin. Lúc đầu, hoa cúc phổ biến ở Trung Quốc với biểu trưng Ðạo giáo, về sau ảnh hưởng vào Phật giáo như một biểu tượng bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền. Hình tượng cúc có nhiều cách thể hiện khác nhau trong nghệ thuật chạm khắc. Hình tượng rồng hóa cúc ở đình Thượng Phú (xã Hà Đông, huyện Hà Trung), hươu ngậm hoa cúc, rồng chầu hoa cúc ở đình Bảng Môn, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa)... Các đề tài chạm khắc hoa cúc với kỹ thuật chạm thủng, lộng, bong kênh được trang trí và đặt ở nhiều vị trí khác nhau như trên cốn, cửa khám, trên ván gió... Trong lĩnh vực tâm linh của người Việt, hình tượng cúc mang dương tính, nhiều khi là hóa thân của mặt trời.

Mô típ mây, sóng nước: trong nghệ thuật điêu khắc cầu ngói, những tác phẩm điêu khắc được thể hiện qua những mốc thời gian khác nhau (từ TK XVII đến TK XIX), do vậy sự thể hiện của các họa tiết mây, sóng nước cũng rất đa dạng, sinh động. Trên các cổng cầu đôi rồng uốn lượn trong mây, khúc ẩn, khúc hiện, các tay rồng bám vào mây như đang bay vào điểm tụ giữa là hình mặt nguyệt. Hình tượng mây, sóng nước còn được thể hiện rõ nét trong chạm khắc ở các vì kèo hoặc đầu dầm cầu, với những tạo hình cách điệu duyên dáng và ý nghĩa của các họa tiết hoa lá, mây và sóng nước trên được sử dụng trang trí các chi tiết trên cầu thêm sinh đông ở các vị trí như, đường diềm, phù điêu, các đầu cột, vì kèo…

Cầu ngói Việt Nam có tính biểu tượng và đặc trưng của bản địa

Nghệ nhân, người thợ xưa đã có những tìm tòi để đưa vào công trình cầu ngói những hình ảnh thân thuộc, chất liệu gần gũi với đời sống người dân. Yếu tố này làm cho những cây cầu ngói ăn nhập với không gian cảnh quan môi trường về hình thức, đôi khi mang lại những giá trị nghệ thuật, quan niệm, ý nghĩa mang đậm chất dân gian thông qua những hình tượng, biểu tượng, mô típ hoa văn trang trí trên cầu.

Nghệ thuật điêu khắc trang trí cầu ngói Việt Nam thường sử dụng các hình thức tạo hình nghệ thuật truyền thống do các nghệ nhân và người thợ thủ công ở địa phương thể hiện một cách tỉ mỉ. Những hình tượng và chi tiết trang trí trên cầu là sự đề cập trực tiếp đến hình tượng có tính chất khái quát, mang tính triết lý phương Đông như rồng, lân (nghê), các hình tượng và mô típ trang trí này được thể hiện khá đơn giản nhưng mang đầy đủ yếu tố của nghệ thuật tạo hình về hình khối, mảng, nét. Hình tượng rồng, lân (nghê), họa tiết trang trí hình lá đề, vân mây, sóng nước được sử dụng nhiều trên cổng cầu, vì kèo, dầm cầu, lan can của cầu ngói chợ Lương, cầu ngói Bình Vọng, cầu Khum…

Khác với các hình tượng, họa tiết trang trí trên các công trình cầu cổ khu vực miền Trung thể hiện phức tạp và nhiều chi tiết, còn các hình tượng, hoa văn, họa tiết điêu khắc trên kiến trúc cầu cổ khu vực Bắc Bộ đơn giản, thanh thoát, gọn gàng hơn nhưng vẫn đảm bảo thẩm mỹ thể hiện được tinh thần dân gian đặc trưng vùng châu thổ Bắc Bộ.

Cảnh quan môi trường xung quanh những cây cầu cổ rất tự nhiên, đơn thuần chỉ là những cây cỏ mọc tự nhiên ở hai bên các sông, hồ và một số cây bóng mát được trồng ở cổng cầu nhằm tô điểm thêm cho vẻ đẹp cổ kính, như: cây phượng vĩ ở cầu ngói chợ Lương và cầu ngói Phát Diệm, cây hoa đại ở cầu ngói chợ Thượng… Đó là những cây thân thuộc với cuộc sống và phù hợp với kiến trúc cầu, cho thấy sự thích ứng của kiến trúc bản địa đối với yếu tố địa lý và cảnh quan.

Sử dụng vật liệu địa phương trong kiến trúc điêu khắc cầu ngói

Trong kiến trúc, điêu khắc cầu, yếu tố vật liệu địa phương đóng vai trò rất quan trọng, mang cái hồn của kiến trúc bản địa. Tận dụng vật liệu địa phương vừa tạo ra dáng vẻ đặc trưng và còn góp phần giảm thiểu chi phí xây dựng cho công trình. Cầu cổ có sự kết hợp các vật liệu truyền thống như: đá xanh nguyên khối, gỗ, ngói mũi hài (vảy cá), gạch nung… tạo nên những cây cầu mang phong cách kiến trúc độc đáo, thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Đặc biệt là cách sử dụng vật liệu truyền thống như vôi, vữa để tạo nên những hình tượng điêu khắc như lân (nghê), rồng hay các họa tiến trang trí trên các cổng cầu rất tinh xảo, thể hiện được tinh thần ý nghĩa về văn hóa, tâm linh, làm cho những cầu đá, cầu ngói càng gần gũi thân thuộc hơn với đời sống thích nghi với điều kiện tự nhiên và văn hóa bản địa (5).

 Bàn tay khéo léo của nghệ nhân và thợ thủ công truyền thống đã tạo nên những công trình kiến trúc mang đậm chất dân gian, độc đáo, hài hòa, ăn nhập với tổng thể không gian môi trường. Sự tham gia xây dựng của thợ thủ công đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện các cấu tạo chi tiết kiến trúc, điêu khắc. Có thể kể đến các chi tiết như: nghê cuốn chiếu thư, rồng ở hai bên bờ nóc, vòm cuốn, lan can họa tiết lá đề, vân mây xoắn ở đầu dầm cầu… là những hình tượng, mô típ trang trí truyền thống thường xuất hiện trên các công trình kiến trúc cổ: đình, chùa, lăng tẩm... Dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân, thợ thủ công xưa, chúng lại xuất hiện mềm mại, uyển chuyển trên các cây cầu cổ độc đáo. Điều đó chứng minh nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí dân gian có thể phù hợp trong nhiều trường hợp với mục đích chức năng sử dụng của các công trình kiến trúc cổ Việt Nam thời đó.

Kết luận

Qua thực tế khảo sát cho thấy, nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên kiến trúc cầu ngói Việt Nam có sự độc đáo riêng về nghệ thuật tạo hình, tuy khá đơn giản, song là sự kết hợp tinh tế giữa kiến trúc và điêu khắc với những hình tượng mộc mạc đậm chất dân gian như nghê chầu cuốn thư, hai đầu rồng bờ nóc, hoạ tiết lá đề, vân mây, sóng nước… tạo cho cầu có dáng uyển chuyển, thanh thoát trong không gian và có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh. Hiện nay, một số cây cầu có biểu hiện xuống cấp hoặc trùng tu chưa đúng giá trị nghệ thuật gốc như: một số chi tiết bị sứt vỡ hoặc đã bị gãy, các nhịp cầu bị xô lệch, không gian môi trường không được chú ý tôn tạo, quy hoạch cảnh quan tổng thể. Các ngành chức năng cùng chính quyền, nhân dân địa phương nơi sở tại có những cây cầu cổ cần phải có giải pháp chính sách môi trường nhằm khắc phục, bảo tồn, tôn tạo thêm những di sản văn hóa nghệ thuật này.

Di tích cầu ngói Việt Nam thực sự có những nét văn hóa đặc trưng và giá trị đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc dân gian, cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại, đảm bảo sự phù hợp giữa bảo vệ giá trị di sản văn hóa với môi trường nhân văn trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay.

_________________

1. Bùi Văn Long, Cầu cổ Việt Nam nhìn từ góc độ văn hóa, Tạp chí khoa học - Trường Đại học Mở Hà Nội, số 66, 2020.

2. Bùi Văn Long, Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc cầu ngói khu vực Châu thổ Sông Hồng, Tạp chí Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 295&296, 2017.

3, 4, 5. Trần Văn Anh, Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cầu Ngói, chùa Lương - Nam Định, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, 2015.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2001.

2. Nguyễn Du Chi, Trên đường tìm về cái đẹp của cha ông, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.

3. Nguyêñ Thị Thu Hương, Biểu tượng cây cầu - từ đời sống văn hóa đến ca do trữ tình người Việt, Khóa luận tốt nghiệp ngành Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nôị, 2017.

4. Ngô Huy Quỳnh, Lịch sử kiến trúc Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 1998.

5. Chu Quang Trứ, Cây cầu trong văn hóa Việt cổ, trong Văn hóa Việt Nam nhìn từ Mỹ thuật, tập 1, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2002.

BÙI VĂN LONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;