Ký hiệu học và biểu tượng trong nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu

1. Đặt vấn đề

Trong số những nghiên cứu về văn hóa truyền thống, có thể thấy tín ngưỡng thờ Mẫu là một hình thức thực hành nghi lễ thể hiện sự tôn kính của người dân đối với thần linh các vị nữ thần dưới danh nghĩa mẹ, thông qua người đứng giữa (gọi là ông đồng/ bà cốt…) như một hình thức kết nối gián tiếp giữa con người với thánh thần. Trong các nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu, bên cạnh những giá trị di sản phi vật thể như: hình thức diễn xướng dân gian, trang phục của người thực hiện nghi lễ hầu đồng, những hình thức trang trí không gian thờ Mẫu cũng là những thành tố góp phần không nhỏ tạo dựng một bức tranh toàn cảnh về thực hành lễ nghi của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh.

Nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu luôn giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, bởi lẽ trong khi chúng ta luôn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm những minh chứng về sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật cổ thì nghệ thuật trang trí lại hiện tồn rất rõ nét ở các công trình kiến trúc truyền thống, thậm chí nhiều công trình còn được bảo lưu gần như nguyên vẹn. Nghiên cứu về không gian điện thờ Mẫu tại Bắc Bộ không chỉ giúp chúng ta khám phá các hình thức trang trí đã góp phần làm đẹp kiến trúc, nơi thể hiện sự tài hoa, tinh tế trong sáng tạo của các nghệ nhân xưa, mà còn nhận ra nhiều vấn đề liên quan tới tín ngưỡng, gắn liền với đời sống cộng đồng, với truyền thống văn hóa của người Việt.

Lý thuyết cấu trúc luận là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các chuyên ngành khoa học xã hội nhất là về nghệ thuật và biểu tượng… Cấu trúc luận được sáng lập bởi nhà ngôn ngữ Thụy Sĩ, Ferdinand Saussure, theo đó: ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu, mỗi ký hiệu ngôn ngữ có hai phần: cái biểu đạt (le signifiant) và cái được biểu đạt (le signifié). Cái biểu đạt là một hình ảnh thính giác, cái được biểu đạt là một khái niệm. Sau đó được nhiều nhà khoa học như Romand Jakobson, Claude Levi-Strauss, Louis Hjelmslev... tiếp tục phát triển thành hệ thống lý thuyết về cấu trúc vô cùng phong phú. Như Louis Hjelmslev đã có sơ đồ mô hình hóa khái niệm của Ferdinand Saussure như sau (1):

Nhìn từ góc độ cấu trúc luận, nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu chính là hành trình sáng tạo nhằm cụ thể hóa hệ thống dấu hiệu bằng hình tượng nghệ thuật thông qua các phương tiện, thủ pháp của nghệ thuật tạo hình. Việc nghiên cứu không gian tín ngưỡng thờ Mẫu từ góc độ ký hiệu học có vai trò quan trọng trong khảo cứu chuyên sâu mỹ thuật hay cụ thể là nghệ thuật trang trí không gian điện thờ.

2. Nội dung

Việc nghiên cứu chuyên sâu mỹ thuật hay cụ thể nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu từ góc độ ký hiệu học chưa nhiều ở Việt Nam. Từ nhu cầu nhằm giúp người nghiên cứu, người quan tâm hiểu rõ không gian điện thờ Mẫu, cũng như đóng góp vào việc nghiên cứu nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu tại Bắc Bộ. Bài báo đặt nghiên cứu nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu từ lý thuyết ký hiệu học, bao gồm các vấn đề như: ký hiệu học nghệ thuật và ký hiệu trong trang trí không gian điện thờ Mẫu. Từ đây có thể lý giải ký hiệu của ngôn ngữ tạo hình đã biểu đạt được nội dung, được chuyển tải trong nghệ thuật trang trí trong điện thờ Mẫu, người thợ phát huy hệ thống ký hiệu để người xem có thể tiếp nhận được nội dung ý nghĩa muốn truyền tải đến. Ký hiệu ngôn ngữ tạo hình tạo ra sức hấp dẫn trong không gian thờ. Hệ thống ký hiệu trong không gian thờ Mẫu biểu đạt trạng thái tâm hồn, hiện tượng trên các hoa văn họa tiết mà còn biểu hiện bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, quốc gia. Người thợ sử dụng các ký hiệu mỹ thuật để miêu tả sự vật, cảm xúc và các diễn biến trong nội dung.

Điều này lý giải vì sao, cùng một ký hiệu nhưng cách hiểu và giải thích có thể khác nhau. Ở lĩnh vực nghệ thuật, ký hiệu học nghiên cứu hệ thống dấu hiệu biểu đạt đặc trưng trong tác phẩm nghệ thuật. Ký hiệu được áp dụng cho tất cả các nỗ lực của con người trong việc truyền tải thông điệp, bao gồm điện ảnh, múa, sân khấu, kiến trúc, nội thất, hội họa… và mỗi loại hình nghệ thuật có đặc trưng riêng trong hệ thống ký hiệu. Ký hiệu trong nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu là sự chuyển giao ẩn dụ để người xem có thể tiếp nhận được ý nghĩa và thông tin của người nghệ sĩ muốn truyền đạt.

Lévi - Strauss hệ thống lại các khái niệm, các mô hình, phân tích cấu trúc trong ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật, xã hội… và cho rằng: một cấu trúc phải thể hiện đặc trưng hệ thống. Nó bao gồm các yếu tố sao cho bất kỳ biến đổi nào của chúng cũng tạo ra sự biến đổi của tất cả các yếu tố khác. Trong đó quan điểm nổi bật nhất trong lý thuyết này là quan điểm nhị nguyên luận (các cặp đối lập cơ bản). Ông đưa ra và phân tích quan điểm nhị nguyên luận là mọi quan hệ giữa các ký hiệu được quy về các dạng cấu trúc nhị phân. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đặc trưng nguyên tắc nhị phân thể hiện rất rõ nét, có nữ thần: Thánh Mẫu, Chầu bà, các Cô; có nam thần: các quan, ông Hoàng, các Cậu; Thoải phủ: nước - Nhạc phủ: đất. Điều này cũng được thể hiện rất rõ qua cách bài trí trong điện thờ: bên thờ nam thần, bên thờ nữ thần và qua màu sắc được quy ước sử dụng: Thoải phủ: trắng; Nhạc phủ: xanh; Thiên phủ: đỏ; Địa phủ: vàng.

Cấu trúc nhị phân đó lại phát triển thành nguyên lý 3 nhân tố: hai cặp đối lập và nhân tố trung gian… Từ các cặp đối lập trời - đất, sống - chết, đực - cái, tự nhiên - văn hóa… đều xuất hiện nhân tố trung gian ở giữa đóng vai trò quan trọng, làm giảm sự đối lập gay gắt, góp phần chuyển đổi giữa hai nhân tố đối lập cho uyển chuyển hơn… Như vậy, có thể thấy, nhân tố trung gian trong điện thờ Mẫu chính là các đồ thờ, đồ lễ hiện diện trong không gian đó với hai nhân tố đối lập là thần linhcon người, giữa đời thường và sự linh thiêng. Ngoài ra, các yếu tố khác trong điện thờ Mẫu như ánh sáng, màu sắc, chất liệu… cũng đóng vai trò như một chất xúc tác - nhân tố trung gian kết nối giữa nhân tố đối lập trên. Như vậy, rõ ràng không gian điện thờ là nơi con người được tiếp xúc với thần linh, đề đạt những ước vọng, mong muốn đến thần linh một cách nhanh chóng hơn.

Ngoài các luận điểm ký hiệu học và nhị nguyên luận của cấu trúc luận kể trên, còn có thể thấy tính biểu tượng và ước lệ cũng là một lý thuyết và phương pháp luận nghiên cứu nghệ thuật rất được quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu về biểu tượng đã xuất hiện tại Việt Nam hơn 100 năm. Trong lý thuyết cấu trúc luận nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thiết kế kiến trúc - nội thất nói riêng, tính ước lệ và biểu tượng là những tính chất đặc thù, tiêu biểu nhất, các tác phẩm nghệ thuật thông qua các tính chất đặc thù này để biểu hiện nội dung muốn truyền tải.

Biểu tượng là những hình tượng mang hình ảnh sự vật cụ thể cảm tính bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa, gây được ấn tượng sâu sắc với người xem. Biểu tượng nghệ thuật được coi là ký hiệu thẩm mỹ đa nghĩa, bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Tác giả Trịnh Bá Đĩnh đã giải thích về biểu tượng trong cuốn Từ ký hiệu đến biểu tượng như sau: “Hình tượng là sự chụp ảnh tái tạo hiện thực, là sự ngưng đọng của hiện thực. Ở hình tượng, dấu ấn cá nhân sáng tạo của nghệ sĩ nổi bật, trong khi đó ở biểu tượng dấu ấn cộng đồng lại chiếm ưu thế. Nhìn chung, việc phân biệt hình tượng nghệ thuật và biểu tượng nghệ thuật không phải lúc nào cũng rạch ròi. Sự lặp lại nhiều lần của một hình tượng nào đó cũng có thể biến nó thành biểu tượng” (2). Hay tác giả Phạm Đức Dương có nói: “Biểu tượng bao giờ cũng là tín hiệu hai mặt, cái biểu thị là những dạng thức tồn tại của ý niệm dưới dạng vật chất nằm trong thế giới thực tại; cái được biểu thị là những ý nghĩa, những giá trị, những thông điệp thuộc thế giới ý niệm ẩn giấu trong biểu tượng” (3). Như vậy, biểu tượng nghệ thuật cũng là hình tượng nghệ thuật.

Bên cạnh đó, ước lệ là sự hiện thực hóa trong sáng tạo thẩm mỹ khả năng biểu đạt cùng một nội dung của nhiều hệ thống ký hiệu bằng những phương tiện cấu trúc khác nhau. Các yếu tố được sử dụng trong không gian kiến trúc - nội thất thường mang tính ước lệ với những mức độ khác nhau, một số được nhìn từ góc độ của mối liên hệ giữa việc sử dụng chúng một cách thông thường ngoài nghệ thuật, một số được sử dụng bằng ý nghĩa mà chúng thể hiện trên hình thức có chủ ý. Tính ước lệ nhiều khi được thể hiện trong sự ngăn chia không gian, sự phân cấp trong sắp đặt bài trí như giới hạn bằng các thành phần cột, mái, trang trí… Tính ước lệ còn được thể hiện trong việc sử dụng màu sắc. Trong không gian thờ Mẫu, màu sắc đều tuân theo quan niệm về ngũ hành - ngũ sắc: màu đỏ tượng trưng cho Thiên phủ, màu xanh tượng trưng cho Nhạc phủ, màu trắng tượng trưng cho Thoải phủ, màu vàng là trung tâm, tượng trưng cho quyền cai quản bốn phủ và màu đen thuộc hành Thủy.

Ước lệ và biểu tượng thường được dùng nhiều trong nghệ thuật và dần trở thành phương tiện diễn đạt có tính cô đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của người xem. Các yếu tố được sử dụng trong không gian kiến trúc - nội thất thường mang tính ước lệ với những mức độ khác nhau, một số được nhìn từ góc độ của mối liên hệ giữa việc sử dụng chúng một cách thông thường bên ngoài nghệ thuật và một số khác được nhìn vào ý nghĩa mà chúng có được đằng sau sự biểu hiện của qua hình thức đã được sắp đặt theo chủ ý - tức là đã có yếu tố ước lệ. Theo đó, một hệ thống biểu đạt ước lệ được sử dụng cho các yếu tố trong không gian kiến trúc - nội thất nếu thành công, tất yếu sẽ áp đặt và truyền tải những nội dung, những quy định mà đôi lúc người tiếp nhận không nhận ra, thay vào đó những nội dung, những quy định ấy sẽ được người ta xem là một cái gì vốn dĩ “tự nhiên”, phi ước lệ. Chẳng hạn, chúng ta có thể khó nhận ra tính ước lệ của những hình thức quen thuộc ở hệ thống bài trí, phối cảnh nào đó trong không gian nội thất và cũng giống như một số loại hình kiến trúc truyền thống của người Việt, sự ngăn chia ước lệ trong các đình, đền, phủ... thể hiện rõ giới hạn các không gian chức năng bằng các hàng cột, bậc cấp...

Tiến sĩ Susaane K.Langer đã phát biểu trong cuốn Philosophy in a New Key: “Các nhà nhận thức luận và tâm lý học đã đồng ý rằng sự biểu tượng hóa là yếu tố then chốt cho tiến trình dựng xây như thế, mặc dầu họ có thể sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau về vấn đề biểu tượng là gì và nó có tác dụng ra sao…? “Yếu tố mới” trong triết học, theo bà Langer, được cung cấp bởi vai trò quan yếu của chủ nghĩa tượng trưng trong đời sống và tư tưởng con người - không chỉ trong hội họa, tôn giáo và văn chương, mà còn trong khoa học, luận lý học và tâm lý học thâm viễn (dept psychology). Bà chỉ ra rằng, bởi vì trong thế hệ hiện nay, chúng ta đã đánh mất sự tiếp xúc với các biểu tượng của cuộc sống, những biểu tượng đã ủng hộ tổ tiên chúng ta về phương diện tinh thần, cho nên chúng ta cảm thấy càng lúc càng khó khăn trong việc khám phá ý nghĩa và cứu cánh của cuộc đời” (4).

3. Kết luận

Tóm lại, bằng việc vận dụng một cách có hiệu quả những quan điểm lý thuyết phù hợp như đã trình bày, việc tổ chức không gian kiến trúc và bài trí nội thất là một trong những yêu cầu không thể thiếu của việc thiết kế kiến trúc nội thất không gian điện thờ Mẫu. Thông qua các nguyên lý về thiết kế kiến trúc, tổ chức không gian kiến trúc nội thất để đảm bảo các yếu tố về công năng và thẩm mỹ cho công trình. Trong một công trình kiến trúc, yếu tố công năng và yếu tố thẩm mỹ luôn song hành và có quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nhau. Các Mác đã nói: “Loài người sáng tạo thế giới theo tiêu chuẩn cái đẹp”. Với quan niệm như vậy, chúng tôi xem xét đối tượng nghiên cứu - nghệ thuật trang trí không gian điện thờ Mẫu tại Bắc Bộ - dưới góc độ vật chất, tức là nghiên cứu các yếu tố tạo thành, các quy luật bài trí, tổ chức không gian và sự ảnh hưởng tới các yếu tố ấy dưới góc độ công năng và thẩm mỹ điện thờ.

____________________

1. Đinh Hồng Hải, Nhân học biểu tượng và cách tiếp cận lý thuyết trong nghiên cứu biểu tượng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.23.

2. Trịnh Bá Đĩnh, Từ ký hiệu đến biểu tượng, Nxb Khoa học xã hội, 2017, tr.26.

3. Phạm Đức Dương, Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.58.

4. Langer (Cao Hùng Lynh dịch), Philosophy in a New Key (Triết học trong một yếu tố mới), 1942, tr.1.

Tài liệu tham khảo

1. Đinh Hồng Hải đồng tác giả, Nhân học: Ngành khoa học về con người, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2020, tr.180-191.

Ths LÊ MINH CHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 551, tháng 11-2023

;