Đặc điểm của hệ thống bao lam trang trí nhà cổ miền Tây Nam Bộ

Bao lam chính giữa nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) - Ảnh: Tác giả

1. Đặt vấn đề

Vào cuối TK XIX, đầu TK XX, tại miền Tây Nam Bộ nổi lên một số điền chủ giàu có nhờ chính sách tích tụ ruộng đất. Với tiềm lực tài chính dồi dào, các điền chủ đã cho xây dựng những dinh thự nguy nga, tráng lệ. Mỗi dinh thự mang một vẻ đẹp riêng nhưng đa số đều có điểm chung là thiết kế dạng “nội ứng ngoại hợp”, bên ngoài mang kiến trúc kiểu châu Âu, bên trong là kết cấu nhà rường và không gian nội thất truyền thống phương Đông.

Trong nội thất mang phong cách phương Đông của các ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ, bên cạnh những đồ vật đậm chất truyền thống như sập gụ, bàn ghế, tủ… hệ thống bao lam là điểm nổi bật, mang lại ấn tượng sâu đậm. Bao lam là hệ thống trang trí khoảng trống giữa hai hàng cột hoặc trang trí cửa các buồng bên trong ngôi nhà gỗ của người Việt miền Tây Nam Bộ. Bao lam gồm ba phần hợp lại tạo thành hình chữ U ngược, hai phần thẳng đứng chạy dọc theo cột, phần ngang nối hai phần thẳng đứng và nằm dưới xà ngang nối giữa hai cột. Bao lam vừa mang công năng thông gió, thoáng khí, vừa mang chức năng trang trí, nhờ có bao lam không gian nội thất sinh động hơn, giảm đi những hạn chế của kiến trúc. Được chạm khắc hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, bao lam cho thấy gu thẩm mỹ của chủ nhân, thể hiện vị thế của gia chủ, góp phần tạo nên không gian nội thất đặc trưng của ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ.

2. Hệ thống bao lam tại một số nhà cổ miền Tây Nam Bộ

Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ)

Không gian nội thất nhà cổ Bình Thủy được phân chia như sau: nhà trước (5 gian), dùng làm nơi tiếp khách; nhà giữa (5 gian), 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự theo truyền thống, 2 gian buồng hai bên dùng để ở; nhà sau được sử dụng làm nơi sinh hoạt chung.

Hệ thống bao lam nhà cổ Bình Thủy trang trí 5 gian nhà giữa bao gồm 3 bao lam nhà chính và 2 bao lam cửa buồng ra vào. Hệ thống bao lam được bố trí theo kiểu đăng đối, bao lam chính ở gian giữa, bao lam hai gian trái, phải hai bên, ngoài cùng là 2 bao lam cửa buồng.

Bao lam chính giữa: mang chủ đề Hoa - Điểu, từ điểm xuất phát bên dưới, thân cây uốn lượn hình sin chạy dọc theo cột lên trên và chuyển theo phương nằm ngang tại điểm nối cột và xà ngang rồi hướng về điểm trung tâm là hình tượng dơi dang cánh ngậm lẵng quả. Trên thân cây là các họa tiết động vật, thực vật được bố trí xen kẽ theo nhịp điệu: tảng đá - đôi gà - mẫu đơn - song điểu - tảng đá - chim trĩ - mẫu đơn - chim trĩ - dơi ngậm lẵng quả - chim trĩ - mẫu đơn - chim trĩ - tảng đá - song điểu - mẫu đơn - đôi gà - tảng đá. Bao lam được thể hiện theo lối chạm lọng tầng tầng lớp lớp, nét đục chạm sắc sảo, tinh tế. Bao lam có đường bao giới hạn được tạo hình uốn lượn bên ngoài, các hoa văn chạm trổ không vượt ra ngoài khuôn khổ đường bao. Mặt sau bao lam là các ô lục giác dài kết hợp ô hình thoi tạo thành phần nền hoa văn kim quy.

Bao lam hai bên: đề tài Hoa - Điểu kết hợp Tùng - Lộc, về bố cục nhịp điệu cũng được chia làm 2 nhịp chủ đề riêng. Bao lam bắt đầu từ phía dưới là chủ đề Tùng - Lộc, cây thông mọc trên tảng đá kết hợp hoa văn kỷ hà, đến ½ chiều cao kết thúc và bắt đầu từ mảng khối hoa văn kỷ hà cùng hòn đá, từ đó cây mẫu đơn to hơn chạy theo hình sin từ dưới lên trên, đến góc vuông tiếp giáp chiều thẳng đứng và chiều ngang thì tạo thành một đường cong chuyển hướng sang ngang và tỏa dần về trung tâm. Trung tâm là dơi dang cánh nâng bức cuốn thư. Phía bên kia cũng đăng đối như chiếu qua gương. Nhịp điệu: cây tùng - con hươu - chim - tảng đá - cây mẫu đơn - công - mẫu đơn - trĩ - cuốn thư - trĩ - mẫu đơn - công - gốc mẫu đơn - tảng đá - chim - con hươu - cây thông. Bao lam cũng có đường bao ngoài, hoa văn được chạm trổ trên nền ô lục giác như bao lam gian chính giữa.

Bao lam cửa buồng hai bên: đề tài Hoa - Điểu được bố cục đăng đối, khác với các bao lam chính có cụm trung tâm mang tính quy ước truyền thống là lẵng quả hoặc cuốn thư thì bao lam cửa buồng như là sự ghép nối của 2 phần đối xứng qua gương, nhịp điệu bắt đầu từ lá và dây leo khổ qua chạy theo hình sin tỏa xuống phía dưới và kết thúc với hoa văn kỷ hà. Nhịp điệu theo thứ tự: lá - trái khổ qua - chim - hoa mai - hồi văn kỷ hà kết thúc. Có đường cong bao ngoài tạo giới hạn, tất cả hoa văn được thể hiện hai mặt trên nền hồi văn chữ Vạn.

Nhà cổ Trăm cột (Long An)

Hệ thống bao lam nhà cổ Trăm cột được bố trí tương tự hệ thống bao lam nhà cổ Bình Thủy, nhà chính chia làm 5 gian, 3 gian giữa có hệ thống bao lam trang trí. Bố cục giống như hệ bao lam nhà cổ Bình Thủy bao gồm bao lam gian chính giữa, hai gian bên là hai bao lam đăng đối, giống hệt nhau. Điểm khác biệt với hệ thống bao lam nhà cổ Bình Thủy là vị trí cửa ra vào buồng không có bao lam mà được tạo hình vòm cong.

Bao lam gian chính giữa: tương tự như nhà cổ Bình Thủy, bao lam có chủ đề Hoa - Điểu, thân cây giữ vai trò nhịp điệu chạy hình sin từ dưới lên và truyền sang phương nằm ngang hướng về trung tâm là bức cuốn thư. Các họa tiết trang trí bao gồm trĩ, mẫu đơn, hoa hồng được bố trí xen kẽ. Bao lam chạm khắc một mặt, không có nền, không có đường bao.

Bao lam hai bên: cũng mang chủ đề Hoa - Điểu và sử dụng thân cây giữ nhịp tạo hình uốn lượn từ dưới lên và hướng về trung tâm là cụm hoa gạo lớn, trên thân cây các loài chim trĩ, công, được trang trí xen kẽ với các loài hoa lá: hoa gạo, mẫu đơn, bình bát, hoa sen. Cũng như bao lam gian chính giữa, bao lam hai bên không có đường bao, chạm khắc một mặt và không có nền.

Hệ thống bao lam của nhà cổ Trăm cột không gắn trực tiếp vào cột mà có hệ thống khung diềm bao quanh, hệ thống này như một phần đệm giữa cột và bao lam, cũng được chạm khắc hoa văn trang trí. Điểm đặc sắc của hệ thống khung diềm này là được làm bằng gỗ mun, màu đen của bộ khung bao quanh làm nổi bật bao lam bằng gỗ gõ đỏ.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (Đồng Tháp)

Cũng mang phong cách kết hợp Đông - Tây nhưng bố cục không gian nội thất nhà cổ Huỳnh Thủy Lê khác với những ngôi nhà nêu trên. Ngoài bao lam ở gian chính thì ở bên trong giữa các cột đều có bao lam trang trí. Tổng cộng có 10 bao lam, 3 bao lam tại gian chính, 2 bao lam cửa vào bên trong, 2 bao lam cửa buồng, 3 bao lam khu vực nhà trong.

Bao lam gian giữa gian nhà chính: có chủ đề Bách Điểu với chim trĩ, chim công, chích chòe, chim sẻ… được trang trí theo bố cục đăng đối, tâm điểm không phải là mảng lớn chạm đồ vật như các bao lam thường thấy mà là cụm hoa lá kết hợp chùm nho. Phần nằm ngang hầu như không có chính phụ mà chủ yếu là các họa tiết chim, hoa lá, chùm nho xen kẽ nhau, phải xuống đến phần bao lam thẳng đứng sát cột mới có mảng lớn tả chim công, tảng đá mọc lên thân cây, giữa những mảng lớn là các loại chim và hoa lá đan xen chùm nho tương tự phần bên trên.

Bao lam được chạm thủng theo hình, các họa tiết phát triển tự do không bị giới hạn trong đường bao, phía sau không có nền.

Bao lam hai bên gian nhà chính: tương tự lối bố cục vị trí của bao lam các nhà cổ, bao lam hai bên gian chính nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có chủ đề và tạo hình giống hệt nhau. Chủ đề Hoa - Điểu được thể hiện với Mẫu Đơn - Trĩ là họa tiết chính, tâm điểm là bông mẫu đơn lớn được bao quanh bởi 4 bông mẫu đơn nhỏ và các loài chim, theo nhịp điệu hình sin của thân cây, các họa tiết hoa lá mẫu đơn xen kẽ với chim trĩ cùng một số loài chim nhỏ không phân biệt mảng chính - phụ rõ ràng mà hòa quyện với nhau tạo nên quần thể hoa văn quấn quýt.

Bao lam lối ra vào hai bên: vẫn tiếp nối chủ đề Hoa - Điểu với chim trĩ và hoa mẫu đơn, bố cục tuy vẫn đăng đối nhưng không có mảng trung tâm mà như hai phần đăng đối hai bên ghép với nhau, các mảng hoa văn lớn nhỏ đặt trên nền hoa văn dạng hồi văn chữ Vạn, có đường bao giới hạn không gian.

Bao lam chính giữa gian nhà trong: chủ đề Hoa - Điểu và bố cục đăng đối quen thuộc, từ cuốn thư ở giữa đóng vai trò tâm điểm, hai bên các loài chim và hoa lá bố cục xen kẽ hướng vào tâm điểm. Hoa văn động vật chủ đạo là hai con chim trĩ hai bên cuốn thư, một số loài chim khác nằm rải rác trong bố cục, hoa văn thực vật là mẫu đơn. Hoa văn trang trí bao lam chính giữa gian nhà trong mang tính chất tập trung, hầu như không có sự đan xen của các loài động vật hay thực vật khác ngoài mẫu đơn và trĩ.

Bao lam bên trái gian nhà trong: chủ đề Trúc - Điểu, cây trúc là đường liên kết chính chạy từ dưới lên theo đường xiên chéo và hướng vào tâm điểm là quả bầu lớn, các con chim đậu rải rác trên cành trúc, xen cài là lá cúc, hoa lan và hồ lô (quả bầu). Bên dưới cùng bao lam là hoa văn cong chữ C kiểu bông tây.

Bao lam bên phải gian nhà trong: chủ đề Nho - Sóc kết hợp Trúc - Điểu, cây trúc vươn chéo lên tâm điểm đóng vai trò đường dẫn trên đó dây leo và chùm nho quấn quýt. Bố cục đăng đối, mỗi bên 3 con sóc, 3 con chim, chính giữa là chùm nho và 2 con sóc đăng đối hai bên.

Bao lam cửa buồng hai bên: bao lam cửa buồng hai bên được thể hiện giống nhau, chủ đề Hoa - Điểu với hoa mai, mẫu đơn, phật thủ, chim, tâm điểm của bố cục đăng đối là cụm hoa mai và quả phật thủ, không có đường dẫn tạo nhịp điệu rõ rệt mà là sự kết hợp của từng cụm hoa lá nhỏ tạo thành bao lam.

Nhìn chung hệ thống bao lam của bốn ngôi nhà cổ nêu trên có nét tương đồng về vị trí, bố cục, đồ án trang trí, kỹ thuật chế tác. Vị trí bao lam hầu hết nằm ở gian chính theo dạng đăng đối với bao lam trung tâm ở giữa, 2 bao lam hai bên giống nhau, đồ án trang trí theo chủ đề truyền thống như Hoa - Điểu, Tùng - Lộc, Nho - Sóc, Trúc - Điểu, kỹ thuật chế tác theo lối chạm lọng, chạm thủng, chạm kênh bong truyền thống.

Tuy chủ đề giống nhau nhưng hệ thống bao lam mỗi ngôi nhà lại được thể hiện khác nhau về hoa văn, bố cục, màu sắc tạo nên những điểm đặc trưng riêng, một số bao lam có đường viền bao bên ngoài mang tính chất giới hạn không gian hoa văn trang trí (nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê), một số bao lam được trang trí hai mặt, mặt sau là nền ô lưới dạng mắt võng kim quy hoặc hoa văn đồng tiền (nhà cổ Bình Thủy), một số bao lam không gắn trực tiếp vào cột mà có hệ khung bao xung quanh, trên hệ khung bao cũng chạm trổ hoa văn trang trí (nhà cổ Trăm cột, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê).

3. Đặc điểm của hệ thống bao lam nhà cổ miền Tây Nam Bộ

Đề tài và mô típ trang trí

Mô típ trang trí hệ thống bao lam các ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ mang chủ đề truyền thống như Hoa - Điểu, Nho - Sóc, Tùng - Lộc… với các hoa văn động vật: hươu, sóc, công, trĩ, phượng, các loài chim, gà, vịt… hoa văn thực vật: hoa mẫu đơn, hoa lan, cây trúc, cây thông, chùm nho, hoa sen… Mô típ trang trí truyền thống được thể hiện với nhiều biến thể, áp dụng nguyên bản chỉ một loại chim kết hợp một loại hoa như trĩ - mẫu đơn, có thể sử dụng mô típ chính kết hợp nhiều loại chim (trĩ, chim sẻ, chích chòe, gà, vịt…) nhiều loại hoa lá (mẫu đơn, hoa lan, hoa mai, khổ qua (mướp đắng), hoa hồng, hoa sen…) phụ trợ trong một bao lam. Cũng có thể kết hợp hai chủ đề truyền thống trong một bao lam, đoạn dưới là Tùng - Lộc, đoạn trên lại là Hoa - Điểu hoặc phần bao lam nối giữa hai cột tuân thủ chủ đề quy ước nhưng phần bao lam hai bên cột lại được sáng tạo riêng ngoài khuôn khổ những chủ đề truyền thống.

Bên cạnh chủ đề truyền thống, hoa văn trang trí hệ thống bao lam được những người thợ thủ công thể hiện sự sáng tạo và kết hợp những điểm mới. Trên nền tích cổ quen thuộc, nghệ nhân đã lồng ghép những hình tượng sản vật vùng miền sông nước mang tính dân gian, địa phương hóa cao. Cũng là đề tài Hoa - Điểu, nhưng ngoài những loài chim quen thuộc như công, phượng, trĩ đã xuất hiện gà, vịt, chích chòe, chim, hoa sen, hoa hồng, bình bát, khổ qua được thể hiện theo lối tả thực. Trong các ngôi nhà cổ nêu trên ngoại trừ bao lam nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tuân thủ nghiêm ngặt quy cách, các ngôi nhà khác đều có sự xen cài các hoa văn mới bên cạnh những chuẩn mực kinh điển. Ở nhà cổ Bình Thủy là trái khổ qua, ở nhà cổ Trăm cột là hoa hồng. Những hoa văn mới thể hiện sự sáng tạo, cho thấy dấu ấn bản địa như những trái cây miền sông nước, những con thú gợi lại hình ảnh miền Tây hoang dã thuở những người Việt đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới.

Đây cũng là điểm cho thấy ảnh hưởng của phong cách chạm khắc trang trí các ngôi đình làng Bắc Bộ, bên cạnh các chủ đề quen thuộc mang tính điển chế vẫn có những đề tài dân dã, gần gũi với cuộc sống thể hiện sự sáng tạo của những người thợ thủ công đất Việt.

Đặc điểm về bố cục và nhịp điệu

Bố cục hệ thống bao lam các ngôi nhà cổ đều tuân thủ bố cục dạng đăng đối truyền thống, ở chính giữa là tâm điểm được thể hiện bằng đồ vật (lẵng quả, cuốn thư, cụm hoa…), từ tâm điểm tỏa sang hai bên và lan xuống dưới là các mảng hoa văn động vật, thực vật xen kẽ, điểm kết thúc dưới cùng là sự kết hợp của mảng với các hoa văn kỷ hà cách điệu.

Đặc trưng bố cục trong hệ thống bao lam là các cặp đối xứng, tương phản: to - nhỏ, ngắn - dài, cao - thấp, động - tĩnh, chính - phụ. Nhịp điệu bố cục chung của các bao lam như sau: từ mảng lớn trung điểm (cuốn thư, lẵng quả, cụm hoa lá…) sẽ đến mảng nhỏ (họa tiết phụ như hoa, lá, chim có kích thước nhỏ, tạo hình đơn giản), tiếp đến là mảng lớn (họa tiết chính: chim trĩ, chim công, chim phượng… được tạo hình tỉ mỉ, kích thước lớn, chi tiết trau chuốt) cứ thế xen kẽ chính - phụ, to - nhỏ được tiếp tục tỏa về hai bên và chuyển xuống phần thẳng đứng sát với cột cho đến điểm cuối.

Nhịp điệu xen kẽ to - nhỏ, chính - phụ được dẫn hướng bởi thân cây (trúc, gạo, mẫu đơn) uốn lượn hình sin từ dưới lên trên và hướng vào mảng trung tâm. Tuy đều dựa vào thế chuyển động của thân cây để tạo nhịp điệu, nhưng hệ thống bao lam mỗi ngôi nhà lại có những điểm khác biệt. Có bao lam hệ thống nhịp điệu khoan thai, với những đường cong vừa phải, họa tiết bố cục dàn trải, có bao lam nhịp điệu dồn dập với các đường cong gấp khúc, họa tiết tầng tầng, lớp lớp.

Trên cơ sở bố cục nhịp điệu mang tính chuẩn mực kinh điển, mỗi ngôi nhà có hệ thống bao lam lại được nghệ nhân sáng tạo một vẻ đẹp riêng biệt, thậm chí trong một ngôi nhà các bao lam cũng được thể hiện đa dạng, không trùng lặp. Các họa tiết được thể hiện với hình thức đa dạng, tuy cũng là bố cục Hoa - Điểu, nhưng mỗi con chim có tư thế, dáng vẻ khác nhau rất sinh động, có con đang cúi xuống, có con đang hướng lên trên, có con nhìn ngang, có con nhìn thẳng, có con đang quay đầu… Cùng một loại thực vật như hoa mẫu đơn, hoa gạo trong một bao lam được thể hiện rất đa dạng về kích cỡ, tạo hình, hướng nhìn, cách bố cục đơn hay ghép thành mảng. Đề tài Trúc - Điểu, Tùng - Lộc tưởng như đơn điệu vì cấu trúc lá đơn giản, nhưng lại được thể hiện rất đa dạng, lá thông thành cụm, thành mảng, lá trúc được tạo mảng 3-5 lá, các nhóm lá có tầng lớp cho thấy tay nghề diễn tả rất khéo của người nghệ nhân.

Đặc điểm về đường nét, mảng khối

Nhìn chung hệ thống bao lam các ngôi nhà cổ có đường nét tinh tế, mềm mại với nhiều đường cong. Đường nét phóng khoáng, nét nằm trong mảng, lẩn vào mảng, trau chuốt tinh tế (vẩy chim, đuôi chim phượng, lông hươu, các đường gân lá, đường răng cưa lá hoa hồng).

Mảng khối có đặc trưng được trổ thủng theo hình có sự kết hợp lớn, nhỏ. Có mảng thể hiện riêng một hoa văn, họa tiết (con chim, bông hoa, thân cây…) tạo thành mảng riêng không liên kết, có sự kết hợp từ nhiều hoa văn họa tiết với nhau (hoa lan mọc trên tảng đá, chim trên tán cây tùng, song điểu trong đám mẫu đơn) tạo nên một mảng lớn, nhiều tầng lớp.

Mảng khối trong hệ thống bao lam khá đa dạng, có bao lam nhiều mảng khối lớn, trong mảng khối lớn có nhiều mảng khối nhỏ như bao lam nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ Bình Thủy, cũng có bao lam diện tích để trống lớn, hình khối nhỏ được bố cục thưa nhưng đặt trên nền mắt võng kim quy hoặc đồng tiền làm liên kết chặt chẽ hơn và nổi bật mảng khối họa tiết như bao lam không gian bên trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê.

Đường nét thiên về tả thực, nét cánh chim, đuôi chim công, chim trĩ, gân lá hồng. Các họa tiết mới đều tả thực mà không cách điệu như những hoa văn truyền thống theo quy thức cổ điển. Đôi khi còn nệ thực và cảm giác thô ráp như những cụm hoa hồng tại bao lam nhà cổ trăm cột Long An.

Có bao lam ít mảng, nhiều nét như bao lam Trúc - Điểu gian bên trong nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, có bao lam nhiều mảng, ít đường nét như bao lam hia bên nhà cổ Trăm cột, có bao lam hài hòa hai yếu tố mảng và nét như bao lam gian chính nhà cổ Bình Thủy.

Đặc điểm về màu sắc

Màu sắc của hệ thống bao lam khá đa dạng, phổ biến là sơn son thếp vàng kiểu truyền thống có nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, để mộc chỉ phủ lớp bảo vệ có nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ Trăm cột. Mỗi một dạng hòa sắc lại có vẻ đẹp riêng.

Sự đa dạng về màu sắc mang lại những giá trị riêng biệt cho từng ngôi nhà. Nếu như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê có màu sắc chịu sự ảnh hưởng của Trung Hoa (chủ nhân ngôi nhà là người Hoa) với hai tông màu đỏ và vàng lộng lẫy, thì nhà cổ Bình Thủy, nhà cổ Trăm cột lại có nét mộc mạc gần gũi dân dã của màu gỗ tự nhiên không sơn phủ, nhà cổ Trăm cột là bản hòa sắc bằng màu tự nhiên của gỗ, sự kết hợp màu nâu sậm của cột gỗ cẩm lai, màu đỏ của hệ thống khung và bao lam gỗ gõ đỏ, đệm giữa bao lam và cột là màu đen hệ thống khung diềm của gỗ mun màu đen. Tuy mộc mạc dân dã nhưng vẫn cho thấy gia thế của chủ nhà bởi để gỗ mộc không sơn phủ là có dụng ý khoe gỗ bởi các loại gỗ tốt, quý hiếm không chịu được sơn, khoe sự tài khéo của người thợ thủ công thể hiện chạm khắc hoa văn tinh xảo, chạm lọng tầng lớp cầu kỳ trên một tấm gỗ nguyên khối mà không phải chắp ghép.

Đặc điểm về kỹ thuật chế tác

Kỹ thuật chế tác hệ thống bao lam các ngôi nhà cổ thể hiện sự kế thừa truyền thống rõ nét nhất. Tất cả kỹ thuật chạm khắc đều được áp dụng thể hiện hoa văn trang trí bao lam, từ chạm thủng, chạm kênh bong, chạm lọng, chạm nông… tất thảy đều được những người thợ chạm khắc gỗ sử dụng để tạo nên những bao lam mang giá trị nghệ thuật cao, thể hiện tay nghề điêu luyện.

Áp dụng kỹ thuật chạm thủng có bao lam hai bên gian chính và bao lam gian bên trong, bao lam cửa ra vào nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Những bao lam nhỏ thường chỉ sử dụng kỹ thuật chạm thủng, những bao lam lớn ngoài chạm thủng có kết hợp điêu khắc tượng tròn, những phần nổi tách biệt với nền sẽ được đục chạm riêng và chắp ghép.

Kỹ thuật chạm lọng được áp dụng phổ biến nhất, là kỹ thuật đặc sắc nhất của những người nghệ nhân đất Việt. Chạm lọng có ưu điểm là gợi tả không gian phong phú, kênh bong nhiều tầng, nhiều lớp làm cho hình khối chỗ ẩn, chỗ hiện. Bao lam gian chính nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ Bình Thủy thực sự là những kiệt tác chạm lọng với tầng tầng lớp lớp hoa văn thể hiện biến ảo, những nét đục chạm tinh vi, trau chuốt từng cánh hoa, từng chi tiết. Chỉ xét riêng hình tượng chim trĩ trên bao lam nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) ta đã thấy có tới 4 lớp, lớp đầu tiên là cánh chim, lớp thứ hai là thân mình và đuôi chim, lớp thứ ba là thân cây và lớp cuối cùng là phần nền ô lục giác.

Kỹ thuật kết hợp giữa các mảng chạm khắc với điêu khắc tượng tròn cũng được sử dụng nhuần nhuyễn. Những bông hoa, thân chim được thể hiện nhô hẳn ra ngoài nền tạo hiệu ứng về hình khối rất mạnh mẽ.

Kỹ thuật chạm nổi thường được áp dụng ở phần bao quanh hoặc trên mảng phẳng lớn. Khung diềm giữa bao lam và cột nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhà cổ Trăm cột, mảng trung tâm dơi ngậm lẵng quả, dơi nâng cuốn thư... là những phần được thể hiện bằng kỹ thuật chạm nổi.

4. Kết luận

Qua nghiên cứu cho thấy, hệ thống bao lam các ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ có sắc thái riêng không thể trộn lẫn, mang bản sắc truyền thống dân tộc, góp phần tạo nên phong cách độc đáo của những ngôi nhà cổ miền Tây Nam Bộ với kiến trúc phương Tây, nội thất phương Đông.

Mô típ trang trí mang tính truyền thống với những đồ án quen thuộc như Hoa - Điểu, Tùng - Lộc, Nho - Sóc… hoa văn kết hợp với những hoa văn đặc trưng vùng miền như mãng cầu, khổ qua, vịt, chim sẻ, chích chòe… thể hiện thẩm mỹ dân gian sâu sắc.

Hệ thống bao lam nhà cổ miền Tây Nam Bộ cho thấy sự liên tục trong dòng chảy văn hóa truyền thống qua việc kế thừa đồ án trang trí, mô típ trang trí, kế thừa kỹ thuật chạm khắc dân gian, nhưng cũng cho thấy sự cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận những cái mới, đưa những mô típ dân gian bản địa vào trang trí, qua đó bổ sung tinh thần thẩm mỹ dân gian vùng sông nước tạo nên thẩm mỹ đặc trưng của người Việt tại miền Tây Nam Bộ.

______________

Tài liệu tham khảo

1. Trương Duy Bích - Trương Minh Hằng, Nghệ thuật chạm gỗ và tạc tượng đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2014.

2. Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2001.

3. Trần Thị Biển, Nghệ thuật chạm khắc cửa võng, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật, số 2, 2003, tr.52-55.

4. Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời phong kiến, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.

5. Trương Minh Hằng, Làng nghề thủ công mỹ nghệ miền Bắc, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.

6. Nguyễn Lan Hương, Mô típ trang trí trong nghệ thuật dân gian, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 282, 2007, tr.55-58.

7. Léopold Michel Cadière & Edmond Gras, Nghệ thuật và Nghệ nhân vùng kinh thành Huế, Lê Đức Quang dịch và chú giải, Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2019.

8. Lê Công Lý, Huế trong tâm thức Nam Bộ hay là ký ức lưu dân, Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 1 (144), 2018, tr.94.

9. Nguyễn Thị Thu Tâm, Tính dân gian trên chạm khắc bao lam trong chùa Việt ở TP. Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo khoa học của Nghiên cứu sinh năm 2018, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019.

10. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên), Mỹ thuật Nguyễn, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019.

11. Nguyêñ Trung Tiń, Hoa văn trang trí nhà cổ Nam Bộ, Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, 2012.

12. Chu Quang Trứ, Tìm hiểu nghề thủ công điêu khắc cổ truyền Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2000.

13. Ngô Kế Tựu, Nhà xưa Nam Bộ, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2013.

14. Phan Thị Yến Tuyết (chủ biên), Xóm nghề và nghề thủ công truyền thống Nam Bộ, Nxb Trẻ, TP.HCM, 1999.

BÙI TRUNG DŨNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 548, tháng 10-2023

;