Vận dụng nguyên lý cơ bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 trong sáng tác, xây dựng nghệ thuật công cộng

Văn hóa là nền tảng, là động lực, là yếu tố tạo nên sự thành công trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang trên đà phát triển kinh tế, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, việc vận dụng, phát huy những nguyên lý của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 trong sáng tạo, xây dựng nghệ thuật công cộng trong xã hội hiện nay, sẽ góp phần xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tượng đài Vua Quang Trung ở Gò Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Doãn Khánh

Mở đầu

Trong bối cảnh Thế chiến lần thứ II, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đứng trước những thời cơ, thách thức; dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư, người khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đề cập một cách toàn diện, các nguyên lý: dân tộc, khoa học và đại chúng. Ba nguyên lý đó có giá trị trường tồn, xuyên suốt trong lịch sử đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử trên cơ sở các nguyên lý cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta đã bổ sung, phát triển, cụ thể hóa các vấn đề trọng tâm ở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Đảng khóa XI…

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước và đổi mới hiện nay, Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, khẳng định được tầm vóc, trình độ, bản lĩnh và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong giao lưu và hợp tác quốc tế.

Trong thời đại ngày nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã và đang hướng đến xây dựng và phát triển đất nước với các hệ giá trị chính trị, kinh tế… và nhất là hệ giá trị văn hóa. Hệ giá trị này được hun đúc từ truyền thống dân tộc kết hợp với tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo nên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một đất nước phát triển văn minh hiện đại với sự phát triển hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và khoa học công nghệ, trong đó không thể không có sự đóng góp to lớn của mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Nghệ thuật công cộng cũng nằm trong số chung đó. Chính vì vậy, việc vận dụng những nguyên lý dân tộc, khoa học, đại chúng của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 trong sáng tạo, xây dựng và phát triển nghệ thuật công cộng sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế, tạo nên một sức mạnh mềm, một năng lượng tái tạo cho sự phát triển xã hội.

Vận dụng tính dân tộc, khoa học, đại chúng trong sáng tạo xây dựng công cộng ở Việt Nam

Đất nước Việt Nam trải dài theo hình chữ S với vùng biển đảo tươi đẹp và sự đa dạng của nền văn hóa 54 dân tộc anh em, hội tụ trong khối đoàn kết dân tộc, đã và đang phát triển nhanh, đồng bộ, trên mọi miền của Tổ quốc. Các tỉnh, thành phố, các trung tâm đô thị là những nơi hội tụ văn hóa truyền thống và hiện đại, phát triển tạo thành sự dung hợp văn hóa đa dạng, phong phú. Những nơi này đang xây dựng để trở thành đô thị thông minh kiểu mẫu, là nơi thu hút dân nhập cư của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sự hòa trộn của các thói quen sinh hoạt, các tập tục của nhiều vùng miền dẫn đến một sự đa dạng về văn hóa ứng xử trong đời sống của người dân đô thị hiện thời. Các yếu tố đa dạng, đa chiều, đan xen và tương phản trong lối sống luôn hiển hiện trong đời sống hằng ngày của thành phố, tạo nên sự đa sắc màu, trong bản sắc văn hóa của vùng, miền.

Học bài, chất liệu xi măng - Công viên Thống Nhất, Hà Nội - Ảnh: tác giả

Ở các đô thị, nghệ thuật công cộng có thể biểu thị được đặc trưng văn hóa bản địa, vùng miền hay không, điều này phụ thuộc không ít vào việc không gian được quy hoạch như thế nào để tác giả có thể đưa ra nội dung, hình thức cho phù hợp. Hà Nội là một đô thị điển hình của sự dung hợp các không gian văn hóa truyền thống và hiện đại, sự kết nối, liên kết các không gian cổ, không gian hiện đại tạo nên một đặc trưng văn hóa Thủ đô. Với chiều dài lịch sử hơn 1.000 năm, là vùng đất ngàn năm văn hiến, việc giải quyết không gian cho nghệ thuật công cộng nơi đây sẽ khó hơn so với những đô thị mới vì trong những thành phố cổ luôn có nhiều tầng văn hóa chồng chéo. Vì vậy, trong quá trình bảo tồn, sáng tạo xây dựng Hà Nội phải luôn nhất quán và vận dụng tính truyền thống dân tộc, khoa học và đại chúng.

Dự án xây dựng Nhà Quốc hội là một ví dụ. Khi bắt đầu dự án, các nhà chuyên môn đã vất vả khi tìm giải pháp về không gian, cảnh quan, hình thức lẫn diện tích sử dụng. Khó khăn hơn nữa là khi xem xét đến phần móng của tòa nhà, đã vấp phải vấn đề buộc có sự lựa chọn giữa sự toàn vẹn của di tích Hoàng thành Thăng Long và tòa nhà Quốc hội mới. Và quá trình xây dựng đã tạo một không gian đồng bộ giữa chức năng chính trị và văn hóa. Một bảo tàng khảo cổ học đặc sắc dưới lòng đất trong tòa nhà. Tổng thể không gian bảo tàng dưới lòng đất thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc với sử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong thiết kế, trong trưng bày, tạo nên ấn tượng, giá trị độc đáo. Công trình Nhà hát Âu Cơ là một điển hình của sự phát huy tinh hoa nghệ thuật truyền thống kết hợp hiện đại, công nghệ tiên tiến, đó hình ảnh về Hà Nội, về con thuyền được cách điệu, tạo điểm nhấn hài hòa, mang tính thẩm mỹ, hơn nữa trong trang trí nội ngoại thất công trình kết hợp các mô típ hoa văn trang trí trống đồng Đông Sơn.

Vận dụng nguyên lý dân tộc, khoa học và đại chúng của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật công cộng, trong đó di sản kiến trúc đô thị, được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm theo hướng chuyên nghiệp hóa. Vấn đề bản sắc, tính dân tộc cần phát huy kết hợp khoa học hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu của nhân dân theo nguyên tắc “nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Trong bối cảnh hiện nay, bản sắc văn hóa là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công trong việc sáng tạo xây dựng nghệ thuật công cộng, là điểm nhấn và trở thành một động lực lớn cho phát triển của thành phố tương lai. Phát huy bản sắc văn hóa, tính dân tộc, tính khoa học nhằm hướng đến mục tiêu làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn. Nghệ thuật công cộng Việt Nam, hình thành và phát triển trong xu thế chung, xu thế giao lưu, tiếp nhận văn hóa Đông - Tây. Chúng ta tiếp nhận tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, tinh hoa khoa học công nghệ trong sáng tác và xây dựng nghệ thuật công cộng nhằm hướng tới sự phát triển văn minh, bền vững, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo không gian đáng sống cho cư dân đô thị.

Ở Việt Nam, chủ đề Bác Hồ được thể hiện, được đặt ở nhiều địa điểm, như: tượng Bác Hồ và Bác Tôn đặt tại Công viên Thống Nhất, tượng Bác ở vườn hoa Nguyễn Huệ…; tượng đài Quang Trung sau gò Đống Đa, hình tượng Vua Quang Trung cầm đốc kiếm oai nghiêm khi bước vào Thăng Long, được đặt bên cạnh đền Đống Đa, thể hiện tinh thần thượng võ, tinh thần độc lập dân tộc; tượng đài Lênin ở vườn hoa Lênin đường Điện Biên Phủ trên con đường dẫn tới quảng trường, nơi đặt Đài tưởng niệm Bắc Sơn và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột… xác định những dấu ấn văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.

Mối quan hệ giữa nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng xác định sự thành công của tác phẩm nghệ thuật. Cái đẹp, cái anh hùng, cái cao cả là dòng chảy của cảm xúc và khát vọng cộng đồng, tạo nên sức mạnh mềm của văn hóa nghệ thuật trong cuộc sống hiện đại.

Bên cạnh việc sáng tạo, chúng ta cũng cần phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống như quần thể kiến trúc Kinh thành Huế; Mỹ Sơn (Quảng Nam); Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột (Hà Nội)… tạo nên không gian thưởng ngoạn, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đương đại là điểm đến của du khách, tạo nên giá trị kinh tế, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Kế thừa và phát huy tính dân tộc, khoa học trong sáng tác xây dựng nghệ thuật công cộng tạo nên bản sắc riêng, đòi hỏi người nghệ sĩ cố gắng phát huy trí sáng tạo và vận dụng các nguyên lý của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 một cách sáng tạo, tránh tình trạng “bình cũ rượu mới”.

Con đường gốm sứ của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả sử dụng lối diễn tả hình tượng theo thể thức liên hoàn nhất quán được thấy ở hầu hết các trường đoạn của bức tranh. Ở trường đoạn A3, với chủ đề hoa văn các dân tộc Việt Nam, tác giả đã sử dụng hình thức liên kết này với hoa văn nối tiếp nhau có quy luật, tạo nên một nhịp điệu nhẹ nhàng, phù hợp với thói quen thẩm mỹ của người Việt. Điều này khiến tác phẩm trở nên gần gũi, thân thuộc hơn với người dân. Ở các phân đoạn từ gầm cầu Long Biên đến cửa khẩu An Dương Vương, hình thức kết nối những mô típ không đồng dạng thể hiện rất rõ sự đan xen, nối tiếp nhau của các hình ảnh hoa đào, kiến trúc kiểu Pháp, hoa sen, nhà cao tầng, cùng các hình ảnh biểu trưng được đắp khối nổi như: chùa Một Cột, cầu Long Biên, khu phố cổ Hà Nội… Tuy nhiên, sự kết hợp đan xen của những mô típ này chưa thực sự làm nổi bật bản chất đăng đối của các mô típ...

Mặc dù vậy, trên một phương diện nào đó, việc ứng dụng các nguyên tắc tạo hình truyền thống đã mang ý nghĩa như là một sự khởi đầu cho hướng phát triển vốn đang bị bế tắc của nghệ thuật công cộng Hà Nội trong tương lai.

Đất nước Việt Nam đang trên con đường phát triển và hội nhập toàn cầu. Việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sáng tạo, xây dựng văn hóa, nghệ thuật là cần thiết, dần thay thế cho cái cũ, cái phi thẩm mỹ, cái khô cứng, vô cảm. Công nghệ tiên tiến càng ngày càng phát triển, người nghệ sĩ sáng tạo, xây dựng nghệ thuật công cộng càng phải nhanh nhạy nắm bắt, để văn hóa nói chung, nghệ thuật công cộng nói riêng phát triển phù hợp với sự phát triển xã hội, mang tinh thần thời đại.

Tượng đài chiến thắng Măng Đen ở Kon Tum - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Hiện nay, nghệ thuật kiến trúc công cộng hiện đại hướng tới công năng sử dụng với trang thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại, tiên tiến kế thừa, tiếp nối truyền thống, đi vào ổn định về ngôn ngữ với các công trình bảo tàng, đài tưởng niệm. Xuất hiện xu hướng kiến trúc địa phương, kiến trúc cộng đồng, kiến trúc sử dụng nguyên vật liệu truyền thống, kiến trúc xanh, công trình xanh… đã để lại dấu ấn, được xã hội ghi nhận. Đặc biệt, kiến trúc xanh đã có những kết quả ban đầu đáng khích lệ, được cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận và có những tác giả đoạt giải kiến trúc quốc tế như kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa...

Trên thế giới, kiến trúc công cộng, điêu khắc công cộng đã phát triển khá mạnh sau hai dự án tiên phong được thực hiện ở Mỹ và ở Đức vào năm 1982. Đó là dự án Wheatfied - A confrontation (Cánh đồng lúa mì - Một sự đối đầu) của Agnes Denes và dự án 7.000 oaks (Bảy nghìn cây sồi) của Joseph Beuys. Ở dự án 7.000 oaks, Beuys với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên đã tiến hành trồng 7.000 cây sồi ở thành phố Kassel, Cộng hòa liên bang Đức. Dưới mỗi gốc cây sồi, ông đặt một tảng đá. Sự tương phản giữa một cái cây xanh liên tục phát triển với một tảng đá nằm im bất động không chỉ đã làm thay đổi cách nhìn nhận truyền thống về nghệ thuật, mà nó còn làm thay đổi cả nhận thức của con người về mỹ thuật đô thị, thay đổi sự phụ thuộc của con người trong tiếp cận, giáo dục hệ sinh thái

Ở Việt Nam, hầu hết các đô thị đều có sông ngòi chạy qua, do vậy hoàn toàn có thể phát triển nghệ thuật điêu khắc xã hội theo mô hình như của Beuys tại các vành đai xanh dọc sông Nhuệ, sông Hàn, sông Sài Gòn… và các vùng đệm nối các khu đô thị mới, đồng thời có thể triển khai các dựa án nghệ thuật công cộng trên và dưới gầm các con đường mới của thành phố.

Lịch sử hình thành và phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung, nghệ thuật công cộng Việt Nam nói riêng theo phân kỳ lịch sử hội tụ các tinh hoa di sản văn hóa Đông Tây, những di sản nghệ thuật, kiến trúc đã để lại những bản sắc, đặc trưng văn hóa, nghệ thuật Việt. Xây dựng, phát huy sáng tạo nghệ thuật công cộng bằng cách khai thác tiếp thu tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống và tinh hoa văn hóa, nghệ thuật nhân loại với khoa học công nghệ tiến tiến, mang tính kế thừa và phát triển, để nghệ thuật công cộng trở thành biểu tượng, đại diện hình ảnh cho một đô thị.

Lời kết

Như vậy, việc vận dụng nguyên lý dân tộc, khoa học và đại chúng của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 là kim chỉ nam soi rọi cho sáng tạo, xây dựng nghệ thuật công cộng Việt Nam nói riêng, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam nói chung, nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc tộc, đưa văn hóa ngang tâm với chính trị, kinh tế theo đường lối chủ trương của Đảng, nhằm xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường, sánh vai cùng năm châu.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hóa dân tộc trong quá trình mở cửa ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996.

2. ICI Consultants, French PublicArt (Nghệ thuật công cộng Pháp), LST Publishing House, Hồng Kông, 2008.

3. Nguyễn Khoa Điềm (chủ biên), Về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000.

4. Phạm Duy Đức (chủ biên), Những thách thức của văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2006.

5. Read Sir.Herbert Edward, Art and society (Nghệ thuật và xã hội), New York Schocken Books, 1966.

6. Phạm Minh Hạc, Phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc kết tinh với tinh hoa nhân loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1996.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

10. Nguyễn Văn Dương, Mỹ thuật Môi trường đô thị Thăng Long - Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013.

PGS, TS NGUYỄN VĂN DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 545, tháng 9-2023

;