• Văn hóa > Cổ truyền

Bao giờ cây lúa còn bông...

Năm 2021 theo lịch can chi là năm Tân Sửu, còn gọi là năm con trâu. Trâu là một con vật vô cùng thân thuộc trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Nhân dịp năm Sửu, chúng ta cùng dừng lại suy ngẫm đôi điều về một con vật, một người bạn, đã gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần ngàn đời của người dân Việt Nam.

Một số phong tục trong hương ước cải lương ở Lâm Thao (Phú Thọ) trước năm 1945

Việc hôn nhân và tang ma là những mốc quan trọng trong chu kỳ đời người. Phong tục hôn nhân, tang ma ở huyện Lâm Thao được ghi chép trong hương ước cải lương thời kỳ Pháp thuộc. Bài viết này trình bày một số nét về phong tục hôn nhân, tang ma ở huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ trước năm 1945, qua đó góp phần tìm hiểu văn hóa truyền thống của địa phương cũng như văn hóa dân tộc.

Tìm hiểu tập quán lựa chọn nơi sinh sống của người Thái ở Nghệ An

Là cư dân nông nghiệp, người Thái nói chung và người Thái ở Nghệ An nói riêng đặc biệt chú trọng nơi sinh sống và canh tác. Trong tâm thức của đồng bào, yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn nơi sinh sống là gần nguồn nước và rừng núi, còn các yếu tố khác thường chỉ mang tính hỗ trợ. Theo họ, nước là yếu tố mang lại sự thuận tiện cho sinh hoạt, là nguồn sống quan trọng. Rừng gắn với tập quán sản xuất nương rẫy, nơi cung cấp một phần nguồn sống, nơi trú ẩn trong thời chiến loạn. Với người Thái, chợ là nơi thị phi, phức tạp, có thể gây mất đoàn kết cộng đồng, nên họ thường ở xa quốc lộ và các nơi buôn bán sầm uất. Đây là những tâm lý tộc người đặc trưng trong việc lựa chọn địa bàn sinh sống của tộc người Thái.

Tín ngưỡng thờ cúng Tư mã Hai Đào ở miền núi Thanh Hóa qua di tích đền thờ và lễ hội

Từ bao đời nay, hình ảnh vị tướng quân Tư mã Hai Đào đã in đậm trong tâm thức đồng bào các dân tộc miền núi xứ Thanh. Ông được nhà vua phong là Phò mã, Tư mã, Tư lệnh biên phòng, cầm quân đánh đuổi giặc xâm chiếm vùng biên giới Việt - Lào, mang lại cuộc sống ấm no, thanh bình cho bản làng. Những câu chuyện dân gian, di tích, di vật, lễ hội... về ông hiện còn lưu giữ ở các huyện Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát... Tư liệu còn lại về ông không nhiều, nhưng những chứng tích, ghi chép ít ỏi ấy sẽ mãi là “nguồn sống” quý giá đối với người Thái nói riêng và các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung.

Những biến điệu trong hình lân trên nắp đỉnh đồng của một số bộ đồ thờ vùng Bắc Bộ từ thế kỷ XIX đến nay

Tượng lân trên các đỉnh trầm là con vật trang trí, đồng thời là núm cầm dùng để mở các nắp đỉnh khi muốn đưa trầm vào đốt, tạo mùi thơm thiêng, sạch và cao quý cho các ban thờ. Lân nằm trong bộ tứ linh đã đi vào nghệ thuật trang trí của người Việt cùng với rồng, phượng và rùa. Lân là một trong số các con vật huyền thoại, tượng lân trên nắp đỉnh trầm có khá nhiều biến điệu trong tạo dáng và trang trí. Trong bài viết này, chúng tôi muốn thông qua việc phân tích đặc điểm tạo hình tượng lân trên nắp một số đỉnh trầm để lý giải về hình thái, đặc điểm biểu đạt của một số bộ đồ thờ qua ba giai đoạn lịch sử một cách rõ nét nhất.

Khau cút - biểu tượng văn hóa độc đáo của dân tộc Thái

Sinh sống trên địa bàn Tây Bắc, có rất nhiều cộng đồng dân tộc anh em như: Tày, Lào, Khơ-mú, Xinh Mun, Cống, Thái..., có tập quán ở nhà sàn. Tuy nhiên, chỉ người Thái mới sử dụng hình ảnh khau cút để trang trí trên mái nhà. Hai đặc điểm để nhận diện, phân biệt nhà sàn người Thái với nhà sàn của cộng đồng dân tộc khác là ở bộ phận cầu thang và khau cút. Riêng khau cút, biểu tượng được đặt ở hai chỏm đầu đốc nhà sàn chứa đựng những nét đẹp, ý nghĩa văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái.

Công tác quản lý di tích quốc gia chùa Thanh Mai (Hải Dương)

Di tích quốc gia chùa Thanh Mai thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là chốn tổ, đại danh lam cổ tự của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, gắn với hành trạng của Đệ nhị tổ Phật giáo Trúc Lâm, Pháp Loa tôn giả. Chùa được xây dựng vào thời Trần. Trải qua các triều đại lịch sử, Tùng lâm chốn tổ Thanh Mai nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, mở mang cảnh sắc thiền tự, dựng tháp, lập bia. Với giá trị tâm linh, thắng cảnh tự nhiên, trong những năm gần đây, di tích chùa Thanh Mai đã, đang thu hút ngày càng đông tín đồ phật tử, khách du lịch về chiêm bái, vãn cảnh, khám phá, trải nghiệm, thực hiện nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh. Hiện nay, vùng văn hóa Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, gồm chùa Thanh Mai, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Yên Tử, Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm đang được hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Tín ngưỡng thờ Nguyễn Trung Trực trong đời sống văn hóa cư dân vùng Nam sông Hậu

Trong lịch sử Việt Nam, giai đoạn nửa cuối TK XIX, Nam Bộ là nơi ghi dấu đậm nhất về phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược. Mảnh đất có những con người kiên trung với một ý chí bất diệt thà hy sinh tất cả, quyết không làm nô lệ đã được lịch sử và nhân dân mãi ghi nhớ, kính yêu và tôn thờ. Những danh tướng kiệt xuất, mãi mãi đi vào lịch sử có thể kể đến: Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, Đốc Binh Kiều, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực... Trong đó, anh hùng Nguyễn Trung Trực được nhân dân Nam Bộ tôn kính, thờ phụng như một vị thần chủ trong nhiều đình, đền, miếu, thậm chí tại gia.

Xòe cổ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Tày ở Tuyên Quang

Múa sinh hoạt là hình thức vận động, kết hợp nhiều yếu tố: nghe - nhìn - nhảy - múa - ca hát, tất cả làm cho con người thêm nhanh nhẹn, hoạt bát, đồng thời góp phần giáo dục ý thức thẩm mỹ lành mạnh, tiến bộ cho mỗi cá nhân trong cộng đồng. Những màn múa, điệu múa trong sinh hoạt của người Tày nói chung và người Tày tỉnh Tuyên Quang nói riêng có sự tham gia của đông đảo dân bản địa, mang lại niềm vui và sự thỏa mãn cho người múa. Điều đó, được thể hiện rõ nhất qua các màn xòe.

Hindu và Phật giáo trong lịch sử văn hóa Indonesia

Indonesia là quần đảo lớn ở khu vực Đông Nam Á, có quá trình phát triển văn hóa hải đảo lâu đời. Cho đến nay, sự ảnh hưởng của các nền văn hóa lớn trên thế giới đã có tác động mạnh mẽ đối với văn hóa của cư dân ở đây. Trong đó, sự xuất hiện và phát triển văn hóa Ấn Độ có tác động sâu sắc đối với sự hình thành nền văn hóa. Từ góc nhìn lịch sử, chúng tôi tập trung làm rõ những con đường di chuyển của Hindu và Phật giáo ở quần đảo người Malay, sự xuất hiện ban đầu của cộng đồng người Hindu ở Indonesia, chỉ ra sự thâm nhập và ảnh hưởng của các giá trị văn hóa Ấn Độ giáo đến văn hóa bản địa Indonesia.