Bao giờ cây lúa còn bông...

Năm 2021 theo lịch can chi là năm Tân Sửu, còn gọi là năm con trâu. Trâu là một con vật vô cùng thân thuộc trong đời sống của người nông dân Việt Nam. Nhân dịp năm Sửu, chúng ta cùng dừng lại suy ngẫm đôi điều về một con vật, một người bạn, đã gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần ngàn đời của người dân Việt Nam.

Ngày xửa ngày xưa: Con trâu đi trước...

Cái ngày xưa ấy, Việt Nam là một nước thuần nông, công việc canh tác chủ yếu là cấy lúa nước. Việc cấy trồng, chăm bón, thu hoạch lúa cũng không có gì phức tạp. Nhưng muốn thực hiện việc trồng trọt thì công việc đầu tiên là phải cày bừa làm đất để có mặt bằng phù hợp, đáp ứng yêu cầu canh tác. Cày bừa rất cần sức kéo nên lũ trâu bò là đội quân chủ yếu đáp ứng yêu cầu, làm nên phương tiện sản xuất.

Trâu, một động vật thuộc họ trâu bò (Bovidae), bộ móng guốc chẵn (Actiodactyla), lớp động vật có vú (Mammalia), được thuần hóa từ trâu rừng, cách đây trên 5.500 năm. Trâu ở Việt Nam thuộc nhóm trâu rừng (Bubalus), thuộc nhóm trâu đầm lầy, có thể được nuôi từ hậu kỳ đồ đá mới (khoảng 2.000 năm TCN). Loại đại gia súc này có thân hình vạm vỡ, dáng thấp, bụng to, mông dốc, có hai sừng uốn cong hình lưỡi liềm, nặng chừng 350-450kg.

Trâu được nuôi chủ yếu để cung ứng sức kéo (có loại lấy thịt, lấy sữa, nhưng ít). “Con trâu đi trước cái cày đi sau” là một hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam từ ngàn xưa. Hình ảnh ấy, thật đáng yêu, nhưng cũng gợi lại cho chúng ta ký ức về những năm tháng vất vả, cơ cực. Bởi trong các việc vất vả của nhà nông thì cày bừa là công đoạn vất vả nhất. Ruộng khô (ruộng cao) thì rắn, ruộng nước (ruộng rộc) thì lắm bùn nhão, dễ lún thụt. Trâu cày trên khoảnh ruộng nào trên đồng cũng đều nặng nhọc. Tháng năm rồi lại tháng mười, mỗi vụ đều gắn với một khoảng thời tiết khắc nghiệt. Tháng mười vào đông giá rét còn tháng năm vào hè nắng nóng: “Những là nắng táp mạ thui/ Con rô nóng nước vội chui xuống bùn/ Những là gió bấc mưa phùn/ Đồng chua nước lạnh rét run thân cò” (Lê Đình Cánh). Trâu với người vất vả quanh năm. “Con trâu đi trước, cái cày đi sau” trở thành một thành ngữ nói lên sự vất vả và phản ánh lối canh tác cổ truyền, lạc hậu của giai cấp nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Con trâu là đầu cơ nghiệp

Trâu đúng là con vật tối cần thiết của nhà nông. Tuy nhà nông còn có bò (cũng là động vật gần giống trâu) cùng kéo cày nhưng trâu vẫn là gia súc chủ lực. Cũng bởi trâu có sức vóc lớn hơn, khỏe hơn (“Yếu trâu hơn khỏe bò”). Trâu lại chịu được nước sâu như ruộng rộc, ruộng ngập nước, lầy thụt. Bò sợ nước, không thể thích ứng được. Hơn nữa, trâu chịu nắng, chịu mưa tốt hơn bò. Vì vậy mới ví: “khỏe như trâu”.

Tranh xuân: Lê Việt Anh

Chú trâu hiền lành, chịu thương, chịu khó, trở thành người bạn của nhà nông. Cũng có lúc do hoàn cảnh, bí quá, con người ta phải “kéo cày thay trâu”, nhưng chỉ trong một vài buổi nào đó. Còn trâu vẫn “lĩnh ấn tiên phong”: cày vỡ, cày ải, cày đánh luống...; bừa vỡ, bừa kỹ, bừa trang luống... - việc nào cũng cần đến trâu.

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.

Đó là hai câu ca dao vẽ nên bức tranh thật đẹp về đồng quê ta vào mùa vụ. Qua mùa cày cấy, trâu lại làm nhiệm vụ kéo xe chở phân, chở ngô, chở lúa khi thu hoạch từ đồng về. Rồi qua thời “nông vụ chí kỳ” hết việc, chú trâu lại đủng đỉnh gặm cỏ trên đồng, trên lưng trâu vắt vẻo chú trẻ mục đồng đang ung dung thổi sáo, làm cho cảnh làng quê ta thêm nên thơ và lãng mạn. Người và trâu gắn bó thật nghĩa tình.

Trâu rõ ràng là “đầu cơ nghiệp” của mọi gia đình nông thôn ta từ lâu đời. Việc “tậu trâu” được coi là một trong ba việc hệ trọng nhất của một người đàn ông (chủ sự gia đình):

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Cả ba việc ấy đều là khó khăn.

Dù bây giờ, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, máy móc đang dần thay thế. “Trâu sắt” dần thay “trâu đen”, nhưng có lẽ câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” vẫn còn ý nghĩa với chúng ta, qua hết thế hệ này đến thế hệ khác.                       

Trâu ta ăn cỏ đồng ta

“Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm” đâu chỉ là câu chuyện nói về trâu và cỏ. Đây là lời khuyên dành cho đôi lứa đang đắn đo tính chuyện trăm năm. Câu ca dao hàm chỉ về thái độ của chúng ta đối với sản vật, tài nguyên hay con người gắn liền với nơi ta đang sinh sống. “Hạt lúa, củ khoai, con cua, con tép/ Rặng chuối, bờ tre, tiếng bầy chim két...” đó là tất cả những gì nuôi ta lớn khôn. Rồi nói rộng ra (mà hàm ý này mới là hàm ý cơ bản của câu ca dao), trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, có thể chọn bất cứ ai ở nơi nào cũng được. Nhưng giá mà, kết duyên với người cùng quê hay gần quê thì tốt hơn. Giống như trâu cần ăn cỏ thì nên gặm cỏ nơi đồng nhà vậy. Cỏ đồng nhà dù có xấu (cỏ cụt) nhưng mà ngon và thú vị (cỏ thơm).

Có người cho rằng, câu nói này chỉ có ý nghĩa động viên, an ủi nhau thôi. Trai tài gái sắc ở đâu mà chả có. Mà càng đi xa càng có nhiều và càng dễ lựa chọn. Chỉ có ai đó kém cạnh, không bứt lên được cho bằng người nên đành chấp nhận quay về nhà tìm “cỏ cụt” mà xài tạm như một giải pháp tình thế. “Ở nhà nhất mẹ nhì con/ Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta. Khôn nhà dại chợ con ơi”. Thôi ta đành lấy đồng nhà làm giang sơn tung hoành vậy.

Ngẫm cho tận cùng lý lẽ thì câu ca trên mang một giá trị nhân văn sâu sắc lắm. Ngày xưa đã thế và bây giờ vẫn thế. Cũng bởi lẽ, cái gì gần với ta, gắn bó với ta thì bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt. “Có con mà gả chồng gần/ Sẵn bát canh cần nó cũng đem cho”. Con cái thành gia thất, nếu làm ăn sinh sống gần gũi với ông bà cha mẹ, khi cần “ới một tiếng” là có mặt, quả là hạnh phúc lắm thay. Nhưng còn có điều này như một lẽ đời muôn thuở: Nơi ta sinh ra và lớn lên bao giờ cũng nặng tình, nặng nghĩa, thiêng liêng như một tri ân gắn bó cội nguồn.

Lễ hội chọi trâu - Ảnh: Phạm Lự

 “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” cũng cùng trường nghĩa, “anh em một nhà” với hai câu trên. Không ở đâu được như ở nhà mình. Dù rằng, ở nhà người có đàng hoàng, đầy đủ tiện nghi vật chất hơn, nhưng hễ cứ về nhà là lòng ta lại thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn hẳn. Và ta cũng cảm thấy thêm yêu cuộc sống để rồi gắn bó, có trách nhiệm với cuộc sống của ta hơn.

Sau một ngày gặm cỏ, về chuồng nằm nhẩn nha nhai lại, chú trâu mộng kia dường như cảm thấy cọng cỏ mọc trên đồng bãi quê mình đúng là thơm ngon, ngọt ngào. Nó cũng giống như tấm lòng thơm thảo của chúng ta đối với quê hương, bản quán, rất gần và rất đỗi thân thương...

Bao giờ cây lúa còn bông

Trâu ơi, ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Bài ca dao như là lời tâm sự gan ruột, tự đáy lòng đối với một con vật - con trâu - mà thực sự được coi là một người bạn chí cốt. Bạn, bởi với người canh tác ruộng đồng, trâu là con vật không thể thiếu. Không chỉ đảm đương việc cày bừa (ngoài trâu ra, không ai có thể đáp ứng được sức kéo) mà con trâu còn là bầu bạn sớm khuya. Người lớn rong trâu ra đồng. Trẻ em chăn trâu, cưỡi lững trâu đánh trận giả hay thổi sáo. Những đêm khuya vắng vẻ, trời mưa lạnh, rét mướt, nhiều gia đình nổi lửa trong bếp, bên cạnh là chuồng trâu. Dừng tay thổi lửa, nhìn sang bên thấy chú trâu đang ve vẩy đuôi với ánh mắt hiền lành, thân thiện, người nông dân thấy ấm áp biết bao...

Lời an ủi, vỗ về, nhắn gửi của người với trâu trong bài ca dao thật cảm động. Đó là sự an ủi, vỗ về chí tình với một người bạn. Rằng dù thế nào đi nữa, cuộc sống có thể thế này thế nọ, nhưng trâu đừng lo. Có “ta đây trâu đấy”. Và “Bao giờ cây lúa còn bông” (tức là còn có lương thực, còn sự ấm no cho con người), thì chắc chắn sẽ “còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” (Trâu cũng sẽ được đảm bảo là cỏ - thức ăn chủ yếu của trâu - sẽ vẫn mọc trên cánh đồng này).

Câu tục ngữ: “Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc” nói lên vai trò to lớn của con trâu đối với nhà nông ta. Dù bây giờ, văn minh hiện đại, máy móc đã thay thế trâu bò làm nhiệm vụ cày bừa, nhưng hình ảnh chú trâu vạm vỡ khỏe mạnh, hiền lành, chất phác, cần cù vẫn còn in đậm trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Tác giả: Phạm Văn Tình

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

;