Tình cảm và niềm tiếc thương vô hạn của các nghệ sĩ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024) luôn quan tâm và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đối với công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm thương tiếc vô hạn cho đồng chí, đồng bào, các tầng lớp nhân dân trong đó có đội ngũ những người làm nghệ thuật nước nhà.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Vũ Huyến xúc động nói: “Cả lớp Ngữ Văn khóa 8 Trường ĐH Tổng hợp chúng tôi luôn quý mến, dành nhiều tình cảm đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Bởi ở Anh, chúng tôi cảm nhận được sự mẫu mực, chỉn chu, chân thành, tử tế và khiêm tốn. Dù đứng ở cương vị cao, nhưng mỗi khi họp lớp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự kính trọng đối với các thầy, chan hòa, tôn trọng với các người anh và những bạn đồng môn” .

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và NSNA Vũ Huyến- Ảnh: NSNA Vũ Huyến cung cấp

NSNA Vũ Huyến chia sẻ: Từ khi trở thành bạn đồng môn, tôi đã nhận thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một người chỉn chu, cẩn thận và luôn đúng giờ. Mặc dù học cùng một lớp, nhưng lớp chúng tôi khá đông, với nhiều lứa tuổi, nên tôi thường gọi đồng chí Nguyễn Phú Trọng là anh. Ở lớp Ngữ Văn khóa 8 chúng tôi, anh Trọng là một người gương mẫu và nghiêm túc, nên đã được tin tưởng giao giữ trọng trách Bí thư Chi đoàn lớp. Do là sinh viên, tuổi trẻ, nên có đôi khi chúng tôi còn mải mê đá bóng, văn nghệ nên đến cuộc họp muộn. Nhưng đúng giờ, đồng chí Trọng vẫn tiến hành cuộc họp và không phê bình, khiển trách những người đến muộn. Tuy nhiên, với sự nghiêm túc, chỉn chu của anh đã giúp chúng tôi noi gương học tập và trong các cuộc sau luôn thực hiện đúng giờ.

“Mặc dù xa ngôi trường đại học đã lâu, và đã đảm nhận nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn giữ sự tôn kính đối với các thầy, tôn trọng, chan hòa với đối với các anh lớn tuổi và các bạn trong lớp” - NSNA Vũ Huyến nói.

Ông Huyến kể, trong một dịp họp lớp, khi đó đồng chí Nguyễn Phú Trọng vừa được bầu làm Tổng Bí thư. Lúc anh Trọng đến, có một số người ra bắt tay, chúc mừng và nói rằng đây là cuộc gặp gỡ để chào mừng đồng chí Tổng Bí thư. Anh Trọng rất vui vẻ, nhưng đã đính chính luôn, “hôm nay họp lớp thông lệ thường kỳ chứ không phải chào mừng”. Hôm đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng phát biểu ý kiến đóng góp đối với lớp, đó là mỗi dịp họp lớp thì phải mời các thầy phát biểu đầu tiên, sau đó đến lớp trưởng, rồi ý kiến của các thành viên trong lớp. Tôi nhớ mỗi lần chụp ảnh kỷ niệm, vì lớp đông nên hàng ghế đầu tiên bao giờ cũng dành cho các thầy, các anh hơn tuổi rồi mới đến các bạn trong lớp. Còn bản thân đồng chí Trọng đứng phía sau, thỉnh thoảng vì mọi người mời nhiệt tình, đồng chí Trọng mới ngồi phía trước…

Theo NSNA Vũ Huyến, không chỉ có đức tính chỉn chu, nghiêm túc, Tổng Bí thư còn là một người quan tâm, trân trọng công sức của những người xung quanh. Nghệ sĩ nhớ lại: Năm 2013, ông có một người bạn là nhà báo đang thực hiện biên tập cuốn sách ảnh với tựa đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Nhà báo đó mong muốn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết lời tựa cho cuốn sách nên đã nhờ tôi giúp đỡ. Khi tôi đặt vấn đề, anh Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời luôn, bởi Anh thấy rằng, sách ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngoại giao, với cương vị là Tổng Bí thư, viết lời tựa là phù hợp. Một vài ngày sau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi với tôi về cuốn sách và nói rằng, để tôi chắp bút, vì sách ảnh là chuyên môn của Vũ Huyến.

Sau khi viết xong, tôi lại mang đến để đồng chí Nguyễn Phú Trọng xem. Lời tựa do tôi chắp bút, đồng chí Nguyễn Phú Trọng sửa rất cẩn thận, chi tiết. Đồng thời, đồng chí Trọng còn bổ sung thêm một đoạn nhỏ về đánh giá công lao của người làm sách, phần này khi tôi chắp bút chưa có. Sau khi sửa xong, đồng chí đã nói với thư ký chuyển lại để “cho Vũ Huyến xem, thấy hài lòng chưa”. Chỉ một hành động nhỏ đó, đối với tôi cảm thấy thật ấm lòng, và bản thân nhà báo biên tập cuốn sách cũng rất cảm động. Điều đó cho thấy Tổng Bí thư luôn quan tâm, trân trọng sự lao động của mọi người cũng như đội ngũ nghệ sĩ, trí thức…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay NSNA Vũ Huyến - bạn đồng niên, đồng môn Khóa 8 (1963 - 1967), Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong lần gặp mặt văn nghệ sĩ trí thức tiêu biểu - Ảnh: Nguyễn Đăng Khoa

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng nhớ lại: Trong cuộc đời làm nghệ sĩ, điều khiến tôi luôn xúc động và trân trọng đó là được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Trong lần phong tặng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng là Chủ tịch nước ký trao tặng. Đó sẽ là kỷ niệm mãi mãi tôi không bao giờ quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Là một người nghệ sĩ làm nghệ thuật, bản thân tôi thấy rằng, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021, lĩnh vực văn hóa của đất nước ngày càng khởi sắc. Nhờ có định hướng, chỉ đạo và sự quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước, mà đứng đầu Đảng ta là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa đã phát triển lên một tầm cao mới. Văn hóa ngày càng phát triển về chất lượng, giá trị văn hóa Việt Nam được lan tỏa mạnh mẽ ra thế giới, góp phần mở cho chúng ta nhiều cơ hội hơn khi giao lưu với bạn bè quốc tế.

Cùng với đó, văn hóa nghệ thuật đã được quan tâm hơn rất nhiều, điều đó đã góp phần cổ vũ lớn lao đối với đội ngũ văn nghệ sĩ chúng tôi nhiệt huyết, khát vọng cống hiến nhiều hơn cho đất nước, nhân dân, qua đó nâng cao giá trị văn hóa của Việt Nam. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự khát khao của mỗi nghệ sĩ trong từng ngành nghệ thuật, với mong muốn đem thành tựu văn hóa của dân tộc giới thiệu, lan tỏa ra thế giới.

Trong những ngày tháng cuối cùng, mặc dù sức khỏe đã yếu, Tổng Bí thư vẫn phát biểu tại các hội nghị, đưa ra những chỉ đạo sáng suốt, và các giải pháp căn cơ để đưa văn hóa nghệ thuật ngày càng phát triển. Khi nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, chúng tôi cảm thấy buồn và thương tiếc vô hạn. Đội ngũ văn nghệ sĩ chúng tôi, sẽ nỗ lực cố gắng góp phần vào sự phát triển văn hóa nước nhà, tiếp tục thực hiện những đường hướng mà Tổng Bí thư vạch ra để góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật đất nước.

Phó Giám đốc Phụ trách Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Quốc Hưng chia sẻ: Khi nghe tin buồn, trong lòng tôi trĩu nặng. Ngồi một mình, nghĩ đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong tôi cảm thấy thương tiếc và vô cùng xúc động.

Qua những bài phát biểu, cuốn sách, tôi thấy rằng Tổng Bí thư am hiểu rất sâu sắc về văn hóa. Trải qua nhiều cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước, trong nhiều thời điểm khác nhau, mặc dù rất bận rộn, nhưng Tổng Bí thư luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển văn hóa, cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ, các nhà tri thức của đất nước.

“Tôi nhớ, những năm trước, nhân dịp đầu Xuân năm mới, Tổng Bí thư thường tham gia buổi gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Trong không khí đầm ấm, chân tình, xúc động của buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói chuyện gần gũi và trân trọng cảm ơn tình cảm cao quý, tốt đẹp, chân tình của các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ đối với Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng, phát triển chung của đất nước” – NSND Quốc Hưng chia sẻ. 

Là một nghệ sĩ, từng biểu diễn nhiều trong các chương trình nghệ thuật ca ngợi Đảng, đất nước và phục vụ Đại hội, một kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi đó là, trong một chương trình, biểu diễn cùng NSND Thái Bảo và đoàn hợp xướng hát Liên khúc “Tổ quốc bốn mùa hoa – Non sông ngàn năm gấm vóc”. Kết thúc bài hát, tôi đã được Tổng Bí thư chúc mừng và tặng một bó hoa đẹp. Hình ảnh tôi được đứng cạnh Tổng Bí thư đã được các anh em khác ghi lại, chuyển cho tôi và trở thành bức ảnh quý giá. Những tình cảm mà Tổng Bí thư dành cho đội ngũ văn nghệ sĩ nói chung, bản thân tôi nói riêng đã trở thành một kỷ niệm đẹp. Tôi sẽ nhớ và lưu giữ khoảnh khắc đẹp này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng dịp nhà viết kịch Học Phi 100 tuổi - Ảnh: FB Nguyễn Quang Hưng

Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam, TS, NSND Lê Tuấn Cường bộc bạch: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn, luôn quan tâm và sát sao với công cuộc xây dựng, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Tổng Bí thư am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống cũng như có tầm nhìn xa, trông rộng, hướng tới tương lai. Những người nghệ sĩ làm trong lĩnh vực văn hóa nói chung, cá nhân tôi cảm thấy thương tiếc vô hạn khi Tổng Bí thư từ trần.

Cách đây 12 năm (năm 2012), Tổng Bí thư đã đến với Nhà hát Chèo Việt Nam để xem vở diễn “Ni cô Đàm Vân” của nhà viết kịch Học Phi. Lúc Tổng Bí thư đến với Nhà hát cũng là lúc tác giả Học Phi tròn 100 tuổi. Sau nhiều năm xây dựng và trưởng thành, Nhà hát được đón Tổng Bí thư, đó là một niềm vinh dự đối với đội ngũ nghệ sĩ nhà hát chúng tôi. Tổng Bí thư đến với Nhà hát thể hiện sự quan tâm, kính trọng các thế hệ đi trước, các nhà văn hóa của đất nước… điều đó đã động viên khích lệ rất lớn đối với các nghệ sĩ và đội ngũ làm việc tại nhà hát.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh và khẳng định “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”. Chính vì thế, là một đạo diễn, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hơn 30 năm, giờ đây trong vai trò là một người đứng đầu Nhà hát, tôi và các nghệ sĩ sẽ nỗ lực cố gắng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, đóng góp công sức vào công cuộc dựng xây và phát triển đất nước.

NSƯT Tuấn Tài, một trong những diễn viên tham gia vở diễn “Ni cô Đàm Vân” của Nhà hát Chèo Việt Nam, nhớ mãi kỷ niệm khi Tổng Bí thư đến dự và xem vở diễn. Nghệ sĩ chia sẻ: Năm 2012, lúc đó tôi còn là một diễn viên trẻ, được đóng vai Trọng trong vở diễn “Ni cô Đàm Vân” của tác giả Học Phi. Sau khi diễn xong, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên bắt tay chúc mừng nhà viết kịch Học Phi và đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn. Là một thành viên trong vở diễn, khi được Tổng Bí thư bắt tay, lúc đó tôi rất hồi hộp, xúc động. Cảm nhận lúc đó trong tôi là Tổng Bí thư rất chan hòa, giản dị.

Vì vai diễn của tôi trùng với tên của Tổng Bí thư, nên tôi đã chia sẻ ý kiến với bác Trọng là đổi tên vai diễn. Tổng Bí thư đã vỗ vai tôi và nói vui với chúng tôi rằng “cứ để tên nhân vật như thế, tôi đã xem vở này từ khi anh còn chưa đẻ cơ mà”. Ra về sau vở diễn, trong lòng tôi luôn cảm thấy bâng khuâng, xúc động, cảm giác không bao giờ quên cái bắt tay của Tổng Bí thư lúc đó.

Khi nghe tin bác Trọng mất, không chỉ đội ngũ văn nghệ sĩ mà nhân dân cả nước cảm thấy rất buồn và mất mát. Là một nghệ sĩ, tôi và đội ngũ nhà hát sẽ cố gắng tập luyện, để mang những giá trị tốt đẹp nhất của nghệ thuật chèo truyền thống đến với khán giả. Đồng thời, chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện theo lời của Tổng Bí thư, đó là phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, góp phần lan tỏa văn hóa nghệ thuật đến với đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.

NGỌC BÍCH ghi

;