Biến đổi văn hóa làng nghề lụa Vạn Phúc trước tác động của đô thị hóa, hoạt động du lịch và sáng tạo thẩm mỹ

1. Giá trị lịch sử truyền thống văn hóa và thẩm mỹ của làng nghề

Làng lụa Vạn Phúc là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng.

Tương truyền, vào TK IX, có cô gái tên Ả Lã, bố mẹ là Hùng Thụy và Phạm Khương, quê ở Châu Tụ Long thuộc đạo Tuyên Quang. Năm 865, Cao Biền sang làm tiết độ sứ cai trị nước ta, khi du ngoạn đến châu Tự Long, vào thăm nhà Hùng Thụy thấy Nương Thị là người có dung nhan tuyệt thế, am tường văn chương nên xin cưới Ả Lã. Trong một lần Cao Biền và Nương Thị tuần du, nghỉ tại trang Vạn Bảo, khi đậu thuyền sát bên dòng sông Nhuệ, Cao Biền thốt lên: Đất rồng chầu hổ phục, tú khí dưỡng thanh long. Thời gian sau, bà Ả Lã xin Cao Biền cho ở lại Vạn Bảo. Là người quyền thế nhưng Ả Lã sống nhân hậu, bình dị, vốn là người thành thạo nghề cửi canh, bà dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa tấm, giúp Vạn Bảo nhanh chóng sầm uất, phồn thịnh. Khi Nương Thị qua đời, tưởng nhớ ơn công đức của bà, dân Vạn Bảo lập miếu thờ, suy tôn làm Thành hoàng làng, bà tổ nghề dệt lụa Vạn Phúc (1).

Làng lụa Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội. Vốn tồn tại hơn 1.000 năm, Vạn Phúc là 1 trong những làng dệt lụa đẹp nhất ở Việt Nam. Làng lụa Vạn Phúc trước kia có tên gọi khác là Vạn Bảo. Do kỵ húy nhà Nguyễn nên làng đã được đổi tên thành Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc Hà Đông đã được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và đã được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất sang những nước Đông Âu và cho đến nay được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các đời vua nhà Nguyễn, từ Vua Khải Định đến Vua Bảo Đại đều sai sứ thần ra tận Vạn Phúc mua sa, gấm đem về dùng. Lụa Vạn Phúc cũng như các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Hà Nội, thường được nhắc đến trong thơ ca: “The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn” (2).

Từ sản phẩm của một làng, lụa, gấm Vạn Phúc đã vượt qua giá trị hàng hóa đơn thuần, trở thành một sản phẩm của văn hóa thẩm mỹ, là biểu tượng cho cái đẹp của vùng đất Hà Đông, Hà Nội. Hiện nay, lụa Vạn Phúc đang đi đầu trong ngành dệt lụa Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là bền đẹp, bởi hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người xem. Ngày 6-3-2023, Bộ VHTTDL đã công bố nghề dệt lụa Vạn Phúc thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đến nay, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp tinh tế, sang trọng, chứa đựng giá trị truyền thống văn hóa lâu đời và thẩm mỹ cao. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được người dân trong nước lẫn bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nổi tiếng bởi bền, đẹp, mềm mại, nhẹ nhàng, lụa Vạn Phúc vẫn luôn mang đến cho du khách một cái nhìn rất văn hóa, rất truyền thống và ấn tượng. Cái nét đặc sắc, độc đáo ấy chính là nhờ đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, tinh đời của người dân Vạn Phúc. Trải qua bao thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn luôn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Lụa Vạn Phúc có nhiều loại, nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới lụa vân. Lụa vân luôn được ưa thích vì chất liệu mỏng mịn, không nhăn, có cả hoa nổi và hoa chìm, khi mặc thấy thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Sắc màu lụa vân đa sắc biến đổi lung linh. Hoa văn trang trí trên lụa vân rất đa dạng như mẫu song hạc, thọ đỉnh, tứ quý... Ðiều đặc biệt, độc đáo của lụa vân là ở cách dệt, người thợ phải dệt khéo léo, hoàn toàn thủ công để tạo nên tấm lụa vân nổi tiếng khắp nơi.

2. Tác động của quá trình đô thị hóa và hoạt động du lịch

Quá trình đô thị hóa

Biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi văn hóa làng nghề nói riêng đang là một xu hướng tất yếu, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, sự biến đổi văn hóa là một trong những yếu tố làm thay đổi diện mạo của các làng nghề truyền thống ở nước ta. Biến đổi chính là điều kiện để các làng nghề có thể thay đổi, tồn tại và phát triển theo quy mô, mức độ khác nhau. Đây là quy luật khách quan và diễn ra trên nhiều phương diện của đời sống vật chất và tinh thần trong cộng đồng cư dân của các làng nghề.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, cùng với đó là tác động của quá trình phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa diễn ra với tốc độ mạnh mẽ nên làng lụa Vạn Phúc đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong việc giữ gìn nghề truyền thống và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề. Trong xu thế vận động, phát triển chung của thời đại, những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc với tính cách là ý thức xã hội cũng có những biến đổi để thích nghi, phù hợp với xu hướng vận động, phát triển của tồn tại xã hội trong bối cảnh hiện nay - đây cũng là một xu hướng tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa ở nước ta hiện nay.

Các nhân tố chính khách quan dẫn đến xu hướng biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc hiện nay là quá trình đô thị hóa và hoạt động du lịch, ngoài ra còn có các yếu tố khác như sự phát triển của kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khoa học - công nghệ và thương mại điện tử… đều góp phần thúc đẩy xu hướng biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc trong bối cảnh hiện nay.

Làng lụa Vạn Phúc theo thời gian, không gian kiến trúc đã khác xưa rất nhiều. Sự phát triển của kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa… đã dẫn đến sự biến đổi về không gian văn hóa của làng nghề. Hiện nay, làng lụa Vạn Phúc gần như không còn những lũy tre là vành đai cát cứ, bờ ao, đường làng lát gạch, cổng làng cổ kính, rêu phong… do nhu cầu phát triển của làng nghề và chịu tác động của quá trình đô thị hóa nên đường làng, ngõ xóm được bê tông, trải nhựa hóa. Cánh đồng làng Vạn Phúc xưa, nay đã được quy hoạch thành các khu đô thị, khu giãn dân hay khu quy hoạch làng nghề bám theo các tuyến đường chính của phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (như đường 70 nay là đường Vạn Phúc, đường Tố Hữu).

Bên cạnh đó, kiến trúc nhà ở của người dân làng lụa Vạn Phúc cũng có nhiều thay đổi so với trước kia. Quá trình biến đổi về nhà cửa ở Vạn Phúc diễn ra giống như bao làng quê khác (chịu ảnh hưởng rõ nét của quá trình đô thị hóa), các ngôi nhà lợp ngói ba gian dần được thay thế bằng nhà hình ống, biệt thự, liền kề được xây dựng kiên cố, kiến trúc hiện đại, khép kín.

Không gian sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, đền và hệ thống di tích của làng cũng có nhiều biến đổi theo thời gian. Diện tích đất của làng bị thu hẹp nên không gian sinh hoạt tín ngưỡng cũng không ngoại lệ. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi điều kiện kinh tế và lối sống thay đổi, cho phép những biến đổi về cảnh quan môi trường dễ được chấp nhận để phục vụ nhu cầu của đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của người dân làng nghề phù hợp với xu thế hiện nay. Tuy vậy, sự biến đổi kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tại làng lụa Vạn Phúc vẫn tôn trọng những quy tắc, quy ước, tục lệ truyền thống và cho thấy sự quan tâm của chính quyền và người dân trong việc bảo tồn các giá trị di tích văn hóa truyền thống.

Ngược lại, mặt trái của quá trình đô thị hóa hiện nay cũng đang có những tác động tiêu cực đến sự biến đổi văn hóa làng lụa Vạn Phúc. Quá trình đô thị hóa với sự xuất hiện của những khu đô thị mới đã phá vỡ quan hệ truyền thống. Quan hệ họ hàng, làng xóm dần bị thay thế bởi các mối quan hệ khác phức tạp hơn và mở rộng hơn rất nhiều. Lối sống, những hệ giá trị xã hội đang biến đổi từng ngày và cách tư duy trọng tình đang dần bị những giá trị mới của cơ chế thị trường thay thế. Những thực hành có tính truyền thống trong xã hội cũng bị biến đổi rõ nét: lễ hội truyền thống của làng ít nhiều bị thương mại hóa, những lễ nghi cổ xưa bị rút gọn, đơn giản hóa một cách đơn điệu, đánh mất đi những nét đặc trưng riêng của làng lụa Vạn Phúc trước kia.

Như vậy, quá trình đô thị hóa có tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực đến biến đổi văn hóa làng lụa Vạn Phúc về không gian văn hóa, cảnh quan môi trường, kiến trúc của làng nghề lụa Vạn Phúc. Một mặt, quá trình này tác động làm cho cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm của làng nghề được nâng cấp, mở rộng, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cũng được đầu tư, tôn tạo ngày một khang trang, sạch đẹp. Mặt khác, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với tốc độ nhanh chóng làm cho không gian văn hóa của làng nghề ngày một bị thu hẹp, các sinh hoạt văn hóa của làng nghề bị hạn chế cả về không gian và thời gian, các giá trị văn hóa truyền thống theo đó cũng ít nhiều bị mai một dần theo thời gian.

Hoạt động du lịch

Hiện nay, hoạt động du lịch làng lụa Vạn Phúc có tác động tích cực, làm thay đổi mọi mặt đời sống của người dân. Kinh tế phát triển nhờ những con số lũy tiến trong doanh thu hoạt động du lịch, đời sống vật chất và tinh thần của nghệ nhân, nhân dân được quan tâm, sản phẩm làng nghề được lan tỏa đi khắp mọi nơi bằng con đường ngoại giao du lịch với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Vạn Phúc đã vận dụng truyền thông, mạng xã hội để trao đổi sản phẩm nghề với khách du lịch trong và ngoài nước bằng hình thức trực tuyến. Hình ảnh làng nghề truyền thống dệt lụa Vạn Phúc gắn kết với hoạt động du lịch văn hóa luôn xuất hiện trên những phương tiện thông tin góp phần giới thiệu và quảng bá sản phẩm nghề truyền thống tới bạn bè quốc tế để khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực trên thì hiện nay, đến với làng nghề Vạn Phúc, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những sản phẩm có tính chất bản địa ở đây đang dần bị thay thế hoặc bị áp đảo bởi các sản phẩm có xuất xứ từ nơi khác. Ngoài ra, những sản phẩm lụa được sản xuất chính tại làng nghề cũng bị pha trộn với tỷ lệ lớn những chất liệu công nghiệp, tơ thứ cấp để giảm giá thành đầu vào. Việc chấp nhận sự có mặt các mặt hàng ngoại lai nhằm tăng lợi nhuận rõ ràng là biện pháp có tính “ăn xổi ở thì” và hậu quả là làm mất dần lòng tin của khách du lịch, người tiêu dùng khi họ không thể mua được hàng Vạn Phúc chính hiệu trên chính mảnh đất quê hương của làng nghề. Hiện tượng “vàng thau lẫn lộn” cũng làm cho hình ảnh du lịch, văn hóa của làng nghề bị mai một dần trong con mắt những công ty lữ hành và khách du lịch quốc tế. Một hệ quả nữa là sự xem thường di sản (bí quyết, nghề truyền thống) quý giá mà làng nghề có được suốt hàng ngàn năm lịch sử, từ đó nghề truyền thống cũng bị mai một trong nền kinh tế thị trường (3).

Như vậy, những tác động của hoạt động du lịch đến biến đổi văn hóa làng lụa Vạn Phúc ngày càng rõ nét, phương thức tổ chức sản xuất và hình thức kinh doanh cũng có nhiều thay đổi theo hướng mở, quan hệ giữa nghệ nhân, thợ và khách hàng, du khách ngày càng cởi mở và gần gũi nhau hơn, thậm chí khách hàng và khách du lịch cũng có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất (ở những khâu sản xuất đơn giản, dễ thực hành nhất), kinh doanh, buôn bán của sản phẩm lụa. Điều này trước đây gần như không xảy ra do tư duy nghề nghiệp khép kín, tư duy buôn bán và môi trường kinh doanh bị hạn chế.

Hoạt động sáng tạo và tạo hình thẩm mỹ hoa văn họa tiết

Lụa Vạn Phúc đã rất phát triển trong công nghiệp dệt xơ sợi Việt Nam và được đánh giá cao trong các nhóm vật liệu ngành may. Một trong những thành tố quan trọng tạo nên giá trị nghệ thuật, cũng là yếu tố quyết định đến văn hóa thẩm mỹ của lụa Vạn Phúc chính là hoa văn họa tiết. Chủng loại hoa văn họa tiết trên lụa Vạn Phúc phong phú và đa dạng, được lấy từ kho tàng hoa văn truyền thống của dân tộc ở các đề tài về thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, chim muông hay đề tài về tứ linh, đề tài về chữ và nhóm hình học trong kho tàng hoa văn họa tiết truyền thống của dân tộc nên chứa đựng những giá trị văn hóa vô giá trong tiến trình lịch sử Việt Nam.

Hiện nay, dưới tác động từ biến đổi của thị hiếu tiêu dùng, văn hóa tiêu dùng, nhu cầu xã hội, kinh tế số cũng như sự phát triển, biến đổi của công nghệ vật liệu chế tác, sản xuất của làng nghề... nên trong hoạt động tạo hình thẩm mỹ và chế tác sản xuất có nhiều thay đổi, đã góp phần làm biến đổi văn hóa thẩm mỹ của lụa Vạn Phúc được thể hiện thông qua hoa văn họa tiết trên lụa.

Yếu tố hiện đại trong biến đổi văn hóa thẩm mỹ thông qua hoa văn họa tiết trên lụa ở đây, còn được thể hiện trong cách biểu đạt các kiểu thức trang trí môtíp hoa văn, trên từng chủng loại lụa khác nhau, sẽ có hình dạng hoa văn thích hợp. Điển hình như lụa Vạn Phúc đều sử dụng các hoa văn hoa cúc, hoa mai, con rồng, chữ Thọ làm yếu tố trang trí. Các hoa văn này được cách điệu, điều chỉnh để tạo nhịp điệu làm phong phú cho bố cục. Một số sản phẩm lụa khác, thì yếu tố hiện đại được tiếp biến và thể hiện trong cách kết hợp các hoa văn xen kẽ, hàng lối giữa hoa đào, hoa cúc, cây trúc, cành mai với chữ Vạn, chữ Thọ, chữ Triện… tạo bố cục cân đối, hài hòa trên sản phẩm lụa (4).

Một số hoa văn mới, cũng được khai thác các yếu tố tạo hình để trang trí trên lụa như: hoa bèo, hoa phượng, hoa hướng dương, hay các đề tài hình học như hình vuông, hình tròn nhằm tạo ảo giác cho người nhìn… Đây là các đề tài hoàn toàn mới, được đưa vào trang trí trên lụa Vạn Phúc để sản xuất và bày bán trên thị trường. Như vậy, sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống với tư duy sáng tạo hiện đại ở hoa văn họa tiết trên lụa tạo nên sự nhuần nhuyễn, tinh tế mà ít chất liệu dệt theo phương thức thủ công có được, qua đó, thể hiện được sự biến đổi văn hóa thẩm mỹ của lụa Vạn Phúc hiện nay.

Bản thân sản phẩm lụa Vạn Phúc đã có từ ngàn năm trước cùng với các đề tài trang trí đơn giản, nhưng mang bản sắc của người Việt. Trên nền tảng đó, ngày nay các nghệ nhân làng Vạn Phúc, đã mang yếu tố tạo hình mới trong cách kết hợp các hoa văn với nhau, cũng như cách sắp xếp bố cục và sự thay đổi từ chính các hoa văn họa tiết thông qua hình, nét, màu sắc đem lại sự đa dạng, phong phú và thể hiện sự tiếp biến, kế thừa các yếu tố truyền thống trong dòng chảy về hoa văn họa tiết trên các sản phẩm lụa Vạn Phúc ngày nay. Trên cơ sở những đề tài trang trí từ kho tàng hoa văn truyền thống, người thợ làng lụa Vạn Phúc đã sáng tạo thêm các mẫu hoa văn mới để thích ứng với thị hiếu người tiêu dùng.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế hiện nay, các hộ làm nghề dệt lụa, năng suất lao động thấp, không gian nhỏ hẹp, công cụ giản đơn nên cũng làm hạn chế sự phát triển của các môtíp hoa văn họa tiết trên lụa. Tình trạng trên phổ biến ở các làng nghề Việt Nam nói chung và làng Vạn Phúc nói riêng. Đây cũng là nỗi lo về sự “mai một” và thất truyền các hình thức trang trí trên sản phẩm tơ lụa Việt Nam. Trong khi đó, các trào lưu mới, các phong cách, khuynh hướng mới về trang phục đã cho ra đời nhiều hình thức trang trí công nghiệp phát triển như in, thêu, vẽ bằng máy móc hiện đại góp phần duy trì, củng cố các đề tài trang trí vốn có và tiếp biến yếu tố mới, nhằm tạo ra những sản phẩm thủ công góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Kết luận

Sự tác động của quá trình đô thị hóa và hoạt động du lịch đã và đang diễn ra mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo vật chất, tinh thần cùng với những biến đổi trong văn hóa của làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc như một xu thế tất yếu. Cùng với đó, sự tác động của hoạt động sáng tạo và tạo hình thẩm mỹ hoa văn họa tiết lụa cũng làm biến đổi văn hóa thẩm mỹ của lụa Vạn Phúc thông qua hoa văn họa tiết. Quá trình tác động đó vừa mang đến những yếu tố tích cực, tạo ra nhiều cơ hội, thời cơ cho sự biến đổi văn hóa đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững nhưng cũng đưa đến cả những yếu tố tiêu cực. Do đó, sự phát triển làng nghề nói chung và phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa của lụa Vạn Phúc nói riêng một cách bền vững cần có chiến lược phát triển đúng đắn, sự quản lý linh hoạt của bộ máy nhà nước, địa phương và cộng đồng, đặc biệt là từ chính đội ngũ nghệ nhân, thợ nghề và người dân làng lụa Vạn Phúc - những người trực tiếp thổi hồn, gìn giữ và phát triển nghề dệt lụa truyền thống của dân tộc.

___________________

1. Nguyễn Thị Thanh Loan, Giá trị văn hóa của làng lụa Vạn Phúc trong phát triển du lịch Hà Nội, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 379, 1-2016.

2. Chi Chi, Về Vạn Phúc, nghe kể chuyện nghề dệt lụa, tuoitrethudo.com.vn, 1-6-2023.

3. Trương Sỹ Tâm, Vạn Phúc phát triển du lịch bền vững, vtr.org.vn, 7-8-2015.

4. Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Hoa văn trang trí trên lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội), Luận án Tiến sĩ nghệ thuật, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2021, tr.151.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng ủy phường Vạn Phúc, Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Vạn Phúc, 19-12-2019.

2. Nguyễn Thị Thanh Loan, Biến đổi văn hóa làng nghề Vạn Phúc - Sự thay đổi tất yếu khi gắn với phát triển du lịch hiện nay, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật, số 39, 2021.

3. Phạm Thị Bích Thủy, Phát triển du lịch làng nghề truyền thống ở Hà Nội (Nghiên cứu trường hợp làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông), Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, số 23, 2018.

4. UBND phường Vạn Phúc, Báo cáo thành tích trong công tác Du lịch phường Vạn Phúc năm 2023, Vạn Phúc, 12-12-2023.

Ths NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;