Nhận diện đặc trưng văn hóa người Pà Thẻn ở Hà Giang và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống tham gia biểu diễn tại Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn (huyện Quang Bình, Hà Giang) - Ảnh: quangbinh.hagiang.gov.vn

1. Đặc trưng văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn ở Hà Giang

Tên gọi tộc danh

Người Pà Thẻn ở Hà Giang có nhiều tên gọi khác nhau, như Pà Hưng Me, hay Pà Hông Me. Trong đó, ý nghĩa của từ Me theo tiếng Pà Thẻn là người, còn Pà - biến dạng từ chữ Pa - hiểu nghĩa theo tiếng Hán là số tám (1). Ngoài ra, người Dao gọi người Pà Thẻn là Pà Hung Miền nghĩa là người Pà Hưng, hay Pà Hông; người Tày gọi người Pà Thẻn là , hay Cần Xá. Thực tế trên đã chứng minh dân tộc Pà Thẻn được người Tày xếp vào nhóm người Mông hoặc người Xá có lối sống du canh du cư. Ngoài ra, theo một số tài liệu khoa học đã công bố cho biết, người Pà Thẻn còn có tên gọi khác là Mán Pà - Tẻn hay Dao Pà - Tẻn (2).

Từ những khác biệt về tên gọi tộc danh như đã trình bày ở trên cho thấy tính đa dạng trong văn hóa ở chỗ vừa tương đồng, vừa khác biệt với người Mông và người Dao, mà chúng ta có thể thông qua các đặc điểm văn hóa của người Pà Thẻn để nhận diện người Dao và người Mông hoặc ngược lại. Các tên gọi khác như Pà Thẻn, Pà Hưng, Pà Hông hay Bát tính, Bát tiên tộc đã được các nhà dân tộc học ở Việt Nam bàn luận và thống nhất lấy tên Pà Thẻn làm tộc danh cho cộng đồng người tự nhận là Pà Hưng vào những năm 60, 70 của TK XX. Tộc danh Pà Thẻn lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc điều tra dân số toàn miền Bắc vào các năm 1974, 1979 được công nhận chính thức và xếp vào nhóm ngôn ngữ Mông - Dao. Như vậy, từ năm 1979, người Pà Thẻn là một tộc người độc lập với các tiêu chí cơ bản thống nhất về ngôn ngữ, chung đặc trưng văn hóa và ý thức tự giác tộc người.

Kiến trúc nhà ở truyền thống

Theo một số tài liệu nghiên cứu, người Pà Thẻn ở Hà Giang có chủ yếu 3 loại nhà, đó là nhà nền sàn, nhà nền đất và nhà nền nửa sàn nửa đất (3), trong đó một số nhà ở truyền thống vẫn được sử dụng đến ngày nay. Qua tìm hiểu tại xã Tân Bắc và Tân Trịnh thuộc huyện Quang Bình, kiến trúc nhà truyền thống của người Pà Thẻn chủ yếu làm từ loại gỗ tốt, cột đục lỗ và kê trên hòn đá tảng, có mộng; xà, kèo, đòn nóc, đòn tay... được cưa xẻ cẩn thận. Phần lớn nhà truyền thống được lợp bằng ngói, xung quanh thưng bằng ván xẻ, cửa đóng từ gỗ tốt và có ít nhất 2 cửa sổ để trong nhà thông thoáng. Tuy nhiên, cũng có nhà lại được xây tường gạch, cát và xi măng, có cột trốn, kèo và khung mái làm bằng gỗ. Hiện nay, loại nhà truyền thống này vẫn còn được sử dụng, nhưng ngày một ít đi bởi nhiều hộ gia đình người Pà Thẻn có điều kiện kinh tế đã xây dựng nhà ở theo kiến trúc hiện đại và tiện nghi hơn trước đây.

Hiện nay, có một số gia đình người Pà Thẻn còn bảo tồn được kiến trúc nhà gỗ truyền thống gồm 3 gian chính và gian phụ ở hai đầu hồi, nhưng cũng có nhà chỉ làm 1 gian phụ, phần lớn các ngôi nhà có 4 vì kèo, 4 mái, chỉ những trường hợp làm 1 gian phụ mới có 3 mái. Đặc điểm chung nhà truyền thống của người Pà Thẻn bất kể nhà gỗ hay nhà xây tường đều có lợp mái làm từ tre và gỗ. Trong đó, các đòn nóc, đòn tay được làm từ gỗ rui, mè, hoặc làm từ tre đã trải qua khâu ngâm nước để tránh mọt. Những năm gần đây, phần lớn mái nhà của các hộ gia đình Pà Thẻn được lợp bằng ngói sông Cầu hoặc tấm lợp công nghiệp, chỉ còn rất ít nhà lợp cỏ gianh.

Theo khảo sát một số nhà truyền thống của người Pà Thẻn cho thấy có sự thống nhất tương đối về bố cục mặt bằng sinh hoạt trong nhà. Chẳng hạn, nhà có thế tựa núi, cửa chính hướng vào thung lũng, có từ 2-3 gian chính, từ 2-3 cửa ra vào và ít cửa sổ. Trong nhà bố trí 2 bếp, trong đó có 1 bếp nấu nướng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của mọi người trong nhà. Với dạng nhà gỗ 3 gian chính thì cửa to được mở ở gian giữa, trong đó kê bàn ghế tiếp khách, có bàn thờ chính nằm ở trên tường vách nơi đối diện với cửa chính, còn bên cạnh là bàn thờ phụ, phía sau bàn thờ được ngăn thành buồng ngủ cho vợ chồng gia chủ, trước bàn thờ phụ có đặt một cái giường cho con trai lớn tuổi trong nhà. Bếp nấu nướng và bếp lò được đặt ở gian bên cạnh gian chính nhưng phải là gian hướng về phía Đông. Trong gian bếp còn có chạn bát cùng với một số đồ đạc khác của gia đình, phía trên gian này có gác xép để cất giữ ngô lúa, còn phía trên cách bếp nấu nướng khoảng 1,5-2m có 1 cái sàn bếp để sấy thóc, đồ đan lát, xấy thịt nướng. Gian thứ ba không có bếp, phía sau được ngăn ra thành buồng ngủ cho con cô gái lớn tuổi, phần phía trước có thể đặt thêm 1 giường ngủ ở trong góc.

Tín ngưỡng dân gian

Nhiều gia đình người Pà Thẻn vẫn còn gìn giữ, thực hành tín ngưỡng liên quan đến xây dựng nhà mới (xem hướng mở cửa chính, thử đất, đoán mộng...); lễ vào nhà mới và chỉ chọn lấy 1 trong 2 ngày là con dê Ta le và con rồng Ta rưng; tập quán, tín ngưỡng liên quan đến cư trú trong nhà dựa vào số lượng các thành viên trong gia đình để bố trí số giường ngủ cho thích hợp. Nếu chỉ có một đôi vợ chồng và các con còn nhỏ thì chỉ cần một giường đặt ở trong buồng, ngay bên cạnh hoặc phía sau bàn thờ. Người Pà Thẻn có quan niệm trong nhà nhiều chỗ linh thiêng và kiêng kỵ, có linh thiêng mới gọi là nhà ở, còn ngược lại, là nơi sinh hoạt công cộng.

Một số tín ngưỡng dân gian vẫn được người Pà Thẻn thực hành, như thờ cúng tổ tiên Pu quơ vào dịp Tết, lễ; cúng ma bếp lò Quơ ác củng tro là thủ phạm gây ốm đau hoặc làm ăn không phát đạt; cúng ma buồng Quơ chưng khi trong nhà có người đẻ; cúng thổ công để phù hộ sức khoẻ, công việc làm ăn, nhất là chăn nuôi gia súc của gia đình; cúng ma bản Quơ dung sinh cầu mong phù hộ sức khoẻ và các công việc làm ăn của dân bản; lễ cầu mưa, cầu nắng khi có diễn biến bất lợi của thời tiết.

Nhạc cụ dân gian

Người Pà Thẻn ở Hà Giang có nhiều loại nhạc cụ sử dụng trong nghi lễ, tín ngưỡng. Chẳng hạn, Pà chư được thày cúng sử dụng trong nghi thức bói tìm con ma làm hại. Trong các đám cúng, kể cả lễ đặt tên và làm ma, thày cúng và học trò đều sử dụng Pà chư. Khi vui chơi nhảy lửa, thày cúng và học trò cũng gõ Pà chư để khấn gọi con ma nhảy lửa và các thần linh khác.

Nhạc cụ Bộ lắc Pả xe tong được sử dụng trong các dịp cúng và bói tìm ma làm hại, kể cả một số nghi lễ như đặt tên, đám ma, cầu mưa nắng...

Nhạc cụ Kèn loa Xà na được người Pà Thẻn sử dụng vào những lúc nhàn rỗi, lúc vui chơi gặp gỡ giao duyên, hoặc được trình diễn phục vụ nghi lễ vào nhà mới, sau vụ gặt hái...

Nhạc cụ Khèn Pả nghe được sử dụng như một loại nhạc cụ để thổi lúc vui chơi giải trí, nhất là thổi khèn thi với nhau vào các dịp Tết, lễ hội, hoặc sau vụ mùa, những lúc nông nhàn.

Trò chơi dân gian

Người Pà Thẻn ở Hà Giang có nhiều trò chơi dân gian độc đáo, tiêu biểu là trò chơi nhảy lửa được tổ chức từ ngày 16 tháng 10 đến ngày 15 tháng Giêng hằng năm. Trong khoảng thời gian này có thể tổ chức vào ngày nào cũng được, nhưng chọn vào ngày 15, hoặc 25 hằng tháng là tốt nhất, bởi vì những ngày đó sẽ an toàn hơn, ít trường hợp bị bỏng do cố ý nhảy vào lửa khi chưa được thần linh cho phép. Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian trước đây thường được tổ chức, nhưng đang có nguy cơ mai một dần như trò chơi đánh cù Boo lề thường được chơi ở ngoài đồng, hoặc trên sân bãi của thôn bản. Nếu chơi kiểu tập thể từ 5-10 người, tất cả những người tham gia đều thi thả cù cùng một thời gian, cái nào đổ sau cùng là thắng; trò chơi khăng Chơ kẹ được thanh niên tổ chức vào thời gian sau vụ mùa đến hết Tết Nguyên đán ngày 15 tháng Giêng; trò chơi đánh yến Pet chư thường được chơi ở gần nhà, nếu chơi ngoài bãi thì chọn vào thời điểm trời không có gió; trò chơi đu dây Lia lổ lia-a là trò chơi phổ biến và là sở thích của trẻ em người Pà Thẻn; trò chơi đu quay Tá tẹ được tổ chức vào dịp sau vụ mùa, kể cả Tết Nguyên đán, hoặc có thể chơi vào những thời gian rỗi; trò chơi Troóng bộ (bắt dây bằng các ngón tay) được tổ chức vào ngày Tết, lúc giải lao trên ruộng nương, hoặc khi chăn trâu trên đồi cỏ, trò này rất được nhiều người thích.

Chỉ khái quát về đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Pà Thẻn ở Hà Giang đã cho thấy họ vẫn còn bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa của mình như kiến trúc nhà truyền thống, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật dân gian, trò chơi dân gian. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội những năm gần đây đã góp phần nâng cao đời sống của người Pà Thẻn, nhưng cũng làm mai một không ít văn hóa truyền thống, cần được gìn giữ và phát huy trong đời sống.

2. Thực trạng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của người Pà Thẻn ở Hà Giang

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế, xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, người Pà Thẻn ở Hà Giang có tổng số 8.248 người (4), được xếp loại dân tộc đặc biệt ít người, có điều kiện kinh tế khó khăn cần được hỗ trợ của nhà nước. Do đó, tỉnh Hà Giang đã tích cực chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng phối hợp triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người, giai đoạn 2016-2025 của Chính phủ. Tính riêng huyện Quang Bình và Bắc Quang, dự án được triển khai tại các xã Tân Nam, Bằng Lang, Tân Trịnh, Yên Thành, Tân Bắc, Yên Bình, Xuân Minh, Hữu Sản và Tân Lập (5). Mục tiêu của đề án đối với lĩnh vực văn hóa là sưu tầm, phục dựng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đặc sắc (nghề, lễ hội, nhạc cụ, trang phục); tổ chức dạy và hát tiếng dân tộc theo các hình thức phù hợp; cung cấp trang thiết bị cho nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn bản; xây dựng điểm thôn, bản văn hóa tiêu biểu bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống.

Có thể nói, từ khi triển khai đề án của Chính phủ, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, trong đó có người Pà Thẻn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Điều này được thể hiện ở việc các thôn, bản của người Pà Thẻn đã được xây dựng các công trình thiết yếu điện, đường giao thông, nước sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; hỗ trợ hợp tác xã dệt thổ cẩm Pà Thẻn ở xã Tân Bắc phát triển các sản phẩm trang phục dân tộc, chăn thêu, mặt gối, túi thêu và những mặt hàng thủ công truyền thống. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã phối hợp với huyện Bắc Quang mở các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Pà Thẻn tại xã Tân Lập theo Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Đề án tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi phía Bắc giai đoạn 2021-2030.

Các chương trình, đề án của Chính phủ được triển khai trong những năm qua đã làm thay đổi toàn bộ đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, họ được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa cần được quan tâm đầu tư thỏa đáng hơn nữa để khôi phục, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang có nguy cơ bị mai một, biến mất. Cụ thể, chỉ số duy trì văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn (điệu múa, bài hát, nhạc cụ truyền thống) chiếm tỷ lệ 30,61%; biết điệu múa truyền thống của dân tộc mình, chiếm tỷ lệ 7,3%; biết sử dụng nhạc cụ truyền thống, chiếm tỷ lệ 2,2%; các thành viên trong hộ gia đình biết hát bài hát truyền thống của dân tộc mình, chiếm tỷ lệ 13,2%; hộ gia đình có nhà ở truyền thống, chiếm tỷ lệ 16,6%; tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn ở mức cao 2,8%, trong khi tỷ lệ tảo hôn có chiều hướng gia tăng, ở mức 26,6% (6).

3. Một số đề xuất giải pháp thực hiện

Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, chúng tôi đề xuất một số nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới như sau:

Một là, thực hiện lập quy hoạch làng văn hóa du lịch người Pà Thẻn

Tiến hành nghiên cứu, khảo sát để lập quy hoạch làng văn hóa du lịch người Pà Thẻn tại huyện Bắc Quang và Quang Bình để bảo tồn, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch. Nội dung quy hoạch như sau:

Quy hoạch mặt bằng, không gian, kiến trúc nhà ở truyền thống được làm từ vật liệu gỗ, mái lợp ngói hoặc lá cọ, xung quanh bưng bằng ván hoặc phên nứa… để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu tập quán truyền thống của người Pà Thẻn. Việc lập quy hoạch phải chú trọng đến bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, hạn chế những công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan, không gian văn hóa làng bản truyền thống, hạn chế san gạt tránh tác động lớn làm biến dạng đặc điểm tự nhiên. Khu chức năng xây dựng mới phải hòa nhập với đặc trưng cảnh quan tự nhiên được tạo bởi địa hình núi, các đường phân thủy, thung lũng và thảm thực vật. Các công trình nhà ở, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội, các thiết chế sinh hoạt văn hóa cộng đồng phải có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố sinh thái tự nhiên với sinh thái nhân văn nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị đặc trưng văn hóa truyền thống.

Quy hoạch không gian thực hành, quảng bá di sản văn hóa truyền thống như: trình diễn nhạc cụ Pà chư, Pả xe tong, kèn loa Xà na, Khèn Pả nghe… và các trò chơi dân gian nhày lửa, hát đối Po xẹ, trò đánh cù Boo lề, trò chơi khăng Chơ kẹ, trò chơi đu dây Lia lổ lia-a, trò chơi đu quay Tá tẹ.

Hai là, nghiên cứu lập để án bảo vệ và phát triển nghệ thuật trình diễn dân gian Pà Thẻn

Nghiên cứu lập Đề án bảo vệ, phát triển dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc Pà Thẻn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2025-2030, để làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ bảo tồn, gắn với du lịch cộng đồng. Mục tiêu của đề án nhằm đánh giá thực trạng nguồn nhân lực và hoạt động truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, âm nhạc dân gian; đánh giá thực trạng số lượng hộ gia đình, người Pà Thẻn am hiểu nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc và hoạt động truyền dạy trong cộng đồng; không gian trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc và các hình thức phục vụ tín ngưỡng; kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc; đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, kinh phí dành cho các câu lạc bộ nghệ thuật dân gian tại địa phương; đánh giá công tác tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc; đề xuất giải pháp quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện chính sách bảo vệ và phát triển nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc. Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong việc bảo vệ, phát triển nghệ thuật dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang.

Ba là, cần nhận diện bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn để có giải pháp cơ chế, chính sách bảo tồn và phát huy có hiệu quả trong đời sống

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Pà Thẻn cần tập trung vào những giá trị mang ý nghĩa bản sắc, độc đáo của riêng họ, tránh đầu tư dàn trải, không đúng trọng tâm. Cần xác định các giá trị cốt lõi, là nền tảng hệ thống giá trị văn hóa của người Pà Thẻn trong sự phát triển trung giữa các dân tộc khác. Do vậy, khi nhận diện bảo tồn (nhà ở truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công truyền thống) cần thực hiện chuỗi các hành động tiếp theo, bao gồm cả việc thuyết phục cộng đồng cùng hành động. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước phải xác định được các lĩnh vực cần ưu tiên bảo tồn khẩn cấp, đi đôi với tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của Chính phủ, cũng như quyền của họ duy trì các thiết chế cộng đồng, luật tục, tập quán (sản xuất, bảo vệ tài nguyên rừng, nguồn nước…).

Hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có vai trò quan trọng, góp phần hạn chế nguy cơ mai một, hoặc biến mất những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, trong đó có người Pà Thẻn ở Hà Giang. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương, trước khi thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt ít người, cần phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Tuyên giáo trong việc nghiên cứu, nhận diện đặc trưng văn hóa truyền thống của họ để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn; tạo điều kiện cho họ được dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng các chương trình, dự án của Chính phủ; từng bước thu hẹp khoảng cách về điều kiện phát triển kinh tế, mức hưởng thụ đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

___________________

1. Xem: GS,TS Nguyễn Văn Lợi, Tên gọi các tộc người nói ngôn ngữ thuộc họ HMông - Miền: Một số lý luận và thực tiễn, trong cuốn Dân tộc học Việt Nam thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2003, tr.69.

2. Phan Hữu Dật, Pà - Tẻn và mối quan hệ Mèo - Dao ở Việt Nam, Thông báo khoa học Sử học, tập IV, Trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội, 1973, tr.78.

3. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1978, tr.338.

4. Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tr.134.

5. Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người, giai đoạn 2016-2025.

6. Chính phủ, Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khóa khăn giai đoạn 2021-2030, 2019.

Tài liệu tham khảo

1. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971.

2. Ninh Văn Hiệp (chủ biên), Khổng Diễn, Hoàng Tuấn Cư, Võ Mai Phương, Văn hóa phong tục người Pà Thẻn - Bảo tồn và phát huy, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.

3. Nông Quốc Tuấn (chủ biên), Đỗ Đức Lợi, Trần Văn Ái, Lục Văn Tư, Ngô Văn Hòe, Văn hóa truyền thống dân tộc Pà Thẻn, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2004.

4. Số liệu tham khảo của Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL.

TS NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;