Sự khác biệt giữa các bộ phận trên trang phục của người Dao ở Việt Nam

Trang phục người Dao Thanh Y - Ảnh: Tuấn Minh

1. Khái quát về người Dao ở Việt Nam

Người Dao sống phân bổ theo từng nhóm nhỏ và sống hầu hết ở các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ và một số tỉnh thuộc Đông Nam Bộ. Khu vực có người Dao cư trú đông nhất là vùng Đông Bắc gồm các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, tiếp đó là các tỉnh vùng Tây Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình… Người Dao sinh sống và lấy rừng làm nơi cư trú, họ chủ yếu làm nương rẫy để duy trì cuộc sống hằng ngày. Là tộc người có lối sống và phương thức canh tác du canh du cư nên khó mở rộng sản xuất và để lại những hệ quả cho một cộng đồng thiếu sự ổn định về đời sống, dân số có hiện tượng xé lẻ và phân chia thành các nhóm nhỏ riêng biệt. Tuy nhiên vì có chung cội nguồn nên khi nhận diện ở khía cạnh trang phục, chúng ta thấy các nhóm nhỏ đó vẫn có những nét chung, sự đồng nhất cùng những đặc điểm nổi bật khác với các tộc người thiểu số khác như Thái, Tày, Nùng…

Quá trình di cư của người Dao sang Việt Nam gặp nhiều khó khăn, để duy trì cuộc sống, đảm bảo sự sinh tồn và phát triển trong cộng đồng họ đã có sự chia tách giữa các nhóm, ngành Dao. Tính đến 19-12-2019 thì dân số của người Dao là 891.151 người (theo kết quả điều tra dân số của Trung tâm Tư liệu và Dịch vụ thống kê, Tổng cục Thống kê). Do tập quán du canh du cư trải qua nhiều đời đã làm cho dân tộc Dao, một dân tộc thiểu số có số dân không nhiều nhưng lại có sự dịch chuyển nhanh điều này làm cho cuộc sống của họ thiếu sự ổn định bên cạnh những tộc người có dân số lớn hơn, có phương thức canh tác ổn định hơn nên việc định danh tộc người Dao còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, tác giả nhận thấy tên gọi của người Dao đa phần do bản thân họ đặt ra trong quá trình di cư để dễ dàng phân biệt với các nhóm Dao khác, một phần do các tộc người lân cận đặt cho họ để phân biệt với các dân tộc thiểu số khác.

2. Phân loại tên gọi giữa các nhóm, ngành Dao

Người Dao ở Việt Nam có nhiều tên gọi như người Động, người Xá, người Mán, người Trại... Ngoài ra, họ còn tự gọi mình là Kìm Miền, Kềm Miền, Kìm Màn, Dù Miền, Dìu Miền đọc tắt là Miền, Màn, Min có nghĩa là “người ở rừng” để thể hiện cho việc cư trú, sinh hoạt trong rừng núi với thời gian dài. “Tên gọi này chỉ là một tên phiếm xưng, vì rằng những người sinh sống ở rừng núi thì rất nhiều, không chỉ riêng người Dao. Thực tế một số dân tộc ít người ở các vùng núi Việt Nam cũng đã tự xưng tộc người của mình bằng một tên gọi mà theo tiếng dân tộc của họ cũng mang ý nghĩa là người ở rừng, người ở núi như: Bru, Khạ, Xinh-mul…” (1). Ngoài ra, người Dao cũng tự nhận mình là con cháu của Bàn Vương (theo điển tích xưa, Bàn Vương hay Bàn Hồ là thần Long Khuyển có công lao to lớn giúp Vua Bình Vương đuổi đánh quân xâm lược nên được người Dao suy tôn là vị thánh lớn có tên là Bàn Hoàng Thánh Đế).

Việc phân chia các nhóm của người Dao đến nay chưa có sự thống nhất dẫn tới có nhiều nhóm, ngành Dao khác nhau như Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao lô gang, Dao tiểu bản, Dao quần trắng, Dao thanh y, Dao áo dài, Dao tuyển... Trong các cách gọi trên có cách phân chia dựa vào đặc điểm địa lý, có cách gọi dựa vào nguồn gốc lịch sử, văn hóa có cách lại chia theo hệ ngôn ngữ… Bài viết phân chia theo tên gọi vốn có của địa phương, một phần cũng dựa vào đặc điểm trang phục để chia người Dao thành 4 nhóm lớn sau:

Nhóm thứ nhất là nhóm Đại bản gồm 3 ngành: Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao thanh phán; Dao đỏ còn có tên gọi khác là Dao cooc ngáng, Dao quý lâm hay Hùng thầu dào; Dao quần chẹt có tên gọi khác là Dao sơn đầu, Dao Tam Đảo, Dao nga hoàng; Dao thanh phán có tên gọi khác là Dao lô gang, Dao cooc mùn, Dao đội ván, Dao thêu, Dao dụ kiùn.

Nhóm thứ hai là nhóm Tiểu Bản chỉ có một ngành là Dao tiền hay còn gọi là Dao đeo tiền.

Nhóm thứ ba là nhóm Khố Bạch cũng chỉ có một ngành là Dao quần trắng hay còn gọi là Dao họ.

Nhóm thứ tư là nhóm Làn Tiẻn gồm có 2 ngành là Dao thanh y và Dao áo dài (Dao áo dài hay còn gọi là Dao tuyển, Dao chàm hoặc Dao slán chỉ).

Quá trình di cư và tồn tại của người Dao diễn ra trong thời gian dài ở nhiều thời điểm khác nhau và theo các con đường khác nhau nên rất khó để có thể tạo dựng một nền văn hóa chung thống nhất tuyệt đối cho cả một tộc người. Họ vẫn có sự ảnh hưởng của các tộc người bản địa và tự hình thành nên các nhóm, ngành riêng biệt sống xen kẽ với các dân tộc khác trong núi rừng Việt Nam. Đến nay, người Dao đã có cuộc sống ổn định, bắt nhịp với các dân tộc khác để trở thành một tộc người giàu bản sắc văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

3. Phân loại các bộ phận trên trang phục người Dao

Trang phục là dấu hiệu giúp người xem nhận biết được đẳng cấp, giai cấp của người mặc, trang phục cũng nói lên sự khác biệt của tộc người về lịch sử, văn hóa, tập quán, tín ngưỡng… Ngoài công năng sử dụng thì trang phục còn thể hiện giá trị thẩm mỹ, giá trị văn hóa, giá trị sáng tạo của một tộc người.

Trong hệ thống trang phục các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, trang phục của người Dao được đánh giá là sản phẩm giàu bản sắc văn hóa chứa đựng tư tưởng, tình cảm, nhân sinh quan phản ánh sinh động đời sống của một tộc người. Trang phục của người Dao có khả năng nhận diện cao từ hình dáng, kết cấu, màu sắc, hoa văn cho đến các bộ phận cấu thành nên trang phục. Người Dao rất chú ý trong cách ăn mặc để luôn tạo sự duyên dáng, chỉnh chu cho bộ trang phục của mình. Những người bà, người mẹ dân tộc Dao thường dạy con cháu mình thêu hoa, dệt vải từ bé nên các thiếu nữ Dao cũng đã tự mình làm ra một bộ trang phục rực rỡ, cầu kỳ để mặc trong ngày cưới hay dịp lễ hội.

Trang phục của người Dao cũng giống trang phục của các dân tộc khác ở Việt Nam gồm thường phục và lễ phục kết hợp cùng đồ trang sức nhằm tạo điểm nhấn cho mỗi loại hình trang phục. Thường phục là trang phục mặc hằng ngày của cả nam giới, nữ giới và trẻ em dân tộc Dao. Giữa các nhóm, ngành Dao cũng có sự khác nhau về số lượng của các bộ phận trong trang phục, tác giả đã nghiên cứu và tổng hợp tất cả các bộ phận trên trang phục mặc hằng ngày của người Dao như sau:   

Bảng 1: Các bộ phận trên thường phục của các ngành Dao

Nhận thấy giữa các ngành Dao cũng có những điểm tương đồng và khác biệt về các bộ phận trong trang phục mặc hằng ngày. Trong đó, ngành Dao tiền và Dao thanh y gồm đầy đủ các bộ phận là mũ, khăn, áo, yếm, quần, váy, xà cạp, dây lưng thì ngành Dao đỏ và Dao quần chẹt lại thiếu váy, Dao lô gang thiếu xà cạp, Dao quần trắng thiếu mũ và váy còn Dao áo dài chỉ có các bộ phận là mũ, khăn, áo, quần, xà cạp, dây lưng nhưng thiếu yếm và váy.

Lễ phục của người Dao cũng giống như lễ phục của các dân tộc khác ở Việt Nam gồm nhiều bộ phận cấu thành nên trang phục như áo, váy, quần... Lễ phục được hiểu là loại hình trang phục được mặc trong những dịp quan trọng nhằm phục vụ cho 1 nghi thức (nghi lễ) nào đó như ngày hội, lễ tết, cưới xin... Lễ phục của người Dao cũng có những điểm tương đồng và sự khác biệt giữa các bộ phận trên trang phục. Tác giả đã nghiên cứu, tổng hợp và phân loại cụ thể trong bảng 2.

Bảng 2: Các bộ phận trên lễ phục của người Dao

Như vậy các bộ phận mũ, khăn, áo, quần, thắt lưng đều được tất cả các ngành Dao sử dụng trong lễ hội. Bộ phận yếm có 2 ngành không sử dụng trong lễ hội là Dao quần trắng và Dao thanh y, bộ phận váy thì có tới 3 ngành Dao không sử dụng là Dao đỏ, Dao thanh y và Dao áo dài. Riêng xà cạp thì có nhiều ngành Dao sử dụng đó là Dao quần chẹt, Dao lô gang, Dao tiền, Dao thanh y và Dao áo dài chỉ có 2 ngành là Dao đỏ và Dao quần trắng không sử dụng trong lễ hội. Trong 7 ngành Dao kể trên duy nhất có ngành Dao đỏ sử dụng tạp dề trong y phục cô dâu còn các ngành Dao khác không sử dụng trong trang phục lễ hội. Điều này cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về các bộ phận trên lễ phục của người Dao, tiêu biểu ở những bộ phận như yếm, váy, xà cạp và tạp dề.

Người Dao quan niệm rằng, đeo trang sức sẽ mang lại sự may mắn, tài lộc cho người sử dụng và họ coi đeo đồ trang sức bằng bạc sẽ xua đuổi tà ma và được thần linh phù hộ. Vì vậy mà cả nam, nữ, trẻ em người Dao đều thích đeo các loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, xà tích… Bài viết cũng đã nghiên cứu và tổng hợp được danh sách các đồ trang sức trên trang phục của các nhóm ngành Dao (bảng 3).

Bảng 3: Danh sách đồ trang sức trên trang phục của người Dao

Đồ trang sức của người Dao được sử dụng trên cả thường phục và lễ phục. Trong trang phục mặc hằng ngày thì số lượng trang sức không nhiều bằng trang phục mặc trong dịp lễ hội, cưới xin. Ví dụ, người Dao tiền ngày thường họ đeo 1-3 vòng cổ hoặc vòng tay nhưng dịp lễ hội họ sẽ đeo từ 7-9 vòng cổ và 5-7 vòng tay và cũng tùy vào đối tượng sử dụng.

Vòng cổ: tất cả các ngành Dao đều sử dụng;

Vòng tay, khuyên tai, xà tích: tất cả các ngành Dao sử dụng ngoại trừ ngành Dao lô gang không sử dụng;

 Nhẫn: chỉ có Dao quần chẹt, Dao quần trắng, Dao áo dài sử dụng;

 Vòng chân: chỉ có Dao quần chẹt sử dụng còn 6 ngành Dao khác không sử dụng.

Kết luận

Nói tới giá trị văn hóa của một tộc người không thể không nhắc tới trang phục và đồ trang sức, trang phục là một nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc và thông qua trang phục, chúng ta có thể phân biệt được dân tộc này với dân tộc khác đồng thời có thể nhận biết được chủng loại, số lượng của các bộ phận cấu thành nên trang phục.

Người Dao đã sáng tạo ra nét văn hóa riêng, một trong những yếu tố tạo nên nét độc đáo và riêng biệt của văn hóa Dao là trang phục. Trong quá trình sáng tạo ra trang phục, người Dao đã dồn hết công sức, sự quyết tâm để làm cho nó trở nên duyên dáng hơn, tiện dụng hơn. Mỗi bộ phận trên trang phục đều có một vai trò riêng tạo sự hài hòa và gắn kết trong tổng thể chung. Số lượng các bộ phận có sự cân đối, hỗ trợ nhau trong việc mặc, cài và tạo phom cho cả bộ trang phục. Điều này thể hiện tính chỉnh chu, cầu kỳ trong trang phục dân tộc Dao, hệ thống các bộ phận như mũ, khăn, áo, yếm, quần, váy, xà cạp, dây lưng, tạp dề nhìn chung tương đối có sự giống nhau về số lượng để phù hợp với đối tượng và công năng sử dụng của từng nhóm, ngành Dao. Sự khác biệt về số lượng tập trung vào các bộ phận trên trang phục như yếm, váy, xà cạp và các đồ trang sức như nhẫn, vòng chân.

________________

1. Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến, Người Dao ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1971, tr.16.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Ngọc Ân, Màu sắc trên trang phục cổ truyền của người Dao, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 312, tháng 6-2010.

2. Đỗ Thị Hòa, Trang phục các tộc người thiểu số nhóm ngôn ngữ Việt Mường và Tày Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003.

3. Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam, Nxb Tri thức, 2018.

4. Đoàn Thị Tình, Trang phục Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.

5. Nông Quốc Tuấn, Trang phục cổ truyền của người Dao ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2002.

 

TS NGUYỄN THỊ QUỲNH MAI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 575, tháng 7 - 2024

;