Tìm hiểu nghệ thuật chơi đồ cổ qua phong cách cổ đồ và phong cách sưu tập

Việt Nam là một đất nước có nhiều cổ vật, nhưng sự hình thành và phát triển nghệ thuật chơi cổ vật trong dân chúng là hết sức muộn màng. Bài viết nghiên cứu ban đầu về nghệ thuật này qua hai phong cách: phong cách cổ đồ và phong cách sưu tập, nhằm góp phần tìm hiểu mảng mỹ thuật, nghệ thuật chơi cổ vật vốn vẫn còn chưa được chú ý nghiên cứu nhiều ở nước ta.

 

Cổ vật mang trong mình giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị kỹ thuật, mỹ thuật, giá trị khoa học, giá trị tộc người và nhiều giá trị phi vật thể khác. Với các giá trị đó, cổ vật mang lại cho người lưu giữ nó nhiều lợi ích to lớn, từ lợi ích tinh thần đến lợi ích kinh tế.

Trên thế giới, việc quan tâm đến chơi cổ vật xuất hiện khá sớm. Ở Việt Nam, tuy có muộn hơn đôi chút nhưng cũng đặc biệt được chú ý, nhất là trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Pháp luật nước ta đã có các quy định về gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của cổ vật. Đây là điều kiện cho giới chơi cổ vật phát huy được những mặt tích cực của lĩnh vực này trong một xã hội, khuyến khích sự phát triển cá nhân, miễn là sự phát triển đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chúng ta đã có một số quy định mang tính pháp luật về quản lý, gìn giữ di sản văn hóa của đất nước, như Sắc lệnh 65/SL ngày 23-11-1945 của Chủ tịch nước về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam; Nghị định số 159/TTg ngày 29-10-1957 về bảo tồn di tích; Pháp lệnh số 14/LCT/HĐNN về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được thông qua ngày 31-03-1984;… Tuy nhiên, văn bản có giá trị và khá đầy đủ và hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay là Luật Di sản văn hóa 2001, Luật quy định:

Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên. Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học.

Như vậy, trong các khái niệm hay định nghĩa trên, chúng ta thấy rằng, một hiện vật nào đó để trở thành, hay được xem là cổ vật thì phải hội tụ được những yếu tố nhất định, như hiện vật ấy có giá trị tiêu biểu gì về lịch sử, văn hóa, khoa học, điều quan trọng là có đủ tuổi (mà tuổi của nó có từ một trăm năm trở lên) hay không?... Đó là những quy định trong văn bản pháp luật. Thế nhưng, bên ngoài, những người chơi, sưu tầm cổ vật, tùy theo mỗi người, mỗi suy nghĩ, quan niệm khác nhau, thậm chí hình thành những “trường phái” khác nhau về cổ vật.

Cụ giáo Đạm, một nhà sưu tầm tiền cổ nổi tiếng ở Việt Nam từng kể, thời trẻ (khoảng đầu thế kỷ trước), cụ thường thấy người ta chơi cổ vật theo phong cách cổ ngoạn; để chơi theo lối này, nhà phải rộng và kinh tế phải rất khá giả. Vì không có đủ điều kiện như vậy nên cụ Đạm đã chuyên vào chơi theo phong cách sưu tập. Vậy thế nào là chơi cổ vật theo phong cách cổ ngoạn/ cổ đồ, thế nào là chơi cổ vật theo phong cách sưu tập?

Chơi theo phong cách cổ đồ

Phong cách chơi cổ đồ là dùng đồ cổ để bày theo đúng quy cách mỹ thuật cổ điển. Những người thuộc trường phái này luôn thấm nhuần tư tưởng triết học và quan niệm thẩm mỹ phương Đông cổ.

Đây là lối chơi theo âm dương ngũ hành, là lối chơi đồ cổ và thưởng ngoạn chúng theo lối cung đình Trung Hoa hay theo kiểu bề thế của một gia đình danh gia vọng tộc. Mùa đông bày đồ màu đỏ, gợi cảm giác ấm cúng, mùa hè lại bày màu trắng, gợi cảm giác mát mẻ. Bình cổ màu đen thì đi với màu vàng, lọ màu xanh đi với cúc trắng, lọ màu trắng thì cắm hoa màu đỏ như hải đường hoặc đào bích... Cách chơi này phổ biến ở miền Bắc, phần nào chịu ảnh hưởng từ truyền thống Trung Hoa, toát lên phong cách tao nhã, triết lý sâu xa, ngầm phô trương chủ nhân là người cao sang, giàu có như lời kể của tác giả Phạm Quốc Quân: “Ngày xuân, cụ mời tôi uống trà sen, ăn nho khô, được để trong một chiếc đĩa men ngọc Long Tuyền thời Tống, rồi cụ buông một câu, chứng tỏ sự hiếm quý của đồ đựng... “Chúng ta đang được làm vua”, bởi theo cụ, chiếc đĩa ấy là đồ ngự dụng... Tôi lặng ngắm chiếc đĩa nhỏ, xanh như một viên ngọc bích, thành lợi chậu, sâu lòng, dưới đáy có hai con cá vùng vẫy ngược chiều, mà vào thời đại những năm 60 của thế kỷ trước, cụ mua tới 2 cây vàng” (1).

Để bày đồ cổ, người ta không đòi hỏi phải có nhiều hiện vật, mà chỉ đòi hỏi phải có vài thứ đồ cổ đích đáng, hội đủ ba điều kiện: cổ, quý, kỳ. Đồ phải thật sự là cổ, càng xa xưa càng hay. Đồ càng xưa càng quý. Nhưng chúng phải là loại sản phẩm kỳ lạ, tức là chất liệu và tạo dáng phải thật độc đáo.

Nghệ thuật trưng bày theo trường phái cổ đồ để thưởng ngoạn đòi hỏi một bối cảnh không gian hài hòa, vừa thoáng đãng, sáng sủa, vừa có vật cảnh tạo nền. Thông thường, người ta tạo nền bằng các đồ gỗ cổ hoặc giả cổ, được tạo tác khéo léo và hài hòa. Nền có tác dụng làm nổi bật các thứ đồ cổ, làm tăng thêm giá trị nhiều mặt của chúng. Quan trọng nhất là chủ nhân phải thông hiểu nghệ thuật trang trí Trung Quốc thời cổ với những bài bản, quy tắc của nó ở từng thời đại, kết hợp với nghệ thuật trang trí cổ Việt Nam, có kiến thức cần thiết về đồ cổ nói chung và am tường loại đồ cổ mà mình chơi.

Người chơi cổ đồ thường chỉ đem những món độc đáo và quý giá nhất (món ruột) ra bày vào dịp lễ tết, hay những dịp quan trọng, để giới thiệu với quý khách, bạn bè tri âm, tri kỷ.

Một số đồ cổ của nhà sưu tập Hà Nội

Ảnh: Nhật Nam

 

Giới chơi cổ vật Hà Thành còn truyền miệng nhau, vào những năm đầu TK XX, ở Hà Nội có một nhóm chơi cổ vật được nhiều người biết tiếng. Nhóm có khoảng hai chục người, hầu hết đều giàu có tiếng thời bấy giờ, trong số đó có thể kể đến cụ Nguyên Ninh, cụ Vĩnh Thành, cụ Thanh Đức, ngoài ra còn có cụ Toại Khang (Nguyễn Văn Được), cụ Ngô Văn Vĩnh, cụ Vĩnh Thắng, cụ Dục Hỷ (chủ chuỗi khách sạn ở khu phố Cửa Đông thời đó).

Cụ Nguyên Ninh tên thật là Nguyễn Duy Ất. Tính tới thời gian ấy, gia đình cụ đã có bốn đời nổi tiếng với nghề làm bánh cốm ở phố Hàng Than. Nhiều món đồ của cụ như bộ vách tranh sứ Hồng Lâu Mộng, bộ tranh bát tiên (với hình 8 vị tiên được làm nguyên bằng sứ), bức tranh cổ đồ được làm bằng ngọc... đã làm bao tay chơi cổ vật phải thèm thuồng. Trong số những người chơi cổ vật đầu tiên ở Hà Nội ngày ấy, có lẽ chỉ có cổ vật của cụ Nguyên Ninh đến nay vẫn còn lại phần lớn. Nhưng khi cụ mất đi, người ta ít có cơ hội được thưởng lãm cổ đồ quý của cụ (2). Bản thân người viết bài này cũng coi như đã có một dịp may hy hữu khi tham gia tổ chức một triển lãm về đồ cổ vào năm 2013, đã được gặp cháu nội đời thứ tư của cụ Nguyên Ninh, được đến tận nhà của anh để trực tiếp nghênh đón 5 cổ vật gia bảo của gia tộc Nguyên Ninh, góp cho triển lãm. Quả danh bất hư truyền, 5 cổ vật của gia tộc Nguyên Ninh (đây chỉ là loại ít giá trị nhất so với những món đồ còn được giữ lại trong gia tộc này) đã là những bảo vật của triển lãm.

Để chơi theo phong cách cổ đồ, ngoài yêu cầu về đam mê, giàu có về tiền bạc, tri thức mẫn tiệp, còn một yêu cầu khác mà người chơi cần phải có, ấy là không gian bày đồ rộng, để phối hợp hài hòa, đăng đối theo một trật tự (phong thủy) văn hóa phương Đông, bao gồm sự kết hợp giữa nhà, phòng, sân, vườn, đồ gỗ, đồ đồng, đồ gốm sứ, tranh tượng, chất liệu và màu... với những quy cách cổ điển.

Chơi theo phong cách sưu tập

Trường phái sưu tập là một khuynh hướng lớn thứ hai ở Việt Nam của giới chuyên chơi đồ cổ. Chơi đồ cổ theo cách này là người chơi phải tự chọn và quyết định sưu tập hiện vật theo một đề tài mà mình ưa thích.

Khoản 9 điều 4 chương 1 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: Sưu tập là một tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc di sản văn hóa phi vật thể, được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội.

Về nhà sưu tầm: thứ nhất, sưu tập của nhà sưu tầm phải thỏa mãn những tiêu chí của bộ sưu tập được quy định tại Khoản 9, điều 4, chương 1 của Luật Di sản văn hóa; thứ hai, không phải là người buôn bán chuyên nghiệp, cho dù có sự giao lưu, trao đổi; thứ ba, phải có kỹ năng và chuyên môn nhất định về bộ môn sưu tập.

Có thể hiểu, nhà sưu tầm cổ vật là người thu thập, nghiên cứu, thưởng ngoạn cổ vật theo một định hướng của riêng mình, phải tự xác định cho mình một mục tiêu cụ thể.

Trường phái sưu tập một thời cực thịnh ở miền Nam, chịu ảnh hưởng từ phương pháp Âu - Mỹ. Thế hệ đầu tiên có thể kể đến nhà sưu tập Vương Hồng Sển, giáo sư Dương Minh Thới, kỹ sư Dương Văn Khuê, họa sĩ Nguyễn Văn Rô, nhà văn Ngọc Sơn… Họ là những con người có đầy đủ các tố chất về sự lịch duyệt trong lối sống và có tri thức trong chuyên môn. Chính họ đã sưu tầm, gìn giữ cho đất nước những bộ sưu tập đồ cổ nhiều giá trị .

Cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) là người được giới sưu tập quý trọng nhất, do công lao sưu tầm hiện vật và nghiên cứu khoa học. Những công trình nghiên cứu và trước tác của cụ trong nửa thế kỷ nay đã góp phần trang bị cho các nhà sưu tập nhiều kiến thức về đồ cổ, đồng thời cũng cổ vũ các thế hệ sau rất mạnh mẽ. Những cuốn sách có giá trị của Vương Hồng Sển được các nhà nghiên cứu và sưu tầm gốm sứ đánh giá cao. Cụ đã hiến tặng toàn bộ 849 cổ vật và sách sưu tầm của mình cho Nhà nước. Bộ sưu tập cổ vật của Vương Hồng Sển có giá trị độc đáo với nhiều chất liệu khác nhau: gốm sứ, đồng, gỗ, thủy tinh, ngà, sừng, đồi mồi... và nguồn gốc đa dạng: Việt Nam, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Đồ sứ men lam Huế chính là chủng loại mà cụ ưa thích nhất. Đây là sưu tập đồ sứ của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, đã đặt các lò gốm tại trấn Cảnh Đức, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) sản xuất để sử dụng trong hoàng cung, phủ chúa. Gốm sứ Trung Quốc được sản xuất là những sản phẩm đồ đựng, đồ trang trí cao cấp, men xanh trắng vẽ phong cảnh, đồ án, tích truyện, thơ chữ Hán, chữ Nôm, hàm chứa nhiều ý tưởng, ẩn dụ tốt đẹp. Chỉ tính riêng cuốn Sổ tay của người chơi cổ ngoạn của Vương Hồng Sển, đến nay, vẫn là cuốn sách “gối đầu giường”, cẩm nang không thể thiếu của những người chơi cổ ngoạn Việt Nam.

Ở miền Bắc, những người đi tiên phong cho lối chơi ấy thuộc tầng lớp cấp tiến thời Pháp thuộc. Họ được mệnh danh là những người đại diện cho trường phái Tây học. Nổi bật là cụ Đức Minh Bùi Đình Thản, cụ Huệ “muối”, cụ Lâm “cà phê”, cụ Nguyễn Bá Đạm. Cụ Đức Minh Bùi Đình Thản, một thương gia giàu có, am hiểu nghệ thuật và cổ vật, sưu tập khá nhiều tranh và đồ gốm sứ. Nhà cụ treo tranh khắp nơi, suốt cả cầu thang với hầu hết các tác phẩm của họa sĩ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương. Cụ Huệ “muối” (biệt danh “muối” hẳn do nhà cụ ở phố Hàng Muối, Hà Nội) từng dành riêng hai phòng lớn trong căn biệt thự nhiều phòng để bày những đồ gốm, đồ đất nung thô phác, mà vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước, chẳng mấy ai quan tâm. Trong phòng riêng, nơi nghỉ ngơi, cụ bầy nhiều đồ quý, chỉ một bộ ấm chén mà có khi đổi bằng cả một ngôi nhà ba tầng trên phố Bà Triệu, thời Hà Nội bị tạm chiếm (3).

Cụ Lâm “cà phê” (biệt danh này do nhà cụ bán cà phê trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) thích sưu tập tranh của các hoạ sĩ đương thời. Quán cà phê của cụ luôn đông các họa sĩ đến uống: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... đều là khách quen ở đây, có khi họ trả tiền cà phê bằng tranh, ký họa. Sưu tập tranh tứ trụ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái của cụ đã từng được trưng bày ở Thái Lan, Pháp, được giới chuyên môn đánh giá cao. Cụ Lâm còn có một thú sưu tập đồ đồng Đông Sơn với những trống đồng minh khí và rìu đồng.

Theo Đào Phan Long, để hình thành một sưu tập cổ vật người chơi thường trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Hầu như ai cũng phải “trả học phí”, vì thấy cái gì có hơi hướng cổ vật là đều muốn đến xem để mua.

Giai đoạn thứ hai: Do đam mê nhưng chưa có đủ kiến thức, chưa có tay nghề vững và kinh nghiệm trong cuộc chơi, dẫn đến thường thích mua theo hình thức hào nhoáng mà chưa chú ý nhiều đến các tiêu chí đặc trưng cũng như dấu tích văn hóa có giá trị của mỗi cổ vật.

Giai đoạn thứ ba: Sau một thời gian đam mê sưu tập cổ vật theo số lượng là quá trình tự lựa chọn, rút gọn lại số lượng các cổ vật để lưu giữ, bởi vì lúc này, tay nghề đã cao lên và từng trải hơn trong quan hệ công việc, cho nên mới tự nhìn ra được những cái quý, cái đẹp của từng món cổ vật để tự nhận biết và so sánh về thẩm mỹ, giá trị.

Một sưu tập cổ vật có giá trị là sưu tập đó có nhiều món cổ vật độc đáo, hiếm và đạt được nhiều tiêu chuẩn cao của cổ vật chứ không phải là số lượng hiện vật nhiều là quý. Vậy các tiêu chí để đánh giá chất lượng của từng cổ vật là gì? Những ai đã thạo cuộc chơi cổ ngoạn đều ngấm truyền khẩu về các tiêu chí để đánh giá cổ vật qua một câu ngắn gọn mà các cụ để lại: Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi... Nhưng có lẽ chưa đủ, vì cần phải thêm hai tiêu chí nữa: độc đáo và có xuất xứ rõ ràng.

“Dáng” được xếp đầu tiên để khẳng định món đồ đó có đẹp, có giá trị thẩm mỹ cao hay bình thường.

“Da” được xếp thứ hai để xem xét phần kỹ thuật, mỹ thuât tạo ra trên bề mặt: hoa văn, họa tiết, nét chạm khắc... và đặc biệt, “da” còn chỉ “màu thời gian” trên bề mặt của cổ vật, một xác nhận tự nhiên về độ tuổi của món đồ. Và đây cũng chính là một trong các căn cứ để thẩm định cổ vật.

Chính hai tiêu chí trên đã phản ánh được dấu ấn văn hóa để lại của người xưa, thể hiện trình độ chế tác, óc thẩm mỹ sáng tạo ra cổ vật.

“Toàn” xếp thứ ba để nói lên sự toàn vẹn về mặt vật lý của mỗi món đồ: lành, vỡ, sứt mẻ, mất mảnh... Nếu cùng là một loại cổ vật bình thường giống nhau, nhưng giá trị giữa món đồ lành cao gấp nhiều lần món bị dập chứ chưa nói đến bị vỡ mất mảnh hay đã qua sửa chữa. Đây cũng chính là tiêu chí để xác định món đồ là cổ vật, cổ ngoạn hay chỉ là di vật.

“Tuổi” xếp cuối cùng chỉ nhằm xác định niên đại chế tác của món cổ vật, mang ý nghĩa khảo cổ học. Nhiều cổ vật mặc dù tuổi thấp, nhưng khi đấu giá thì lại rất nhiều tiền và ngược lại. Nhưng nếu chơi cổ vật mà coi nhẹ “tuổi” của chúng thì cũng không phải là người hiểu cách chơi.

Ngoài bốn tiêu chí thông thường, khi đánh giá chất lượng, giá trị của các cổ vật, người có nghề cao thường còn chú ý tới hai tiêu chí còn lại: độc đáo tức là rất hiếm và xuất xứ của chúng. Các cổ vật của vua, quan, danh nhân, nhà giàu đặt làm hoặc mua, tặng, để sử dụng (thường gọi là đồ quan) thì có giá trị kinh tế cao khác hẳn những cổ vật vốn do dân chúng sử dụng (thường gọi là đồ phố, đồ dân). Các cổ vật có hiệu đề, tên lò sản xuất, minh văn cung tiến... sẽ cho biết rõ xuất xứ của chúng, tất nhiên sẽ được quý hơn so với các cổ vật không rõ nguồn gốc.

Đến đây có thể thấy, lối chơi sưu tập không phải cần ít tiền bạc hơn, ít sang hơn lối chơi cổ đồ như nhiều người lầm tưởng, mà thực chất cũng cần và có tất cả yêu cầu như lối chơi cổ đồ, chỉ riêng không gian bày đồ là không có yêu cầu quá cao. Đây là một sự cố gắng của bất kỳ người nào muốn có một bộ sưu tập giá trị. Chơi cổ vật là một thú chơi cá nhân, nhưng nếu đi đúng hướng chân - thiện - mỹ sẽ có những đóng góp lớn cho văn hóa mỗi vùng miền, mỗi dân tộc và rộng hơn là cả loài người. Sự đa dạng hóa các phong cách chơi cổ vật là một xu thế tự nhiên. Nhưng dù theo phong cách nào thì đều có những đóng góp cho việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng ta đã đề ra.

_________________

1, 3. Phạm Quốc Quân, Ngã ba di sản, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2011, tr.243, tr.244. Riêng đoạn trích theo chú thích 1 là từ lời kể của tác giả Phạm Quốc Quân về lần được gặp cụ Đức Minh Bùi Đình Thản, một nhà tư sản, nhà sưu tập nổi tiếng của Hà Nội những năm giữa TK XX.

2. Bảo Vân, “Dị nhân” cổ vật Hà thành, giadinh.net.vn, 2-11-2011.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đức Quỳnh, Cách thức hình thành các bộ sưu tâp, Tạp chí Mỹ thuật, số 84, Hà Nội, 2003, tr.11.

2. Tạp chí Cổ vật tinh hoa, số 42, tháng 7-2012.

3. Phạm Quốc Quân, Ngã ba di sản, Nxb Dân trí, Hà Nội 2011.

4. Luật Di sản văn hóa 2001.

Tác giả: Ths Vương Toàn Thắng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

 

;