Chia sẻ về sự cần thiết của việc xây dựng thiết chế Nhà hát mang tầm quốc gia. PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “việc xây dựng thiết chế mang tầm quốc gia trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, bởi vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc”.
Phóng viên: Thưa ông, vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ VHTTDL nghiên cứu, báo cáo về chủ trương xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam xứng tầm, hiện đại, trở thành điểm du lịch quảng bá hình ảnh các dân tộc Việt Nam. Đây là công việc hết sức cần thiết để tăng cường các thiết chế văn hóa mang tầm quốc gia. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Xây dựng các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà hát, nhà văn hóa... luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa để trên nền tảng các cơ sở vật chất này, chúng ta có thể tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc xây dựng các thiết chế văn hóa xứng tầm càng trở nên cần thiết hơn để chúng ta tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô khu vực và thế giới, tương xứng với tầm vóc thời đại mới, đồng thời xây dựng thương hiệu cho các sự kiện, cho các địa phương, và nâng cao hơn nữa chất lượng của các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cũng như giúp các tài năng văn hóa, nghệ thuật Việt Nam có thể giao lưu, học hỏi từ các sự kiện quy mô, được tổ chức tại các thiết chế xứng tầm này. Đây cũng là kinh nghiệm phổ biến trên thế giới khi các nước, để có được những sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, các quốc gia luôn có những thiết chế văn hóa làm điểm nhấn như các bảo tàng, nhà hát, thư viện quốc gia, ví dụ như Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Quốc gia Nhật Bản, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Quốc gia Indonesia, Nhà hát Sydney Opera House, Nhà hát Nghệ thuật Kịch Thái Lan, Nhà hát Hoàng gia - Mumbai, Ấn Độ, Thư viện Quốc gia Singapore, hay địa điểm tổ chức các liên hoan phim như Liên hoan phim quốc tế Busan, Cannes, Berlin, Venice... Thủ đô các nước cũng là trung tâm văn hóa, vì thế, đây cũng là nơi tập trung của rất nhiều thiết chế văn hóa, nhất là bảo tàng và nhà hát. Riêng với bảo tàng, London có hơn 170 bảo tàng, bao gồm British Museum, Tate Modern, Natural History Museum và nhiều bảo tàng khác. Paris được biết đến với hơn 130 bảo tàng, bao gồm Louvre, Musée d'Orsay, Centre Pompidou và nhiều bảo tàng nổi tiếng khác. Washington D.C - Thủ đô của Hoa Kỳ có hơn 70 bảo tàng, bao gồm Smithsonian Institution với nhiều viện bảo tàng khác nhau như National Air and Space Museum, National Museum of Natural History và National Gallery of Art. Đây đều là những điểm nhấn, tạo nên thương hiệu quốc gia, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho các thủ đô và cả quốc gia.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Dù rất khó so sánh vì điều kiện, nguồn lực của các quốc gia khác nhau nhưng chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của việc hình thành hệ thống thiết chế văn hóa trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đóng góp vào việc hình thành nên sức mạnh dân tộc, tạo ra sự tự tin và hình ảnh mới, mạnh mẽ, năng động, sáng tạo của một quốc gia. Xét trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng thiết chế mang tầm quốc gia trong bối cảnh hiện nay, theo đề xuất của Bộ VHTTDL, là rất cần thiết bởi vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc.
Đây cũng sẽ là một nơi tập trung để tổ chức các hoạt động văn hóa, truyền thống, trao đổi văn hóa và giáo dục văn hóa cho tất cả mọi người. Nhà hát của các dân tộc sẽ giúp tăng cường niềm tự hào về văn hóa Việt Nam và sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới, đem lại thu nhập cho địa phương. Ngoài ra, việc xây dựng các thiết chế văn hóa khác trên địa bàn Thủ đô sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc trải nghiệm và phát triển văn hóa, qua đó, tăng cường nhận thức về ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng của văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đẩy mạnh du lịch văn hóa, góp phần phát triển kinh tế và xã hội ở Hà Nội cũng như cả quốc gia. Vì thế, tôi đồng ý với chủ trương đầu tư xây dựng Nhà hát các dân tộc Việt Nam đang được Chính phủ và Bộ VHTTDL đề xuất. Tuy nhiên, đây là một việc làm rất khó khăn, đòi hỏi có sự tính toán kỹ lưỡng, cẩn thận, đánh giá tác động kinh tế - xã hội, văn hóa thận trọng để tránh sự lãng phí, thiếu hiệu quả, để lại các hệ lụy khác cho sự phát triển đất nước.
Phóng viên: Vậy, để xây dựng thiết chế văn hóa mang tầm quốc gia, ngoài ngân sách nhà nước, cần có chính sách để huy động các nguồn xã hội hóa như thế nào để xây dựng các thiết chế văn hóa tương xứng với sự phát triển của đất nước, thưa ông?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Nguồn lực của Nhà nước cho phát triển văn hóa, trong đó có xây dựng các thiết chế rất quan trọng, tuy nhiên, so với nhu cầu của xã hội, chỉ nguồn lực Nhà nước thì luôn không thể đáp ứng, vì thế, tôi nghĩ rằng, để xây dựng các thiết chế văn hóa tốt hơn và phù hợp với sự phát triển của đất nước, chính sách huy động các nguồn xã hội hóa cũng là một yếu tố thiết yếu.
Để huy động nguồn lực xã hội, trước hết, chúng ta cần thay đổi tư duy, nhận thức, mô hình quản lý và phát triển văn hóa để hoạt động này phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường, ở đó việc xác định hoạt động của các thiết chế cần tuân theo quy luật cung - cầu; bám sát xu hướng quản lý văn hóa trên thế giới là phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm giải trình, tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm, chú ý đến quyền văn hóa của người dân; và các thiết chế văn hóa cần phải biết các kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả, gây quỹ và xin tài trợ... Chúng ta cũng cần phải tạo nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng để có thể huy động tốt hơn nguồn lực xã hội, đặc biệt là những vướng mắc chúng ta đang gặp phải từ các văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, thuế, hợp tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công, tài trợ và hiến tặng cho văn hóa, nghệ thuật...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
NGỌC BÍCH thực hiện