Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản hiện nay

Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành Xuất bản. Quá trình này mở ra hướng đi mới cho hoạt động xuất bản, nhằm lan tỏa tri thức một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Bài viết nghiên cứu những nhân tố tác động đến quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động này.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là quá trình áp dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm thay đổi mô hình và quy trình hoạt động xuất bản, đa dạng hóa hình thức truyền tải nội dung và kênh phân phối, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến độc giả, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của hoạt động xuất bản. Chuyển đổi số được tiến hành trong tất cả các khâu, từ việc sáng tạo nội dung đến lựa chọn công nghệ sản xuất, phương thức truyền thông - marketing cho sản phẩm và cách quản trị chuỗi cung ứng sản phẩm trên thị trường xuất bản phẩm. Nó không chỉ tác động đến những tổ chức hay doanh nghiệp xuất bản mà còn tác động đến những nhóm đối tượng khác như khách hàng, đối tác. Đây là một quá trình phức tạp, diễn ra dưới sự tác động của nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen lẫn nhau.

1. Những nhân tố tác động đến quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản hiện nay

Những thành tựu và yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất và mọi mặt đời sống xã hội, hình thành và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Trong hoạt động xuất bản, sự thay đổi đó đồng thời cũng làm thay đổi mô hình và quá trình xuất bản, tạo ra các dịch vụ nội dung dựa trên nền tảng số và mạng lưới khách hàng (mô hình của tương lai - mô hình 4.0). Sự xuất hiện của các sản phẩm xuất bản mới thay thế dần vai trò của sách truyền thống. Sách điện tử (ebook), các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng trong giới xuất bản. Dòng sách điện tử mới được tích hợp trên các hệ điều hành như Window, Mac, Linux, iOS, Android sẽ ngày càng chiếm ưu thế. Ngành công nghiệp xuất bản đang đứng trước những thách thức buộc phải chuyển đổi số để có lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển trong thời đại 4.0

Định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xác định chủ trương: “thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số” (1). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số” (2). Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ chỉ rõ: “việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia” (3). Định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước đặt ra yêu cầu ngành Xuất bản phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần phải đi nhanh, đi trước để thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Sự thay đổi thị hiếu của độc giả

Thời đại công nghệ thông tin đã thay đổi cách thức con người sống, làm việc và hưởng thụ. Nhu cầu và thị hiếu của độc giả đã thay đổi, chuyển dần từ sản phẩm xuất bản truyền thống sang sản phẩm xuất bản điện tử, phù hợp với yêu cầu của xã hội thông tin, đem đến sự tiện lợi về nội dung và không gian, thời gian trải nghiệm. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, độc giả đã có những trải nghiệm như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang với hình ảnh, âm thanh được tích hợp vào ebook trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động. Những thói quen mới của độc giả như: mua bán, lựa chọn và trao đổi sách trực tuyến, sử dụng ebook và vrbook (sách thực tế tăng cường ảo) buộc các nhà xuất bản phải tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh xuất bản điện tử, đặc biệt là xuất bản và phát hành trực tuyến trên mạng internet, nếu không sẽ bị tụt hậu và đánh mất thị trường.

Mục tiêu phát triển của ngành Xuất bản

Ngành Xuất bản Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thể phát hành 500 triệu bản sách/ năm, đạt mốc doanh thu 4.600 tỷ đồng, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số. Ngành Xuất bản đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, khi những thay đổi về đời sống kinh tế, xã hội gắn liền với những thay đổi về nhu cầu và phương thức tiếp cận sách của độc giả cùng văn hóa đọc. Thực hiện chuyển đổi số trở thành một yêu cầu tất yếu trong giai đoạn phát triển mới, tạo động lực cho sự phát triển của ngành. Nếu không có chuyển đổi số, xuất bản Việt Nam rất khó vươn lên đáp ứng yêu cầu sắp xếp ngành Xuất bản, In và Phát hành theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” (4).

2. Thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản hiện nay

Thành tựu

Trong công tác quản lý, Cục Xuất bản, In và Phát hành thường xuyên quan tâm về công tác chuyển đổi số, trong đó đã triển khai cung cấp dịch vụ công mức độ 4; triển khai sử dụng, cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12-5-2020 của Chính phủ; sử dụng, cập nhật dữ liệu trên hệ thống phần mềm về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (5). Công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong các triển lãm, hội sách trực tuyến. Phần mềm hỗ trợ công tác biên tập và đọc lưu chiểu của Cục Xuất bản, In và Phát hành đã được xây dựng. Cục đã cùng với các công ty công nghệ và đơn vị trong ngành xây dựng nền tảng dùng chung cho hệ thống xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử. Theo báo cáo tổng kết ngành năm 2021 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, số cấp các đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử tăng 66,67% (6). Tính đến hết năm 2022, xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với ước tính khoảng 32.000 bản (tăng 30%) (7).

Trong định hướng chiến lược phát triển, ngành Xuất bản, In và Phát hành xác định rõ mục tiêu đối với lĩnh vực xuất bản: duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/ người/ năm đạt 5-5,5 bản vào năm 2025; đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử (tính theo đầu sách) đạt 15% vào năm 2025 (8). Để đạt được các chỉ tiêu về số lượng đầu sách xuất bản hằng năm và đặc biệt là số lượng xuất bản sách điện tử, thực hiện phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số là hướng đi mà ngành Xuất bản, In và Phát hành hướng tới.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã từng bước diễn ra trong các khâu của hoạt động xuất bản, từ hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử cho đến xuất bản điện tử. Các nhà xuất bản, công ty sách chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Hệ thống các kênh phát hành xuất bản phẩm trực tuyến được mở rộng, xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện. Các nhà xuất bản tập trung đầu tư đổi mới và hiện đại hóa nền tảng công nghệ, kỹ thuật, phương tiện phục vụ cho hoạt động xuất bản điện tử, tập trung số hóa, tích hợp đa phương tiện hóa sản phẩm nội dung để đạt được lợi ích tối đa và phục vụ người dùng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Tính đến nay, đã có 12 nhà xuất bản và 6 doanh nghiệp phát hành được cấp xác nhận xuất bản/ phát hành xuất bản phẩm điện tử (9).

Hạn chế tồn tại

Công tác chuyển đổi số ở các đơn vị xuất bản, kinh doanh sách vẫn chưa thật sự được quan tâm đẩy mạnh. Năng lực của các đơn vị xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số. Thiếu sự đồng bộ và liên kết giữa các đơn vị trong ngành, các doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm hỗ trợ công tác vận hành quy trình chuyển đổi số. Hiện nay, chưa có nhà xuất bản nào xây dựng được kho dữ liệu số thực sự lớn; chỉ mới số hóa được một phần nhỏ nguồn tài nguyên nội dung, còn rất nhiều cuốn sách chưa được số hóa, chưa được sắp xếp vào các kho dữ liệu. Chưa có nhà xuất bản nào thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số theo chuẩn quốc tế.

Thị trường phát hành sách trực tuyến phát triển chưa đồng bộ và thiếu cân đối. Phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp chuyên phát hành sách trực tuyến). Do thiếu tính chủ động nên việc chuyển dịch sang kênh phát hành trực tuyến của các doanh nghiệp xuất bản gặp nhiều khó khăn, kết quả hạn chế. Sách điện tử chưa được các nhà xuất bản, nhà sách quan tâm do doanh thu còn thấp, nguy cơ vi phạm bản quyền cao. Hiện, thị trường sách điện tử phái sinh từ sách đã in chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu, 80% đến từ khai thác sách nước ngoài (10). Việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử còn nhiều khó khăn do cần thời gian đầu tư dài và thiếu cơ chế và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Như ở Hàn Quốc cần thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước qua cơ chế tài trợ giá.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

Một là, xây dựng nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định thành công của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Làm việc trong môi trường số đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp. Trước mắt cần tập trung đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vị trí, vai trò của chuyển đổi số và những yêu cầu đặt ra. Từ đó thay đổi thái độ của người lao động với tâm thế tích cực hơn, chủ động hơn. Bên cạnh đó, cần thay đổi nội dung, phương thức đào tạo nhân sự, tập trung vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyển đổi số. Bản thân mỗi cá nhân hoạt động trong ngành Xuất bản cũng cần có sự chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi trong môi trường lao động mới.

Hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngành Xuất bản

Giải pháp này thực chất là kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số trong ngành Xuất bản. Từ thực tế hiện nay, quá trình chuyển đổi số chưa có bước phát triển mạnh, một phần đến từ việc thiếu thể chế, chính sách định hướng và tạo nguồn lực. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Trước hết, cần có thể chế, chính sách hoàn thiện thị trường xuất bản số; ban hành chế tài ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền và buôn lậu trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử. Đồng thời, điều chỉnh chính sách quản lý đối với các cơ sở, doanh nghiệp xuất bản theo hướng của một doanh nghiệp khoa học, công nghệ để họ được hưởng nhiều ưu đãi hơn, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Ba là, tăng cường đầu tư nguồn lực cho chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

Giải pháp này có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực cho hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản. Việc thiếu sự đầu tư về tài chính và cơ sở hạ tầng là một nguyên nhân dẫn tới quá trình chuyển đổi số của các đơn vị, doanh nghiệp xuất bản gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Do đó, cần tập trung đầu tư, hỗ trợ các nhà xuất bản về vốn, công nghệ, đào tạo nhân lực, thông tin thị trường. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các doanh nghiệp xuất bản tiếp cận thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường liên kết hợp tác trong chuyển đổi số. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa để đa dạng hóa nguồn lực thông qua việc kêu gọi các kênh đầu tư tư nhân, huy động sức mạnh của xã hội trong chuyển đổi số ngành Xuất bản.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản

Hợp tác quốc tế là một hướng đi nên được nhiều doanh nghiệp, đơn vị xuất bản lựa chọn nếu muốn gia tăng hiệu quả chuyển đổi số. Thông qua hoạt động này, các nhà xuất bản của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với quy trình, mô hình hoạt động xuất bản tiên tiến của thế giới, điều chỉnh cách thức quản trị và hoạt động chuyên môn tương thích với thị trường xuất bản quốc tế. Từ đó tạo sức ép tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số về hoạt động xuất bản. Tiến trình hội nhập quốc tế vào môi trường số cũng là tiến trình điều chỉnh, thích nghi của bản thân mỗi đơn vị xuất bản trong nước, nếu không muốn tụt hậu và đánh mất cơ hội phát triển.

_______________

1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dangcongsan.vn, 27-9-2019.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.46.

3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chinhphu.vn, 3-6-2020.

4. Minh Thu, Ngành Xuất bản Việt đặt mục tiêu phát triển dẫn đầu Đông Nam Á, vietnamplus.vn, 28-9-2022.

5, 6. Nguyễn Nhàn, Chuyển đổi số của ngành Xuất bản: nhu cầu và lợi ích, ictvietnam.vn, 25-3-2020.

7. Thanh Trần, Ngành Xuất bản tăng trưởng với nhiều chỉ số ấn tượng, zingnews.vn, 17-2-2023.

8, 9. Khánh Vy, Chuyển đổi số - cơ hội lớn cho hoạt động xuất bản, dangcongsan.vn, 10-10-2022.

10. Nguyễn Thị Ngọc Lâm, Hoạt động xuất bản sách ở Việt Nam trước bối cảnh chuyển đổi số, vanhoanghethuat.vn, 25-4-2022.

Ths NGUYỄN PHƯƠNG HOA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;