Xây dựng môi trường văn hóa ở các khu công nghiệp hiện nay - Thực trạng và giải pháp

Sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã có những đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước, tác động đến sự phát triển của các ngành công nghiệp nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đồng thời đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, mở rộng quan hệ đối ngoại, đóng góp tích cực vào tăng nguồn thu ngân sách và tạo việc làm cho nhiều người lao động… Nhưng bên cạnh đó, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa (MTVH) ở các KCN vẫn đang đặt ra những thách thức cần được giải quyết. Bài viết nhận diện thực trạng, những bất cập và đề xuất một số giải pháp xây dựng MTVH ở các KCN hiện nay.

 1. Thực trạng MTVH ở các KCN hiện nay

Trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa cùng với xu thế hội nhập và phát triển, việc hình thành và phát triển các KCN, KCX như một quy luật tất yếu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, bởi vậy, việc hình thành và phát triển các KCN ở nước ta cũng là một tất yếu.

Từ năm 2016, cả nước có 310 KCN, 16 khu kinh tế được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 90.000 ha. Tính đến tháng 4-2016, các KCN, khu kinh tế đã thu hút 6.678 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 146 tỷ USD và 6.957 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.175 tỷ USD (1). Tính đến tháng 12-2020, cả nước đã có 369 KCN (bao gồm cả KCN nằm trong các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có 284 KCN đang hoạt động và 85 KCN đang xây dựng) (2). Các KCN được xây dựng tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển kinh tế của các vùng. Trong số đó, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… (khu vực phía Bắc); Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM… (khu vực phía Nam) là nơi hình thành, tập hợp số lượng lớn các KCN, KCX tập trung đông công nhân nhất. Trong số các KCN trên địa bàn cả nước, hiện có khoảng 100 KCN có số lượng lớn công nhân đang làm việc (từ 4.000 công nhân trở lên) phân bổ tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, tỉnh Đồng Nai có 15 khu, TP.HCM có 12 khu, tỉnh Bình Dương có 11 khu, tỉnh Long An có 5 khu, các tỉnh, thành phố có 3 khu gồm: Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Ninh Bình, các tỉnh còn lại có từ 1-2 khu. Đặc biệt, các thành phố lớn thường tập trung số lượng KCN rất lớn, theo báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Riêng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập 33 KCN, trong đó có 18 KCN đã quy hoạch với diện tích đất 3.500 ha. Đến nay đã có 9 KCN, KCX đi vào hoạt động, thu hút 678 doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 161.000 lao động; đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, nộp ngân sách trên 2.200 tỷ đồng/ năm (3).

Sự hình thành và phát triển các KCN, KCX đã đem đến nhiều mặt tích cực cho việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tạo điều kiện thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội cho từng vùng, vùng kinh tế trọng điểm và của cả nước. Các KCN đã thu hút và tạo việc làm cho người lao động, đồng thời đóng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương và cả nước. Hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 3,65 triệu công nhân, người lao động đang làm việc tại các KCN, khu kinh tế, trong đó, số lao động nữ chiếm 60%. Có 48/63 tỉnh, thành phố thành lập được 50 tổ chức Công đoàn KCN với tổng số 2.402.927 đoàn viên công đoàn (4). Dự báo đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, khu kinh tế đạt khoảng 2.700-3.200 nghìn tỷ đồng và 280-330 tỷ USD; tổng vốn đầu tư thực hiện trong khu kinh tế đạt khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng và 240-290 tỷ USD; giải quyết việc làm cho 6 triệu lao động vào năm 2025 và 7-8 triệu vào năm 2030; tăng dần tỷ xuất thu vốn đầu tư các dự án trên 1 ha đất công nghiệp của KCN, khu kinh tế thêm khoảng 8-10% vào năm 2025 và 15-18% vào năm 2030; phấn đấu đáp ứng từ 40-50% nhu cầu nhà ở của người lao động đến năm 2030 (5).

Như vậy, đi cùng chiều với sự phát triển của đất nước, những năm qua các KCN, KCX phát triển nhanh về số lượng và quy mô; thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, đóng góp cho ngân sách nhà nước năm sau cao hơn năm trước. Chính vì vậy, bên cạnh những thành quả kinh tế do các KCN mang lại, vấn đề xây dựng MTVH ở các KCN cần được các ngành hữu quan, các cấp chính quyền quan tâm để phát triển đồng bộ, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế, xã hội phải gắn liền với văn hóa, yêu cầu phát triển bền vững là thực sự cần thiết và có ý nghĩa quan trọng hiện nay. Đảng và Chính phủ đã ban hành một số văn bản nhằm định hướng, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, thực hiện kiến tạo và xây dựng MTVH lành mạnh tại các KCN. Việc triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công nhân và người lao động tại các cụm, KCN được 100% các Tỉnh ủy, thành ủy chủ động thực hiện, có sự tích cực phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, góp phần có hiệu quả trong việc đưa các chính sách của Đảng vào cuộc sống, thiết thực đảm bảo lợi ích của công nhân và người lao động. Hầu hết tỉnh, thành đã triển khai việc thực hiện chính sách xã hội ở các KCN, KCX trên địa bàn dưới nhiều hình thức phong phú như: thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thân thể…

Thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều tổ chức công đoàn đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc cải thiện đời sống văn hóa tinh thần người lao động, từ đó triển khai xây dựng nhiều nhà văn hóa cho công nhân lao động, trong đó có nguồn vốn tài chính công đoàn các cấp. Các doanh nghiệp nhà nước thể hiện tính ưu việt so với các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, phong phú góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo về văn hóa, nâng cao thể lực cho công nhân viên chức và lao động; nhiều phong trào thi đua có nội dung văn hóa diễn ra sôi nổi, đều khắp như: “Năng suất - Chất lượng - Hiệu quả”, “Học tập - Lao động - Sáng tạo”, “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bước đầu có sự điều chỉnh trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động. Nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí cho công đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho công nhân lao động; tổ chức ngày hội truyền thống doanh nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị tại khuôn viên doanh nghiệp; xây dựng nhà ở, nhà ăn ca cho công nhân lao động; tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao và yên tâm làm việc tại doanh nghiệp.

Thực hiện Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng nhiều thiết chế văn hóa (TCVH) xã hội, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, thể thao tại doanh nghiệp. Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy: từ năm 2008 đến nay có 45,9% doanh nghiệp có tổ chức giao lưu văn nghệ với doanh nghiệp bạn; 62,9% doanh nghiệp có tổ chức sinh hoạt văn nghệ nội bộ doanh nghiệp; 82,4% doanh nghiệp có tổ chức hoạt động thể dục, thể thao; 80,4% doanh nghiệp có tổ chức tham quan du lịch và 16,4% doanh nghiệp có tổ chức các hoạt động khác cho công nhân lao động (6).

Với sự quan tâm chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, các cấp, ngành, doanh nghiệp thuộc KCN đã quan tâm chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng MTVH, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Các KCN từng bước xây dựng cơ sở sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ, nhà văn hóa công nhân ở các khu lưu trú trong KCN.

Tuy nhiên, xu thế hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường tác động chi phối đang tạo áp lực lớn đối với xã hội, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế chưa đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, trong đó việc xây dựng MTVH ở các KCN cũng bị chi phối, ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực, đang còn tồn tại những bất cập như:

Sự nhận thức và quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị về công tác xây dựng MTVH ở các KCN chưa thấu đáo; trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng. Hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xây dựng MTVH, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân và người lao động hiện chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, mới chỉ mang tính định hướng. Công tác xây dựng, phê duyệt và cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư cho các KCN, ngay từ đầu chưa gắn với quy hoạch xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, các TCVH, xã hội dành cho công nhân lao động. Nội dung, mô hình về phương thức tổ chức và hoạt động văn hóa công nhân lao động ở các hệ thống TCVH, thể thao dành cho công nhân lao động KCN còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa sát với đối tượng, điều kiện của công nhân lao động.

Bên cạnh những xu hướng tích cực, tiến bộ của doanh nghiệp, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về việc xây dựng MTVH, thiếu quan tâm đầu tư xây dựng các TCVH, cơ sở vật chất đảm bảo nhu cầu an sinh và chăm lo đến đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động. Còn có xu hướng doanh nghiệp chỉ tập trung thuần túy vào sản xuất kinh doanh với mục tiêu chủ yếu là chạy theo lợi nhuận, chưa chú trọng thực hiện mục tiêu “xây dựng doanh nghiệp tăng trưởng bền vững về kinh tế phải đi đôi với việc thực hiện trách nhiệm xã hội là xây dựng MTVH lành mạnh và chăm lo quyền lợi hợp pháp của công nhân và người lao động”.

Hầu hết các KCN chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các TCVH, thể thao phục vụ công nhân lao động; các công trình văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí hiện có do các tổ chức, cá nhân xây dựng, mang nặng tính chất dịch vụ, dành cho đối tượng người có thu nhập cao. Hệ thống TCVH, thông tin, thể dục thể thao công lập do ngành VHTTDL quản lý thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của ngành, hiện chưa được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện và cũng chưa đủ điều kiện, công năng sử dụng cũng như năng lực phục vụ công nhân lao động tại các KCN. Hệ thống nhà văn hóa công nhân do tổ chức công đoàn các cấp quản lý chưa phát huy được vai trò, tác dụng. Một số KCN đã xây dựng các TCVH, thể thao như: nhà văn hóa, phòng đọc sách, sân thể thao mini… nhưng chủ yếu dành cho đối tượng người sử dụng lao động và bộ phận làm nhiệm vụ gián tiếp, hành chính, công nhân lao động ít có điều kiện tiếp cận và tham gia các hoạt động tại những cơ sở này.

MTVH doanh nghiệp ở nhiều KCN chưa lành mạnh; điều kiện làm việc chưa đảm bảo; nhà xưởng chật hẹp, nóng bức; tiếng ồn, khí thải vượt mức quy định; trang thiết bị bảo hộ lao động còn thiếu thốn; an toàn và vệ sinh lao động chưa được chú trọng. Nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp của công nhân còn nhiều hạn chế. Một bộ phận công nhân lao động thiếu ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các mối quan hệ lao động; chưa theo kịp yêu cầu sản xuất dây chuyền công nghiệp, kỷ luật lao động còn lỏng lẻo, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội.

2. Một số giải pháp thực hiện xây dựng MTVH ở các KCN hiện nay

Xây dựng MTVH và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động ở các KCN là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của doanh nhân và công nhân lao động. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của các ngành, tổ chức đoàn thể có liên quan về xây dựng MTVH ở KCN. Cần thống nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng MTVH, xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động trong các KCN hiện nay. Đưa nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng MTVH KCN vào nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở các cấp chính quyền để chỉ đạo triển khai thực hiện.

Hai là, xây dựng, ban hành thực hiện nghiêm luật pháp và các chính sách văn hóa, xã hội, đảm bảo đời sống an sinh. Thực hiện nghiêm túc việc phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN phải đi đôi với việc phát triển các công trình văn hóa, xã hội phục vụ công nhân lao động trong các KCN. Cần có sự rà soát lại quy hoạch tổng thể các KCN, KCX để kịp thời bổ sung và cơ cấu lại một cách hợp lý, đồng bộ giữa phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật với cơ sở hạ tầng về mặt xã hội; đảm bảo tỷ lệ cân đối, thích hợp giữa xây dựng nhà máy, công xưởng, nhà điều hành hoạt động với việc xây dựng bệnh viện, trường học, công viên, chợ, siêu thị, khu vui chơi giải trí… và tạo dựng cảnh quan thiên nhiên hài hòa với môi trường sống của con người.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hiện hành. Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc xây dựng MTVH lành mạnh và chăm lo xây dựng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của công nhân và người lao động. Nếu không thực hiện cam kết phải được xử lý bằng chế tài nhà nước: không cấp phép xây dựng hoặc thu hồi giấy phép đầu tư xây dựng KCN, KCX kiên quyết đình chỉ, chấm dứt hoạt động.

Ba là, tăng cường huy động các nguồn lực và phương tiện cho hoạt động xây dựng MTVH và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao ở các KCN, KCX. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác xây dựng MTVH, xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động KCN, KCX. Thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thực hiện các mục tiêu tại Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn. Coi trọng tăng cường đầu tư xây dựng MTVH, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng sản xuất, xây dựng môi trường doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí… chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đoàn thể và địa phương trong công tác xây dựng MTVH, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN, KCX. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng MTVH, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN. Cấp ủy Đảng các cấp, nhất là những nơi có khu, cụm công nghiệp, KCX, đưa nhiệm vụ xây dựng MTVH nghị quyết cấp ủy hằng năm; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp, KCN, KCX thường xuyên phối hợp tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân tại các doanh nghiệp và khu nhà ở tập trung của công nhân, địa bàn có đông công nhân sinh sống. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động ở các KCN.

Năm là, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp với công nhân lao động và chính quyền địa phương thực hiện xây dựng MTVH. Các cấp ủy Đảng, nhất là tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, KCN tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng MTVH lành mạnh ở doanh nghiệp. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng và phát triển lối sống văn hóa, kỷ cương, để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng MTVH, nếp sống văn hóa cho công nhân lao động. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí. Xây dựng và nhân rộng các mô hình công nhân văn hóa, gia đình công nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sáu là, xây dựng MTVH doanh nghiệp lành mạnh là cơ sở nền tảng để xây dựng MTVH KCN. Xác định chủ doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng và phát triển MTVH lành mạnh trong doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng MTVH doanh nghiệp lành mạnh, có kỷ cương, kỷ luật chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Các chủ doanh nghiệp cần phải quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển. Doanh nghiệp cần tôn trọng và thực thi pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, biết cân đối hài hòa giữ mục tiêu phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp phải gắn với ổn định, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ và xây dựng MTVH lành mạnh, đảm bảo điều kiện sống và làm việc cho công nhân và người lao động. Đặc biệt đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí. Xây dựng và nhân rộng các mô hình công nhân văn hóa, gia đình công nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và thi đua khen thưởng. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng MTVH ở khu công nghiệp, xây dựng giai cấp công nhân trong điều kiện thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, sự đồng thuận xã hội và thống nhất hành động để thực hiện xây dựng MTVH lành mạnh. Tăng cường tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa và tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động; xây dựng hình ảnh người công nhân lao động mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng MTVH, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp đạt “Doanh nhân văn hóa”, “Doanh nghiệp văn hóa” toàn quốc hằng năm. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong công nhân lao động. Đưa danh hiệu “Gia đình công nhân văn hóa” vào tiêu chí bình xét thi đua ở đơn vị.

____________________

1. Trần Phong, Đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động các khu công nghiệp, vuit.org.vn, 26-7-2016.

2. Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2020, mpi.gov.vn, 30-12-2020.

3. Lê Thị Lan Hương, Vốn văn hóa hiện thân của công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nhận diện, thực trạng và giải pháp phát huy vốn văn hóa cho phát triển kinh tế của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2022, tr.93-95.

4. Số liệu dẫn theo Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 12-2022.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo Tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam, Hà Nội, 2021.

6. Vũ Văn Đạt, Thực trạng đời sống văn hóa của công nhân tại các khu công nghiệp và những yếu tố tác động, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai và miền Đông Nam Bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bộ VHTTDL - UBND tỉnh Đồng Nai, 2017, tr.122.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL - UBND tỉnh Đồng Nai, Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai và miền Đông Nam Bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Đồng Nai, 7-2017.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tài liệu phục vụ xây dựng đề án và Chỉ thị của Ban Bí thư “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hà Nội, 2015.

3. Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Nhận diện, thực trạng và giải pháp phát huy vốn văn hóa cho phát triển kinh tế của Thành phố Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội, 8-2022.

TS TRẦN THỊ TUYẾT MAI - Ths LÊ THỊ KIM LOAN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023

;