Để phát huy các nguồn lực văn hóa làng nghề trong phát triển kinh tế của Hà Nội hiện nay, có nhiều vấn đề đặt ra. Đó là các vấn đề về nhận thức; cơ chế, chính sách; mô hình phát triển; đầu tư nguồn lực; xử lý mối quan hệ giữa kinh tế, văn hóa và vấn đề truyền thông... Bài viết đề xuất một số giải pháp vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài.
Nâng cao nhận thức về nguồn lực văn hóa làng nghề
Vấn đề văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội đã được đặt ra từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998). Song, nhận thức về vai trò của nguồn lực văn hóa đối với phát triển kinh tế mới được quan tâm gần đây trên bình diện cả nước và tại Thủ đô Hà Nội. Theo báo cáo điều tra xã hội học của đề tài KX.09.12, người dân Hà Nội đánh giá các lợi thế của Thủ đô (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp) là: tiềm lực kinh tế, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực văn hóa. Về tiềm lực kinh tế, nổi trội là nguồn nhân lực có trình độ cao, thị trường, vốn đầu tư nước ngoài, khoa học - công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng và hệ thống thông tin liên lạc. Về vị trí địa lý, tự nhiên, quan trọng nhất là địa bàn trung tâm, đầu mối, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Về nguồn lực văn hóa, hàng đầu là truyền thống văn hiến lâu đời, đội ngũ trí thức đông đảo, các di tích lịch sử - văn hóa, trình độ dân trí cao, giá trị kiến trúc cổ… (1). Nhận thức của người dân về nguồn lực văn hóa như vậy là rất đúng, song, chưa đầy đủ. Họ chưa đề cập đến nguồn lực to lớn của Hà Nội, đó là văn hóa làng nghề với trên 230 làng nghề truyền thống đang hoạt động, sản xuất ra các sản phẩm độc đáo như: Bát Tràng, Chàng Sơn, Sơn Đồng, Phú Vinh, Trạch Xá… Thành phố Hà Nội đã có những dự án nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch đi đôi với phát triển làng nghề truyền thống. Chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ du lịch, tích cực khai thác và mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, xây dựng văn minh thương mại, tạo nét đẹp văn hóa riêng… Đặc biệt, việc mở rộng kinh tế làng nghề, nhân rộng làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới nhằm phát huy vai trò nguồn lực văn hóa sẵn có của Thủ đô.
Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa về vai trò của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội là biện pháp cần được chú trọng. Vấn đề đầu tiên đặt ra là nâng cao nhận thức của người dân địa phương có nghề về vai trò của nguồn lực văn hóa làng nghề. Bởi lẽ, chỉ khi có được những nhận thức đúng đắn mới có thể thúc đẩy hành động thực tiễn của chủ thể văn hóa - người sở hữu nguồn lực văn hóa làng nghề.
Xây dựng phát triển mô hình kinh tế làng nghề dựa vào cộng đồng
Về bản chất, việc xây dựng và phát triển mô hình kinh tế làng nghề dựa vào cộng đồng chính là đảm bảo quyền của cộng đồng, nhằm phát huy vai trò của cộng đồng chủ thể phát triển kinh tế địa phương.
Điều 15 của Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã nêu: “Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý” (2).
Rõ ràng, để phát huy được các nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế, nhất định phải có sự đồng thuận tham gia của cộng đồng. Đó là mô hình đưa người dân vào thực hiện việc kiểm soát, quản lý các nguồn lực văn hóa cho phát triển kinh tế: từ chủ trương, lập kế hoạch và triển khai các kế hoạch; từ việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đến trực tiếp tham gia bảo tồn và tôn tạo các nguồn lực… Mô hình này cũng bao gồm tăng cường khả năng kiểm soát và khả năng tiếp cận của cộng đồng đối với vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội. Việc tăng quyền lực cho cộng đồng dân cư bao gồm cả việc phát triển nguồn nhân lực cho cộng đồng có đủ kiều kiện và khả năng thực hiện, tiếp cận, cũng như khả năng chuyên môn trong việc giám sát các vấn đề phát triển kinh tế. Quyền lực của cộng đồng tại đây được thực hiện trên cơ sở pháp lý và sự cho phép của cộng đồng đối với mọi hoạt động kinh tế, từ việc tham gia kế hoạch phát triển đến việc tổ chức, quản lý, thực hiện và giám sát nhằm đạt được sự phát triển bền vững.
Một nguyên tắc nữa trong phát triển kinh tế, xã hội làng nghề, làng cổ, đó là phải nhằm đảm bảo tính hợp lý trong qua trình tham dự của cộng đồng. Nguyên tắc này được đề cập đến khi xem xét thực tế các điểm phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Tính hợp lý ở đây không chỉ xem xét sự phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa tại địa phương mà còn phải phù hợp với vấn đề bảo vệ, duy trì chất lượng môi trường, hệ sinh thái (cả môi trường tự nhiên và môi trường nhân văn).
Mô hình này cũng đảm bảo sự công bằng. Đó là sự công bằng về lợi ích giữa các bên tham gia, giữa lợi ích chung và lợi ích riêng của từng thành viên cộng đồng. Công bằng được xem xét từ việc tham gia các kế hoạch, quá trình tổ chức thực hiện, chỉ đạo, đóng góp nghĩa vụ và quyền lợi. Chia sẻ nguồn lợi từ phát triển các mô hình kinh tế cho cộng đồng dân cư cũng là một nguyên tắc không thể thiếu được trong quá trình xây dựng mô hình phát triển kinh tế dựa vào cộng đồng. Nguồn lợi ở đây được xác định là lợi ích kinh tế trực tiếp từ các nguồn thu dịch vụ do cộng đồng dân cư tham gia và cả lợi ích gián tiếp thu được từ việc thực hiện từng công đoạn trong chuỗi giá trị. Chia sẻ ở đây không có nghĩa là phân phát kinh tế trực tiếp cho cộng đồng mà là việc sử dụng và tái đầu tư từ nguồn quỹ thu được cho cộng đồng trên các mặt văn hóa, xã hội và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
Mục đích của phát triển bền vững là phải vì cộng đồng, trước hết là xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, mức sống và phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.
Quy hoạch không gian phát triển kinh tế gắn với di sản văn hóa làng nghề
Để phát huy được các nguồn lực văn hóa làng nghề truyền thống trong phát triển, trước hết phải quy hoạch không gian phát triển kinh tế, nhất là không gian gắn với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong đời sống làng nghề hiện nay là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Ngược lại, khi kinh tế, xã hội được phát triển sẽ tạo ra những yếu tố thuận lợi, cần thiết để bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa truyền thống. Tất nhiên, với từng đối tượng, mục đích và thực trạng khai thác mà có những cách thức chuyên biệt, phù hợp trong các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của mỗi làng.
Việc bảo tồn di sản văn hóa phải đảm bảo nguyên tắc hài hòa, giải quyết được nhu cầu về đời sống của người dân và theo kịp với thời đại mới. Trong hoạt động trùng tu, tôn tạo các di sản cần tổ chức xin ý kiến tư vấn của các nhà nghiên cứu, quản lý chuyên sâu về di sản, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, sự đồng thuận của người dân. Tuyệt đối không để người dân tự ý sửa chữa làm biến dạng di tích hoặc phá vỡ sự nguyên vẹn tổng thể của di tích.
Việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ chú ý đến những di sản đã được công nhận và xếp hạng di tích mà phải quan tâm đến cả những di sản khác đang hiện hữu trong đời sống.
Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa vật thể là việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Bảo tồn và phát huy những di sản phi vật thể là hoạt động đòi hỏi phải dày công nghiên cứu chuyên sâu, có chuyên môn cao, có sự hiểu biết thấu đáo và phải có sự đồng thuận của cộng đồng. Do đó, Nhà nước và chính quyền địa phương cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu và truyền dạy cho các thế hệ sau.
Cùng với việc bảo tồn di sản văn hóa phải tiến hành bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái, đồng thời kết hợp với việc xây dựng nông thôn mới phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và giữ gìn môi trường sinh thái của làng.
Mặt khác, việc quy hoạch không gian phát triển kinh tế của các làng phải cân nhắc những thay đổi như: tốc độ tăng dân số, tốc độ đô thị hóa… để tránh phá vỡ cấu trúc; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội của địa phương.
Đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của các di sản trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của làng thông qua việc phát triển du lịch làng nghề, làng cổ.
Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch: xây dựng điểm đến du lịch, hình ảnh biểu trưng cho du lịch làng nghề, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tổ chức giới thiệu các sản phẩm mới; xây dựng các sự kiện văn hóa - du lịch lớn tại địa phương, tạo sự liên kết các di sản văn hóa, hoạt động văn hóa, cũng là những việc làm góp phần xây dựng thương hiệu của các làng nghề. Cần phải chú ý đến mối quan hệ giữa bảo tồn và khai thác các giá trị, di sản làng nghề (làng cổ) để phát triển bền vững.
Đổi mới cơ chế, bổ sung, hoàn thiện chính sách đối với làng nghề
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều đổi mới về nhận thức đối với vấn đề vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, những quan điểm đó chưa được cụ thể hóa một cách toàn diện trong đời sống xã hội. Do đó, để nguồn lực văn hóa phát huy vai trò trong quá trình phát triển bền vững, thì cơ chế, chính sách của Nhà nước và địa phương phải có những thay đổi, điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với thực tiễn.
Nhà nước cần rà soát, đổi mới, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy được hiệu quả của các nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực văn hóa làng nghề. Chủ trương này phải được quán triệt thực hiện từ Trung ương đến địa phương và được tổ chức thực hiện đồng thời với quá trình cải cách hành chính của Nhà nước. Trước tiên, Nhà nước cần rà soát lại những chính sách đã được ban hành, tổng hợp và đánh giá chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào chưa phù hợp, phải có sự điều chỉnh hợp lý, chính sách nào thiếu phải có phương án bổ sung và lộ trình thực hiện nghiêm ngặt.
Nhà nước cần chú trọng đến các chính sách về ưu đãi vốn cho các chủ thể tham gia vào hoạt động trên các mặt: phát triển các ngành nghề truyền thống; thành lập và duy trì hoạt động các trung tâm đào tạo nghề tại địa phương; bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển du lịch sinh thái tại làng nghề… Nhà nước cần quan tâm đến chính sách tăng cường việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, quảng bá thương hiệu và kỹ năng quản lý của các chủ thể. Đối với thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành có liên quan, giúp việc cho thành phố về vấn đề này cần tham mưu cho thành phố chỉ đạo sát sao hơn nữa, để các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống Hà Nội được bảo tồn, giữ gìn, phát huy và lan tỏa sâu hơn, rộng hơn đến cộng đồng.
Giải quyết vấn đề nhân lực cho làng nghề
Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực của địa phương đạt hiệu quả cao sẽ góp phần quan trọng và quyết định đến sự phát huy các nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững.
Việc đào tạo nguồn nhân lực phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, phải được thực hiện theo các bước nhất định, theo từng nhóm đối tượng và có thể thay đổi theo thời gian và nhu cầu thực tế. Trong đào tạo cần chú ý thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành, các nghệ nhân… Quá trình đào tạo nguồn nhân lực đòi hỏi một kế hoạch bài bản, được tổ chức chuyên nghiệp, sự kiên trì và có đủ thời gian thích hợp.
Ở giai đoạn đầu, việc đào tạo nguồn nhân lực cần phải có sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức hữu quan. Ở giai đoạn sau, các tổ chức kinh tế và tư nhân tùy theo yêu cầu của đào tạo có thể tham gia vào quá trình này. Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương mà cần mở rộng đối tượng ra các vùng, miền lân cận, các khu vực có nhu cầu nhân lực qua đào tạo trong nước và nước ngoài.
Quá trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và giáo dục cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng trong việc phát huy các nguồn lực văn hóa. Đây là quá trình lâu dài, cần phải được triển khai hết sức bài bản trên nguyên tắc hỗ trợ người dân không mang tính áp đặt, giúp người dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội của chính địa phương, nơi họ là những chủ thể.
Ngoài các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn, việc tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân về vai trò, vị trí của nguồn lực văn hóa có thể được tiến hành thông qua các phương tiện truyền thông: truyền hình; truyền thanh; các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, trao đổi, thảo luận của các đơn vị, hội, đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, trường học, trung tâm nghiên cứu; nghiên cứu thực tiễn tại các địa phương ở trong và ngoài nước để học tập kinh nghiệm phát triển năng lực, trình độ, kỹ năng cho người dân làng nghề,
Tóm lại, cần phải nâng cao nhận thức của xã hội trong đó có cộng đồng dân cư làng nghề nói riêng về vai trò to lớn của văn hóa và nguồn lực văn hóa trong sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quan trọng hơn là phải tìm ra nhiều phương cách để phát huy được vai trò tác động của nguồn lực văn hóa của mỗi làng nghề phù hợp với tiềm năng văn hóa, đặc điểm kinh tế, xã hội và lợi thế của mỗi làng. Cần hết sức chú ý đến vai trò chủ thể nguồn lực văn hóa của cư dân của các làng và đặc biệt quan tâm đến lợi ích kinh tế mà nguồn lực văn hóa tạo ra hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống của người dân. Có như vậy mới thực sự biến văn hóa thành nguồn lực to lớn thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và cho chính sự phát triển văn hóa.
_______________
1. Phùng Hữu Phú, Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa phát triển bền vững ở Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, Nxb Hà Nội, 2010.
2. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, người dịch: Trần Hải Vân, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa - Thông tin; hiệu đính: Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thông tin, 2003, tr.9.
Tài liệu tham khảo
1. Ban chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và làng Bát Tràng, Kỷ yếu hội thảo Giá trị lịch sử - văn hóa của gốm Bát Tràng, bản đánh máy, lưu tại đình làng Bát Tràng, 2000.
2. Bùi Xuân Đính, Bát Tràng làng nghề, làng văn, Nxb Hà Nội, 2013.
3. Lê Quý Đức, Phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005.
4. Lê Quý Đức, Nguồn lực văn hóa và vai trò của nguồn lực văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4 (142), tr.10, 2012.
5. C.Mác, Bản thảo kinh tế - triết học 1844, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962.
6. R.Mayor, Ban đầu và cuối cùng là văn hóa, Tạp chí Người đưa tin UNESCO, (10), 1993, tr.35.
7. Nguyễn Vinh Phúc, 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2010.
8. Pierre Bourdieu, The forms of capital (Hình thức của vốn xã hội), New York, 1986.
TS ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 533, tháng 5-2023