Nâng cao văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên

Tóm tắt: Bài viết phân tích sự phát triển và tầm ảnh hưởng của văn hóa khởi nghiệp đối với sinh viên Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh tế và công nghệ hiện đại. Văn hóa khởi nghiệp ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tư duy và hành động của giới trẻ, nhờ vào sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức và các trường đại học. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển văn hóa khởi nghiệp, như tâm lý e ngại, thiếu kinh nghiệm thực tế và khó khăn về tài chính. Để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên, bài viết đề xuất các giải pháp như cải thiện môi trường học tập sáng tạo, thúc đẩy việc hiện thực hóa ý tưởng, tăng cường hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ năng khởi nghiệp thực tế. Đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, liên tục và bền vững sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển của sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp trong tương lai.

Từ khóa: văn hóa khởi nghiệp, sinh viên, hệ sinh thái khởi nghiệp.

Abstract: This article analyzes the development and impact of the startup culture on Vietnamese students, particularly in the context of the modern economic and technological environment. Startup culture is in- creasingly becoming an integral part of the mindset and actions of the youth, supported by the government, organizations, and universities. However, there are still many challenges in maintaining and developing startup culture, such as reluctance, lack of practical experience, and financial difficulties. To enhance the effectiveness and sustainable development of startup culture among students, the article suggests solutions such as improving the creative learning environment, promoting the realization of ideas, increasing financial support, and providing practical entrepreneurial training. Additionally, building a complete, continuous, and sustainable startup ecosystem will create a solid foundation for the development of students and the entrepreneurial community in the future.

Keywords: startup culture, students, entrepreneurial ecosystem.

Ảnh minh họa: Trần Huấn

Trong những năm qua, hoạt động khởi nghiệp nói chung được các cấp bộ, ban, ngành hết sức quan tâm, đặc biệt hơn cả là phong trào khởi nghiệp trong sinh viên - nguồn nhân lực, trí thức chất lượng cao của quốc gia. Tuy nhiên, làm thế nào để khởi nghiệp không chỉ là phong trào mà phải là văn hóa, là nét đặc sắc của sinh viên trong giảng đường, đó là những vấn đề được đặt ra hết sức cấp thiết và khó khăn.

1. Sự phát triển và tầm ảnh hưởng của văn hóa khởi nghiệp đối với sinh viên Việt Nam

Những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp. Các doanh nghiệp mới, các sáng kiến đổi mới sáng tạo và các mô hình kinh doanh độc đáo đã xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trong giới trẻ. Tuy nhiên, điều này không chỉ đơn thuần là một xu hướng, mà đã trở thành một phần quan trọng trong tư duy và hành động của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, môi trường học tập sáng tạo và sự hỗ trợ từ các tổ chức, văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến và dần trở thành nét văn hóa đặc biệt của sinh viên Việt Nam.

Ngày 18-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nêu: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…”. Đây là định hướng và cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên phạm vi cả nước và là định hướng quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên.

Khởi nghiệp không chỉ mang lại cơ hội phát triển bản thân mà còn giúp sinh viên khám phá và phát huy khả năng sáng tạo, lãnh đạo và giải quyết vấn đề. Việc khởi nghiệp giúp sinh viên có cái nhìn thực tế hơn về thị trường, cơ hội và thách thức trong kinh doanh, từ đó tạo ra những giá trị cho xã hội.

Ở Việt Nam, với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh tế và công nghệ, khởi nghiệp đang trở thành một trong những lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên. Khởi nghiệp giúp sinh viên không chỉ có cơ hội phát triển kinh doanh, mà còn rèn luyện kỹ năng quản lý, xây dựng thương hiệu và xây dựng mối quan hệ. Đây là những kỹ năng rất quan trọng trong công việc sau này, dù họ có tiếp tục khởi nghiệp hay không.

Khởi nghiệp tại Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong những năm qua. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trở thành những trung tâm khởi nghiệp sôi động với các công ty, tổ chức và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng phát triển. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và internet, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các dịch vụ ứng dụng di động và các nền tảng chia sẻ kinh tế đang thu hút sự quan tâm lớn từ giới trẻ và các nhà đầu tư.

Theo báo cáo từ các tổ chức nghiên cứu, Việt Nam hiện là một trong những thị trường khởi nghiệp tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á. Với dân số trẻ, sáng tạo và năng động, đất nước này có rất nhiều cơ hội để phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo. Văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam phần lớn gắn liền với sự thay đổi trong tư duy của giới trẻ. Trước đây, phần lớn người Việt Nam thường coi công việc ổn định tại các công ty lớn là con đường duy nhất để thành công. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu nhìn nhận việc khởi nghiệp như một con đường đầy tiềm năng và thử thách.

Có thể thấy, văn hóa khởi nghiệp đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong tư duy và hành động của sinh viên Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế và công nghệ hiện đại. Điều này phản ánh sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận của thế hệ trẻ về cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân. Sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức và các trường đại học đã góp phần thúc đẩy sự phát triển này, tạo ra môi trường thuận lợi cho sinh viên thử sức và theo đuổi các ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, mặc dù văn hóa khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn mà sinh viên phải đối mặt. Tâm lý e ngại, thiếu kinh nghiệm thực tế và vấn đề tài chính là những rào cản lớn. Những khó khăn này yêu cầu sự can thiệp và hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là việc tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, có thể cung cấp sự hỗ trợ về tài chính, đào tạo kỹ năng và cơ hội kết nối cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường học tập sáng tạo và thúc đẩy việc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển văn hóa khởi nghiệp bền vững. Nếu được triển khai hiệu quả, những giải pháp này sẽ không chỉ giúp sinh viên vượt qua khó khăn mà còn tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp mạnh mẽ và năng động, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam trong tương lai.

2. Thực trạng của văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên

Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên, tuy nhiên, việc hiểu, duy trì và phát triển nó cần dựa trên tính chất văn hóa và cần mang những giá trị bền vững, lâu dài. Thực trạng của hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên ở các giảng đường hiện nay có rất nhiều thuận lợi, nhưng vẫn còn nhiều nan giải và hạn chế.

Thuận lợi

Sự hỗ trợ từ các trường đại học: các trường đại học ngày càng chú trọng đến việc tạo ra môi trường khởi nghiệp cho sinh viên. Những khóa học về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, đổi mới sáng tạo đã trở thành một phần trong chương trình giảng dạy. Nhiều trường còn tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, hội thảo, buổi chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nhân thành đạt.

Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và tổ chức: các quỹ đầu tư mạo hiểm, chương trình ươm tạo doanh nghiệp và các cuộc thi khởi nghiệp đang ngày càng phổ biến. Các tổ chức quốc tế cũng đóng góp một phần lớn vào sự phát triển của khởi nghiệp sinh viên qua việc tài trợ, cung cấp kiến thức và kết nối mạng lưới đầu tư.

Cộng đồng khởi nghiệp: văn hóa cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện, hội thảo khởi nghiệp, các cuộc thi pitching giúp kết nối các nhà sáng lập với nhau, từ đó, tạo ra một mạng lưới các chuyên gia, nhà đầu tư và đối tác tiềm năng. Đây là nơi để sinh viên giao lưu, học hỏi và trao đổi ý tưởng với các nhà sáng lập, nhà đầu tư và các chuyên gia trong ngành.

Nét đặc trưng của thế hệ sinh viên mới: thế hệ sinh viên hiện nay là thế hệ có suy nghĩ cởi mở và không ngại thay đổi. Họ dám nghĩ, dám làm và chấp nhận rủi ro. Cùng với sự phát triển chung của xã hội, thế hệ sinh viên mới hiện nay có cơ hội thuận lợi để tiếp cận nhiều kiến thức đa dạng, cập nhật nhanh và đón đầu xu hướng. Bằng vốn kiến thức phong phú, sự vận dụng linh hoạt mà thế hệ mới dám thay đổi hướng đi sự nghiệp của mình. Khởi nghiệp giúp sinh viên phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề, qua đó, giúp các em trưởng thành và tự tin hơn trong sự nghiệp sau này. Tham gia vào các dự án khởi nghiệp giúp sinh viên có thể phát triển các kỹ năng cần thiết, tạo dựng mối quan hệ trong ngành và có thể tìm được cơ hội việc làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sinh viên khởi nghiệp có thể mang đến các ý tưởng mới, các sản phẩm hoặc dịch vụ sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế xã hội.

Hạn chế

Tâm lý sinh viên: ngoài những nét đặc trưng riêng, thế hệ trẻ hiện nay vẫn gặp một số yếu tố hạn chế. Vì là những người trẻ nên tâm lý chung dễ dao động, sợ thất bại, đặc biệt trong một xã hội nơi mà thành công và ổn định tài chính được đánh giá cao. Nhiều sinh viên cảm thấy áp lực khi nghĩ đến việc không thành công và điều này có thể khiến họ từ bỏ ý tưởng của mình. Ngoài ra, đối với góc độ sinh viên bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan trong cuộc sống, đa số do nếp nghĩ, cách giáo dục từ các cấp học dưới đã hình thành tư duy chỉ cần tập trung học kiến thức, chưa quan tâm đến việc chuẩn bị hành trang để lập thân, lập nghiệp sau khi tốt nghiệp để dành thời gian đúng, đủ, tương xứng cho việc tích lũy, phát triển các kỹ năng mềm. Vì thế, khi nhắc tới việc khởi nghiệp, lập nghiệp, sinh viên thường có tâm lý e ngại. Ngại vì phải thay đổi tư duy cũng như ngại do thiếu động lực và quyết tâm. Một số ít, sinh viên quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp, một số khác quan tâm nhưng còn tự ti, e dè một phần do bản thân năng lực của sinh viên chưa đáp ứng cũng như sinh viên chưa thực sự nhìn thấy sự cần thiết của việc hoàn thiện kỹ năng xã hội phục vụ việc lập thân, lập nghiệp sau này; một số khác thực sự chưa quan tâm và không muốn khởi nghiệp.

Môi trường: việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển phong trào khởi nghiệp dựa trên kiến thức chuyên môn, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ở nhà trường vẫn còn hạn chế: chưa có bộ phận chuyên trách chăm lo, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; sinh viên chưa được trang bị các kiến thức (lý thuyết lẫn thực tế) phục vụ cho việc khởi nghiệp như kinh tế, quản trị, nhân sự, tài chính, marketing...; các hoạt động nhằm phát triển tinh thần khởi nghiệp vẫn còn mang tính phong trào. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên vẫn còn thiếu rõ ràng và chưa đầy đủ, tạo ra những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp nhỏ khi sinh viên bắt đầu khởi nghiệp.

Tài chính và vốn: để phát triển một ý tưởng thành hiện thực cần một quá trình với đủ cả thời gian và tiền bạc. Một trong những rào cản lớn đối với sinh viên khởi nghiệp là thiếu tài chính. Họ khó có thể tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các ý tưởng kinh doanh, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của việc khởi nghiệp. Tài chính và vốn vẫn luôn là một trong những thách thức lớn đối với việc khởi nghiệp, lập nghiệp, đặc biệt là đối với đối tượng là sinh viên. Quỹ tài chính cho sinh viên trong các trường đại học thường ít, không thường xuyên hoặc chưa có. Sinh viên thường gặp khó khăn trong việc thuyết phục nhà đầu tư, vì thiếu mối quan hệ và kinh nghiệm thuyết trình.

Thiếu kinh nghiệm thực tế: sinh viên thường thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành doanh nghiệp và ứng phó với các tình huống khó khăn trong kinh doanh. Việc khởi nghiệp đòi hỏi những kỹ năng thực tế mà sách vở không thể cung cấp đầy đủ. Sinh viên thường thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý doanh nghiệp, tiếp thị sản phẩm, hoặc xây dựng chiến lược kinh doanh, khiến họ gặp khó khăn trong việc phát triển và duy trì doanh nghiệp. Sinh viên thường phải cân bằng giữa việc học và việc điều hành một doanh nghiệp. Áp lực này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, khiến việc khởi nghiệp trở nên khó khăn và đôi khi không duy trì được lâu dài.

Văn hóa khởi nghiệp, lập nghiệp đang dần được manh nha, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các phong trào, hoạt động được diễn ra mang tính thời vụ chưa có sự tuần hoàn, nối tiếp.

3. Giải pháp nâng cao văn hóa khởi nghiệp trong sinh viên

Hiện nay, chúng ta nói nhiều đến hệ sinh thái khởi nghiệp trong sinh viên, tuy nhiên việc hiểu, duy trì và phát triển nó cần dựa trên tính chất văn hóa và cần mang những giá trị bền vững và lâu dài. Thực trạng của hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên ở các giảng đường hiện nay vẫn còn nhiều nan giải. Bởi vậy, trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả văn hóa khởi nghiệp, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng, môi trường học tập, sáng tạo cho sinh viên

 Nhà trường phải đưa việc xây dựng, phát triển môi trường văn hóa, hệ sinh thái khởi nghiệp, lập nghiệp là mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa trong sinh viên. Nhà trường phải có ít nhất một không gian làm việc sáng tạo chung cho các câu lạc bộ khởi nghiệp để sinh viên có không gian riêng với những người cùng chí hướng. Cần có bộ phận chuyên trách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên.

Hai là, thúc đẩy việc hiện thực hóa ý tưởng, hỗ trợ tài chính và động lực khởi nghiệp, lập nghiệp cho sinh viên

Cần đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp: kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm, hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp... Huy động các nguồn lực tài chính từ nhà trường, doanh nghiệp. Phát huy vai trò, thế mạnh và ảnh hưởng của cựu sinh viên đã khởi nghiệp thành công để phát triển cộng đồng khởi nghiệp và huy động vốn. Mỗi trường cần có một quỹ riêng dành cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Các chương trình, cuộc thi về khởi nghiệp, lập nghiệp phải thực tế và có kế hoạch hỗ trợ để hiện thực hóa và đưa những ý tưởng, những sản phẩm trở thành những công cụ để lập nghiệp và khởi nghiệp thực sự.

Ba là, nâng cao kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp, đào tạo thực tế cho sinh viên

Tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp như: quản lý tài chính, quản lý thời gian, quản lý nhân sự, lộ trình phát triển ý tưởng… hay nâng cao kỹ năng cho sinh viên qua những buổi đào tạo về kỹ năng ứng xử, giao tiếp trong doanh nghiệp, đối tác hay kỹ năng báo cáo, thuyết phục… Tăng cường các buổi thực tập doanh nghiệp cũng như tham quan các vườn ươm ý tưởng. Tạo điều kiện cho sinh viên áp dụng thực tế nếu ý tưởng khả thi và đáp ứng đủ yêu cầu khởi nghiệp.

Bốn là, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên

Gia tăng các hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp: giao lưu với các cựu sinh viên thành đạt về khởi nghiệp, doanh nhân, seminar (thảo luận) về khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi, các giải thưởng về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp có phương pháp, lộ trình, là vòng tuần hoàn nối tiếp, không đứt đoạn, không mang tính chất màu sắc. Từ những giải pháp trên, tác giả đã đưa ra 1 vòng tuần hoàn của hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính chất tham khảo:

Vòng tuần hoàn hệ sinh thái khởi nghiệp

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp cho sinh viên phải mang các giá trị bền vững có vai trò nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho sinh viên. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp phong phú, đa dạng, phù hợp sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho sinh viên. Thúc đẩy hứng thú nghiên cứu, tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp cho sinh viên giúp sinh viên an tâm khi học tập, rèn luyện; là nền tảng tinh thần cho sự sáng tạo, đổi mới của sinh viên.

Ngoài ra, xây dựng văn hóa khởi nghiệp còn góp phần bồi dưỡng niềm tự hào của sinh viên về nhà trường. Làm tốt công tác xây dựng văn hóa khởi nghiệp sẽ tạo ra sự khác biệt, làm nên thương hiệu của nhà trường, tạo uy tín, niềm tin và hiệu ứng lan tỏa rộng rãi của nhà trường với xã hội.

4. Kết luận

Văn hóa khởi nghiệp đang ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong phát triển tư duy và hành động của sinh viên Việt Nam, đặc biệt, trong bối cảnh môi trường kinh tế và công nghệ thay đổi nhanh chóng. Mặc dù có những hỗ trợ đáng kể từ các cơ quan, tổ chức và trường học, việc duy trì và phát triển văn hóa khởi nghiệp vẫn gặp phải nhiều thách thức, bao gồm tâm lý e ngại, thiếu kinh nghiệm thực tế và khó khăn về tài chính. Để khắc phục những vấn đề này, cần phải cải thiện môi trường học tập sáng tạo, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo kỹ năng thực tế cho sinh viên. Bằng cách xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và hoàn chỉnh, chúng ta không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng khởi nghiệp mà còn tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài, góp phần thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo của quốc gia trong tương lai.

________________________

Tài liệu tham khảo

1. Lý Thị Ngọc Minh, Xây dựng đời sống văn hóa của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội, 2020.

2. Báo cáo về hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, 2018.

3. Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Định hướng giá trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007.

4. Dương Thị Liễu, Giáo trình văn hóa kinh doanh, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, 2022.

5. Thu Cúc, Tạo giá trị cốt lõi từ văn hóa khởi nghiệp, baochinhphu.vn, 15-11-2018.

6. Tạ Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quốc Anh, Thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa, huc.edu.vn, 11-5-2022.

Ngày Tòa soạn nhận bài: 19-3-2025; Ngày phản biện, đánh giá, sửa chữa: 10-4-2025; Ngày duyệt đăng: 30-4-2025.

LÝ THỊ NGỌC MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 605, tháng 5-2025

;