Vũ Duy Nghĩa: Người khắc chân trời mới

Triển lãm “Khắc chân trời” được tổ chức từ ngày 9/3 đến ngày 16/3 tại Bảo tàng mỹ thuật Việt nam, giới thiệu tới khán giả thủ đô hơn 60 tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác mỹ thuật của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa.

Ngày 9/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm “Khắc chân trời” của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa (1935 - 2022). Hơn 65 tác phẩm được thể hiện nhiều chất liệu khác nhau như đồ họa, sơn mài, trổ giấy… của ông được gia đình chọn lựa tham gia trưng bày trong triển lãm lần này. Đến dự lễ khai mạc có đại diện Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam cùng người thân, bạn bè, đồng nghiệp và học trò của cố họa sĩ.

Một con người lặng thầm

Sau khi tham quan triển lãm, họa sĩ Lê Huy Tiếp bồi hồi nhớ lại, hai ông đã có cơ duyên đồng hành cùng nhau trong chuyến quay trở lại Liên Xô lần thứ hai thực tập vào năm 1985 của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa. Khi ấy, cả hai cùng sống trong một phòng, lại cùng dự những trại sáng tác ở đây, nên có rất nhiều kỉ niệm. Và cũng chính ông Tiếp là người đã hỗ trợ cố họa sĩ in tác phẩm Thuyền về bến hiện đang được trưng bày trong bảo tàng.

Ông Tiếp cũng kể lại những câu chuyện về cố họa sĩ mà trước đây khán giả chưa có dịp được biết: “Trong lúc đang cùng một nhóm họa sĩ khác làm công nhân hầm lò than ở Quảng Ninh, ông nhận được thông báo cử sang Liên Xô (trước đây) học tập tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Moskva. Chàng trai trẻ Vũ Duy Nghĩa trở thành thế hệ người Việt đầu tiên được học về nghệ thuật tranh hoành tráng ở nước ngoài. Sau 5 năm học tập tại xứ người (1960-1965), ông trở về Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội giảng dạy. Lúc bấy giờ, vào khoảng những năm 1965, ngành ông theo học gần như chưa có “đất dụng võ” ở Việt Nam, nên ngoài việc dạy học, ông kiếm thêm thu nhập bằng việc vẽ minh họa bằng bút sắt, bút mực, bút chì. 

Vũ Duy Nghĩa, Mẹ du kích, sơn mài

Trong sự nghiệp của mình, ông đã vẽ minh họa cho rất nhiều bìa sách, báo như sách Ông Cản Ngũ (Kim Lân), San hô đỏ (Nguyễn Thị Cầm Thạnh), các báo: Văn nghệ, Tiền phong, Người Hà Nội... Và ông còn là người sáng tác ra bức tranh phông sân khấu ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Mãi đến những năm 1970, ông mới bắt đầu dạy ngành hội họa hoành tráng. Ngoài ra ông làm thêm những tranh khắc gỗ. Dẫu trải qua giai đoạn những năm 1970-1980 với hoàn cảnh sống khó khăn, vất vả, ông vẫn một lòng miệt may, say sưa với nghệ thuật. Mãi đến những năm 90 của thế kỷ trước, ông mới bán được tranh. Sau khi về hưu, ông sáng tác nhiều tranh sơn mài hơn.”

Trong thời gian theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, dù chỉ được dự vài tiết thỉnh giảng của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, song, nhà báo Lê Quang Vinh cũng đã có những ấn tượng sâu sắc về cố họa sĩ và phong cách nghệ thuật của ông. Trong mắt chàng sinh viên năm nào, người thầy Vũ Duy Nghĩa là một họa sĩ đa tài, mà trong suốt cuộc đời, ông đã sáng tác được nhiều tác phẩm đặc sắc, đáng phải kể đến là nghệ thuật đồ họa. Ông Vinh chia sẻ: “Thời điểm Việt Nam mới manh nha loại hình này, ông đã là một trong những người tiên phong bắc cây cầu nối giữa đồ họa truyền thống và hội họa hiện đại. 

Khi ông là giảng viên, nghệ thuật đồ họa mới chưa được nhiều họa sĩ chưa biết đến thì ông đã sáng tạo nên những tác phẩm rất hiện đại. Qua đó, người ta vẫn thấy dấu ấn của đồ họa truyền thống, đặc biệt là tranh dân gian Việt Nam. Các tác phẩm rất thuyết phục giới chuyên môn, những người làm công tác mỹ thuật và các lớp sinh viên như chúng tôi.”

Vũ Duy Nghĩa, Tổ ba người, sơn mài, 2001

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Trong thời điểm công chúng chưa để ý nhiều đến cái tên Vũ Duy Nghĩa, ông không lựa chọn lối sống khoa trương, khoe khoang để được biến đến nhiều hơn, mà cứ lặng lẽ sống hết mình với nghề, lặng lẽ sáng tác những tác phẩm theo quan niệm của riêng ông. Sự thầm lặng ấy đôi khi lại đem đến cái tủi cho nghiệp vận của ông. Dẫu trải nhiều gian nan, thách thức của một thời kì bao cấp làm cho nghệ sĩ mệt mỏi, tủi phận, họa sĩ Vũ Duy Nghĩa vẫn can đảm đến cùng với nghiệp sáng tạo nghệ thuật.”

“Song, điều may mắn trong sự nghiệp của họa sĩ Vũ Duy Nghĩa là có thời gian được đào tạo bài bản và tu nghiệp ở Liên Xô. Chính từ quá trình học tập, rèn luyên ấy đã vạch ra cho người họa sĩ tài hoa này một con đường nghề nghiệp không lẫn với bất kì ai. Con đường ấy vừa hàn lâm, cổ điển, vừa phá cách. Mà nét phá cách được thể hiện ngay từ những bức tranh sơn mài, tranh khắc gỗ, tranh khắc kẽm và đặc sắc nhất là tranh trổ giấy. Có thể nhận xét, ông là người tiên phong, là bậc thầy trong nghệ thuật này. Từng đường dao uốn lượn đẹp như múa kiếm vậy. Nói vậy là bởi ông cầm con dao trổ một cách ngẫu hứng trên mặt giấy đen, mà trước đó chưa có bất kì đường nét phác họa nào. Hình vẽ không phải được tạo nên từ sự ngẫu hứng nhất thời, mà được tạo nên từ sự nhập tập, quyết đoán về hình hài, bố cục.” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn bày tỏ niềm thán phục. 

Một nghệ sĩ tài hoa

Chính vì lẽ đó, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, với những cống hiến thầm lặng của cố họa sĩ, trước đây có người biết, có người không, nhưng đến hôm nay ta có thể được biết nhiều hơn, đã đóng góp cho sự vận động theo hướng đa dạng hơn với tốc độ nhanh hơn của dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam. 

Một số tác phẩm tranh trổ giấy trưng bày trong triển lãm

Đồng tình với quan điểm của giới chuyên môn, ông Lê Quang Vinh cũng nhận xét, bố cục và tạo hình trong tranh của Vũ Duy Nghĩa rất khỏe khoắn, hiện đại. Sắc màu trong tranh, đặc biệt là với dòng tranh sơn mài đem đến cho người xem cảm giác ấm áp, đằm thắm, mà không quá rực rỡ, chói chang, không quá màu mè, diêm dúa như một số tác phẩm thời nay. 

Điểm đặc sắc phải kể đến trong các tác phẩm của họa sĩ còn nằm ở nội dung tác giả muốn truyền tải. Chẳng phải những khung cảnh xa hoa, hoành tráng, tranh ông đã lưu giữ và tái hiện được những hình ảnh chân chất, mộc mạc về cuộc sống một thời của người Việt Nam qua nhiều đề tài dân dã như bà cụ, gia cầm gắn liền với thôn quê hay các nghề nghiệp công, nông, binh… Nhờ vậy mà công chúng hôm nay, đặc biệt là giới trẻ biết được ở Việt Nam chúng ta đã trải qua một thời như thế, đã có những khung cảnh ấm áp như thế, đã có những con người thân thiện như thế và họ đã làm những công việc bình dị như thế.

Vũ Duy Nghĩa, Thuyền về bến, sơn mài, 2012

Ấn tượng mạnh mẽ với các tác phẩm đồ họa của cố họa sĩ Vũ Duy Nghĩa, họa sĩ Nguyễn Văn Nghị đánh giá, chất đồ họa được thể hiện rất rõ nét, bố cục được tạo dựng rất chắc chắn. Và khi nói đến Vũ Duy Nghĩa, đừng chỉ nhìn vào những đường nét, màu sắc trong tranh, mà hãy để ý đến cả những khoảng trống. Đôi lúc, khoảng trống trong tranh bị xem như phần thừa, rồi các họa sĩ phải tìm cách làm sao để lấp kín những phần thừa thãi ấy. Thế nhưng, khoảng không trong tranh của ông như cũng có tiếng nói, cũng biết nói lên cái đẹp rất riêng biệt, chứ không chỉ mỗi nét vẽ hay màu vẽ. 

Với những cống hiến ấy, ông Lương Xuân Đoàn tái khẳng định: “ 65 tác phẩm được gia đình ưu tiên lựa chọn tham gia triển lãm với sự đa dạng về ngôn ngữ mỹ thuật được thể hiện bằng nhiều chất liệu, đã khẳng định được một tài năng khó có ai vượt qua được Vũ Duy Nghĩa.”

Vũ Duy Nghĩa, Nhà lá dưới chân núi, khắc gỗ, 1998

Cũng cần nói thêm, chúng ta đến đây tham dự triển lãm chỉ chứng kiến tài năng của ông thôi là chưa đủ, mà còn được nhìn thấy một phẩm cách cao đẹp, bởi phẩm cách còn thì tài năng còn. “Chính cái tên “Khắc chân trời” của triển lãm đã cho công chúng thấy được nét vẽ ông thầm lặng theo đuổi đã chạm vào được chân trời mà chính ông ao ước.”, theo cách lí giải của ông Lương Xuân Đoàn.

Vũ Duy Nghĩa, Gánh lúa, sơn mài, 1993

NGUYỄN PHÚC NAM DƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 532, tháng 4-2023

;