Hà Lệ Diễm: "Những đứa trẻ trong sương" là một hành trình giống như cổ tích

 

Hà Lệ Diễm là gương mặt đạo diễn trẻ đang được chú ý của dòng phim tài liệu độc lập. Bộ phim tốt nghiệp Con đi trường học của cô đã đoạt giải Cánh diều Bạc 2013 thể loại phim ngắn. Gần đây, Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) - phim tài liệu độc lập dài đầu tay của Hà Lệ Diễm đã đoạt được thành công lớn khi liên tiếp có mặt tại hơn 100 Liên hoan phim tài liệu lớn nhỏ trên thế giới, giành nhiều giải thưởng uy tín, trong đó nổi bật là giải Đạo diễn xuất sắc và giải đặc biệt của Ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay tại LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam 2021 (IDFA.) Phim lọt vào danh sách đề cử rút gọn hạng mục Phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023 - một thành tích chưa từng có với điện ảnh Việt. Hà Lệ Diễm cũng có mặt trong danh sách bình chọn 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022 do Trung ương Đoàn TNCS Việt Nam tổ chức.

Hà Lệ Diễm tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam 2021

 

• Hẳn Diễm vẫn còn nhớ ngày đầu làm quen với gia đình Di - nhân vật chính trong bộ phim tài liệu độc lập Những đứa trẻ trong sương?

Trước khi đến nhà Di, tôi có tham gia chương trình của một tổ chức phi chính phủ. Họ tạo điều kiện để các nghệ sĩ trẻ tiếp xúc với người dân tộc thiểu số ở các vùng khác nhau, cùng làm nên những sản phẩm nghệ thuật, có thể là tranh vẽ, con rối, hoặc ảnh chụp, hoặc làm phim. Tôi vẫn nhớ, hôm đó, đón tôi ở bến xe Sa Pa, bố Di chở thẳng tôi ra ruộng, vì đang mùa cấy nên không có ai ở nhà. Đến nơi, chào hỏi xong tôi cũng xuống ruộng cấy lúa như mọi người. Lúc mọi người về nhà ăn cơm thì tôi cũng theo về. Bố Di nói với tôi rằng bố thấy con bé này cũng có thể “sống sót” như một người Mông. Đến ngày thứ ba thì Di tới làm quen. Di là đứa trẻ đầu tiên bắt chuyện với tôi. Thời điểm đó là mùa hè năm 2017, Di mười hai tuổi, tính tuổi lịch âm thì Di ở tuổi mười ba.

• Ý tưởng làm phim về Di đã đến với Hà Lệ Diễm như thế nào?

Khi tôi quay Di và các bạn nhỏ chơi cùng nhau, tôi nhớ lại hình ảnh của mình và bạn bè nhiều năm về trước trong thế giới tuổi thơ - một thế giới đầy mơ mộng, ở đó những đứa trẻ được sống thật tự do hạnh phúc, không phải suy nghĩ gì, không phải đối mặt với những rắc rối hoặc những vấn đề của người lớn. Thế giới ấy sẽ tan biến khi ta lớn lên. Tại sao mình không làm một bộ phim về tuổi thơ và những gì đẹp nhất mà tuổi thơ giữ lại được. Tôi quyết định quay Di cùng một bạn nữa, nhưng sau đấy nhận ra quay hai bạn cùng một lúc như vậy thì quá sức mình. Khi lên Sa Pa tôi ở nhà Di. Nếu đi quay bạn kia, tôi sẽ đến nhà em ấy ở mấy ngày rồi lại quay về nhà Di. Hôm đó khi tôi chuẩn bị sang nhà bạn nhỏ kia, mẹ Di dặn: “Em cứ đi quay đi, khi nào quay xong thì về nhà mình nhé”. Tự dưng tôi thấy cảm động. Thường chỉ có người thân mới dặn nhau, nhắc nhau là “về nhà mình” thôi. Mọi người trong gia đình Di luôn thoải mái và thân thiết. Tôi và Di chơi cùng nhau, trò chuyện với nhau như bạn bè, dù tôi hơn Di nhiều tuổi. Bố mẹ Di cũng tầm tuổi như anh chị tôi ở quê. Họ thường trò chuyện với tôi về đủ mọi thứ, chuyện làng xóm, chuyện gia đình, có khi người này lại phàn nàn về người kia. Họ đã thực sự coi tôi như người trong gia đình.

• Quá trình quay phim qua nhiều thời điểm khác nhau. Ðến khi nào thì Hà Lệ Diễm biết được ý tưởng của mình đã thành hiện thực?

Khi mới bắt đầu quay tôi khá hoang mang, mơ hồ. Làm sao thể hiện được quá trình lớn lên của Di, thế giới tuổi thơ của Di cùng bè bạn, những khó khăn mà Di và các bạn đang phải đối diện, nơi vùng đất sát biên giới này. Ý tưởng là vậy nhưng phải thể hiện được bằng hình ảnh và âm thanh cụ thể. Liệu tôi có làm được không, có kể được một câu chuyện hay không? Đến cuối 2019, chúng tôi cần phải làm một đoạn phim ngắn khoảng 20 phút, mục đích giới thiệu dự án để xin kinh phí quay tiếp và làm hậu kỳ phim. Xem bản 20 phút này thì nhìn thấy Di lớn dần lên, thay đổi rõ ràng, cả về ngoại hình và tính cách. Lúc đó tôi mới tin là mình có thể thực hiện được, và cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

• Ðã có rất nhiều người dõi theo hành trình làm phim của Hà Lệ Diễm và Những đứa trẻ trong sương?

Có rất nhiều người hỗ trợ tôi từ thời điểm mới bắt đầu, như đạo diễn Trần Phương Thảo bên Công ty Varan - nhà sản xuất của bộ phim, các anh chị ở trung tâm TPD cùng những người bạn của tôi. Có những bạn dù không làm phim, cũng không hiểu tôi đang làm gì nhưng bạn nói khi nào khó khăn cần hỗ trợ gì cứ gọi cho bạn, bạn sẵn sàng nuôi ăn ở. Năm 2018, khi xem bản nháp phim, thầy tôi có nói rằng: Nếu em cố gắng, em sẽ có một bộ phim “Beautiful and Sensitive” - một bộ phim đẹp và tinh tế. Nhiều lúc tôi thấy mệt và có chút nản lòng, nhưng nhớ lời thầy, tôi lại cố gắng. Có thể nói đối với tôi, Những đứa trẻ trong sương là một hành trình giống như cổ tích, được tạo dựng bởi rất nhiều trái tim có sự thấu hiểu, có tấm lòng rộng mở, sự tử tế bao dung dành cho cá nhân tôi và cho bộ phim.

• Một mình với máy quay đi mượn, vừa phải thu hình vừa phải thu tiếng trong điều kiện thời tiết lạnh giá, nhiều khi mưa, rồi sương muối, hẳn đó cũng là một thử thách không nhỏ?

Vâng, vất vả nhất là những dịp Tết mà Di và các bạn đi chơi. Các bé đi bộ rất nhanh và rất khỏe, có lần cả đi cả về trong ngày hơn bốn mươi cây số. Tôi đi như thế theo Di và các bạn được ba ngày. Ngày thứ tư thì tôi mệt quá, ngủ hết cả ngày hôm đó, hôm sau lại đi tiếp cùng Di. Đồ đạc thì phải tối giản gọn nhẹ. Có những hôm trời mưa nhỏ, tôi mang theo một cái ô, một tay cầm ô một tay cầm máy quay. Những buổi đi về sương rơi ướt sũng cả lông chắn gió của micro, tôi phải lôi máy sấy tóc ra sấy. Tôi mua một cái tủ hút ẩm 20 lít, xin phép bố mẹ Di lắp thêm ba bóng đèn rất sáng ở nhà ngoài, ở bếp và phòng của Di. Hai mẹ con Di rất thích vì có thể ngồi thêu thoải mái. Trong làng không ai khóa cửa, bất cứ ai muốn vào nhà cũng được, không bao giờ mất mát gì, người lớn và trẻ con rất lịch sự lễ phép. Đây là vùng đất duy nhất mà mỗi lần lưu lại tôi có những giấc ngủ thật ngon. Trong nhịp sống yên bình chậm rãi, tôi có thời gian để suy nghĩ được nhiều thứ, học hỏi được nhiều thứ từ văn hóa của người Mông. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Poster phim Những đứa trẻ trong sương

 

• Trước khi mà thực hiện Những đứa trẻ trong sương - phim tài liệu độc lập dài đầu tiên, Hà Lệ Diễm đã có những phim ngắn nào?

Tôi đã thực hiện hai phim tài liệu ngắn là Con đi trường học (2013) và Giường xinh (2016). Giường xinh kể về hai thanh niên còn rất trẻ di cư từ một làng ở Vĩnh Phúc vào Sài Gòn bán đồ nội thất giường tủ và ước mơ của hai bạn ấy là bán được càng nhiều giường càng tốt để về quê lấy vợ. Với Con đi trường học, nhân vật chính là chị Ngoan - người phụ nữ dân tộc Dao bị nhiễm HIV từ người chồng nghiện hút. Hai mẹ con chị sống trong ngôi nhà nhỏ cách làng tôi khoảng hơn một cây số. Những lúc tôi đến chơi, chị rất vui, tâm sự rất nhiều, cảm giác như được xả ra tất cả. Cũng giống như Di, có những đợt Di nói chuyện với tôi suốt ba ngày liên tục, con bé có nhu cầu nói ra tất cả những suy nghĩ của mình. Chị Ngoan rất ý thức về căn bệnh, tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Con chị không bị nhiễm HIV. Có những lần ở lại ăn cơm, hai cô cháu tôi ăn riêng một mâm, chị ăn riêng một mâm. Chị luôn mong muốn con được đến trường, được học hành đầy đủ. Chứng kiến cuộc sống của chị, nhìn thấy những lần chị cõng con qua suối đến trường, tôi nảy ra ý định làm phim về chị.

• Cuộc sống của Di - nhân vật chính Những đứa trẻ trong sương hiện nay ra sao?

Hiện Di đang có cuộc sống mà theo tôi quan sát thì đang vui và hạnh phúc. Di được lấy người mình yêu, sinh được một bé trai xinh xắn. Đến một ngày gần đây, hai chị em cùng chung ý tưởng là Di sẽ mở một cửa hàng nhỏ, bán quần áo và những đồ dệt đồ thêu do hai mẹ con Di tự làm. Mẹ Di vốn rất khéo tay, đam mê may vá, sức khỏe lại hơi yếu nên việc đồng áng bây giờ hơi quá sức. Di được về nhà bố mẹ nhiều hơn, kết nối với mẹ, có thời gian chăm sóc con nhỏ. Di sẽ quay lại trường vào năm sau để hoàn thành nốt chương trình phổ thông.

• Cảm ơn Hà Lệ Diễm về cuộc trò chuyện này!

Hà Lệ Diễm và nhân vật Di trong phim Những Đứa trẻ trong sương

 

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023

;