Kazuo Ishiguro - Người kết nối ký ức

Kazuo Ishiguro là một trong những nhà văn hiếm hoi cùng lúc sở hữu hai giải thưởng văn chương danh giá: giải Man Booker (1989) và giải Nobel Văn chương (2017). Cho đến nay, ông từng xuất bản 8 tác phẩm và hiện tại đã có 6 tác phẩm từng ra mắt độc giả Việt Nam gồm có: Mãi đừng xa tôi, Dạ khúc, Người khổng lồ ngủ quên, Cảnh đồi mờ xám, Tàn ngày để lại và mới đây là Một họa sĩ phù thế. Tác phẩm của ông nổi bật bởi khai thác mối tương quan đầy xúc cảm giữa ký ức và sự quên lãng, giữa lịch sử và hiện tại, giữa ảo tưởng và thực tế.

Kazuo Ishiguro từng nhận được nhiều giải thưởng văn chương danh giá

 

Thấu hiểu quá khứ, kết nối tương lai

Kazuo Ishiguro sinh ngày 8-11-1954 tại Nagasaki, Nhật Bản, sau đó cùng gia đình chuyển sang Anh khi ông được 5 tuổi. Ông tốt nghiệp ngành Tiếng Anh và Triết học ở trường Đại học Kent năm 1978, sau đó tiếp tục theo học ngành Sáng tác tại Trường Đại học East Anglia, nhận bằng Thạc sĩ khóa sáng tác văn chương năm 1980. Sự nghiệp sáng tác của ông khởi đầu từ năm 1982, với tác phẩm đầu tay Cảnh đồi mờ xám, đoạt giải thưởng Winifred Holtby của Viện Văn học Hoàng gia Anh. Từ đó đến nay ông viết thêm nhiều cuốn tiểu thuyết khác, với chất lượng khá ổn định. Ông giành nhiều giải thưởng lớn về văn chương như giải Whitbread Prize cho tác phẩm Một họa sĩ phù thế. Cuốn tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi ra đời năm 2005 được Time Magazine xếp vào danh sách 100 cuốn sách tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005. Hiện, ông sinh sống và làm việc tại Luân Đôn cùng vợ và con gái.

Được xem là một trong những nhà văn Anh ngữ nổi bật nhất hiện nay, thông tin trong phần tiểu sử trên trang web của Giải Nobel viết về Kazuo Ishiguro: “Những chủ đề dễ thấy nhất trong văn chương của Kazuo Ishiguro là “ký ức, thời gian và sự tự huyễn hoặc”, được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm nổi tiếng The remains of the day (Tàn ngày để lại)”. Trong bài phỏng vấn sau lễ công bố giải Nobel Văn học 2017, bà Sara Danius - thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy Điển đã miêu tả văn chương của Kazuo Ishiguro tựa như sự kết hợp giữa hai tác gia Jane Austen và Franz Kafka, cộng thêm một chút “hương vị” của Marcel Proust. Được gọi là “nhà văn của quá khứ”, đây cũng chính là một trong những chủ đề yêu thích từng góp phần làm nên tên tuổi của Kazuo Ishiguro, “ông ấy là người rất có hứng thú trong việc thấu hiểu quá khứ, nhưng ông ấy không bù đắp quá khứ, mà khai thác những gì chúng ta đã phải quên đi để tồn tại...” - Bà Sara Danius nhận xét.

Sự nghiệp viết lách “toàn thời gian” của Kazuo Ishiguro bắt đầu từ năm 1982, khi ông ra cuốn sách đầu tiên có tên A pale view of hills (Cảnh đồi mờ xám).  Tác phẩm đầu tay này đã mang về cho ông giải thưởng Winifred Holtby của Hiệp hội Văn học Hoàng gia Anh.

Các tác phẩm khác của ông còn có Never let me go (Mãi đừng xa tôi- 2005), Nocturnes: five stories of music and nightfall (Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông - 2009), The buried giant (Người khổng lồ ngủ quên - 2015).

Trong đó The remains of the day (Tàn ngày để lại - 1989) được coi là một “kiệt tác thực thụ”. Không chỉ mang về cho tác giả một giải thưởng văn học danh giá Man Booker vào năm đó, tác phẩm này còn có mặt trong danh sách “100 quyển sách mà người ta không thể sống nếu thiếu” vào năm 2007, cũng như danh sách “1000 quyển tiểu thuyết mà ai cũng phải đọc” năm 2009. Cả hai danh sách đều do báo The The Guardian bầu chọn.

The remains of the day (Tàn ngày để lại) được chuyển thể thành phim vào năm 1993, với ê kíp gồm đạo diễn James Ivory và các ngôi sao kỳ cựu Anthony Hopkins trong vai Stevens và Emma Thompson vai Miss Kenton. Bộ phim được sản xuất với kinh phí 15 triệu USD, thu về 63,9 triệu USD và được đề cử đến 8 giải Oscar, bao gồm kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn viên chính xuất sắc nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, nhạc phim hay nhất, thiết kế hiện trường xuất sắc nhất, và thiết kế phục trang đẹp nhất. Mối duyên với điện ảnh của Kazuo Ishiguro còn thể hiện qua các kịch bản phim điện ảnh và truyền hình khác như A profile of arthur J. Mason, The gourmet, The saddest music in the world, The white countess

 

“Hãy rộng lượng với bản thân!”

Sau Tàn ngày để lại phát hành năm 2021, năm 2023 Nxb Văn học và Nhã Nam tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam tác phẩm tiếp theo của Kazuo Ishiguro: Một họa sĩ phù thế. Được sáng tác năm 1986 và là một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất của nhà văn Anh gốc Nhật này, tác phẩm đưa độc giả dõi theo những bộc bạch của một họa sĩ Nhật Bản đã về hưu, trong một nước Nhật thời hậu chiến.

Câu chuyện của Một họa sĩ phù thế được tái hiện qua lời tự thuật của nhân vật chính Ono, một họa sĩ đã già, trong những năm nước Nhật đang tái thiết với tư cách nước chiến bại trong đại chiến thế giới thứ hai. Tuy vậy, những ký ức của Ono lại đưa người đọc về với tuổi trẻ của ông, vào giai đoạn ông thấy hình như lý tưởng của đời mình đã hiện lên trước mắt: phải đem nghệ thuật phụng sự cho đế quốc Nhật lúc bấy giờ đang phát xít hóa.

Hiển nhiên, lựa chọn của Ono lúc ấy là sai lầm. Tuy vậy, ta không nên đi đến chỗ phán xét hành động của Ono thời trẻ. Văn chương ít khi nào nhắm đến một sự phán xét rạch ròi về đạo đức, và cuốn sách của Kazuo Ishiguro cũng không phải ngoại lệ. Nó không hướng đến việc chỉ trích sự ngây thơ của Ono. Thay vì phán xét, văn chương ghi nhận sự yếu đuối của con người và an ủi họ.

Kazuo Ishiguro đã pha thêm một chút lắt léo thực bẽ bàng vào bên dưới giọng văn bình thản của cuốn sách này, đủ khiến người đọc phải bật cười và thương cảm cho ông già Ono.

Một tuyến quan trọng trong tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro, đấy là quan hệ thầy trò. Tác giả xoáy sâu vào một khía cạnh rất ít khi được nhắc đến ở những ông thầy lớn: càng vĩ đại thì họ lại càng khó chấp nhận sự trưởng thành của học trò mình. Sự rộng lượng và hẹp hòi, cao quý và đê tiện ở họ dường như là hai mặt của một tờ giấy, chẳng thể tách rời.

Có một từ then chốt được Kazuo Ishiguro nhấn mạnh trong tác phẩm của mình, đó là “kẻ phản bội”. Ono từng là người học trò cưng, được người thầy tin cậy gửi gắm những tâm sự kín đáo nhất của mình. Thế rồi, khi Ono cảm thấy nghệ thuật của mình phải đi theo một con đường mới, thầy ông đã chiếm đoạt và tiêu hủy tranh của học trò. Trong mắt thầy, Ono là kẻ phản bội.

Nhưng văn chương tránh phán xét, nó tìm cách hiểu. Kazuo Ishiguro đã nhìn thấy điều gì ở những ông thầy lớn? Đó chính là việc họ có một tình yêu lớn đối với học trò. Đó là một tình yêu đích thực, tức là một tình yêu đòi sự chiếm hữu và rất ít vị tha. Người thầy rộng lượng vô hạn khi học trò đi theo con đường mình chỉ, và đê mạt cùng cực khi học trò trưởng thành, coi sự độc lập của trò là hành vi phản bội, sự mâu thuẫn đó chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu. Học trò giống như một sự nối dài bản ngã của người thầy, một sự khẳng định tính đúng trong lựa chọn của anh ta, và bởi vậy việc học trò trưởng thành lại chính là một cú đánh đau đớn vào sĩ diện của ông thầy: học trò từ chối nghe anh, ném trả lại tình yêu của anh, vạch ra những thiếu sót của anh, và dứt khoát đi theo con đường mà anh không ưa. Tình yêu không được đáp lại, tất yếu chuyển hóa thành thù hằn, theo những cách thức khó mà tầm thường hơn được.

Tựu trung, cuốn sách vẫn rất dịu dàng trong cách nó nhìn nhận con người: chúng ta là những con người yếu đuối và hạn hẹp, mà tuổi già cùng kinh nghiệm thực tế cũng chẳng làm ta khôn ngoan hơn. Thế giới thì mênh mông, khiến người ta luôn chậm trễ trong việc bắt kịp nó. Thậm chí đến cả tình yêu cũng có cái giá thật tàn nhẫn.

Con người biết phải làm sao trong một thế giới như thế? Có lẽ chỉ có một cách: hãy rộng lượng với bản thân, như ông già Matsuda đã nói. “Ít nhất chúng ta đã hành động theo đức tin của mình và đã cố gắng hết sức.” 

Ngôi sao kỳ cựu Anthony Hopkins trong vai Stevens và Emma Thompson vai Miss Kenton trong phim The remains of the day

 

ANH NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023

;