Khu vườn hội họa của Nhã Tĩnh

 “Nhã Tĩnh” - từ cái tên thôi là đã nghiệm rõ hai thuộc tính, hai khía cạnh của nữ họa sĩ. Vừa nhã lại vừa tĩnh. Tuy nhiên, nhã mà không bình đạm, tĩnh nhưng không u mịch. Trong thế giới sắc màu những tưởng câm lặng vô thanh, lại chứa đầy thanh âm (rung) động của tâm cảm. Tagore từng gieo thi mầm: “Cuộc sống đòi hỏi sự giàu có của mình bằng sự khẳng định của thế giới, và tìm thấy giá trị của mình bằng sự khẳng định của tình yêu” (Bầy chim lạc/Stray Birds, 1916) và Nhã Tĩnh khẳng định sự khẳng định này. Trong tranh của chị, kẻ cô đơn luôn phát hiện có sự hiện diện của hai nửa tìm thấy nhau, người mệt mỏi nhận một tấm vé du lịch để thung dung tìm lại yêu sống, còn ai vụng dại chỉ đơn giản là nghe được một tiếng nói hồn nhiên đồng cảm. Hội họa, đối với Nhã Tĩnh, có lẽ là khu vườn tĩnh mặc nơi chị gieo những hạt mầm, mầm mơ, mầm yêu và mầm sống, để rồi mời gọi chúng ta bước vào.

N1, N2, N3 - 21.9.2022, Acrylic và giấy dán trên giấy Dó bồi trên toan, 2022

 

Nghệ thuật đã vượt qua cả bờ biên của thẩm mỹ thuần túy. Đối với Immanuel Kant (Phê phán năng lực phán đoán/ Kritik der Urteilskraft, 1790), “sự hài lòng”(wohlgefallen) là kết quả khi niềm vui nảy sinh từ cảm giác, nhưng việc đánh giá một thứ gì đó là “đẹp” có yêu cầu thứ ba: cảm giác phải làm nảy sinh niềm vui bằng cách tham gia vào sự suy ngẫm phản ánh. Sức mạnh chữa lành của trải nghiệm thẩm mỹ nằm ở chỗ khi trí tưởng tượng và hiểu biết của chúng ta tham gia vào trò chơi tự do, nó sẽ khuấy động “dòng chảy của sức sống” và “nhấc bổng tâm hồn.” Còn với Arthur Schopenhauer (Thế giới như là ý chí và biểu tượng/Die Welt als Wille und Vorstellung, 1818), nghệ thuật được nâng tầm vượt khỏi thủ công và trang trí tầm thường, như là phương tiện cứu cánh thông qua trải nghiệm thẩm mỹ, còn người nghệ sĩ trở thành sứ giả hay nhà tiên tri của thứ tôn giáo cứu chuộc này. 

N2 - 25.5.2021, Acrylic trên toan, 2021

 

Đôi khi sự chữa lành, về tinh thần, thể chất hoặc cảm xúc không phải lúc nào cũng gắn liền với thuốc hoặc các liệu pháp theo nhóm, bác sĩ và bệnh viện. Chữa lành cũng là một quá trình nội sinh bên trong liên quan đến ý chí, sức mạnh và sự tích cực của mỗi cá nhân. Hội họa, do đó, chính là một phác đồ trị liệu tinh thần diệu dụng. Màu sắc, nét cọ, chấm phá ngẫu nhiên hoang dã, vẩy sơn hoặc một khung cảnh tĩnh lặng thanh bình, tất cả đều có thể là một phần của quá trình chữa lành. Một người đang đau đớn về thể xác hoặc đang đối mặt với bệnh tật tìm thấy sự nhẹ nhõm, tiêu khiển và bình yên khi sử dụng cơ thể, trí óc và tâm hồn của mình để vẽ. Một người đang đau khổ về tình cảm hoặc trong trạng thái nổi loạn cũng có thể được xoa dịu bằng cách giải phóng năng lượng và adrenaline trên một tấm toan hoặc bất kỳ chất liệu nghệ thuật nào.

N2 - 15.9.2022, Acrylic trên toan, 2022

Trong trường hợp Nhã Tĩnh, hội họa có tác dụng chữa lành hai chiều. Chiều kích chữa lành thứ nhất, là dành cho người vẽ. Một con đường chị đi để tìm đến khu vườn trong lành cho tâm trí. Nơi những vò võ vụn vặt, khổ đau riêng tư, sầu bi nhân thế được chị xếp gọn lại, hoặc hóa giải, để nhường chỗ cho một không gian vô nhiễm, của những hình tượng ngây phác, đầy tính “nai” của họa phái hồn nhiên naïve art. Chúng không uyên áo cao siêu, trái lại, thả lỏng và buông lơi, trình hiện một cảm giác chung của niềm vui, hạnh phúc, ngẫu nhiên tự phát và tưởng tượng phong phú. Một hình tượng nữ duyên dáng xuất hiện rất nhiều trong tranh của Nhã Tĩnh, không khỏi khiến người xem nghĩ đây là hiện thân của họa sĩ với những tương đồng về vóc dáng, ngoại hình và kiểu tóc. Nhưng khi được hỏi, nữ họa sĩ chỉ cười, với ngụ ý đây là một hình tượng phiếm chỉ phổ quát. Tôi cho rằng, hình tượng ước lệ này, chính là nữ họa sĩ, nhưng không phải là những phóng chiếu lý tưởng hóa của chị, mà là một bản ngã nữ nguyên thủy. Đó là một người nữ thuần khiết không mang persona (mặt nạ xã hội), không ngụy trang, không phải trình diễn trên sân khấu cuộc đời. Chỉ như vậy, những thiên tính nữ thầm kín, những rung động, ước mơ, những khao khát yêu đương mới vượt thoát sự chế ngự của hữu thức, được tự do biểu đạt thông qua thế giới nghệ thuật. 

Khi Nhã Tĩnh vận dụng hội họa để làm lành bản thân mình, lúc này mở ra chiều kích chữa lành thứ hai, dành cho người thưởng tranh. Hãy nhớ lại quan điểmcủa Kant. Theo Kant, cái đẹp mang tính chủ quan và phổ quát, do đó một số thứ đẹp đối với tất cả mọi người, và các tác phẩm nghệ thuật truyền đạt ý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ tới công chúng. Cảm nhận đầu tiên của hầu hết những người xem tranh của Nhã Tĩnh là sự nhẹ nhàng, giản phác, tinh nghịch, dịu dàng của đường nét và màu sắc. Trong Phật giáo Mật tông đương đại xuất hiện một dòng tranh thiền buộc người xem phải ngắt mạch tư duy, ngắt những suy nghĩ đang miên man liên tục, để cho tranh xâm chiếm, kể cả khi không hiểu ý nghĩa là gì. Đó là một trải nghiệm thiền thông qua nghệ thuật, tức sự huấn luyện tâm trí để nó an vị, ở yên và nhẹ nhàng kéo nó lại mỗi khi lang thang. Và tranh của Nhã Tĩnh dường như giữ cho tâm trí người xem, cho dù có thể không thông đạt về hàm ý của tác phẩm, luôn trong trạng thái vô vi, thanh tĩnh, an nhiên. Chúng ta được phép phân tán khỏi đời thực vất vả, mệt nhọc khi chiêm ngưỡng nghệ thuật.

Những hạt mầm tâm hồn được Nhã Tĩnh gieo trồng, đã đâm chồi nảy lộc trở thành một khu vườn hội họa đầy trong lành, đón gọi.

N1 - 23.10.2021, Acrylic trên trên giấy Dó, 2021

 

PHẠM MINH QUÂN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 529, tháng 3-2023

;