Tòa thành cổ xứ Đoài - nơi hội tụ các giá trị văn hóa

1. Đôi nét về thành cổ xứ Đoài

Trước đây, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được mệnh danh là trung tâm của xứ Đoài. Vị trí trung tâm thường được chính quyền phong kiến đương thời lựa chọn để xây dựng thành quách với cơ sở vật chất, hạ tầng kiên cố, bổ nhiệm bộ máy quan lại các cấp thuộc nhiều lĩnh vực để thay mặt triều đình cai quản và điều hành hoạt động của cả vùng. Vào thời Nguyễn, có 4 thành quy mô bề thế, vững chãi và đa dạng về công năng, kỹ thuật đắp dựng thành. Đó là thành Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương và Sơn Tây, được đặt trấn lỵ sở của 4 xứ thành Thăng Long: xứ Đông (Hải Dương), xứ Tây (xứ Đoài - Sơn Tây), xứ Nam (Sơn Nam - Nam Định) và xứ Bắc (Kinh Bắc - Bắc Ninh). Triều đình xây dựng tòa thành quân sự bằng đá ong rất kiên cố, vững chãi, đặt trụ sở cai trị làm việc của bộ máy chính quyền phong kiến tại vùng xứ Đoài - có tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như vai trò phòng thủ (lá chắn phên dậu vững chãi) án ngữ cho sự an toàn của cửa ngõ phía Tây Thăng Long. Thực dân Pháp tấn công 3 lần mới hạ được thành Sơn Tây; sau khi thực hiện thành công mưu đồ xâm lược, đã nhận thấy vai trò của thành cổ Sơn Tây - nơi khẳng định vị trí trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của vùng, thuận lợi về giao thông thủy bộ, giao thương, trao đổi buôn bán giữa Sơn Tây xứ Đoài với các vùng, tỉnh.

Thành cổ Sơn Tây có diện tích 20ha, trong đó 16ha là phần đất, 4ha mặt nước với hệ thống hào chạy quanh, có chiều dài 1.795m, chu vi 1.394m. Thành có hình tứ giác, được khánh thành vào năm 1822 (năm Minh Mạng thứ 3) với kết cấu gồm các hạng mục: 4 cổng Đông, Tây, Nam, Bắc, Kỳ đài, Giếng ngọc, nhà Án sát, Bố chánh, Đề ngữ, Đốc học, kho tiền, kho vũ khí, Đoan Môn, nơi ở của quan lại, binh lính và gia đình họ, đặc biệt là tòa Vọng Cung tọa lạc giữa thành, nơi làm việc của vị Tổng trấn, lưu giữ các loại tài liệu vật báu quan trọng. Hệ thống tường thành vây quanh được đắp kiên cố bằng gạch đá ong có chiều cao trung bình 3m, các đoạn cách có xây chòi canh, có chỗ lồi lõm để đặt súng thần công phòng thủ; bên trong thành có làm các đường cho voi chiến đi, gọi là “tượng đạo”.

Tòa thành đá ong độc đáo này đã tồn tại 2 thế kỷ, được xác định thông qua sử liệu, dấu tích kiến trúc, những cây cổ thụ già tuổi, cùng hàng ngàn sinh vật. Điều đó đã khẳng định thành cổ Sơn Tây là nơi hội tụ, ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc niên đại, môi trường sinh thái quý báu. Sự tồn tại bền vững của tòa thành có hình tứ giác rộng lớn nằm ở giữa trung tâm của thị xã này có sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước, sự ủng hộ chung sức của nhân dân sở tại.

Có thể nói, thành cổ Sơn Tây hội tụ những giá trị điển hình, tiêu biểu của một di tích kiến trúc quân sự lịch sử, văn hóa. Đó là các giá trị về: vị trí, đặc điểm, niên đại, môi trường sinh thái, kiến trúc, tính nguyên vẹn không gian, giá trị phi vật thể, nguồn tài nguyên để phát triển du lịch.

2. Những giá trị độc đáo của di tích

Việc triều đình nhà Nguyễn chọn vị trí xây dựng thành Sơn Tây thời bấy giờ dựa trên các yếu tố như: vị trí trung tâm của vùng, thuận lợi về giao thông, phòng thủ, quá trình di chuyển, có vai trò tiềm năng để phát triển văn hóa, là trung tâm kinh tế, chính trị, hậu cần lớn, có nhiều yếu tố phong thủy phù hợp… Chính vì vậy mà hai lần trước đó, triều đình đã cho đắp thành nhưng ở các vị trí không thích hợp cho việc xây dựng vai trò trung tâm cai trị (lần 1 ở La Phẩm - Ba Vì), lần 2 ở Mông Phụ (Đường Lâm). Chính vị trí ở đất Minh Nghĩa (Mai Trai - Thuần Nghệ), thời đó đã được lựa chọn và công cuộc đắp thành diễn ra thành công.

Giá trị lịch sử

Với 200 năm tồn tại, thành cổ Sơn Tây là nơi chứng kiến những biến động lớn của vùng, gắn với sự phát triển của vùng trung tâm - nơi có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, phòng thủ quân sự, giao thương buôn bán giữa các vùng miền.

Dựa vào niên đại ở thành cổ, các nhà nghiên cứu và du khách có thể nghiên cứu, hồi tưởng về sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa xứ Đoài, vai trò trung tâm của thị xã Sơn Tây xưa. Từ đây, có thể đặt ra nhiều căn cứ và đưa ra nhiều giả thuyết, suy đoán logic để từng bước khẳng định, Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, tâm linh tín ngưỡng, trục giao thông thủy bộ thuận lợi, vị trí án ngữ phòng thủ quan trọng phía Tây thành Thăng Long. Có thể kể ra hệ thống giá trị văn hóa vật thể, tâm linh tín ngưỡng trên địa bàn như: Đông Cung (đền Và), làng cổ Đường Lâm với chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), ấp hai vua “Cam Lâm”, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, văn miếu Sơn Tây... Cũng dựa vào niên của tòa thành đá ong độc đáo này, chúng ta có cơ sở để tôn vinh tên Sơn Tây - xứ Đoài. Người Sơn Tây tự hào rằng, ngoài việc được khoác trên mình truyền thống văn hiến hào hùng, vẻ vang, gắn với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, còn có cuộc sống lao động, sản xuất gắn với những món quà tặng hữu hình vô giá mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng như vùng đất  bán sơn địa, sông Hồng, sông Tích, hồ Đồng Mô, những sản vật, văn hóa phi vật thể truyền thống. Chính vì thế, Thánh Tản được tôn thờ ở nhiều nơi vùng phía Tây kinh thành Thăng Long rộng lớn như Đông Cung (đền Và) - là Cung lớn nhất trong tứ Cung, đã được tôn thờ và tồn tại hàng ngàn năm nay, luôn có sức sống lan tỏa và ý nghĩa to lớn trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam nói chung, xứ Đoài nói riêng.

Cũng vì thế, rất nhiều câu lạc bộ, mô hình văn hóa hoạt động tự nguyện đều chọn thành cổ là nơi hội họp, sinh hoạt chuyên đề và lấy tên xứ Đoài để gắn với nội dung hoạt động của mình.

Đoan Môn thành cổ Sơn Tây - Ảnh: Nguyễn Trọng An

Bên cạnh đó, thành cổ Sơn Tây còn gắn với sự phát triển kinh tế, giao thông, trao đổi hàng hóa của vùng. Theo một số tư liệu, 16 khu phố được xây dựng, mỗi phố gắn với việc sản xuất một vài mặt hàng thủ công, ẩm thực, mỹ nghệ như: phố Hữu Mỹ, phố Hàng Đàn (phố Đinh Tiên Hoàng ngày nay), phố Hàng Nón (nay là phố Phùng Hưng), Hàng Sáo (phố Phạm Hồng Thái)...

Giá trị môi trường sinh thái

Với diện tích mặt đất, mặt nước với hào chạy quanh, thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao có hình tứ giác với 4 cổng quay ra 4 hướng: Đông - Tây - Nam - Bắc, hai cổng vòm bắc qua hào. Trải qua quá trình tồn tại hằng trăm năm, đến nay, ngoài việc là di sản văn hóa (đã được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia vào năm 1994), thành cổ Sơn Tây còn có vai trò như một “lá phổi xanh” nằm giữa lòng đô thị, một chiếc ô rộng lớn bốn mùa xanh tươi. Ngoài ra, lúc hạ thành, thực dân Pháp đã khoan thăm dò và tìm ra một mạch nước đá ong rất trong, có trữ lượng lớn ở đây. Họ cho xây dựng trạm bơm nước để cấp nước sinh hoạt cho khu dân cư quanh vùng. Nguồn nước đạt độ tinh khiết cao, ngày nay, nhân dân vẫn sử dụng cho sinh hoạt.

Giá trị kiến trúc thông qua một số tư liệu, thông tin còn lưu giữ

Mặc dù, hầu hết các hạng mục công trình đã từng được triều đình cho xây dựng và sử dụng vào các mục đích khác nhau, tuy nhiên, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều hạng mục đã bị phá hủy như: Vọng Cung, Đoan môn, Kỳ đài, kho hậu cần, trại giam, nhà Đốc học, Đề ngữ, quân y, các bức tường thành, chòi canh gác. Hiện nay, chỉ còn 2 cổng ở phía Tây và phía Nam trên trán cổng vẫn còn bia đá khắc chữ Hán Nôm. Các công trình trong thành cổ hiện tại đã được phục dựng, tôn tạo lại theo từng giai đoạn khác nhau như: khuôn viên nhà Vọng Cung, tòa Vọng Cung chồng diềm 8 mái, Đoan môn, Kỳ đài, bức tường thành dài hơn 100m, cao hơn 3m, bức tường bằng đá ong được xếp quanh thành, bức tường đá bao quanh hào bên ngoài, cổng phía Bắc, dự án chống đỡ 2 cổng cũ (Tây môn, Nam môn). Các công trình ở trong thành như: Kỳ đài, Vọng Cung, Đoan môn đều được phục dựng lại theo kiến trúc cũ. Qua nghiên cứu các tư liệu cổ, những công trình tồn tại trong thành cổ Sơn Tây hội tụ những yếu tố kiến trúc quý giá (tòa Vọng Cung đã được toàn quyền Đông Dương xếp hạng là di tích vào năm 1924). Xưa kia, các công trình đó đa phần được sử dụng vật liệu truyền thống, đặc trưng của vùng Bắc Bộ như: đá ong, các loại gỗ quý, xây dựng thi công đa phần bằng thủ công, kết cấu liên hoàn, thuận tiện trong việc sử dụng, phục vụ tốt cho các điều kiện làm việc, điều hành, thực hiện các công việc của triều đình giao cho các vị quan lại tại thành Sơn Tây, cũng như cất giữ tài liệu, vật chất. Lúc xây đắp thành, triều đình đã cho áp dụng lối xây thành theo mẫu thiết kế thành ở châu Âu gọi là kiến trúc Vauban.

Giá trị về tính nguyên vẹn của không gian, cảnh quan

Hiếm có một tòa thành nào trên đất nước ta còn tồn tại mà bảo đảm được tính nguyên vẹn về không gian như thành cổ Sơn Tây (không có bất cứ sự tồn tại sinh sống của dân cư, công trình phúc lợi công cộng, công trình quân sự, quốc phòng an ninh, bảo mật). Trải qua gần 2 thế kỷ, thành cổ vẫn bảo toàn được tất cả không gian, diện tích của mình, đó là một tiêu chí rất thuận lợi, cơ bản để lãnh đạo chính quyền tiến hành các giai đoạn tu bổ, tôn tạo trong thời gian vừa qua.

Hiện tại, thành cổ có các hướng tiếp giáp với sự quản lý về hành chính dân cư của 3 phường nội thị thị xã: phía Bắc giáp phường Lê Lợi, phía Đông Nam giáp phường Quang Trung, phía Tây giáp phường Ngô Quyền. Đối với các di sản nói chung trên đất nước ta, nếu địa điểm ấy có diện tích rộng và may mắn còn được tồn tại đến ngày nay, thì tính toàn vẹn của nó thường không được tuyệt đối, bị chi phối, tác động bởi các khu dân sinh hay các công trình phúc lợi.

Điểm du lịch thu hút đông đảo du khách

Nơi đây là một điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch trọng điểm của ngành Du lịch thị xã, nơi tổ chức các hoạt động, sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa. Du khách đến thăm thành cổ thường sử dụng hai hướng: hướng thứ nhất đi từ cổng phía Bắc sang cổng phía Nam, du khách sẽ được tham quan khu trưng bày một số tài liệu, hiện vật, cổng phía Bắc thành đã được tu bổ, khu trưng bày 3 chiếc máy bay quân sự được khánh thành vào năm 2014, tòa nhà Vọng Cung (đi từ phía sau vòng ra phía trước), Đoan môn, Kỳ đài, Giếng ngọc, cổng phía Nam (cửa Tiền); hướng thứ hai đi từ cổng phía Nam sang phía Bắc, du khách được tham quan cửa Tiền cổ kính được bao bọc bởi cụm cây đề xanh tốt bốn mùa, 2 giếng ngọc, sân cột cờ, khuôn viên, Đoan môn, Vọng Cung rồi di chuyển dần ra cửa Bắc tham quan khu nhà trưng bày một số tài liệu, hiện vật liên quan đến thành cổ, khu trưng bày máy bay quân sự…

Khai thác, phát triển du lịch ở thành cổ Sơn Tây luôn được thị xã quan tâm, đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, để khai thác một cách có hiệu quả chiều sâu và bền vững hơn, rất cần những giải pháp chuyên nghiệp, trọng tâm hơn, huy động sự tham gia của nguồn vốn xã hội hóa.

Bên trong và bên ngoài thành cổ cũng là địa điểm rất lý tưởng, thích hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, kinh tế, chính trị của thị xã như: triển lãm sinh vật cảnh, hội thi câu cá, chim cảnh, lễ phát động Tết trồng cây, lễ hưởng ứng ngày môi trường thế giới, bảo vệ nguồn nước sạch, hội đua thuyền. Ở vòng bên ngoài, mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhân dân thường tập hợp về đây để dựng, bày bán các gian hàng trưng bày hoa, cây cảnh, các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm ngày Tết âm lịch. Đây là nét văn hóa đặc trưng của vùng Sơn Tây mà hiếm nơi nào có được, không gian xung quanh thành cổ được tận dụng hết, mặt hàng đa dạng, tấp nập người tham quan, mua bán, kéo dài đến 2 tuần lễ, gần cuối ngày 30 Tết mới tan. Phiên chợ cây cảnh và các mặt hàng khác diễn ra vào ngày chủ nhật hàng tuần ở khu quảng trường sân vận động thị xã và các cuộc triển lãm ảnh lưu động, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao khác với quy mô cấp vùng, cấp quốc gia, hay trận địa bắn pháo hoa đêm giao thừa.

Giá trị về kỹ thuật đắp dựng thành quân sự

Lúc khởi công xây dựng, triều đình Huế đã điều 3.000 quân tinh nhuệ do Thống đốc Thập cơ Vũ Văn Thuận chỉ huy, để phối hợp cùng dân sĩ phu xung quanh xây dựng thành. Vào thời kỳ đó, việc cơ giới hóa máy móc hầu như không có, các dân phu và quân lính đắp thành chủ yếu dùng sức người và sự hỗ trợ của gia súc như trâu bò, voi, ngựa, sức người để vận chuyển, tập kết vật liệu.

Tuy nhiên, thành cổ gần sông Hồng nên giao thông đường thủy đóng vai trò rất tốt cho việc chuyên chở vật liệu và tập kết về các vị trí xung quanh thành. Việc thiết kế các công trình ở vòng ngoài và trong thành cũng thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của triều đình. Ngày đó, các thành quân sự ở châu Âu thường sử dụng mô tuýp thiết kế, xây thành mang tính chất phòng thủ quân sự do viên kỹ sư người Pháp sáng chế ra (kiến trúc Vauban). Việc xây dựng thành cần vận dụng vào từng tính chất, thời tiết, khí hậu, đất đai, vật liệu của địa phương (không thể áp dụng hết các chi tiết giống như ở châu Âu được). Từ các loại vật liệu đã khai quật được, có thể điểm tên các loại vật liệu xây dựng thành như: gỗ quý, gỗ thông thường, tre, nứa, rơm rạ, kim khí, vôi cát, cho đến mạch nha, lòng trắng trứng gà (các loại vật liệu như sắt, thép, xi măng ngày đó có thể ít được sử dụng); dựa vào 2 cổng còn tồn tại trong di tích thành cổ là cổng phía Nam và phía Tây, du khách có thể nhận biết được một số vật liệu và kỹ thuật xây dựng.

Giá trị về mối quan hệ bang giao

Qua một số tư liệu, các nhà khoa học đã đưa ra một số dẫn chứng liên quan đến sự tham gia của một số người nước ngoài liên quan đến cuộc kháng chiến chống Pháp tại thành cổ, một số thi thể người nước ngoài (châu Âu) đã được tìm thấy sau cuộc chiến. Có thể, họ là các thương nhân đến giao lưu, buôn bán tại đây và gây dựng gia đình với người Việt Nam.

Thành cổ Sơn Tây cũng ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác

Các giá trị văn hóa, lịch sử kiến trúc, môi trường sinh thái, niên đại, hội tụ kể trên cùng với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo các cấp và sự ủng hộ, hợp tác của nhân dân đã minh chứng và khẳng định các giá trị quý báu của di tích thành cổ Sơn Tây. Ở đây, ngoài các hình ảnh vật thể hữu hình mà ai cũng có thể cảm nhận được khi một lần đặt chân đến nơi này thì cũng còn một loại hình giá trị vô hình khác mà không phải ai cũng có thể cảm nhận và giải mã hết được. Và tòa thành rộng 20ha này được ví như một đề tài sống động, phong phú, luôn tạo cảm hứng sáng tạo cho mỗi tâm hồn cung bậc của người nghệ sĩ (có thể là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, không phân biệt độ tuổi, đối tượng). Mỗi người yêu nghệ thuật, di sản, môi trường cảnh quan đều cảm nhận và tiếp cận được cái đẹp, giá trị quý báu khác nhau tiềm ẩn trong di tích thành cổ độc đáo này. Chúng ta đã được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm: thi, ca, nhạc, họa, thư pháp, nhiếp ảnh khác nhau của nhiều nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật ở Sơn Tây và muôn nơi về hội tụ. Mỗi khoảnh khắc mà thiên nhiên và di sản ở thành cổ được họ ghi lại và gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình làm cho người xem thêm yêu cảnh đẹp, yêu di sản, khơi dậy niềm tự hào về quê hương: như các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, các bài thơ, tác phẩm âm nhạc. Nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại các khoảnh khắc đáng nhớ ở thành cổ như: đêm bắn pháo hoa, những sắc hoa lung linh soi bóng xuống hào nước, màn sương sớm long lanh, hòa quyện ánh bình minh dịp cuối thu chớm mùa đông khi trời se lạnh… Bên cạnh đó, thành cổ Sơn Tây cũng là một đề tài để các đạo diễn lựa chọn làm cảnh để xây dựng các clip ca nhạc, phim tài liệu, phóng sự, phim truyện truyền hình…

Với những giá trị hội tụ như trên, di tích thành cổ Sơn Tây hoàn toàn có đủ cơ sở để nâng cấp xếp hạng thành Di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thị xã Sơn Tây tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích.

NGUYỄN TRỌNG AN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 512, tháng 10-2022

;