Quá trình hình thành, giá trị và những vấn đề đặt ra đối với nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình

Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian có nội dung ca từ độc đáo, tiêu biểu của Việt Nam. Trong các loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc, có lẽ chỉ duy nhất hát xẩm được gọi với tư cách là một nghề để kiếm sống. Nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình gắn liền với cố NSƯT Hà Thị Cầu - nghệ nhân cuối cùng còn hành nghề hát xẩm. Từ khi bà qua đời, Ninh Bình tưởng như đã thất truyền loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian này, nhưng với sự nỗ lực của những người được cụ Hà Thị Cầu truyền dạy, của chính quyền địa phương và nhất là tình yêu nghệ thuật của chính người dân, mảnh đất này đã bước đầu khơi dậy và bảo vệ được giá trị cốt lõi của nghệ thuật hát xẩm.

1. Quá trình hình thành nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình

Nguồn gốc

Theo các tài liệu ghi chép còn lưu giữ đến nay cho thấy, nghệ thuật hát xẩm ra đời vào thời nhà Trần: “Hát xẩm khởi phát vào thời nhà Trần, vua Trần Thánh Tông sinh được 2 hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Người em Trần Quốc Đĩnh đã bị anh hãm hại, hỏng hai con mắt bỏ lại chốn rừng sâu trong một chuyến đi săn để giành viên ngọc quý về kính dâng vua cha để cướp công. Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò trong rừng sâu, nhặt được hai mảnh tre khô, gõ vào nhau giả tiếng chim chóc để chúng tha thức ăn đến cho chàng cầm hơi, rồi hoàng tử quờ quạng được sợi dây rừng, buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn. Lần mò được mẩu que tre, ôm cây đàn một dây để gẩy lên những cung bậc thăng trầm, chàng bắt đầu ngân nga những khúc nhạc lòng tự sự, ai oán. Sau khi được dân làng đưa ra khỏi rừng, hoàng tử Đĩnh ra xóm chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, nhờ đó mà vua cha đã tìm được hoàng tử Đĩnh và câu chuyện được sáng tỏ. Khi trở lại hoàng cung, Trần Quốc Đĩnh, tiếp tục trau dồi và phát triển nghề hát xướng, lại chuyên tâm dạy đàn hát cho người bị khiếm thị như mình, tiếng đàn câu ca của chàng ngày qua ngày đã dần lan truyền sâu rộng ra dân gian. Nghệ thuật hát xẩm bắt đầu từ đấy, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được tôn vinh là vị Tổ nghề hát xẩm” (1).

Ở tài liệu khác của tác giả Trần Việt Ngữ ghi chép: “Nghệ nhân xẩm ở các làng hội đều truyền tụng cho nhau sự tích về vị Thánh sư họ Trần - Tổ nghề xẩm” (2). Những câu chuyện và truyền thuyết về vị tổ nghề đã chứng minh phần nào về nguồn gốc của nghệ thuật xẩm. Mặt khác, khi khảo cứu trong chính sử, vua Trần Thánh Tông không có hoàng tử nào tên Đĩnh hay Toán. “Vua Thánh Tông có 3 con: Thiên Thụy Công chúa, Thái Tử Khâm và Tả Thiên Vương Đức Việp. Năm Kỷ Mão (1279), Thái Tử Khâm sinh năm Mậu Ngọ (1258) kế vị ngôi vua lấy hiệu là Nhân Tông” (3).

Các nguồn tài liệu khảo cứu cho thấy, trước đây lễ giỗ Tổ nghề xẩm thường được làm vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch: “…hàng năm xuân thu hai lần, bà con làng xẩm, hội xẩm lại tập trung làm lễ giỗ Tổ vào hạ tuần tháng Hai và hạ tuần tháng Tám âm lịch: Hà Nội lấy ngày 22 tổ chức lễ hội kéo đám trong vùng quy định, mà không phải do tục hèm nào của nghề xẩm chi phối…” (4).

Như vậy, xẩm hay nghề xẩm trước đây được tổ chức bài bản, có cơ cấu rõ ràng, là một loại hình văn hóa dân gian mang tính nghề nghiệp. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, các nhóm/ hội/ phường nghề có hệ thống tổ chức cao - thấp, ban bệ quy củ theo làng xẩm, các gánh hát có sự kết nối với nhau và chịu sự chi phối của những ông trùm chứ không hoạt động đơn lẻ. Điều này được thể hiện rõ trong quy định của lễ giỗ Tổ nghề.

Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình

Theo tác giả Phạm Thị Hà: “Ninh Bình là cái nôi của loại hình nghệ thuật hát xẩm cổ truyền bởi nơi đây có những vùng đất và những nghệ nhân tiêu biểu của dân tộc đã lưu giữ loại hình nghệ thuật hát xẩm” (5). Cùng ý kiến này, tác giả Nguyễn Xuân Bính cho rằng: “Bên cạnh nghệ thuật hát chèo truyền thống, Ninh Bình còn nổi tiếng với loại hình nghệ thuật hát xẩm, loại hình nghệ thuật này gắn liền với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu là người lưu truyền, phát triển cho đến ngày nay, sau khi cụ qua đời đã truyền lại cho cháu là Vũ Thị Thu Sợi hiện đang sinh sống tại huyện Yên Mô, Ninh Bình” (6).

Hát xẩm ở Ninh Bình phát triển nhất vào khoảng cuối TK XIX - đầu TK XX. Bấy giờ ở Ninh Bình, xẩm đã tập hợp thành làng, phường hát, có ông trùm - người đứng ra tổ chức. Thời đó, ở huyện Yên Mô có ông trùm Mậu (Chánh Trương Mậu). Ông là trùm của 6 gánh hát xẩm và cụ Hà Thị Cầu là vợ thứ 18 của ông, nghệ nhân cuối cùng còn hành nghề hát xẩm, bà được coi là “nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của TK XX”.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Mận: “…về lịch sử của nghề hát xẩm hay về nguồn gốc của xẩm mà cụ Cầu theo hát… tôi cũng xin thưa rằng, hồi tôi còn nhỏ, mẹ tôi kể là ông bà ngoại đẻ ra mẹ tôi cũng là người theo nghề xẩm, rồi đến thời mẹ tôi hát xẩm, quê ở trong Nam Định, nhưng không may thời đó đói khát nên mẹ tôi phải đi theo vào vùng Ninh Bình này để sinh sống và hát. Không ngờ đâu gặp được bố tôi là ông Chánh Trương Mậu, ông Chánh chứ không phải tầm thường, đàn bầu cũng chơi được, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, nhị, sáo, tiêu, hồ đại…cái gì cũng chơi được, kèn trống chơi được…” (7).

Cũng có ý kiến khác cho rằng, nghệ thuật xẩm ở Ninh Bình chưa được tổ chức theo phường, hội. Theo cuốn Hát xẩm của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo: “Hát xẩm là một dòng hát chuyên nghiệp. Tuy không thành phường hội, nhưng nghệ nhân khi đi hát thường là một nhóm với nhau, phần lớn là gia đình” (8).

Như vậy, đến giữa TK XX, nghề hát xẩm bên cạnh việc ghi nhận các tên tuổi nghệ nhân tài ba của chiếu xẩm ở Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn Tây, Hưng Yên, Nam Định, Hà Đông... và nhiều nghệ nhân khuyết danh khác, thì ông trùm Chánh Trương Mậu cũng là một trong những tên tuổi của nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình. Ông đã đào tạo được cố nghệ nhân Hà Thị Cầu - người truyền lửa cho nghệ thuật hát xẩm hiện nay. “…Bà Cầu đã có nhiều công trong việc gìn giữ lại được nghệ thuật xẩm, còn những cụ kỳ cựu như cụ Thân Đức Chinh, cụ Nguyễn Văn Nguyên… đấy là những bậc thày rất lỗi lạc về xẩm, nhưng không có nhiều người kế cận như bà Cầu, có thể nói, bà Hà Thị Cầu là người duy nhất truyền lại được nhiều nghệ thuật xẩm cho giới trẻ hiện nay, cho nhiều người kế cận…” (9).

Từ thập niên 60 của TK XX đến năm 2013, do tác động của nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, các phường/ hội/ nhóm/ chiếu xẩm dần tan rã. Nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình đứng trước nguy cơ bị mai một. Bởi, nghệ nhân hát xẩm chỉ còn vài ba người đã bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi. Xẩm được coi là nghề đã không còn đất để sống, nghệ thuật hát xẩm tưởng chừng đã bị lãng quên, thất truyền… Nhưng với sự nỗ lực từ nhiều phía, đó là các truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu, từ chính quyền địa phương từ cấp xã, huyện và tỉnh Ninh Bình, các nhà nghiên cứu tâm huyết đã đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại, dần bắt nhịp với cuộc sống đương đại.

2. Giá trị của di sản

Giá trị nghệ thuật

Nghệ thuật hát xẩm được hình thành bởi một hệ thống bài bản và âm nhạc riêng biệt, đặc trưng. Với các nhạc cụ như: đàn bầu, đàn nhị, sênh sứa, trống mảnh, đàn hồ, trống cơm, thanh la, nghệ sĩ/ nghệ nhân biểu diễn hát xẩm tự thêm hoặc bớt các nhạc cụ cho phù hợp với môi trường, hoàn cảnh và làn điệu biểu diễn.

Theo phân tích của GS,TS Đặng Hoành Loan: “…Xẩm xưa nằm trong phường hát rong, hay là nhóm hát rong, nó tổ chức thành phường hội, chứ không đi một mình đâu, thường có 4, 5, 6 người, trong đó có trống, phách, nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn hồ, đàn tam, nhóm hát rong, nhóm này chỉ tồn tại đến đầu thế kỷ thì giải tán dần do việc không kiếm được tiền nuôi nhóm hát rong… Nghệ sĩ xẩm rất tài ba, sử dụng nhạc cụ, vừa đánh đàn bầu, vừa hát... đàn bầu xẩm này mới là nghệ thuật đỉnh cao của xẩm. Thế nên, đàn bầu gắn liền với xẩm, hay xẩm gắn liền với đàn bầu, người đánh đàn bầu là người nghệ sĩ tài ba, cũng chính là người chỉ đạo nghệ thuật trong đó, là ông trùm xẩm đánh đàn bầu. Cho nên xẩm gắn với đàn bầu. Trong nhóm xẩm đó có nhiều người chơi nhị, chơi hồ… như bác Nguyên là chuyên kéo Hồ” (10).

Theo tác giả Nguyễn Thị Bích Ngoan: “…Về nghệ thuật, dàn nhạc của hát xẩm bao gồm đàn bầu, đàn nhị, cặp kè, trống mảnh, có khi thêm đàn hồ, trống cơm, thanh la... Hát xẩm bao gồm nhiều làn điệu khác nhau. Nhà nghiên cứu Hoàng Kiều cho rằng, xưa kia có khoảng 20 làn điệu hát xẩm. Song, trong số đó chỉ có 8 làn điệu chính bao gồm: xẩm chợ, thập ân, chênh bong, phồn huê, riềm huê, ba bậc, hò bốn mùa và hát ai. Sau này, vào khoảng những thập niên đầu TK XX còn có thêm làn điệu tàu điện do các nghệ nhân hát xẩm hành nghề ở Hà Nội sáng tạo. 8 làn điệu chính của nghệ thuật hát xẩm đã bao gồm đủ các sắc thái, góc cạnh của vui buồn sướng khổ... trong mỗi con người” (11).

Theo người thực hành hát xẩm ở cộng đồng: “...hát xẩm là loại hình văn hóa văn nghệ dân gian đặc trưng nhất so với các loại hình nghệ thuật khác… Bản chất của hát xẩm là lối hát kể chuyện tự sự, mang tính tự nhiên, hát xẩm rất tự nhiên, như là kể một câu chuyện, tôi rất mong muốn làm sao để giữ được bản sắc truyền thống trước, sau đó là sự sáng tạo, phát triển sau” (12).

Như vậy, xẩm với tư cách là loại hình nghệ thuật của những người hát rong (được coi là một nghề) đã không còn, nhưng nghệ thuật hát xẩm đã và đang được phục hồi và phát triển trong đời sống cộng đồng tại Ninh Bình. Những làn điệu gốc của xẩm với 3 điệu chính xẩm huê tình, xẩm xoan, xẩm ba bậc; một bài xẩm gồm có vỉa, trổ mở đầu, trổ thân, các trổ nhắc lại, trổ kết vẫn được các nghệ nhân lưu giữ. Đồng thời, họ còn sáng tác thêm các bài hát mới dựa trên những làn điệu cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện tại, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mọi tầng lớp nhân dân. Đây chính là giá trị bất biến của nghệ thuật hát xẩm.

Giá trị lịch sử, văn hóa

Nghệ thuật hát xẩm đã phản ánh một phần hiện thực đời sống xã hội trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, những người hát xẩm thường chuyển tải những câu tục ngữ, truyện cổ, truyện Nôm, câu chuyện trong đời sống sinh hoạt, cảnh bất công trong xã hội… Những nội dung mà nghệ thuật hát xẩm đưa tới cho người nghe thường phản ánh các sự kiện đương thời. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc, hát xẩm được ưa thích, len lỏi vào từng góc phố, làng quê. Lời ca còn tái hiện lại một số phong trào cách mạng Việt Nam, tiêu biểu như: phong trào Đông Du trong bài Anh Khóa của Trần Tuấn Khải (13). Không chỉ các sự kiện lịch sử quan trọng mà những lời nói, địa danh và sinh hoạt đời sống thường ngày cũng hiện hữu khá rõ trong các bài hát xẩm.

Hát xẩm không chỉ có giá trị lịch sử văn hóa, mà còn thể hiện rõ tính nhân văn sâu sắc. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, cảm thông trước hoàn cảnh của những người cùng chung cảnh ngộ khiếm thị, nghệ sĩ hát xẩm không chỉ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, mà họ còn chia sẻ cả thành quả lao động của mình với mảnh đời bất hạnh hơn. Việc thành lập các gánh xẩm là để tụ họp những người cùng chung cảnh ngộ, đem lời ca, tiếng hát của mình đi khắp nơi kiếm sống, cùng nhau vượt lên số phận, sống lạc quan hơn… Theo ghi nhận ý kiến của cộng đồng, những người cao tuổi và có hiểu biết về hát xẩm có cách nhìn nhận chân thực rằng: “...tôi cùng quê với cụ Cầu, từ bé, tôi lớn lên cùng với làn điệu xẩm nên xẩm ngấm vào người tôi lúc nào không hay... Trong các nội dung bài xẩm nói về số phận con người như bài Dạt nước cánh bèo nói về thân phận người phụ nữ, rồi có những bài để phê phán thói hư tật xấu của xã hội, như Xẩm cờ bạc, Xẩm thuốc phiện... có những bài xẩm tuyên truyền, ca ngợi đạo đức mới, tình nghĩa cuộc sống. Đồng thời, có những giai đoạn lịch sử, xẩm dùng để phê phán chế độ cũ, thực dân Pháp đàn áp nhân dân ta...” (14).

Những bài hát xẩm mang đậm triết lý nhân sinh, tính giáo dục, nhân văn sâu sắc. Nghe và học hát xẩm để cảm nhận được ý nghĩa của câu từ, làn điệu, thấu hiểu những mảnh đời, số phận, cũng như những kinh nghiệm sống quý báu của cha ông. Đây cũng chính là sự góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ, đồng thời mang lại tiếng cười, niềm vui cho người nghe, tạo nên sức sống mạnh mẽ, tạo nên giá trị cố kết cộng đồng.

Vai trò của nghệ thuật hát xẩm trong đời sống cộng đồng

Trước đây, hát xẩm có một vai trò to lớn trong việc thỏa mãn nhu cầu giải trí của người dân lao động, đồng thời đây cũng là một kênh thông tin, truyền thông độc đáo và quan trọng trong đời sống xã hội. Theo tác giả Kiều Trung Sơn: “Xẩm đi bất cứ đâu để hát kiếm sống. Theo lời kể của bà Hà Thị Cầu, bà đã từng cùng chồng là trùm Mậu vào tận Nam Bộ. Vì thế, có thể nhận định, không một thể hát cổ truyền nào lại có nội dung lời ca luôn cập nhật tình hình đất nước như hát xẩm. Xẩm có khả năng hát kể bất cứ chuyện gì mà xẩm biết. Xẩm luôn di chuyển, luôn nghe ngóng mọi tin tức nên các chuyện mà xẩm hát kể luôn có tính thời sự. Ở thời kỳ mà thông tin liên lạc của người Việt chủ yếu phụ thuộc vào ngựa cưỡi, những câu chuyện vừa mới xảy ra, những bài thơ mang tính thời sự là nguồn sống của hát xẩm, là cái để xẩm kiếm tiền. Có thể nói, sự sống của xẩm nằm trong hơi thở của cuộc sống xã hội” (15).

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, Mỹ, nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình cũng có đóng góp vô cùng quan trọng với vai trò của cố NSƯT Hà Thị Cầu. Bà tuy không biết mặt chữ, nhưng đã sáng tác ra bài xẩm nổi tiếng Theo Đảng trọn đời theo điệu Thập ân với những câu thơ mang ý nghĩa sâu sắc: “Vững tâm theo Đảng nghe con/ Đạp bằng sóng gió sắt son lời thề”.

Như vậy, trong điều kiện xã hội chưa phát triển về công nghệ thông tin thì xẩm là loại ca nhạc phổ biến lan truyền tốt nhất những câu ca dao, tục ngữ dân gian, truyện cổ, thần thoại… qua những bài hát, câu chuyện xẩm. Cùng với thời gian, hát xẩm đã phát huy được những ca từ lưu truyền trong nhân dân rất gần gũi, dễ nhận biết. Xẩm đã được vận dụng cho một số mục đích chính trị như tuyên truyền, trao đổi thông tin nên hát xẩm dần trở nên chuyên nghiệp. Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp, xẩm được dùng như một công cụ nhằm tuyên truyền chính sách. Lời xẩm địch vận cũng đã ra đời từ đó, góp phần không nhỏ cho chiến thắng của quân và dân ta. Ngày nay, việc tuyên truyền thông tin đã được hỗ trợ bằng nhiều máy móc, công nghệ hiện đại nhưng vai trò của con người vẫn rất quan trọng. Bằng việc ca hát và thưởng thức nghệ thuật dân gian như hát xẩm sẽ làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.

3. Những vấn đề đặt ra đối với nghệ thuật hát xẩm

Ở Ninh Bình, hát xẩm tập trung nhất ở huyện Yên Mô. Hiện nay, huyện có 20 câu lạc bộ vừa hát chèo, vừa hát xẩm. Thông qua các hoạt động mở lớp truyền dạy, số người biết đến hát xẩm trên địa bàn huyện ngày càng nhiều và đa dạng về lứa tuổi. Đặc biệt, có những cháu còn rất nhỏ (4-6 tuổi) cũng đã tham gia học. Truyền nhân của cố NSƯT Hà Thị Cầu là ông Vũ Văn Phó - một trong những người chơi đàn nhị “có một không hai” ở huyện Yên Mô. Ông Phó đã tham gia phụ trách lớp học, để có cơ hội truyền dạy ngón đàn của mình đến với thế hệ trẻ. Khi cố NSƯT Hà Thị Cầu còn sống, ông Phó từng theo học cụ nhiều năm. Có thời điểm, ông cũng từng đi theo hầu cụ Cầu biểu diễn nhiều nơi, vì thế, tiếng đàn nhị của ông cũng mang đậm nét của xẩm cổ Hà Thị Cầu. Như vậy, qua thực tế công tác sưu tầm, nghiên cứu tại cộng đồng, rõ ràng, hát xẩm là món ăn tinh thần của người dân Ninh Bình, cũng là môn nghệ thuật dân gian đặc sắc. Hát xẩm cũng là niềm tự hào của người dân trong cộng đồng, họ có ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng, giữa những người thực hành nghệ thuật hát xẩm với những người dân yêu thích nghệ thuật này. Những vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm, có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tâm huyết, trình độ, năng lực chuyên môn. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa thông tin; có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di sản, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật hát xẩm.

Thứ hai, nâng cao nhận thức để tạo tiền đề cho niềm say mê, nhiệt huyết cho nghệ thuật hát xẩm thông qua hoạt động của các câu lạc bộ. Thông qua các kênh tuyên truyền, trải nghiệm tại cuộc thi, hội diễn sân khấu lớn, để nghệ nhân cũng như người dân hiểu được vị trí và vai trò của nghệ thuật hát xẩm trong đời sống đương đại.

Thứ ba, cần thiết phải có những giải pháp mang tính cụ thể đối với từng xã, từng câu lạc bộ, từng cá nhân tham gia giữ gìn nghệ thuật hát xẩm. Đó là: Lựa chọn hạt giống là các em học sinh nhỏ tuổi nhưng có tố chất bẩm sinh về âm nhạc, có niềm đam mê, theo đuổi môn nghệ thuật hát xẩm để chú trọng đào tạo, truyền dạy bài bản nghệ thuật âm nhạc dân gian này; Khuyến khích những người đam mê, yêu thích môn nghệ thuật hát xẩm tự thành lập các nhóm sinh hoạt, giao lưu và hỗ trợ nhau cùng xây dựng và phát triển, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm xẩm; Nghiên cứu, phục dựng và tổ chức ngày giỗ tổ nghề, đưa hát xẩm trở thành môn nghệ thuật được đào tạo ở Nhà hát Chèo tỉnh Ninh Bình hay các trường phổ thông, trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp; Tỉnh Ninh Bình cần phải sưu tầm, lưu giữ được các băng đĩa, ghi âm các bài xẩm, sau đó phổ biến và truyền dạy trong cộng đồng; Mở rộng môi trường trình diễn, các cơ hội để thực hành và truyền dạy nhiều hơn nghệ thuật hát xẩm trong cộng đồng.

Thay lời kết

Nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình tuy bắt đầu phục hồi, nhưng vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền cần phải bảo vệ khẩn cấp. Bởi, chỉ còn lại một vài nghệ nhân là truyền nhân của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã và đang nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ. Các nhóm/ chiếu/ câu lạc bộ xẩm hình thành một cách tự phát với tình yêu nghệ thuật, họ chưa có khả năng kiếm sống được bằng nghề cũng như ít có cơ hội biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp như các môn nghệ thuật khác. Vì vậy, công tác bảo vệ di sản nghệ thuật hát xẩm vẫn đang rất khó khăn cần sự chung tay của tất cả mọi người.

_____________________

1. Hội những người yêu hát xẩm, Mai Đức Thiện sưu tầm, tuyển chọn, Hát xẩm xưa và nay, 2019, tr.1-2.

2, 4. Trần Việt Ngữ (biên soạn), Tìm hiểu nghệ thuật hát xẩm, tái bản có bổ sung, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017, tr.18, 12.

3. Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2003, tr.119.

5. Phạm Thị Hà, Hát xẩm và nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu ở Ninh Bình. Luận văn Thạc sĩ Ngôn ngữ, văn hóa và văn học Việt Nam, Trường Đại học Khoa học - Trường Đại học Thái Nguyên, 2017, tr.1.

6. Nguyễn Xuân Bính, Bảo tồn nghệ thuật Hát Xẩm trên địa bàn huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2017-2020, đề án tốt nghiệp Cao cấp chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực I, 2017.

7. Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Mận - con gái cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, 6-2020.

8. Bùi Đình Thảo, Hát xẩm, Sở Văn hóa thông tin Ninh Bình, tr.9, 1995.

9, 10. Phỏng vấn GS, TS Đặng Hoành Loan, Nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 7-2020.

11. Nguyễn Thị Bích Ngoan, Nghệ thuật hát xẩm, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 351, 9-2013, tr.111.

12. Phỏng vấn Đào Bạch Linh, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, 8-2020.

13. Trần Tuấn Khải (1895-1983), là một nhà thơ yêu nước từng bị Pháp bắt giam vào Hỏa Lò.

14. Phỏng vấn ông Trịnh Xuân Quảng (70 tuổi), xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, 6-2020.

15. Kiều Trung Sơn, Hát xẩm - những dấu vết lịch sử, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 6 (180), 2018, tr.37.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thị Thanh Dung, Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, 2018.

2. Nguyễn Thị Hạnh, Vũ Diệu Trung, tài liệu phỏng vấn, điền dã tháng 3-2020 và tháng 6-2020 tại địa bàn các xã Yên Phong, Yên Nhân và Yên Thành, huyện Yên Mô và trích trong hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL công nhận Nghệ thuật hát xẩm ở Ninh Bình ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2020.

3. Bùi Trọng Hiền, Ngày xuân tản mạn đôi điều về hát xẩm, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 2, 1997, tr.78-79.

4. Phan Thị Hoa Lý, Đọc cuốn Hát xẩm của Trần Việt Ngữ, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, 2002, tr.83-85.

5. Trần Việt Ngữ, Hát xẩm, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2002.

6. Phan Đăng Nhật, Bảo tồn và phát huy hát xẩm Hà Nội, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, 2007, tr.41-43.

7. Vũ Nhật Tân, Hát xẩm, Tạp chí Tia sáng, số 11, 2005, tr.61-62.

8. Bùi Đình Thảo, Hát xẩm, Sở văn hóa, Thông tin tỉnh Ninh Bình, 1995.

9. Tham khảo các tài liệu về hát xẩm của nhạc sĩ Thao Giang, nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ, nghệ sĩ Khương Cường, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các tài liệu trên internet…

TS VŨ DIỆU TRUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;