Thế hệ Gen Z với lễ hội truyền thống tại địa phương

Lễ hội truyền thống (LHTT) là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Việt Nam, nó phản ánh lịch sử, phong tục tập quán, tinh thần đoàn kết của người dân trong cùng một địa phương. Thế hệ Gen Z (năm sinh từ 1995-2010) là một thế hệ năng động, nhiệt huyết, được tiếp cận sớm với công nghệ và toàn cầu hóa. Đây là thế hệ cần ý thức được vai trò, ý nghĩa cũng như trách nhiệm của mình đối với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nghiên cứu này tìm hiểu hứng thú của thế hệ Gen Z với LHTT địa phương ở cả phần lễ và phần hội.

1. Đặt vấn đề

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã hình thành những nét bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Trong đó, lễ hội luôn là một nét văn hóa gắn liền với đời sống của nhân dân, là dịp để mọi người trong làng, xã phân công nhau các công việc, cùng thực hiện những nhiệm vụ hướng tới mục tiêu tâm linh, thể hiện sự cố kết cộng đồng. Là sinh hoạt văn hóa đặc trưng, lễ hội xuất hiện từ rất sớm và có những nét khác nhau giữa mọi miền đất nước. Lễ hội ở Việt Nam thường được tổ chức vào mùa xuân theo quan niệm: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Mùa xuân tượng trưng cho sự sinh sôi, thời tiết ấm áp, cây cối đâm chồi nảy lộc, thiên nhiên tươi tốt, lòng người hân hoan. Theo thống kê năm 2009, nước ta có 7.966 lễ hội, phần lớn là các LHTT.

Gen Z là một thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê và sáng tạo, được tiếp cận với những tiến bộ công nghệ và văn hóa nhân loại từ rất sớm. Chính vì vậy, quá trình truyền và tiếp biến văn hóa ở thế hệ này cũng cần được nghiên cứu, là cơ sở để những chương trình giáo dục về văn hóa mang tính thực tiễn và tiếp cận với đúng tâm lý lứa tuổi.

2. Nội dung nghiên cứu

Giới thiệu về thế hệ Gen Z

Gen Z là thế hệ đầu tiên của xã hội được tiếp cận với internet, công nghệ di động và kỹ thuật số ngay từ khi còn nhỏ (1). So với các thế hệ trước, những thành viên của thế hệ Gen Z ở một số quốc gia phát triển có xu hướng cư xử tốt, nhanh nhẹn và không thích rủi ro (2). Đây cũng là một thế hệ có tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên thấp hơn, uống rượu ít hơn so với thế hệ trước đó (3). Điều này cũng dễ lý giải, khi khoa học, kỹ thuật ngày càng phát triển mạnh, việc truy cập tìm kiếm thông tin cần thiết ngày càng trở nên dễ dàng. Truyền thông đại chúng cũng rất đa dạng nên việc nhận thức về những hành vi tốt và không tốt dường như được thế hệ Gen Z nhận thức rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, chính sự phát triển đó lại là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về tâm lý mà thế hệ Gen Z gặp phải. Bởi lẽ, sự tiếp cận thường xuyên với internet cũng như mạng xã hội khiến cho những vấn đề về bắt nạt trực tuyến, quấy rối, miệt thị hay áp lực đồng trang lứa xảy ra, rất khó để các bậc phụ huynh kiểm soát. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, chỉ có 45% những người trong thế hệ Gen Z cảm thấy sức khỏe tâm thần của mình ổn định hoặc tốt. Gen Z cũng dễ gặp những vấn đề như: lo âu trong việc định hình bản thân, lo âu trong định hướng nghề nghiệp... (4).

Gen Z là một thế hệ vô cùng sáng tạo. Việc bùng nổ thông tin và tiếp cận thông tin một cách dễ dàng hơn so với các thế hệ trước, khiến cho Gen Z tiếp nhận được lượng thông tin khổng lồ. Internet và những ứng dụng kết nối đã giúp cho thế hệ này có thể khai thác được tài nguyên số ở nhiều quốc gia khác nhau một cách rất sớm. Bên cạnh đó, sự nhanh nhạy trong kỹ thuật, công nghệ tạo ra bản sắc của Gen Z. Họ có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ, kỹ thuật một cách rất nhanh chóng nhờ biết sử dụng thành thạo các công cụ. Ngoài ra, việc thể hiện bản thân của thế hệ này còn trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết vì có nhiều kênh truyền thông xuất hiện, thậm chí có thể trở thành người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng nhờ mạng xã hội. Sự kết nối rộng và thể hiện bản thân khiến Gen Z khẳng định được vị trí của mình trong xã hội.

Gen Z là chủ nhân tương lai của đất nước, chính vì vậy, việc tìm hiểu hứng thú của thế hệ này với những giá trị truyền thống là vô cùng cần thiết. Chỉ khi họ thực sự hứng thú thì những giá trị truyền thống mới được họ tiếp nhận, từ đó hình thành thái độ trân trọng và hành vi gìn giữ những giá trị đó. Trong bối cảnh ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, việc gìn giữ những nét đẹp của LHTT cũng là một trong những vấn đề mà Gen Z cần nhận thức rõ và có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phương pháp và kết quả nghiên cứu

Nghiên cứu này được thực hiện bằng phương pháp khảo sát xã hội học, đồng thời kết hợp với nghiên cứu tài liệu và phỏng vấn sâu để đưa ra những luận điểm phục vụ cho việc lập luận. Thông qua phần mềm bổ trợ Google Form, nghiên cứu nhận được 140 khách thể tham gia khảo sát với nội dung: Hứng thú của thế hệ Gen Z với phần lễ (đề cập đến phần nghi thức bắt buộc trong các LHTT, như: tế cúng thần, tắm tượng, mặc áo, đội mũ, mặc áo cho tượng thần…; Hứng thú của thế hệ Gen Z với phần hội (bao gồm các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian và hoạt động dịch vụ).

Trong số các khách thể nghiên cứu, có 126 khách thể (90%) sống tại địa phương có LHTT. Các LHTT được liệt kê khá đa dạng với các quy mô lớn nhỏ khác nhau. Về quy mô lớn, các lễ hội được nhắc tới như: lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Trần, lễ hội Đống Đa, lễ hội Núi Voi, lễ hội thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn… Lễ hội có quy mô nhỏ là lễ hội được tổ chức tại các làng, xã ở các địa phương, lặp lại theo một số năm nhất định (hằng năm, 3 năm hoặc 5 năm).

Phần lễ trong LHTT là phần nghi thức vô cùng quan trọng, được xem là linh hồn của lễ hội. Khảo sát cho thấy, phần lễ vẫn được phần lớn người trẻ hứng thú (60%). Tuy nhiên, số lượng người trẻ cảm thấy bình thường với phần lễ cũng có một tỷ lệ khá lớn 43,3% và 0,7% không hứng thú với phần này. Tại sao phần lễ vẫn có một số lượng lớn người trẻ cảm thấy ít hứng thú như vậy? Nghiên cứu tiến hành phỏng vấn sâu một số trường hợp và thu được những ý kiến như sau: “Đa số phần lễ là những nghi thức cúng bái, thường diễn ra rất lâu. Bên cạnh đó, chúng em không hiểu rõ được là nghi thức thực hiện với ai, thực hiện nhằm mục đích gì. Không có ai giải thích trước khi thực hiện nghi lễ. Nên khi xem chỉ thấy dâng hương thôi, không đặc sắc lắm ạ”. “Em đi với bạn bè, chúng em ít xem cúng bái. Bọn em đi chơi là chính. Đi xem vui vui thôi chứ xem lễ nghi đông người mà cũng chỉ đi lại dâng hương” (5). Như vậy, quá trình thực hiện nghi thức hầu hết diễn ra theo trình tự của Ban tổ chức, các bạn trẻ không nhận thức được rõ ý nghĩa của phần lễ nên chưa thực sự hứng thú. Ngoài ra, từ các ý kiến tổng hợp được về việc tại sao một số bạn trẻ ít hứng thú với phần lễ, nghiên cứu cũng thu được những câu trả lời khác như sau: “do quá dài”, “do nhiều người lớn tuổi”, “do mùi đốt hương”, “không có chỗ ngồi”…

Như vậy, trong khâu tổ chức, Ban tổ chức cũng cần để ý đến hai vấn đề: Thứ nhất, vấn đề nhân sự được phân bổ trong quá trình thực hiện nghi thức. Đa số trong các phần thực hiện nghi thức, chúng ta đều thấy những nhân sự “có tuổi”, thường là cao niên trong làng, có đầy đủ phẩm chất, tư cách để thực hiện nghi lễ. Tuy nhiên, nếu nhận thức được trách nhiệm cũng như có hứng thú với LHTT, thì thế hệ Gen Z cũng có thể tham gia phần nghi lễ. Ban tổ chức cơ cấu thêm nhân sự trẻ tuổi, có tài, có đức để tạo ra sự tiếp nối thế hệ. Thứ hai, Ban tổ chức cũng quan tâm tới công tác hậu cần: bố trí vị trí ngồi hoặc đứng cho khán giả tham gia phần lễ, vì phần này diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài.

Khác với sự trang nghiêm của phần lễ, phần hội mang lại không khí vui tươi, nhộn nhịp và cũng mang tới sức hút cho lễ hội. Ở nhiều địa phương, phần hội thu hút được rất nhiều giới trẻ, bởi có nhiều hoạt động mới, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của họ. Khảo sát các khách thể dựa trên các hoạt động hội chủ yếu như: văn nghệ, trò chơi dân gian và dịch vụ.

Hoạt động văn nghệ tại LHTT thường do “diễn viên làng” thể hiện. Đây là những người trong làng, tự tập các tiết mục văn nghệ nhằm phục vụ lễ hội, với nội dung ca ngợi đất nước, con người, hay những bài hát, múa truyền thống của dân tộc, địa phương. Khi xã hội ngày càng phát triển, các chủ đề thường được mở rộng hơn, có sự tham gia của giới trẻ với những tiết mục văn nghệ mới hơn. Số lượng Gen Z cảm thấy hứng thú (58,6%) và bình thường (42,9%) với hoạt động văn nghệ trong LHTT chênh lệch không nhiều. Đặc điểm của những tiết mục văn nghệ ở LHTT quy mô nhỏ là được dân làng cùng nhau tập luyện và thể hiện. Nhiều người trẻ vẫn hứng thú với những tiết mục văn nghệ này vì “tinh thần” mà người dân mang lại trong các tiết mục chứ không phải do nội dung. Những người dân hằng ngày chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, “chân lấm tay bùn” hoặc buôn bán, dường như đã được “đẹp hơn” trong các tiết mục văn nghệ. Họ được trang điểm, diện trang phục, tạo ra sự tươi vui, thay đổi từ bên ngoài diện mạo lẫn bên trong tâm hồn. Họ thể hiện được tinh thần chung, cùng nhau cố gắng, nỗ lực vì công việc của làng, của xã. Chứng kiến sự thay đổi ấy, thế hệ Gen Z trong làng, xã rất hãnh diện, tự hào và cũng đầy hứng thú với những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cảm thấy không hứng thú với các hoạt động văn nghệ. Để lý giải điều này, chúng tôi phỏng vấn một số người trẻ và nhận được các đáp án: “chưa chuyên nghiệp”, “không hấp dẫn”, “buồn cười”, “không thích thể loại nhạc”, “chơi với các bạn vui hơn”… Có thể thấy, cùng với sự phát triển nhanh, mạnh như vũ bão của xã hội, nhu cầu về mặt “thị hiếu” của con người tăng lên rất nhiều. Nhất là đối với thế hệ Gen Z, một thế hệ của công nghệ, kỹ thuật số thì việc tiếp cận nhiều loại hình văn nghệ trở nên dễ dàng hơn. Và vì vậy, ắt hẳn họ cũng có những so sánh, đánh giá giữa những tiết mục trong LHTT với những tiết mục văn nghệ mà họ thường xem. Những yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng nghệ thuật, sự chuyên nghiệp của thế hệ này cũng cao hơn rất nhiều so với các thế hệ trước đây. Việc cải tiến về mặt nội dung các tiết mục văn nghệ, đa dạng hóa hình thức hoặc tăng sự chuyên nghiệp cũng là vấn đề để những người tổ chức lễ hội cần phải lưu ý để thu hút được giới trẻ vào các LHTT của địa phương.

So với phần lễ và phần văn nghệ thì trò chơi dân gian là phần thu hút Gen Z hơn cả. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các trò chơi dân gian như: đấu vật, kéo co, bơi thuyền, ném còn… có số lượng lớn khách thể thấy hứng thú chiếm tới 70,7%. Số lượng Gen Z cảm thấy bình thường với các hoạt động này là 32,1% và chỉ có 0,7% là không hứng thú.

Từ xa xưa, trong các dịp lễ tết hay hội hè, trò chơi dân gian luôn thu hút được một lượng lớn người tham gia. Bởi lẽ, nó mang tới những tiếng cười sảng khoái sau những ngày đi làm vất vả, tạo ra bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp. Trò chơi dân gian cũng chứa đựng trong nó những nét đẹp văn hóa riêng, thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo, thông minh của con người Việt Nam. Đồng thời cũng thể hiện tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tạo ra sự gắn kết cộng đồng. Bản thân những trò chơi dân gian cũng phù hợp với hứng thú và sở thích của nhiều lứa tuổi khác nhau. Gen Z cũng không ngoại lệ khi đa số những khách thể tham gia nghiên cứu này vẫn rất hứng thú với những trò chơi dân gian ấy.

Tuy nhiên, cũng có một bộ phận không nhỏ khách thể tham gia khảo sát cảm thấy bình thường với các trò chơi dân gian trong lễ hội. Ngày nay, do công nghệ và kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con người nên giới trẻ có nhiều thú vui hơn. Sự đa dạng các loại hình giải trí hiện đại khiến cho giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn, nhiều em ít hứng thú với những thứ thuộc về truyền thống. Cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của xã hội, nhất là ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, mọi người ít tương tác với hàng xóm láng giềng nên tinh thần đoàn kết, tính tập thể giảm sút. Từ đó, những trò chơi mang tính tập thể cũng không được nhiều bạn trẻ hứng thú.

Trong LHTT, các hoạt động dịch vụ cũng không thể thiếu và góp phần làm nên sự đa dạng cũng như không khí nhộn nhịp cho lễ hội. Đối với các hoạt động dịch vụ như: mua bán đồ ăn, đồ uống; các trò giải trí: đu quay, ném bóng… trong LHTT ở địa phương cũng là một điểm đáng được quan tâm để khâu tổ chức lễ hội đạt được hiệu quả cao. Nghiên cứu cho thấy: có 60,7% người tham gia khảo sát hứng thú với các hoạt động dịch vụ, tuy nhiên cũng vẫn có một số lượng lớn cảm thấy bình thường với các hoạt động này, có 2,9% không hứng thú với các hoạt động dịch vụ ở LHTT của địa phương.

3. Kết luận

Như vậy, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, hứng thú của thế hệ trẻ với LHTT ngày càng giảm đi. Nếu như trước đây, LHTT là một sự kiện đáng mong chờ, là hoạt động vừa mang tính linh thiêng lại vừa mang tính sôi động, thì đến nay, đặc điểm tâm lý của thế hệ Gen Z có sự khác biệt lớn so với những thế hệ trước.

Từ kết quả khảo sát, các nhà tổ chức lễ hội có thể tập trung đi sâu tìm hiểu về những lĩnh vực mà Gen Z hứng thú để thiết kế các nội dung phù hợp và thu hút được giới trẻ vào các LHTT, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tiếp nối văn hóa truyền thống của cha ông.

_____________

1. Turner, Anthony, Generation Z: Technology And Social Interest (Thế hệ Z: Công nghệ và lợi ích xã hội), Tạp chí Tâm lý học cá nhân, số 71 (2), 2015, tr.103-113.

2. Data Team, Generation Z is stressed, depressed and exam-obsessed (Thế hệ Z bị căng thẳng, chán nản và ám ảnh kỳ thị), Tạp chí Kinh tế, Chicago, 27-2-2019.

3. Twenge, Jean, Why today’s teens aren’t in any hurry to grow up (Tại sao thanh thiếu niên ngày nay không vội vàng lớn lên), Tạp chí The Conversation, Úc, 2017; Chandler-Wilde, Helen, The future of Gen Z’s mental health: How to fix the “unhappiest generation ever” (Tương lai của sức khỏe tinh thần gen Z: Làm thế nào để khắc phục “thế hệ bất hạnh nhất từ trước đến nay”), Tạp chí The Telegraph, Anh, 8-2020.

4. Stress in America, Generation Z (Căng thẳng ở Hoa Kỳ, thế hệ Gen Z), Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, Washington, 8-2018.

5. Phỏng vấn bạn H.V.S (sinh năm 1997) và H.V.T (sinh năm 2002).

Tài liệu tham khảo

1. Thu Linh, Đặng Văn Lung, Lễ hội truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa, 1984.

2. Thạch Phương, Lê Trung Vũ, 60 lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2015.

3. GS, TS Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Tri Thức, 2018.

4. Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Đỗ Trọng Quang, Trần Đỉnh (dịch), Nxb Thế giới, 2020.

5. Vũ Thụy An, Lễ hội văn hóa ba miền, Nxb Thăng Long, 2017.

6. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách Khoa, 2010.

7. Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005.

8. Lệ Hằng, Vai trò của lễ hội truyền thống với phát triển du lịch ở thành phố Đồng Hới, Tạp chí Văn hóa Quảng Bình, số 4, 2017.

Ths VŨ THỊ HỒNG TỨ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;