Kiến tạo truyền thống - lựa chọn trong bảo tồn và phát huy Văn Miếu hàng tỉnh ở đồng bằng sông Hồng

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với những thăng trầm của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như những tác động khách quan và chủ quan từ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhiều Văn Miếu hàng tỉnh ở Việt Nam đã bị hư hại, xuống cấp và thậm chí biến mất. Từ sau Đổi mới, cùng với nhiều loại hình di sản khác, các Văn Miếu hàng tỉnh ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) từng bước được phục hồi. Trong quá trình bảo tồn, phục hồi và khai thác giá trị di sản, có thể nhận thấy có nhiều sự thay đổi trong các hoạt động thờ tự, tổ chức tế lễ cũng như phục hồi các công trình, hiện vật cũ của các Văn Miếu hàng tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu của chính đời sống văn hóa đương đại. Bài viết sử dụng lý thuyết Sáng tạo truyền thống để xem xét nguyên nhân và cách thức mà những truyền thống cũ đã được kiến tạo như thế nào ở các Văn Miếu hàng tỉnh thuộc ĐBSH. Đồng thời đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản Văn Miếu hàng tỉnh ở miền Bắc trong thời đại xã hội số ở Việt Nam hiện nay.

1. Khái niệm Sáng tạo truyền thống

Sáng tạo truyền thống hay Truyền thống được sáng tạo là một lý thuyết được đề cập đến trong cuốn sách The Invention of Tradition (Sáng tạo ra truyền thống) do Eric Hobsbawm và Terence Ranger chủ biên xuất bản năm 1983 và tiếp tục tái bản nhiều năm sau (1).

The Invention of Tradition đề cập đến những cách thức mà nhiều truyền thống thường được coi là lâu đời, nhưng có nguồn gốc gần đây và có khi được sáng tạo ra. Eric Hobsbawm giả định rằng “sáng tạo truyền thống về bản chất là một quá trình hợp thức hóa và nghi thức hóa được đặc trưng bởi những liên hệ với quá khứ, bằng cách áp đặt hành động tái diễn” (2). Ông cũng cho rằng “truyền thống được sáng tạo” là biểu hiện của sự thay đổi xã hội trong đó các truyền thống cũ đã không còn phù hợp hoặc bị đào thải trên phương diện nào đó. Do vậy, truyền thống được kiến tạo trở nên khá phổ biến trong hơn 200 năm qua tính từ cuộc Cách mạng Công nghiệp với ba dạng thức chính: những truyền thống được sáng tạo nhằm thiết lập hoặc biểu trưng cho tính gắn kết xã hội hay cộng đồng; những truyền thống được sáng tạo nhằm thiết lập các thiết chế xã hội, địa vị hay các quan hệ quyền lực, và những truyền thống được sáng tạo để giáo dục, gây dựng niềm tin, hệ giá trị và quy ước hành xử. Đó chính là quá trình “sự thích nghi được thực hiện cho cách sử dụng cũ được áp dụng vào các hoàn cảnh mới và bằng cách sử dụng các mô hình cũ cho những mục đích mới” (3).

Như vậy, từ góc nhìn của Eric Hobsbawm, sáng tạo truyền thống chính là những truyền thống mới được tạo ra trên nền của những truyền thống cũ, dựa trên chất liệu truyền thống, vay mượn trong kho chứa của dân gian như nghi lễ, biểu tượng...

2. Các dạng thức kiến tạo truyền thống tại Văn Miếu hàng tỉnh ở ĐBSH

Những phân tích trên cho thấy kiến tạo truyền thống có thể xuất hiện và được áp dụng ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở những nơi mà truyền thống bị đứt đoạn, bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đáng kể do những tác động của điều kiện môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và từ chính con người.

Tư liệu lịch sử cho biết, đến TK XIX ở Việt Nam có 26 Văn Miếu hàng tỉnh, bên cạnh Văn Miếu Huế, Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội đã có lịch sử lâu đời. Dưới thời Nguyễn, triều đình có những quy định rõ ràng về việc thờ tự, tế lễ, quy mô xây dựng và quy cách quản lý đối với các Văn Miếu hàng tỉnh trên tinh thần lấy Văn Miếu Trung ương làm quy chuẩn nhưng giản lược hơn.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những tác động của con người, nhiều Văn Miếu hàng tỉnh ở Việt Nam đã bị xuống cấp, hư hại và bị phá hủy, chỉ còn duy nhất Văn Miếu của Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Ngoài ba Văn Miếu này, từ sau những năm 2000, Văn Miếu của tỉnh Vĩnh Phúc và Văn Miếu Sơn Tây được phục hồi, xây mới hoàn toàn.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy là các Văn Miếu Bắc Ninh, Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương) chịu nhiều tổn thất về di sản vật thể (nhiều hạng mục công trình bị phá hủy hoặc bị xuống cấp trầm trọng trong kháng chiến chống Pháp, bị chuyển đổi công năng nhằm phục vụ sản xuất, giáo dục... trong chiến tranh chống Mỹ và thậm chí có thời gian “bị quên lãng” trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế). Thêm vào đó, nguồn tư liệu ghi chép thông tin về các Văn Miếu hàng tỉnh không nhiều. Chính sự thiếu vắng của tư liệu chữ viết, ảnh, bản vẽ... cộng với sự xuống cấp của di sản vật thể, sự thất truyền trong di sản phi vật thể ở các Văn Miếu hàng tỉnh khiến các thế hệ sau trong quá trình bảo tồn, tôn tạo phải tái tạo mới trên cơ sở nội dung cũ, tức là dựa vào truyền thống và những gì còn lại không đầy đủ.

Qua khảo sát và nghiên cứu quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phục hồi các Văn Miếu hàng tỉnh ở ĐBSH, chúng tôi nhận thấy việc kiến tạo truyền thống diễn ra ở khía cạnh vật thể và phi vật thể.

Trong cách thức thờ tự

Cho đến TK XIX, Văn Miếu hàng tỉnh là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thất thập nhị hiền cùng các vị khoa bảng ở địa phương. Ngoài ra, từ sau thời vua Minh Mệnh và Tự Đức, lần lượt Sĩ Nhiếp và Chu Văn An được đưa vào phối thờ cùng các bậc tiên hiền, tiên Nho tại Văn Miếu hàng tỉnh. Tuy nhiên, sau quá trình phục hồi trở lại, có thể nhận thấy, các Văn Miếu hàng tỉnh ở ĐBSH đều có những “điều chỉnh” riêng trong việc thờ tự.

Nếu như Văn Miếu Bắc Ninh, Hưng Yên về cơ bản vẫn duy trì cách thức thờ tự truyền thống đối với những người có công sáng lập và phát triển Nho giáo là thờ Khổng Tử và Chu Văn An thì Văn Miếu Hải Dương và Văn Miếu Vĩnh Phúc đã có những thay đổi nhất định.

Năm 2002, ngoài Khổng Tử và Chu Văn An, Văn Miếu Hải Dương phối thờ thêm Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh, Vũ Hữu và Nguyễn Thị Duệ. Điểm chung của các nhân vật được đưa vào thờ tự tại đây là những người có cuộc đời và sự nghiệp gắn với Nho giáo, giáo dục Nho học Đại Việt mà còn liên quan, gắn bó với vùng đất Hải Dương. Tương tự, Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc sau khi xây dựng lại, ngoài Khổng Tử và Chu Văn An còn thờ 86 vị đỗ đại khoa của nền giáo dục Nho học từ thời Lý đến thời Nguyễn trên địa bàn tỉnh.

Việc đưa những nhà khoa bảng tiêu biểu (Văn Miếu Hải Dương) hay những người đỗ đạt của nền giáo dục quân chủ (Văn Miếu Vĩnh Phúc) của địa phương vào thờ tự chính là quá trình Việt hóa trong chức năng thờ tự của Văn Miếu hàng tỉnh. Quá trình Việt hóa này đã từng diễn ra trước đây trong lịch sử khi nhà Trần đưa Chu Văn An, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình vào tòng tự tại Văn Miếu Thăng Long năm 1370 và 1371. Vì nhiều lý do khác nhau nên trong số ba người phối thờ nói trên, duy nhất chỉ có Chu Văn An là được tiếp tục thờ tự ở Văn Miếu Thăng Long. Có lẽ đây là một thực tế và kinh nghiệm của lịch sử đã từng diễn ra ở Văn Miếu cấp Trung ương như một cách tham khảo từ truyền thống để các tỉnh Hải Dương và Vĩnh Phúc lựa chọn việc cho phối thờ các danh nhân khoa bảng địa phương. Điều này, nếu chiếu theo lý thuyết của Eric Hobsbawm thì các kiến tạo này “vẫn cố gắng tạo lập liên kết với một quá khứ lịch sử phù hợp” theo nghĩa vẫn gắn liền với Nho giáo, Nho học và với thực tiễn Việt hóa đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong cách thức tổ chức tế lễ

Dưới thời Nguyễn, tế Khổng Tử ở Văn Miếu Trung ương được diễn ra long trọng vào ngày Đinh của hai tháng trọng xuân và trọng thu theo nghi thức của triều đình với sự tham dự của nhà Vua. Đối với các văn miếu hàng tỉnh, từ thời nhà Lê trở đi, Nhà nước định lệ tế vào 2 ngày Đinh của mùa xuân và mùa thu nhưng chỉ tế Thập triết (10 vị hiền triết) mà không tế Khổng Tử. Việc tế lễ do các quan đứng đầu tỉnh, Tri phủ, Tri huyện đứng ra tổ chức với sự tham gia của Nho sĩ và nhân dân trong tỉnh. Mục đích của việc tế lễ nhằm đề cao Nho giáo, tôn thờ các bậc đại Nho cũng như phát huy khí thế Nho học của địa phương.

Tuy nhiên, từ sau năm 1945, chế độ phong kiến chấm dứt, việc tế lễ tại Văn Miếu Trung ương cũng như Văn Miếu hàng tỉnh không còn được tổ chức. Trước sự đứt gãy của việc thực hành tế tự trong thời gian dài, ngày nay việc tổ chức tế tự ở các Văn Miếu hàng tỉnh đã có nhiều biến đổi so với trước. Vẫn trên cái gốc của truyền thống là tôn vinh các thánh hiền, các vị đỗ đại khoa, tôn vinh truyền thống khoa bảng, mỗi tỉnh chọn một cách thức tổ chức khác nhau. Văn Miếu tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ dâng hương định kỳ vào ngày Rằm tháng Giêng với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh. Văn Miếu Hưng Yên thì tùy từng năm mà có sự tham gia của các đội tế ở các địa phương về tham gia. Hoạt động tế xuân và thu ở Văn Miếu Vĩnh Phúc có sự tham gia của các đoàn tế dòng họ khoa bảng trong tỉnh. Văn Miếu Hải Dương không chỉ có hoạt động tế của các đoàn tế địa phương mà còn phát triển các hoạt động lễ hội gắn với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo như lễ rước chữ, múa rối “vinh quy bái tổ”... Như vậy, có thể thấy, các Văn Miếu hàng tỉnh vẫn duy trì hoạt động tế lễ nhưng đã có chuyển hướng cho phù hợp. Hoạt động tế lễ không chỉ là hoạt động mang tính “quan phương” chiếm vị trí chủ đạo mà đã trở thành hoạt động với sự tham gia của các cấp quản lý, của cộng đồng. Điều này phù hợp với lý thuyết của Eric Hobsbawm khi ông cho rằng “những nguyên liệu cũ lại được thiên biến vạn hóa để thích ứng với hoàn cảnh mới”.

Trong cách phục hồi giá trị của di sản

Đối với hệ thống di sản vật thể, cấu trúc chung của các Văn Miếu hàng tỉnh gồm có: cổng Tam quan, gác chuông, gác khánh, nhà tả vu, hữu vu, tiền đường (tiền tế) và hậu cung (chính điện). Ngoài ra, giống với Văn Miếu Trung ương, một số Văn Miếu hàng tỉnh có văn bia chữ Hán ghi và vinh danh những người đỗ Tiến sĩ của nền giáo dục Nho học như 12 tấm bia Tiến sĩ của Văn Miếu Bắc Ninh và 8 tấm bia Tiến sĩ của Văn Miếu Xích Đằng.

Trong quá khứ, Văn Miếu Hải Dương chỉ có những tấm bia ghi việc tái lập và trùng tu có niên đại TK XIX mà không có bia đề danh Tiến sĩ. Năm 2002, Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương đã tổ chức Hội thảo khoa học xác định nội dung và cho dựng mới 14 tấm bia, trong đó có 13 tấm bia đề danh Tiến sĩ Nho học trấn Hải Dương từ khoa thi năm 1075 đến 1919. Bia Tiến sĩ có khổ lớn, đặt trên Rùa, khắc chữ Hán ở mặt trước, chữ Quốc ngữ ở mặt sau. Nội dung văn bia ghi họ tên, quê quán, khoa thi và học vị mà các vị đại khoa đỗ đạt (4). Tương tự Văn Miếu Hải Dương, Văn Miếu Vĩnh Phúc do không có bia Tiến sĩ từ trước, nên đã dựng mới 18 tấm bia Tiến sĩ, khắc tên 91 vị đỗ đại khoa của tỉnh Vĩnh Phúc từ thời Lý đến thời Nguyễn. Bia được khắc hai mặt, một mặt chữ Hán và một mặt chữ Quốc ngữ, với nội dung ghi họ tên, quê quán, năm sinh, năm mất, năm thi đỗ và chức vụ của các vị đỗ Tiến sĩ. Như vậy, ở cả Văn Miếu Hải Dương và Vĩnh Phúc đều chọn cách thức tiếp tục truyền thống bằng cách dựng bia Tiến sĩ, vinh danh những người đỗ đạt khoa bảng ở các địa phương, nhưng bổ sung thêm chữ Quốc ngữ ở mặt sau bia để khách tham quan ngày nay có thể hiểu nội dung của phần chữ Hán phía trước.

Trước đây, tại Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội, do Hậu cung là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối và Thập triết nên nhà Tả vu và Hữu vu là nơi thờ 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử. Tuy nhiên, sau quá trình phục hồi và khai thác di sản, hiện nay tại Hà Nội, cũng như tại các Văn Miếu của các tỉnh ở ĐBSH về cơ bản là hai tòa nhà được sử dụng vào mục đích khác nhau: hoặc là nơi làm việc của đơn vị quản lý di tích hoặc là nơi tổ chức các trưng bày, giới thiệu về giáo dục khoa cử Nho học ở Việt Nam nói chung và ở địa phương nói riêng. Ví dụ, nhà tả vu và hữu vu của Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên) là nơi trưng bày các hình ảnh khoa cử của giáo dục Nho học Việt Nam thời Nguyễn; các văn từ, văn chỉ, dòng họ khoa bảng ở Hưng Yên; Văn Miếu Vĩnh Phúc có nhà hữu vu là nơi trưng bày lịch sử hình thành và giáo dục của Trường Chuyên tỉnh Vĩnh Phúc và nhà tả vu là nơi trưng bày về các làng, dòng họ khoa bảng của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Như vậy, rõ ràng là hai tòa nhà tả vu và hữu vu của các Văn Miếu hàng tỉnh ngày nay không còn thực hiện chức năng thờ “Thất thập nhị hiền” như xưa nữa mà đã chuyển đổi công năng cho phù hợp với những đổi thay của cuộc sống đương đại khi mà vị trí, vai trò của Nho giáo, Nho học cũng đã có những thay đổi nhất định. Như vậy, việc dựng mới bia Tiến sĩ hay chuyển đổi công năng của một số công trình kiến trúc tại các Văn Miếu hàng tỉnh thuộc về cách mà Eric Hobsbawm đã nhấn mạnh rằng trong quá trình kiến tạo truyền thống những “ngôn ngữ mới và phương tiện mới” sẽ xuất hiện.

Thay lời kết

Rõ ràng rằng khi những mô hình xã hội cũ vốn tương thích với các truyền thống cũ đã bị mất và những mô hình mới được tạo nên nhưng các truyền thống cũ không còn phù hợp nữa như cách nói của Eric Hobsbawm thì lúc đó quá trình kiến tạo hay sáng tạo truyền thống sẽ xuất hiện.

Từ sau thời kỳ Đổi mới, nhiều Văn Miếu hàng tỉnh đã được bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và đưa vào khai thác sử dụng sau một thời gian dài bị xuống cấp và lãng quên. Từ thực tế của việc tư liệu chính sử ghi chép còn lại không nhiều, nhiều công trình, hiện vật bị phá hủy hoặc mất mát, các thực hành văn hóa bị đứt quãng do những thăng trầm của lịch sử trong khi nhu cầu của việc duy trì đặc trưng và tính chất, giá trị của các Văn miếu hàng tỉnh là một đòi hỏi của việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản khiến cho các sáng tạo hay kiến tạo nhằm tiếp nối truyền thống xuất hiện.

Quan sát quá trình nghiên cứu, đánh giá, quản lý, bảo tồn, khôi phục và khai thác các Văn Miếu hàng tỉnh ở ĐBSH, có thể thấy những kiến tạo truyền thống xuất phát từ nhu cầu của những thay đổi trong đời sống đương đại và là kết quả từ những chủ trương của các cấp, ngành của các tỉnh, sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ học, lịch sử, Hán Nôm, kiến trúc, mỹ thuật, di sản văn hóa... thông qua các hoạt động nghiên cứu và thực tiễn nhằm duy trì và đưa loại hình di sản Nho học vào cuộc sống. Chủ thể của quá trình kiến tạo này có thể “từ trên xuống” hoặc cũng có thể là “từ dưới lên” và là sự kết hợp của chính quyền, các nhà khoa học, các bên liên quan và cộng đồng địa phương sở hữu và sử dụng di sản.

Kiến tạo hay sáng tạo truyền thống ở những giai đoạn đầu có thể gặp nhiều phản ứng khác nhau. Có thể có sự phản đối, không đồng tình và cũng có thể có sự đồng tình. Chính hiệu ứng hay phản hồi từ những người hưởng thụ văn hóa sẽ điều chỉnh các sáng tạo ra truyền thống sao cho phù hợp. Cũng cần lưu ý rằng, những sáng tạo của ngày hôm nay có thể được coi là mới, nhưng sau một thời gian dài ổn định, lặp lại những sáng tạo hay kiến tạo nếu được chấp nhận tiếp tục thực hành thì sẽ lại trở thành truyền thống và một phần bản sắc của nền văn hóa. Vì vậy, kiến tạo truyền thống cần được xây dựng và phát triển dựa trên những đặc trưng, tính chất, giá trị căn bản và bền vững của loại hình di sản cũng như dựa trên mối quan tâm của cộng đồng, chính quyền, các bên liên quan đối với di sản cũng như phù hợp với đời sống đương đại.

Theo Osar Salemink, nếu như “bảo tồn văn hóa có ý nghĩa là sự chối bỏ tính hiện đại, thì điều đó có nghĩa là khóa chặt những cộng đồng văn hóa đó vào trong quá khứ” (5). Cuộc sống đang thay đổi mạnh mẽ từng ngày, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin nên có thể thấy nhu cầu kiến tạo truyền thống là hiện hữu, bởi truyền thống và văn hóa được liên tục tái tạo trong một hoàn cảnh luôn thay đổi (6). Mặc dù vẫn còn có những vấn đề cần nghiên cứu và thảo luận thêm, nhưng ở một mức độ nào đó kiến tạo truyền thống đang tạo ra những biến đổi và sự đa dạng nhất định đối với hệ thống Văn Miếu hàng tỉnh ở miền Bắc Việt Nam hiện nay trong hành trình phát triển kết nối giữa quá khứ và tương lai.

____________

1. Thuật ngữ The Invention of Tradition được chuyển ngữ ở Việt Nam thành: Sáng tạo truyền thống, Sáng tạo ra truyền thống, Tân tạo truyền thống, Phát minh ra truyền thống hay Kiến tạo truyền thống... Trong bài viết này, tùy từng bối cảnh/ ngữ cảnh mà chúng tôi sử dụng thuật ngữ sáng tạo truyền thống hoặc kiến tạo truyền thống.

2, 3. Eric Hobsbawm and Terence Ranger, The invention of tradition, Cambridge University Press, 2000, tr.4. Bản dịch tiếng Việt: Sáng tạo ra truyền thống (Nguyễn Hoàng Nhị Hà dịch, Bùi Hoài Sơn hiệu đính), Tạp chí Văn hóa học, số 1, 2012, tr.88.

4. Ban Quản lý Di tích huyện Cẩm Giàng, Văn miếu Mao Điền - Di tích - Danh nhân và Lễ hội, Hải Dương, 2019, tr.32-33.

5. Oscar Salemink, Một vài suy nghĩ về những người thợ thủ công, nghệ sĩ và trí thức văn hóa trong điều kiện thị trường, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 3 (16), 2006, tr.53.

6. Oscar Salemink, Sự bảo tồn văn hóa và biểu hiện văn hóa, trong Tính đa dạng văn hóa của Việt Nam - Những tiếp cận về sự bảo tồn, Kỷ yếu Hội nghị về sự bảo tồn và phát huy di sản phi vật chất của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam), UNESCO, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.153.

TS ĐỖ THỊ HƯƠNG THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 506, tháng 8-2022

;