Một số tác động đến bảo tồn di sản văn hóa dân ca quan họ trong quá trình hội nhập và phát triển

Thời gian qua, di sản văn hóa (DSVH) dân ca quan họ Bắc Ninh đã được quan tâm, đầu tư để bảo tồn, phát huy giá trị trong cộng đồng. Tuy nhiên, công tác này gặp nhiều tác động, ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế, xã hội, cũng như xu hướng hội nhập. Nhận diện những tác động, ảnh hưởng đó để bước đầu giúp cho việc bảo tồn di sản được hợp lý, đồng thời qua đó điều chỉnh mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phù hợp với sự phát triển chung của cộng đồng.

1. Bảo tồn DSVH trong quá trình hội nhập và phát triển

Bước sang TK XXI, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển diễn ra mạnh mẽ và mang tính tất yếu. Xu thế này đã làm cho nhiều quốc gia, dân tộc có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhau trên tất cả lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Quá trình hội nhập, một mặt làm cho các dòng văn hóa của các khu vực trên thế giới được giao lưu, lan tỏa đưa văn hóa của các quốc gia, dân tộc ra bình diện chung toàn cầu; một mặt làm cho văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc dễ bị hòa tan, mất bản sắc do chịu ảnh hưởng của một số nền văn hóa khác. “Nhiều quốc gia có tiềm lực về kinh tế, quân sự từ đó tự nhiên khiến cho văn hóa của những quốc gia này hình thành thế mạnh. Dù muốn hay không, văn hóa của các quốc gia này có xu thế xâm nhập và thôn tính văn hóa của dân tộc khác” (1). Trước nguy cơ đó, các quốc gia, dân tộc cần tăng cường việc giữ gìn văn hóa truyền thống, trong đó có bảo tồn các DSVH dân tộc.

Theo Luật Di sản văn hóa, DSVH phi vật thể “là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác” (2). Quá trình hội nhập và phát triển tác động đến các DSVH phi vật thể dường như nhiều hơn so với các di sản vật thể, bởi nó có những đặc trưng riêng, dễ bị chi phối bởi những yếu tố khách quan của đời sống xã hội. DSVH phi vật thể tồn tại phụ thuộc khá nhiều vào nhận thức và hành vi của con người - những chủ thể sáng tạo văn hóa. Ở một số trường hợp, chủ thể sáng tạo văn hóa là một cộng đồng cư dân, sự mong muốn, suy nghĩ hay lợi ích của họ sẽ tác động trực tiếp đến DSVH phi vật thể. Cộng đồng sẽ lựa chọn, quyết định những DSVH phi vật thể nào cần được bảo tồn, cũng như cách thức bảo tồn, việc sử dụng, khai thác di sản nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng đó.

DSVH phi vật thể còn hòa quyện vào không gian sinh thái - nhân văn, nơi chúng được sáng tạo ra và đang tồn tại. Đời sống xã hội thay đổi, các cá nhân (chủ thể văn hóa) sinh sống trong xã hội ấy thay đổi để thích ứng, kéo theo các di sản đang được các chủ thể văn hóa nắm giữ cũng bị tác động và dần thay đổi/ biến đổi theo.

Sự phát triển của kinh tế, xã hội, quá trình hội nhập diễn ra mạnh mẽ là các tác nhân tác động đến việc bảo tồn DSVH theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Ngay những năm đầu tiên bước vào TK XXI, UNESCO đã chỉ ra rằng: “Quá trình toàn cầu hóa và chuyển đổi cơ cấu xã hội, cùng với những điều kiện khác đã tạo ra nhiều cơ hội đối thoại mới giữa các cộng đồng, đồng thời cũng làm nảy sinh, tương tự như hiện tượng của sự không khoan dung gây ra, những mối đe dọa về sự suy thoái, biến mất và hủy hoại các DSVH phi vật thể, đặc biệt là do thiếu những nguồn lực dành cho việc bảo vệ loại hình di sản này” (3). Sự tác động của hội nhập và phát triển đến bảo tồn các DSVH ở mỗi quốc gia sẽ có mức độ khác nhau, thậm chí ở mỗi địa phương, sự tác động, ảnh hưởng đến từng loại hình cụ thể của DSVH cũng khác nhau. Chính điều đó đã làm cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý cần phải tiếp cận, nghiên cứu để bước đầu nhận diện được những tác động, ảnh hưởng cụ thể đối với DSVH, từ đó đưa ra chính sách, hành động nhằm bảo vệ, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau.

2. Nhận diện một số tác động đến hoạt động bảo tồn DSVH quan họ hiện nay

Dân ca quan họ Bắc Ninh là một loại hình nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và tiêu biểu trong các hình thức diễn xướng dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Có thể nói, dân ca quan họ chính là vẻ đẹp hiện hữu, được kết tinh từ những nét đẹp trên quê hương Kinh Bắc. Theo thống kê, hiện nay có 68 làng quan họ gốc nằm trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, trong đó Bắc Ninh có 44 làng phân bố ở 4 huyện, thành phố (4). Dân ca quan họ không chỉ là hát mà được coi là “chơi quan họ”, một lối chơi dân dã nhưng đòi hỏi nhiều công phu. Đó là lối chơi có quy củ, nề nếp, tuân theo lề lối nhất định thông qua nhiều hình thức diễn xướng như hát canh, hát đối đáp, hát hội, hát chúc, hát mừng, hát cầu đảo, hát kết chạ...

Năm 2009, với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào Danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đồng chuyên môn đánh giá cao dân ca quan họ về giá trị văn hóa, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và trang phục.

Những năm qua, Bắc Ninh là một trong những địa phương có sự hội nhập và tốc độ phát triển kinh tế, xã hội xếp hàng đầu trong cả nước. Là tỉnh có diện tích nhỏ, dân số khoảng 1,15 triệu người, trước đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đến nay, Bắc Ninh được coi là một “thỏi nam châm” của vùng Bắc Bộ, đang đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó đã làm cho Bắc Ninh trở thành địa phương phát triển mạnh mẽ, năm 2021 chỉ số GRDP tăng 6,9% đứng thứ 13, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 8 cả nước về quy mô, thu nhập bình quân đầu người/ tháng đứng thứ 5 cả nước (5). Quá trình hội nhập và phát triển diễn ra mạnh mẽ ở Bắc Ninh, có những tác động đến nhiều mặt của văn hóa, trong đó có các DSVH.

Trước hết, có thể nhận thấy rằng, quá trình phát triển, nhất là về mặt kinh tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH. Trước và sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận, chính quyền địa phương đã đầu tư lượng kinh phí lớn để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa nhằm bảo tồn, lưu giữ các làn điệu quan họ; tiến hành triển khai nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các làn điệu quan họ cổ tại các làng, xã, các nghệ nhân quan họ, cũng như di vật, tư liệu có liên quan. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển, việc sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật đã giúp cho việc sưu tầm, tư liệu hóa và lưu giữ rất thuận lợi. Tư liệu sau khi sưu tầm được lưu giữ tại các trung tâm có trang thiết bị bảo quản hiện đại, đảm bảo có thể gìn giữ trong thời gian dài.

Đối với các DSVH phi vật thể, việc truyền dạy giữa các thế hệ là điều quan trọng để có thể bảo tồn, duy trì được di sản. Thời gian qua, các lớp truyền dạy dân ca quan họ đã được đầu tư, tổ chức ở nhiều địa phương dành cho các lứa tuổi khác nhau, nhất là đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Đến nay đã có 369 làng quan họ thực hành, 381 câu lạc bộ quan họ với hơn 10.000 người ở các độ tuổi tham gia, hàng nghìn người có khả năng truyền dạy (6). Nhiều nơi đã xây dựng mô hình câu lạc bộ quan họ măng non. Đây là cách làm sáng tạo, là một mô hình hiệu quả trong thực hiện chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị của DSVH dân ca quan họ trong xã hội đương đại. Việc truyền dạy quan họ cũng đã được nghiên cứu, biên soạn thành các tài liệu và đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông.

Năm 2018, đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh được tiếp tục triển khai ở giai đoạn 2 đến năm 2022. Theo đó, tỉnh đã đầu tư số lượng kinh phí lớn để thực hiện các chương trình truyền dạy dân ca quan họ, đầu tư xây dựng và tu bổ các thiết chế văn hóa liên quan đến dân ca quan họ. Ngoài những địa điểm sẵn có của làng như đình, đền, chùa... còn có địa điểm dành riêng cho “bọn quan họ” đó là “nhà chứa quan họ”. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành trùng tu hoặc cho xây dựng mới các “nhà chứa quan họ” theo kiến trúc truyền thống ở nhiều làng quan họ gốc như Viêm Xá, Đương Xá, Thị Cầu, Lũng Giang…

Nghệ nhân quan họ cũng được quan tâm đãi ngộ nhằm khích lệ động viên về vật chất và tinh thần. Họ được phong tặng danh hiệu theo quy chế, đồng thời được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng mức lương tối thiểu; NNƯT, NNND hưởng mức hỗ trợ cao hơn. Nhằm tạo sự lan tỏa giá trị của dân ca quan họ, tỉnh Bắc Ninh không những hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ ở địa phương, mà còn cho cả các câu lạc bộ dân ca quan họ tiêu biểu đang hoạt động ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Từ khi nước ta thực hiện chính sách hội nhập, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới, ngành Nghệ thuật biểu diễn nói chung, dân ca quan họ nói riêng có cơ hội được trình diễn, giới thiệu ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ những nét độc đáo, đặc trưng của môn nghệ thuật này. Điều đó đã khẳng định được thương hiệu của dân ca quan họ, thể hiện được bản sắc văn hóa, làm cho các nền văn hóa có sự đối sánh và trân trọng đối với các giá trị của văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình hội nhập và phát triển hiện nay cũng có nhiều tác động, ảnh hưởng mang tính tiêu cực đến việc bảo tồn di sản dân ca quan họ.

Quá trình toàn cầu hóa làm cho các nền văn hóa được lan tỏa, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Đời sống vật chất được nâng cao dẫn đến đời sống tinh thần cũng có nhiều biến đổi, sự hưởng thụ văn hóa được nâng lên rõ rệt. “Trong xu thế toàn cầu hóa, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông, sự xuất hiện của nhiều loại hình nghệ thuật đương đại, sự du nhập, giao lưu với nhiều nền văn hóa dễ làm mối quan tâm của người dân, nhất là giới trẻ đối với DSVH nghệ thuật truyền thống bị mai một…” (7). Một số thuộc giới trẻ sinh ra và lớn lên ở quê hương Bắc Ninh nhưng không biết hát quan họ, không thuộc lời bài hát, cũng ít khi nghe/ xem hát quan họ. “Trong xã hội thông tin, xã hội công nghiệp mà mọi người đều bận rộn, tất tưởi thì một buổi đi xem chèo hay nghe dân ca với quá nhiều câu hát luyến láy, với cốt truyện ngắn, lời ca dài, với thông tin ít và nội tâm ướt át sẽ bị coi là quá xa xỉ, không tránh khỏi cảm giác sốt ruột” (8). Quan họ đã không đáp ứng được tính sôi động mà giới trẻ mong muốn. Trong khi đó, những dòng nhạc mang tính thị trường như một xu thế mới trong âm nhạc, giới trẻ cảm thấy phù hợp hơn, hiện đại và dễ dàng thể hiện hơn.

Mỗi loại hình dân ca, dân vũ đều gắn với một không gian sinh hoạt văn hóa riêng. Dân ca quan họ cũng có không gian diễn xướng của nó, rất đặc trưng, hàm chứa nhiều ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Không gian và cảnh quan - nơi dân ca quan họ được thể hiện, diễn xuất gắn với những hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ với cổng làng, mái đình, rặng tre hay con đê, bến nước, con đò… Quá trình phát triển kinh tế, xã hội, đô thị hóa, nông thôn mới hiện nay đã làm cho những không gian truyền thống ấy bị thay đổi. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, khu dân cư, khu đô thị xuất hiện với mật độ ngày càng lớn đã thu hẹp quỹ đất nông nghiệp, nhiều không gian, cảnh quan sinh hoạt bị mất dần, không gian sinh hoạt truyền thống của quan họ cũng vì đó mà thay đổi theo. Nhiều phong tục xưa dần biến mất, như tục kết chạ giữa các làng quan họ… Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều địa điểm, làng nghề, cảnh quan… cũng là những không gian xưa quan họ thường diễn ra.

Dưới tác động của nhiều yếu tố, bản thân dân ca quan họ hiện nay đã có sự biến đổi như làn điệu, hình thức diễn xướng:

Một trong những yếu tố đặc sắc làm nên giá trị cốt lõi của quan họ chính là hình thức diễn xướng. Ngày nay, nhiều hình thức hát truyền thống vẫn tồn tại nhưng ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Phổ biến nhất là hát đối đáp, hát hội, hát vui, hát thi, hát mừng. Hát lễ thờ, hát kết chạ chỉ diễn ra trong những dịp hội hè. Riêng hình thức hát cầu đảo còn rất ít, được phục dựng chỉ để trình diễn, mang nặng tính hình thức. Do hát cầu đảo thường được tổ chức vào những năm hạn hán để cầu mưa, ngày nay thủy lợi đã đảm bảo cung cấp nước cho tưới tiêu nên không có cơ hội tổ chức nữa.

Hiện nay, lối hát canh, đối đáp ngày càng ít, thay thế bằng hình thức quan họ mới, tức là biểu diễn “hát quan họ” trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng như dịp Tết, lễ hội, cưới hỏi, hát phục vụ du lịch hay nhà hàng… Hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp và hát có múa phụ họa… Quan họ xưa phải là hát đối đáp của cặp liền anh, liền chị giữa các làng với nhau. Ngày nay, canh hát quan họ có thể gồm hát đối đáp giữa những người cùng làng và không phân biệt già, trẻ. Hình thức âm nhạc dân gian độc đáo này không đơn thuần là thú chơi nữa, mà là sự trình diễn của những người biết hát quan họ.

Trước đây, hát quan họ là hát đối không có nhạc đệm, về sau có sử dụng một số nhạc cụ truyền thống như đàn nguyệt, đàn nhị, sáo… Ngày nay, người ta sử dụng những nhạc cụ hiện đại như đàn ghita điện, organ, trống... làm nhạc đệm. Ở nhiều lễ hội, điểm hát, còn dùng micro, tăng âm với công suất lớn. Điều này làm cho sự tinh tế, ý nhị, nhẹ nhàng thuần khiết của quan họ bị mất đi, thay vào đó là sự xô bồ, ầm ĩ.

Về các làn điệu, cách hát, những làn điệu quan họ cổ với kỹ thuật hát khó dần bị mai một do không có người kế thừa, nhiều bài quan họ cổ đã bị thất truyền. Hát vang, rền, nền, nảy là những kỹ thuật rất đặc trưng của biểu diễn dân ca quan họ ít người có thể thực hiện. Trong quá trình hát, người hát ít nhập tâm vào lời hát, câu hát, mà chủ yếu “diễn xuất”.

Sự thương mại hóa trong sinh hoạt quan họ cũng biểu hiện ngày càng rõ nét. Khi đời sống kinh tế đầy đủ, nhà nhà đều có điều kiện vật chất, nên trong đời sống họ muốn hưởng thụ văn hóa quan họ bằng hình thức đi xem tại các nhà hát, lễ hội, thậm chí là thuê về tư gia để thưởng thức. Ngoài nghệ nhân tại các làng quan họ cổ và nghệ sĩ tại Đoàn Quan họ Bắc Ninh, còn có rất nhiều ca sĩ bình dân, ca sĩ hội chợ, nghệ sĩ thuộc các loại hình nghệ thuật khác cũng tham gia hát quan họ. Nhiều show hát diễn ra tại các bữa tiệc cưới, tiệc nhậu ồn ã không hợp với loại hình nghệ thuật vốn dĩ thanh tao, nhẹ nhàng, lịch thiệp. Có trường hợp người hát quan họ còn mang những trang phục lòe loẹt, rực rỡ, không theo lối của người quan họ xưa vốn thường kín đáo, nền nã, hài hòa…

3. Một số giải pháp bảo tồn DSVH quan họ trong giai đoạn hiện nay

Việc bảo tồn DSVH phi vật thể phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng đang lưu giữ. Công ước Bảo vệ DSVH phi vật thể đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng, nhóm người trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái tạo loại hình DSVH này. UNESCO đánh giá cao sự tham gia tích cực và hiểu biết về các giá trị DSVH của cộng đồng, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất có tính chất quyết định trong việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH. Tri thức, kỹ năng thực hành DSVH phi vật thể nằm trong trí nhớ của con người. Bảo vệ tức là đảm bảo sự tiếp tục thực hành và trao truyền bởi cộng đồng. Cộng đồng là chủ sở hữu di sản và cũng là những người có đủ các điều kiện để bảo vệ di sản nhất. Họ là người xác định, gìn giữ, duy trì, trao truyền và bảo vệ di sản trong mối quan hệ với lịch sử và môi trường tự nhiên xung quanh.

Không thể có hình thức đóng khung đối với DSVH phi vật thể mà cần bảo tồn theo hướng phát triển, có sự linh hoạt uyển chuyển trong từng thời điểm cụ thể. Nhà nghiên cứu A.A Radughin cho rằng: Xu hướng hiện đại của việc suy ngẫm lại vai trò và ý nghĩa của DSVH là ở chỗ, không chỉ cố gắng giữ gìn di sản đó ở dạng ban đầu mà còn cố gắng đưa một cách tích cực di sản đó vào nền móng của đời sống xã hội. Tức là bản thân quá trình lịch sử của văn hóa nghệ thuật xuất hiện ở đây không chỉ như quá trình bảo toàn quá khứ và tích lũy các giá trị văn hóa, mà còn như quá trình phát triển cái mới trong cái cũ (9). Từ đó cho thấy, bảo tồn, gìn giữ DSVH phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh cũng cần có sự linh hoạt khi chịu những tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập hiện nay. Trong quá trình bảo tồn, cần giữ gìn một số yếu tố gốc như các bài ca quan họ cổ, các hình thức sinh hoạt quan họ, hình thức diễn xướng truyền thống, phong tục, tập quán... Bên cạnh đó, cũng cần trân trọng các sáng tạo nghệ thuật mang âm hưởng của dân ca quan họ phù hợp với nhịp sống đương đại, được cộng đồng thừa nhận, tạo nên sức sống mới. Chúng ta nên chấp nhận một số biến đổi của DSVH phi vật thể trong điều kiện mới, bởi lẽ, ngay cộng đồng cũng phần nào chấp nhận những sự thay đổi đó. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục DSVH

Công ước Bảo vệ DSVH phi vật thể đã nhấn mạnh rằng, mỗi quốc gia thành viên phải nỗ lực bằng mọi biện pháp thích hợp, nhằm đảm bảo sự công nhận, tôn trọng và đề cao DSVH phi vật thể trong xã hội, “thông qua các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức và thông tin hướng đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ”. Bởi, thế hệ trẻ chính là đối tượng sẽ được trao truyền, duy trì và phát huy di sản dân ca quan họ. Mặt khác, thế hệ trẻ cũng chính là đối tượng đang chịu những tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của hội nhập văn hóa, của những luồng văn hóa ngoại lai, đang phải đứng trước sự lựa chọn giữa truyền thống và hiện đại. Vì thế, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng cần đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ.

Tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về dân ca quan họ

Vấn đề sưu tầm, bảo tồn và phổ biến quan họ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhất là khi các nghệ nhân cao tuổi đang mất dần, là vấn đề đặt ra khá cấp bách. Việc nghiên cứu, sưu tầm cần được xây dựng thành các chương trình dự án cụ thể, thực hiện trên diện rộng, đối tượng đầu tiên hướng tới để sưu tầm là các nghệ nhân cao tuổi, sức khỏe yếu, cần tập trung khai thác ở họ những làn điệu quan họ cổ, hiểu biết về quan họ, kỹ thuật biểu diễn…

Tăng cường công tác truyền dạy

Việc truyền dạy các làn điệu quan họ cổ cho các thế hệ kế tiếp, nhất là thế trẻ là điều quan trọng. Không có truyền dạy, hoặc truyền dạy không tốt, sẽ làm cho DSVH bị mai một và nguy cơ thất truyền. Do vậy, cần quan tâm đầu tư cho việc đào tạo nguồn nhân lực kế cận, đây chính là trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường chính sách đãi ngộ và phát huy vai trò của nghệ nhân. Các nghệ nhân là “kho di sản nhân văn sống”, là những người trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, lưu truyền và sáng tạo quan họ; mặt khác lại trao truyền di sản này cho thế hệ sau. Cần có những hành động cụ thể nhằm khuyến khích, tạo động lực hơn nữa cho các nghệ nhân trong việc trao truyền di sản cho thế hệ sau.

Bảo tồn không gian diễn xướng quan họ

Cần xây dựng dự án quy hoạch tổng thể không gian các làng quan họ gốc, gồm toàn bộ những gì liên quan đến sự tồn tại của quan họ, từ không gian tự nhiên đến xã hội, nơi quan họ ra đời, biểu diễn. Trong đó, chú trọng bảo tồn lễ hội truyền thống tại các làng quan họ gốc, là những lễ hội có hát quan họ và liên quan đến quan họ. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng mới, hoặc phục dựng các kiến trúc “nhà chứa quan họ” để làm cơ sở cho các liền anh, liền chị có được những không gian đích thực dành riêng cho diễn xuất.

Gắn kết với phát triển du lịch

Hiện nay, du lịch văn hóa được xem là loại hình du lịch chính, thậm chí còn trở thành thương hiệu của một quốc gia, một vùng đất. Dân ca quan họ với những đặc trưng riêng có, những làn điệu lời ca mượt mà đã gây được sự mến mộ của một lượng lớn công chúng trong và ngoài nước. Mặt khác, nó tồn tại trong những thôn làng mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Do vậy, cần khai thác giá trị DSVH này để phát triển du lịch, tạo thành thế mạnh góp phần vào sự phát triển chung của địa phương; đẩy mạnh việc khai thác dân ca quan họ với du lịch cộng đồng theo định hướng phát triển hài hòa giữa bảo tồn DSVH và phát triển kinh tế, xã hội.

____________________________

1. Lưu Khôi Lập, Trương Anh Mẫn, Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong những luận điểm trái chiều, trong Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tập 1, Cục Di sản văn hóa, Hà Nội, 2007, tr.163.

2. Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.33.

3. UNESCO, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, 2003.

4. Từ Thị Loan (chủ biên), Dân ca quan họ Bắc Ninh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2021, tr.88-89.

5. Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2021.

6. PVBT, Kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, bacninh.gov.vn, 24-2-2019.

7. Trích bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

8. Nguyễn Thị Bích Hà, Văn hóa quan họ trong xã hội đương đại, trong Không gian văn hóa quan họ Bắc Ninh - Bảo tồn và phát huy, Viện Văn hóa - Thông tin và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Ninh, 2006, tr.211.

9. A.A Radughin (chủ biên), Văn hóa học những bài giảng, Vũ Đình Phòng dịch, Từ Thị Loan hiệu đính, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.646.

Tài liệu tham khảo

1. Hà Chí Cường, Quản lý các hình thức sinh hoạt quan họ ở Bắc Ninh trong đời sống xã hội hiện đại, Luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2011.

2. Nguyễn Thị Hoa, Quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh, Luận văn Thạc sĩ Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội, 2015.

TS TRẦN ĐỨC NGUYÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 503, tháng 7-2022

;