Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di tích Văn Miếu Mao Điền

Văn Miếu Mao Điền thuộc làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, là 1 trong 6 văn miếu lớn nước ta. Xét về kiến trúc và giá trị lịch sử, Văn miếu Mao Điền chỉ đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám. Năm 2007, di tích được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và trở thành thiết chế văn hóa, giáo dục, địa điểm du lịch văn hóa, tâm linh hấp dẫn của Hải Dương cũng như các tỉnh lân cận.

1. Đôi nét về lịch sử hình thành và kiến trúc của Văn miếu Mao Điền

Văn Miếu Mao Điền tiền thân là Văn miếu trấn Hải Dương, đặt tại huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, Hải Dương). Văn Miếu được xây dựng từ khoảng giữa TK XV với chủ trương phát triển việc giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước của Lê Thánh Tông. Đến năm 1800, dưới thời Tây Sơn, Văn Miếu được di chuyển về cánh đồng làng Mao (còn gọi làm làng Mậu Tài), xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng sáp nhập với Trường thi Hương trấn Hải Dương. Sau 1 năm phục dựng, Văn Miếu Mao Điền hoàn thành việc xây dựng vào ngày 26-7 năm Tân Dậu (1801).

Trước đây, Văn Miếu Mao Điền vừa là nơi thờ tự Khổng Tử, vừa là nơi đào tạo tiến sĩ Nho học cho Hải Dương cũng như cả nước với hai tòa nhà chính là Bái đường và Hậu cung được xây theo hình chữ “Nhị”. Tòa Bái đường có 1 ban thờ công đồng; Hậu cung có 3 ban thờ, chính giữa thờ Khổng Tử, hai bên thờ 4 học trò thân tín là Nhan Hồi, Tử Tư, Mạnh Tử và Tăng Tử. Tuy nhiên, tượng và các đồ thờ tại đây bị thất lạc theo thời gian. Đến năm 2002, sau khi trùng tu, Văn Miếu đã có sự thay đổi trong việc bài trí thờ tự. Ngoài thờ đức Khổng Tử, tại đây còn thờ 8 vị đại khoa người Việt, trong đó có 5 vị được đúc tượng là: Ngự sử đài chánh trưởng, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Tư nghiệp Quốc Tử Giám, nhà giáo Chu Văn An; Trình quốc công trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Bốn bài vị của các danh nhân là: Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam tiến sĩ Vũ Hữu; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mệnh; Nghi Ái quan, lễ nghi học sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Văn Miếu Mao Điền sau nhiều lần phục dựng, tu bổ, mở rộng, hiện nay có diện tích lên tới 7ha và trở thành khu di tích lớn tại tỉnh Hải Dương với các hạng mục kiến trúc như sau:

Góc trái trước cổng Văn Miếu Mao Điền là Miếu Thổ Cờ với kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung. Miếu Thổ Cờ thờ Thổ thần, được phục dựng lại vào năm 2011. Trước cổng Văn Miếu là Văn Miếu môn được phục dựng vào năm 1995, thiết kế theo mẫu của Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm 3 bộ phận: chính môn, tả môn và hữu môn kiểu vòm cuốn. Trong đó, chính môn có cấu trúc 2 tầng, 8 mái lợp ngói cao 5,7m, gồm thượng chính môn và hạ chính môn. Chính giữa tầng hạ có 4 chữ Hán “Ngưỡng Di Chi Cao” (Ngưỡng trông cao vời) (1). Qua Văn Miếu môn, hai bên trái, phải là hai Nhà bia Tiến sĩ được xây dựng đối xứng nhau với 7 gian gỗ lim lợp ngói mũ, tại đây đặt 14 tấm bia, mặt trước khắc chữ Hán, mặt sau khắc chữ Quốc ngữ. Trong đó, có 1 tấm bia ghi tóm tắt lịch sử Văn Miếu, 13 tấm bia còn lại khắc danh Tiến sĩ Nho học Hải Dương giai đoạn năm 1075-1919. Tiếp phía trong khuôn viên Văn Miếu là Thiên Quang tỉnh, trước kia là hai cái ao được đào cùng thời với việc xây dựng Văn Miếu (1801) dùng để lấy nước tưới cây, sau được cải tạo vào năm 2022 thành hồ, đặt tên là Thiên Quang tỉnh - “hồ Thiên Quang, nơi lưu giữ ánh sáng mặt trời” (2). Thiên Quang tỉnh có hình vuông, chính giữa là chiếc cầu đá để đi vào phía trong Văn Miếu. Hai bên hồ Thiên Quang là hai Nhà bảo quản bia cổ được xây dựng vào năm 2014 theo lối kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Tại đây đặt 3 tấm bia thời Nguyễn (TK XIX) ghi lại những lần trùng tu, tôn tạo di tích. Tuy nhiên, một tấm bia bị thời gian bào mòn không thể đọc được chữ, hiện chỉ còn 2 tấm rõ chữ, 1 tấm có tựa đề “Tân Dậu trong thu cốc nhật tạo” - tạo bia ngày tốt, tháng 8 năm Tân Dậu (3). Bia được khắc dựng từ một tấm đá xanh nguyên khối hình chữ nhật với nội dung nói về việc việc di chuyển Văn Miếu từ Vĩnh Lại (Bình Giang) về Mao Điền (Cẩm Giàng) và khẳng định Văn Miếu là trường học cổ. Tấm bia đá thứ hai được tạo dựng vào năm 1810 có tựa đề “Trùng tu Văn miếu bi ký” - bia ghi về việc trùng tu Văn Miếu (4). Bia ghi lại việc trùng tu các hạng mục công trình tại Văn Miếu từ năm 1806 và hoàn thành năm 1807. Qua Thiên Quang tỉnh đến sân trong, hai bên sân là Gác chuông, Gác trống. Gác chuông được xây dựng vào năm 1806 và phục dựng năm 2002 với kiến trúc 2 tầng, 8 mái được làm hoàn toàn bằng gỗ lim. Chuông đặt trong Gác chuông năm 2005 có cân nặng 1.047kg. Gác trống vốn trước kia là nơi để treo khánh đá, do bị đổ nát nên năm 2002 phục dựng lại, khánh đá được đưa vào nhà Bái đường và thay bằng chiếc trống đại làm bằng gỗ mít với đường kính 1,6m vào dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đến là hai tòa nhà Đông vu và Tây vu được xây dựng từ năm 1801 trước sân Bái đường với kiến trúc 5 gian và 6 chân cột. Tuy nhiên, cả 2 tòa nhà không giữ được kiến trúc ban đầu, nên năm 2002, tỉnh Hải Dương thực hiện trùng tu lại, Đông vu sử dụng làm Nhà truyền thống. Năm 2004, nhà Tây vu được xây dựng lại và trở thành nơi làm việc của Ban Quan lý di tích. 2 tòa nhà chính của Văn Miếu Mao Điền là Bái đường, Hậu cung có kiến trúc, quy mô, trang trí giống nhau, gồm 7 gian được làm bằng gỗ lim với 8 hàng cột mỗi hàng 4 cột, trong đó 5 gian có hệ thống cửa ra vào còn 2 gian là cửa sổ. Các cột gỗ và toàn bộ khung của tòa nhà được sơn son thiếp vàng. Mái nhà trạm trổ hình rồng phượng tạo vẻ đẹp uy nghi cổ kính. Hai đầu nhà Bái đường có đài nghiên và tháp bút. Phía sau Bái đường là khoảng sân nhỏ nối với Hậu cung. Nhà Bái đường đặt ban thờ công đồng, Hậu cung là nơi thờ tự Khổng Tử và 8 vị đại khoa người Việt. Phía sau bên phải nhà Bái đường và Hậu cung là Khải Thánh, nơi thờ thân phụ và thân mẫu của Khổng Tử được xây dựng trong giai đoạn 1806-1807. Tuy nhiên, Khải Thánh đã bị tàn phá hoàn toàn nên đến năm 2009 được phục dựng trên nền đất cũ gồm 5 gian làm bằng gỗ táu mật với kiến trúc theo mẫu nhà Hậu cung.

Ngoài kiến trúc trên, Văn Miếu Mao Điền còn lưu giữ hai di vật cổ: đỉnh hương được chế tác giai đoạn 1806-1807 với chất liệu bằng đá, hiện nay, được đặt tại ban thờ đức thánh Khổng Tử; khánh đá được làm từ thời Tây Sơn bằng tấm đá nguyên khối có âm thanh trong trẻo, hiện được đặt ở nhà Bái đường. Hơn nữa, Văn Miếu Mao Điền còn ấn tượng bởi vẻ đẹp của cây gạo cạnh Lầu chuông có tuổi đời hàng trăm năm.

2. Những hoạt động khai thác giá trị văn hóa tại di tích Văn Miếu Mao Điền

Văn Miếu Mao Điền là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục

 Từ thời Lê Sơ, Văn Miếu Mao Điền vừa là nơi thờ các bậc tiên hiền Nho học, vừa là trường thi của trấn Hải Dương. Thời nhà Mạc (1527-1593) đã 4 lần tổ chức thi Hội ở Mao Điền. Hiện nay, Văn Miếu Mao Điền là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục của địa phương và trung ương.

Hằng năm, tỉnh Hải Dương lựa chọn Văn Miếu Mao Điền để tuyên dương khen thưởng giáo viên giỏi, học sinh xuất sắc của tỉnh. Vào dịp đầu xuân, các dòng họ, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh cũng đến đây để tổ chức những hoạt động khuyến học, khuyến tài; ra mắt Quỹ khuyến tài Tây Bắc - Cẩm Giàng; tỉnh đoàn tổ chức cuộc thi Em yêu tiếng Việt; chương trình Gala Lãnh đạo trẻ tương lai hay vòng loại chương trình Hoa Trạng nguyên tuổi 13 (năm 2018) do Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức. Ngày 29-6-2019, Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam) ghi hình chương trình Cặp lá yêu thương, hỗ trợ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, Trung tâm Hỗ trợ thủ khoa Việt Nam đã ra mặt tại Văn miếu Mao Điền; năm 2016, tổ chức giao lưu thư pháp họa Hán - Việt vùng đồng bằng sông Hồng… Các hoạt động trên đã phần nào khẳng định vị thế của Văn Miếu Mao Điền trong sự nghiệp giáo dục truyền thống hiếu học của cả nước.

Bên cạnh đó, tại đây diễn ra nhiều cuộc tọa đàm của giáo viên dạy môn lịch sử huyện Cẩm Giàng về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Văn Miếu Mao Điền, để đưa vào tiết học tìm hiểu lịch sử địa phương. Hằng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, Câu lạc bộ Thơ huyện Cẩm Giàng tổ chức bình thơ, giới thiệu thơ để hưởng ứng Ngày Thơ Việt Nam. Hiện nay, Văn Miếu còn là địa điểm tham quan, trải nghiệm học tập về lịch sử, văn hóa của học sinh các trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương và một số tỉnh lân cận.

Lễ hội truyền thống có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống cộng đồng địa phương

Văn Miếu Mao Điền hằng năm tổ chức hai kỳ lễ hội vào mùa xuân và mùa thu. Lễ hội mùa xuân được tổ chức từ ngày 17-19 tháng 2 (âm lịch), trong đó ngày 18-2 là ngày trọng hội. Lễ hội mùa thu được tổ chức vào ngày 20-8 âm lịch. Các hoạt động trong lễ hội vừa mang bản sắc dân gian truyền thống, đồng thời có nét đặc trưng riêng của di tích lịch sử tiêu biểu cho nền khoa cử Việt Nam. Phần lễ được tổ chức long trọng, đúng các nghi lễ tế trong lễ hội truyền thống. Đặc biệt, tại lễ hội Văn Miếu Mao Điền có hoạt động lễ chữ. Đội lễ chữ khoảng 40 người với trang phục truyền thống, mỗi người cầm biển ghi chữ nho, thực hiện tế lễ, xếp thành các hàng chữ theo từng chủ đề của từng năm với nội dung đề cao truyền thống hiếu học của người dân Việt Nam. Hoạt động tế lễ trong lễ hội không chỉ của các địa phương tại Hải Dương mà còn thu hút các đội tế ở vùng lân cận như đội tế An Biên của thành phố Hải Phòng, đội tế Thăng Long của Hà Nội. Phần hội diễn ra tưng bừng với nhiều hoạt động như: hát quan họ, múa rồi nước, biểu diễn thư pháp, thi cờ người, tìm hiểu lịch sử địa phương, thi viết chữ đẹp, thi rung chuông vàng của các em học sinh tiểu học huyện Cẩm Giàng… Trong khuôn khổ của lễ hội, Ban quản lý di tích còn tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu ảnh, tranh, thư pháp và một số hiện vật, tài liệu gắn với gia thế sự nghiệp của các danh nhân được thờ tự tại Văn Miếu.

Có thể nói, lễ hội truyền thống tại Văn Miếu Mao Điền có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương. Mỗi kỳ lễ hội là dịp để người dân địa phương trở về tưởng nhớ, tri ân công đức của những vị danh nhân dân tộc. Đồng thời, đây cũng là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, kế thừa và tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của vùng đất giàu truyền thống hiếu học xứ Đông xưa.

Văn Miếu Mao Điền - điểm du lịch văn hóa tâm linh

Không chỉ đi lễ vào mồng một, tuần rằm hằng tháng, mà rất đông người dân và du khách thập phương còn về Văn Miếu Mao Điền để vãn cảnh, dâng hương, xin chữ và cầu may mỗi dịp Tết đến xuân về. Họ mong cầu một năm mới bình an, học hành, thi cử đỗ đạt. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích, mỗi năm Văn Miếu đón hàng chục nghìn lượt khách tham quan. Ba năm trở lại đây, số lượng khách có giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song đây vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách. Cụ thể, không tính khách lẻ, năm 2019 Văn Miếu Mao Điền đón tiếp 220 đoàn khách với 41.401 người; năm 2020 có 100 đoàn với 11.596 lượt du khách; năm 2021 và đầu năm 2022 số lượng giảm 60 đoàn với hơn 5.053 lượt khách.

3. Một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại di tích Văn Miếu Mao Điền

Thứ nhất, tiếp tục phục dựng, trùng tu và bảo vệ di tích. Cảnh quan và kiến trúc của Văn Miếu Mao Điền hiện nay là kết quả của 7 lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng. Tuy nhiên, để phát huy giá trị đặc biệt của Văn Miếu Mao Điền cần làm cho nhân dân và khách tham quan hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa, lịch sử Văn Miếu gắn với việc tôn vinh truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Để làm được điều đó, trước hết cần phục dựng những hạng mục đã bị hư hại, sưu tầm, tìm kiếm những cổ vật bị thất lạc. Phục dựng các hoạt động trong lễ hội truyền thống gắn liền với giá trị văn hóa của Văn Miếu như lễ khai bút, lễ vinh quy bái tổ. Duy trì những nghi lễ truyền thống trong lễ hội; trò chơi dân gian; tiếp tục duy trì hoạt động phục dựng trường thi trấn Hải Dương để khách tham quan hiểu rõ hơn về việc thi cử của các sĩ tử tại trường thi xưa với lều, chõng, gánh sách, bút, nghiên… Song song với việc phục dựng, trùng tu, cần bảo vệ, tránh các hoạt động xâm hại làm biến dạng, ảnh hưởng đến giá trị của di tích. Tỉnh Hải Dương cần có kế hoạch đầu tư ngân sách để bảo tồn tránh xuống cấp các hạng mục công trình trong khuôn viên của di tích. Đồng thời, tuyên truyền để nhân dân và khách tham quan có ý thức trong việc bảo vệ cảnh quan, kiến trúc và hiện vật.

Thứ hai, một trong những biện pháp phát huy giá trị của Văn Miếu Mao Điền là tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị của di tích đến nhân dân địa phương và cả nước bằng nhiều hình thức như: phối hợp với báo đài địa phương giới thiệu và tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn di tích; lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội, in ấn phẩm văn hóa giới thiệu về lịch sử, giá trị của Văn Miếu… Đó là những kênh truyền thông hữu hiệu để người xem có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về Văn Miếu. Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nhằm tăng sức hấp dẫn với du khách như dùng màn hình lớn để trình chiếu hình ảnh tư liệu về lịch sử khoa cử của Văn Miếu hay thuyết minh tự động trong những ngày lễ hội; sử dụng công nghệ 3D scanning để lưu giữ và quảng bá kiến trúc, di vật…

Thứ ba, đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên làm việc tại Ban Quản lý di tích là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Bởi vậy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn cao; có chính sách đãi ngộ phù hợp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao năng lực công tác; tổ chức tập huấn, khảo sát thực tế để tiếp cận những nội dung mới, hiện đại nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Thứ tư, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trên thực tế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ. Tuy nhiên, vừa phát triển du lịch, vừa phát huy và bảo tồn giá trị di tích phải được thực hiện trên cơ sở phát triển bền vững, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ nguyên vẹn giá trị truyền thống. Tỉnh Hải Dương đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Văn Miếu Mao Điền được xếp vào nhóm Du lịch lễ hội. Xây dựng kết nối các tuyến điểm du lịch như: làng Tiến sĩ Mộ Trạch, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, đền thờ thày giáo Chu Văn An. Theo Đề án, các tuyến điểm du lịch này trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Hải Dương với tên gọi “Con đường khoa cử Việt”. Để thực hiện kế hoạch đó, cần phải có kế hoạch triển khai cụ thể từng giai đoạn với những nội dung thiết thực, nhằm gắn du lịch với việc truyền bá giá trị văn hóa của Văn Miếu Mao Điền. Du khách đến nơi đây không chỉ tham quan, tìm hiểu truyền thống khoa cử, hiếu học của dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện lòng tri ân đến các bậc tiên hiền. Hoạt động du lịch đã đem lại nguồn thu, tăng kinh phí xây dựng và tu bổ, bảo tồn di tích. Đây cũng là hình thức quảng bá, giáo dục, lưu truyền và phát huy giá trị văn hóa cũng như giới thiệu truyền thống lịch sử tốt đẹp đến với khách thập phương.

Có thế nói, Văn Miếu Mao Điền mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của vùng đất xứ Đông kinh thành Thăng Long xưa, là biểu tượng của tinh thần hiếu học. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, Văn Miếu Mao Điền vẫn gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống khoa bảng và là niềm tự hào của người Hải Dương nói riêng và của cả nước nói chung.

___________________

1, 2, 3, 4. Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, Văn Miếu Mao Điền di tích - danh nhân và lễ hội, Hải Dương, 2019, tr.32, 34, 137, 139.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo tổng kết năm 2020-2021 của Ban Quản lý Văn Miếu Mao Điền.

2. Đề án Phát triển du lịch chất lượng cao của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành kèm theo Quyết định số 2864/QĐ-UBND ngày 30-9-2021 của UBND tỉnh Hải Dương.

 Ths PHẠM THỊ THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 509, tháng 9-2022

;