Đọc sách: Ở trọ phố phường - Một góc nhìn về đời sống đô thị

Đời sống đô thị luôn phức tạp và chứa đầy bi kịch, đầy nghịch lý. Tập truyện ngắn Ở trọ phố phường (với 20 truyện ngắn) của tác giả Anh Thư là một tác phẩm dày dặn, tập trung, sâu sắc về đề tài này. Chị đã viết bằng trải nghiệm của chính mình với biết bao đớn đau, hạnh phúc và sự sẻ chia để có những trang văn sinh động, ấn tượng mang lại cho người đọc những cảm xúc sâu lắng.

Trong 10 năm qua, Anh Thư cho xuất bản 4 tác phẩm: Thư không gửi cho ba (truyện ngắn 2012), Café và quán vắng (tản văn 2013), Giấc mơ trung thu (tản văn 2017) và mới nhất Ở trọ phố phường (truyện ngắn, NXB Văn học 2022). Nếu như những tác phẩm trước, đặc biệt là Giấc mơ trung thu là những ký ức, những hoài niệm và sự tái hiện những vẻ đẹp của làng quê gắn liền với tuổi thơ tươi đẹp của một người đã rời xa quê hương ra thành phố học tập và công tác, thì với Ở trọ phố phường tác giả đã tập trung thể hiện những cảnh ngộ, thân phận của những người từ nông thôn đến sinh sống và làm việc ở thành phố. Mỗi truyện ngắn của Anh Thư là một lát cắt của đời sống, từ đó mở ra thế giới nội tâm của nhân vật truyện hoặc đưa người đọc vào những hoàn cảnh điển hình của những con người bình thường trong đời sống đô thị.

Qua tập truyện Anh Thư đã dựng lên cả một thế giới nhân vật phong phú, với những cảnh ngộ như tác giả từng chia sẻ: “Các nhân vật trong tập truyện ngắn này đều xuất thân từ nông thôn lên thành phố học tập và làm việc. Họ “ở trọ phố phường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ngay cả khi đã định cư lâu dài thì tâm thế của họ, ký ức của họ vẫn thuộc về nơi sinh ra và lớn lên.” Dù có những điểm xuất phát chung như vậy, nhưng mỗi nhân vật lại gieo vào lòng người đọc những ấn tượng riêng bởi cảnh ngộ trái ngang, bởi những nghịch lý mà họ gặp phải trong đời sống thường nhật ngổn ngang, bề bộn nơi phố xá. 

Hầu hết nhân vật của Anh Thư trong tập truyện đều đối mặt với những thách thức thường nhật: có khi là một sinh viên mới ra trường sống cảnh sống nghèo khó, tạm bợ khi phải thuê trọ trong những căn nhà ổ chuột, với nghề nghiệp không ổn định (Trọ nơi thành phố); có khi là nỗi cô đơn khi ốm đau không có người thân bên cạnh (Những khoảnh khắc trong ngày); có khi là một cô gái trẻ ngây thơ, trong trắng thất vọng trước những lời hoa mĩ mà hời hợt, dối trá của một người đàn anh trong nghề chữ nghĩa (Như là tình yêu)… Ở một số truyện khác khai thác những bi kịch nội tâm: sự cô đơn và căm hận của người con bị chính cha mình bỏ rơi (Ruồng bỏ); Sự giằng xé giữa trách nhiệm và lòng thương con khi phải để con lại một mình để đến với người yêu và cuối cùng gặp cảnh rủi ro, trắng tay không nơi nương tựa (Trong đêm)… 

Qua mỗi truyện, người đọc càng lúc càng bị cuốn hút vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm. Đó là một thế giới của những điều bình dị, thường nhật mà những ai đã và đang sống trong đời sống đô thị thường gặp phải. Và, vượt qua những cảnh ngộ do sự nghèo khó, bấp bênh, những khắc nghiệt do đòi hỏi của hoàn cảnh, sự tráo trở và bất trắc trong các mối quan hệ, Anh Thư đã đưa người đọc vào thế giới nội cảm với những diễn biến tâm lý tinh tế, phức tạp và thậm chí bí ẩn, đầy khó hiểu của con người hiện đại. Thế giới nội cảm ấy, với biết bao cung bậc: hạnh phúc, khổ đau, căm giận… đã chi phối đến hành động, quyết định số phận nhân vật và hình thành nên những câu chuyện đa dạng, nhiều màu vẻ. 

Đô thị hóa đang diễn ra như một xu thế tất yếu trên đất nước ta. Những thành phố đang ngày một phình to ra với những tòa cao ốc chọc trời. Ở các miền nông thôn cũng dần dần mang không khí đô thị với những phố xá mọc lên, hình thành dần những khu phố mới, những khu vực thương mại sầm uất. Nhịp sống hiện đại du nhập vào biết bao yếu tố mới và sự phồn hoa. Nhưng phố phường cũng ôm chứa trong nó những tấn bi kịch của biết bao người lương thiện và ở khía cạnh tâm lý và đạo đức xuất hiện biết bao điều gian trá, thói tạm bợ và sự vô cảm. Tập truyện này của Anh Thư chủ yếu nói về bi kịch của những con người nhỏ bé trong đời sống đô thị nhiều cạm bẫy, song ở một khía cạnh khác, tác giả đã mở ra một bức tranh tổng quát hơn, trong đó có những mặt khuất, những chuyển động lặng thầm đang tác động một cách sâu sắc đến đời sống của con người hiện đại.

Ở trọ phố phường thành công ở sự tập trung về mặt đề tài và bước đầu đặt ra những vấn đề nhức buốt của đời sống đô thị. Từ những chi tiết, những sự việc cụ thể tưởng chừng như bình thường và dễ gặp, nhưng qua ngòi bút của tác giả, nó đã mang tính khái quát như một nét điển hình của đời sống hiện đại. Chẳng hạn như chi tiết ông Liêm sau một chuyến đi công tác trở về nhà gặp cảnh người vợ của ông quấn quýt với người tình (Bội phản). Chỉ bằng chi tiết ấy thôi, mở ra cả một thực trạng đầy tráo trở và bất trắc. “Khốn nạn. Ông Liêm dằn cái cốc rỗng. Đúng là khốn nạn thực. Từ lúc đó vợ không thèm gọi cho ông một lời, không thèm nhắn tin, không thèm thanh minh, không thèm…” Tất cả bình yên khép lại với cuộc đời nhân vật, không một dự báo. Thói vô cảm, chạy vào dục vọng, tạm bợ, quên hết nghĩa tình của con người được lột tả chi trong trong một vài chi tiết như vậy. Và người đọc không thể không ngẫm suy, đau đớn, đặt ra những câu hỏi về chính cái hiện thực mà chúng ta đang phải đối mặt.

Anh Thư không chú trọng đẩy cao kịch tính ở các truyện của mình mà chú trọng phân tích tâm lý nhân vật. Thường tâm lý nhân vật được soi chiếu một cách kỹ càng, tinh tế sau một tình huống đời thường giản dị qua lối miêu tả trực tiếp khiến người đọc như nhìn xuyên thấu vào thế giới nội tâm với biết bao ngổn ngang, giằng xé. Ngôn ngữ đối thoại trong các truyện đều đạt đến sự chân thực, hợp lý. Lối dẫn truyện tự nhiên và mạch lạc. Tất cả những yếu tố đó làm giúp cho người đọc tiếp cận các câu chuyện một cách đầy hứng thú.

Ở trọ phố phường thấm đẫm chất nhân văn và sự đồng cảm sâu sắc của tác giả với những con người bất hạnh, đúng như tác giả chia sẻ, chị đã viết trong tâm trạng “thấm thía sự xót xa, rạn nứt, đổ vỡ, tiếc nuối”. Chính sự đồng cảm với con người, khát vọng chia sẻ với con người, tình yêu với con người lương thiện mà bất hạnh trong thế giới còn nhiều bất trắc khổ đau là động lực chính để Anh thư viết nên tác phẩm này.

THIÊN SƠN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;