Di sản văn hóa đã, đang và tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội; là môi trường nuôi dưỡng và làm giàu bản sắc văn hóa; góp phần không nhỏ vào việc giáo dục lịch sử, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong những năm qua, di sản văn hóa đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, hình thành nên nguồn lực đóng góp trực tiếp, quyết định vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đó cũng là những nội dung mà Thừa Thiên Huế đang triển khai, đạt được những kết quả tốt và xuất hiện những mô hình, cách làm hay về công tác giáo dục di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chương trình Rung chuông vàng, tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mô hình hợp tác giáo dục di sản - văn hóa - nghệ thuật
Thừa Thiên Huế là vùng đất đang lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc, nơi có hệ thống di sản vật thể với gần 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích kiến trúc, tôn giáo; cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: âm nhạc dân gian, cung đình, trang phục, ẩm thực, hệ thống lễ hội dân gian, lễ hội cung đình và làng nghề truyền thống hình thành từ lâu đời. Đến nay, Huế có 5 di sản của triều Nguyễn được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Với nền tảng đó, những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Các di sản văn hóa được nhận diện giá trị và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người Huế, văn hóa Huế phát triển toàn diện.
Tuy nhiên, có một thực tế là dù đang “sống giữa lòng di sản” nhưng nhiều bạn trẻ lại đang khá mơ hồ về những di sản văn hóa mà Huế có được. Nhiều người vẫn còn lạ lẫm, chưa hiểu rõ những vấn đề cơ bản nhất của di sản văn hóa Huế. Có nhiều nguyên nhân khác nhau cho vấn đề này, nhưng phần lớn là do chưa có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu về những di sản một cách bài bản, có hệ thống.
Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều nội dung, trong đó công tác giáo dục di sản văn hóa được triển khai tích cực, đồng bộ. Một trong nhiều hoạt động điển hình và tạo hiệu ứng tích cực là công tác giáo dục di sản văn hóa trong học đường cho học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, như: Chương trình đưa di sản Ca Huế vào trường học được Sở VHTT, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh phối hợp tổ chức. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Sở Giáo dục Đào tạo Huế đã ký kết biên bản ghi nhớ Chương trình hợp tác giáo dục Di sản văn hóa Huế tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Các chương trình tập trung vào các nội dung chính như: biên soạn các loại hình tài liệu giới thiệu về Di sản văn hóa Huế dùng cho học sinh; xây dựng chuyên đề học tập lịch sử tại khu di sản văn hóa Huế; xây dựng các chương trình hoạt động tìm hiểu, khám phá, tương tác các loại hình di sản cho học sinh các cấp; tổ chức các cuộc thi cho học sinh tìm hiểu Di sản văn hóa Huế. Đối với mô hình đưa Ca Huế vào trường học 2 nội dung: tập huấn hát Ca Huế cho hơn 30 giáo viên âm nhạc của các trường THCS trên địa bàn thành phố Huế và dạy hát Ca Huế cho học sinh theo hình thức CLB Ca Huế tại các trường THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Thống Nhất và Trường THCS Trần Cao Vân. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phối hợp với các trường tổ chức tuyên truyền về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các hoạt động: triển lãm chuyên đề, hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Bên cạnh đó, Sở VHTT Thừa Thiên Huế còn phối hợp tổ chức cuộc thi tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa toàn tỉnh, tạo sân chơi bổ ích cho các em tìm hiểu, khám phá di tích lịch sử, từ đó các em ý thức hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ, phát huy, gìn giữ giá trị lịch sử của địa phương.
Nhiều mô hình hay về công tác giáo dục di sản đã nâng cao nhận thức về di sản văn hóa Huế đến giới trẻ nhất là các em học sinh, thông qua hoạt động khám phá có tính tương tác, được thực hành, được trải nghiệm về các di sản giúp các em học sinh và những bạn trẻ luyện tập nhiều kỹ năng, phát huy khả năng nghệ thuật, sự sáng tạo và học hỏi, áp dụng vào quá trình học tập tại trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kỳ vọng, thông qua việc giáo dục di sản văn hóa Huế sẽ hun đúc tình yêu quê hương, xứ sở của mỗi người dân xứ Huế, từ đó sẽ giúp cho mỗi người có những khát khao, quyết tâm để cống hiến cho Thừa Thiên Huế nhiều hơn.
Để di sản văn hóa lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng
Các chuyên gia cho rằng: di sản là nguồn tài nguyên tri thức phong phú, là tài sản không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với công tác giáo dục lịch sử truyền thống, văn hóa cho thế hệ trẻ mà còn được coi là một trong những nguồn lực có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Việc nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa được cộng đồng người dân không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đa dạng văn hóa, tính sáng tạo.
Việc phối hợp, ký kết và triển khai các mô hình về hoạt động giáo dục di sản văn hóa cho các em học sinh, là góp phần nâng cao ý thức dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào truyền thống lịch sử cha ông. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, toàn cầu hóa, quốc tế hóa với các yếu tố chủ quan và khách quan tác động đa chiều, càng cần tăng cường thực hiện giáo dục ý thức dân tộc, lòng yêu nước trong thế hệ trẻ một cách bài bản, có hệ thống.
Để phù hợp với độ tuổi và các cấp học của học sinh, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã xây dựng khung chương trình giáo dục di sản với 8 chuyên mục, đó là: tham quan Đại Nội Huế, xem lễ đổi gác và tìm hiểu các công trình di tích, tương tác với người hướng dẫn chương trình; xem biểu diễn Nhã nhạc và múa Cung đình, tìm hiểu di sản phi vật thể và tương tác với các nghệ sĩ tại Nhà hát Duyệt Thị Đường; xem biểu diễn ca Huế, tham quan và tìm hiểu các công trình di tích, tương tác với các nghệ sĩ ca Huế; tham quan và tìm hiểu các khu vườn Thượng uyển trong Hoàng cung, tương tác với các nghệ nhân; tham quan, học tập, tìm hiểu về Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trải nghiệm các trò chơi cung đình xưa; tham quan tại cung An Định và trải nghiệm các trò chơi; tham quan và tìm hiểu tại các lăng vua triều Nguyễn như lăng Minh Mạng, Khải Định, Tự Đức, Đồng Khánh; tham quan tìm hiểu về Lầu Tàng Thơ, trải nghiệm tô màu trên quạt giấy, vẽ ký họa hình ảnh di sản trên quạt giấy, chương trình “Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế” hợp tác với tổ chức GEKE (Hội Bảo tồn Di sản văn hóa Đức). Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, riêng năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với Phòng GDĐT thành phố Huế triển khai thành công chương trình giáo dục di sản cho 85 trường học, chia thành 263 đoàn, với hơn 25.000 học sinh tham gia. Mục tiêu trong năm 2024, Trung tâm sẽ tập trung tổ chức biên soạn tài liệu, giáo trình về giáo dục di sản Huế một cách khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, phối hợp với các đối tác, các khu di sản, trường học xây dựng một số chương trình giáo dục di sản Huế dành cho giới trẻ, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh và quốc tế. Đây được xem là bước khởi động đầu tiên trong việc giáo dục di sản văn hóa cho người dân trên địa bàn ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất.
Không chỉ tập trung ở khu vực TP Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GDĐT để triển khai hiệu quả và lan tỏa chương trình “Giáo dục di sản văn hóa Huế” trong các trường học trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động để sớm hình thành và vận hành Trung tâm Giáo dục di sản - nghệ thuật cố đô Huế, hướng đến việc truyền đạt, phổ biến, lan tỏa giá trị di sản văn hóa Huế đến với học sinh các cấp; định hướng dài hạn sẽ xây dựng Huế thành điểm đến về giáo dục di sản, trại hè di sản…
Em Nguyễn Nguyễn Gia Hân, học sinh lớp 8/12, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế hào hứng chia sẻ: Em rất vui khi cùng với các bạn tham gia chương trình “Tô màu di sản và trò chơi trí nhớ nghệ thuật Huế”. Qua chương trình em được hiểu hơn về nghệ thuật in ấn, màu sắc và kiến trúc của triều Nguyễn, đặc biệt là các họa tiết truyền thống tại khu vực Điện Phụng Tiên mà em và các bạn được trải nghiệm và khám phá. Em cũng yêu hơn các cô, các chú của tổ chức GEKE, họ cũng đang nỗ lực bảo tồn di sản của triều Nguyễn, yêu văn hóa Huế - quê hương của em.
Hoạt động giáo dục di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng, trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về giá trị văn hóa, lịch sử cũng như truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương. Từ đó, giúp mỗi học sinh thêm hiểu, có ý thức bảo vệ, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa của cha ông để lại, nuôi dưỡng lòng tự hào, nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, đạo đức trong sáng, có bản lĩnh, tự tin, sáng tạo trước xu thế hội nhập để “hòa nhập nhưng không hòa tan”. Đồng thời, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, góp phần quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế về nền văn hóa lâu đời, đa dạng và giàu bản sắc.
Giáo dục di sản văn hóa không chỉ là công việc bảo tồn quá khứ mà còn là cách để kiến tạo xây dựng tương lai. Các mô hình hay về công tác giáo dục di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có ý nghĩa quan trọng, mang tính tuyên truyền giáo dục cao, tạo ra những công dân có tri thức, kỹ năng và lòng tự hào về quê hương đất nước để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, để văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
HẰNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024