Quảng Ngãi: Xây dựng điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - kinh nghiệm thực tiễn từ mô hình làng du lịch cộng đồng Bình Thành

Làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Bình Thành, thuộc thôn Bình Thành, xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 15km về hướng Nam, cách trung tâm huyện Nghĩa Hành 4 km về hướng Tây. Mô hình làng DLCĐ Bình Thành được bắt đầu xây dựng từ năm 2017, với sản phẩm chủ lực, đặc trưng để phục vụ du khách là những vườn cây ăn quả - vào thời điểm này huyện Nghĩa Hành rất nổi tiếng với nhiều loại cây ăn quả (chôm chôm, bưởi, sầu riêng, mít…). Nhận thấy được tiềm năng đó, Sở VHTTDL Quảng Ngãi đã phối hợp cùng UBND huyện Nghĩa Hành mời Công ty du lịch Viettraval thực hiện khảo sát các vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện. Qua đợt khảo sát, Đoàn nhận thấy tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp ở Nghĩa Hành là rất lớn, nhất là ở thôn Bình Thành, thôn Tân Lập thuộc xã Hành Nhân không chỉ dừng lại ở sản phẩm trái cây mà còn hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trong tương lai:

Thôn Bình Thành nổi tiếng từ lâu đời với các loại bưởi bản địa, như bưởi vang, bưởi trắng, Thanh trà và đặc biệt giống bưởi da xanh (miền Tây) đã được trồng tại Bình Thành khoảng 10 năm trở lại đây đã cho năng suất rất cao và chất lượng rất tốt, được thị trường ưa chuộng, trong thôn đã hình thành nhiều vườn cây ăn quả với nhiều chủng loại như bưởi da xanh, mít Thái, chôm chôm Thái, dừa xiêm lùn, sầu riêng, quýt, chuối, vú sữa hoàng kim... Ngoài các sản phẩm về trái cây, thôn Bình Thành giữ được nghề truyền thống đã có từ cách đây hơn 100 năm là nghề trồng dâu nuôi tằm với 12 hộ gia đình đang giữ được nghề truyền thống này, đây là dịch vụ trải nghiệm thú vị để phục vụ cho đối tượng học sinh tham quan, trải nghiệm. Đặt biệt, thôn Bình Thành được bao bọc bởi cánh đồng lúa, vườn rau xanh, những hàng cau thẳng tắp, những con đường hoa đã tạo nên bức tranh làng quê thơ mộng, yên bình.

Học sinh tham quan, trải nghiệm về lành nghề trồng dâu nuôi tằm

 

Trong thôn có di tích cấp quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi chạy qua, có di chỉ khảo cổ học của nền văn hóa Sa Huỳnh tại Gò Quánh, có đường cổ Chăm Pa. Ngoài ra người dân Bình Thành còn lưu giữ được tri thức bản địa như canh tác, chăn nuôi, trồng trọt,… Văn hóa tín ngưỡng được giữ gìn và lưu truyền; nằm liền kề với di tích Đình Lâm Sơn; cây đa cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam và chùa Lâm Sơn thuộc thôn Phước Lâm.

Người dân Bình Thành rất khéo léo trong việc chế biến các món ăn dân dã, đậm chất thôn quê: Bánh xèo, ram bắp, bánh ít, bánh chưng, bánh tét; nhiều loại bánh khác (bánh da lợn, su sê, lá dừa, bánh bó,…); các món gỏi: gỏi bưởi, chuối, rau,… các món nướng (cá lóc nướng trui, nướng muối ớt; cá trê nướng mắm gừng, thịt heo ba chỉ nướng,…). Đây là những món ẩm thực rất được du khách thích thú khi đi du lịch.

Về vị trí địa lí: Điểm du lịch cộng đồng Bình Thành nằm gần trung tâm thành phố Quảng Ngãi, cách thành phố Quảng Ngãi 15km về phía Nam (mất 20 – 30 phút) di chuyển từ thành phố đến Bình Thành, giao thông rất thuận tiện thông qua tuyến đường tỉnh lộ 624 đã được nâng cấp. Bình Thành nằm ở vị trí rất thuận lợi, được xem là nơi “1 cung đường nhiều điểm đến” là trung tâm trong việc kết nối với các điểm du lịch sinh thái trong và ngoài huyện: Kết nối với điểm sinh thái Kalanui, xóm Đèo, thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng (4km) về hướng Tây; điểm du lịch sinh thái thác Savan, thôn Yên Ngựa, xã Long Sơn, huyện Minh Long (7km) về hướng Tây Nam; điểm du lịch Thác trắng Minh Long (15km) về hướng Nam; khu du lịch sinh thái Suối Chí, Nghĩa Hành (27km) về hướng Đông Nam. Việc kết nối thông qua các tuyến đường tỉnh và đường huyện rất thuận lợi cho xe từ 34 chỗ trở xuống.

 Năm 2019, một số hộ dân ở xã Hành Nhân đã bắt đầu đón những đoàn khách đầu tiên đến tham quan các vườn cây ăn quả. Nhận thấy lợi ích từ việc đón khách đến tham quan vườn cây, nhiều hộ dân có vườn cây ăn quả đã bắt tay chỉnh trang vườn, nhà cửa, xây dựng công trình vệ sinh để phục vụ khách. Năm 2020, được xem là năm bùng nổ về lượt khách đến với làng du lịch cộng đồng Bình Thành, chỉ trong 3 tháng (từ tháng 9 – 11/2020) có khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan các vườn cây ăn quả tại thôn Bình Thành, xã Hành Nhân. Bên cạnh mặt tích cực thì mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp của Bình Thành đã đặt ra rất nhiều hạn chế, nhất là nhận thức của cán bộ và nhân dân về kiến thức chung và phương pháp làm du lịch chưa có; sản phẩm du lịch theo tính mùa vụ; người dân chưa có sự kết nối, hợp tác với nhau trong cách làm du lịch. Vấn đề đặt ra lúc này là cần phải có giải pháp khắc phục những hạn chế để tiếp tục phát triển. Năm 2021, UBND huyện đã phối hợp với Sở VHTTDL thành lập Tổ tư vấn để khảo sát, đánh giá 1 cách chuẩn xác, khoa học về tiềm năng, lợi thế và thách thức đối với điểm du lịch cộng đồng Bình Thành. Sau 1 năm triển khai, tháng 2/2022, bộ sản phẩm về du lịch cộng đồng Bình Thành được công bố và bàn giao huyện để triển khai thực hiện.

Ngày 22/2/2022, tại thôn Bình Thành, UBND xã Hành Nhân đã tổ chức Lễ phát động xây dựng làng du lịch cộng đồng Bình Thành. Nhân dân trong thôn và đại diện trưởng các thôn trên địa bàn xã đã cùng ký cam kết hưởng ứng và tham gia để xây dựng Bình Thành trở thành điểm du lịch đạt chuẩn trong tương lai.

Tháng 3/2022, Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và Du lịch cộng đồng Bình Thành được thành lập. Ngày 4/4/2022, HTX đã ký kết hợp đồng đầu tiên sau khi thành lập với Trường quốc tế IEC, Quảng Ngãi, tổ chức 4 đoàn học sinh cho khối lớp 6 và lớp 7 đến tham quan, trải nghiệm và học tập tại làng du lịch cộng đồng Bình Thành; nội dung trải nghiệm học tập gồm: Vườn cây ăn quả, làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm; thực hành cùng người dân làm bánh truyền thống địa phương. Từ khi thành lập đến tháng 4/2024, làng du lịch cộng đồng Bình Thành đã đón 80 đoàn khách học sinh đến tham quan trải nghiệm học tập với khoảng  5.000 học sinh, 6 đoàn đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm; 10 đoàn khách du lịch; tổ chức được 4 sự kiện ẩm thực với chủ đề “ẩm thực đồng quê” thu hút được khoảng 10.000 lượt khách đến tham gia. Sau 2 năm hoạt động dưới sự điều phối của hợp tác xã, trên địa bàn xã có khoảng 50 hộ dân đã tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, trong đó có 20 hộ tham gia trực tiếp và 30 hộ tham gia gián tiếp. Một trong những thành công lớn của mô hình du lịch cộng đồng Bình Thành đến thời điểm này chính là nhận thức của cán bộ địa phương và người dân có sự chuyển biến rất lớn, cán bộ địa phương đã hiểu được kiến thức cơ bản của mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp; người dân đã nắm được những phương pháp cơ bản trong xây dựng sản phẩm để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm, học tập.

Từ thực tiễn trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng Bình Thành, có thể khẳng định rằng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là mô hình kinh tế rất khó để thực hiện. Nếu như chúng ta hiểu “Du lịch là 1 ngành kinh tế tổng hợp” thì theo tôi, “Du lịch cộng đồng là mô hình kinh tế tổng hợp của tổng hợp”. Từ thực tiễn trực tiếp trong công tác tham mưu và trực tiếp tham gia xây dựng vận hành mô hình, xin được chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

 Khảo sát, nghiên cứu đánh giá: Đây được xem là hoạt động, việc làm đầu tiên trong việc để đưa ra quyết định “xây dựng hay không xây dựng” mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại địa phương; chính từ hoạt động này mới đánh giá được khách quan về tiềm năng du lịch độc đáo khác biệt của mỗi địa phương; tiềm năng du lịch tự nhiên; du lịch nông nghiệp; tiềm năng du lịch văn hóa; về ẩm thực; con người (nguồn nhân lực); cơ sở hạ tầng và cơ sở vất chất hiện có; khả năng tiếp cận và kết nối tuyến; thị trường du lịch tiềm năng; các hoạt động và dịch vụ du lịch khả thi... các chương trình tour du lịch khả thi; từ đó phân tích những “điểm mạnh – điểm yếu – thời cơ – thách thức” và hiệu quả “lợi ích – lợi nhuận” của mô hình mang lại; trên cơ sở kết quả khảo sát tiến hành xây dựng được một đề án, phương án, kế hoạch khoa học có tính thực tiễn trong quá trình triển khai thực hiện.

Sự vào cuộc của chính quyền địa phương: Đây được xem là yếu tố then chốt của việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở địa phương, vì không một đơn vị nào khác mà phải là chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường, thị trấn) là cơ quan chịu trách nhiệm làm việc trực tiếp với cộng đồng dân cư, trực tiếp truyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, cơ chế hỗ trợ của nhà nước và tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho người dân, cộng đồng dân cư làm du lịch; đồng thời chính quyền địa phương được xem là cầu nối, kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu về địa phương tổ chức tâp huấn kiến thức, phương pháp cách thức xây dựng sản phẩm, cách làm du lịch.

Thành lập tổ tự quản hoặc hợp tác xã: Nếu xem khảo sát, đánh giá, phân tích; sự vào cuộc của chính quyền địa phương,… là “điều kiện cần” thì có thể khẳng định, việc thành lập tổ tự quản hay hợp tác xã được xem là “điều kiện đủ”. Hợp tác xã được xem là cầu nối giữa du khách và những người dân tham gia mô hình. Sự tham gia của HTX sẽ quy tụ, kết nối những người có nguyện vọng, mong muốn tham gia mô hình và mô hình được vận hành, điều phối một cách có tổ chức, nề nếp, tránh việc chèo kéo, buôn bán giá cả không hợp lý cho du khách.

 Luôn luôn làm mới và bổ sung sản phẩm du lịch: Làm mới và bổ sung cho sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là một việc làm rất khó, vì để làm mới cho sản phẩm du lịch đòi hỏi người làm cần phải có tư duy, có sự nghiên cứu tiềm tòi học hỏi trong khi đó những người đang nắm sản phẩm du lịch là những người nông dân chất phác, trong suy nghĩ của họ còn mang nặng tư tưởng “dễ làm – khó bỏ”, “ngại tiên phong” và nhất là nhận thức về cách làm du lịch rất khiêm tốn. Để giải quyết vấn đề khó khăn này, cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã và Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ và du lịch cộng đồng Bình Thành đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp với người dân, tổ chức cho người dân đi tham quan thực tiển, kết nối mời những chuyên gia, những người có am hiểu về cách làm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp về trao đổi, chia sẻ, tư vấn, góp ý cho người dân về cách làm mới cho sản phẩm đã có và bổ sung những sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu tham quan, trải nghiệm, học tập cho du khách.

Tổ chức tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm: Để cán bộ và người dân xã Hành Nhân hiểu được kiến thức về du lịch cộng đồng là việc làm vô cùng quan trọng, góp phần quyết định đến sự thành bại của mô hình. Vì vậy từ năm 2019 đến năm 2023, huyện Nghĩa Hành đã phối hợp cùng với Sở VHTTDL tổ chức 3 lớp tập huấn chuyên đề về du lịch cộng đồng tại địa phương và cử cán bộ, người dân tham gia 5 lớp tập huấn tại tỉnh; cùng với đó cử cán bộ và nhân dân đi tham quan, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại làng du lịch cộng đồng Đại Bình, tỉnh Quảng Nam; làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, thị xã Đức Phổ; làng An Mô của huyện Mộ Đức; huyện tổ chức đoàn đi tham quan, học tập tại làng du lịch cộng đồng Nam Yên, thành phố Đà Nẵng. Từ hoạt động này, nhận thức của cán bộ và nhân dân địa phương chuyển biến rất rõ nét, người dân mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, tạo sản phẩm để phục vụ khách trải nghiệm, học tập.

Phải giữ đặc trưng vốn có của địa phương: Sản phẩm đặc trưng là sản phẩm chỉ có ở địa phương mình mà không nơi nào có được hoặc nơi khác cũng có nhưng nơi mình nổi trội hơn có tính hấp dẫn, độc đáo, nguyên bản hơn làm thỏa mãn nhu cầu du khách và tạo ấn tượng sâu đậm so với nơi khác. Đối với làng du lịch cộng đồng Bình Thành, trong quá trình khảo sát, Tổ tư vấn đã phát hiện ra được ở Bình Thành có những đặc trưng riêng mà ít có nơi nào ở Quảng Ngãi có được đó là nghề làm bánh truyền thống, làng nghề trồng dâu nuôi tằm lấy kén, những vườn cây trái sum suê trĩu quả; ngôi đình cổ Lâm Sơn cùng với cây đa cổ thụ to bằng 20 người trưởng thành vòng tay ôm lấy gốc đã được công nhận là cây di sản văn hóa Việt Nam. Chính từ những đặc trưng này, HTX du lịch cộng đồng Bình Thành đã xây dựng được chương trình “Hoạt động giáo dục – trải nghiệm” cho đối tượng khách hàng học sinh, tạo được sự thích thú, tìm tòi, khám phá của học sinh khi tham gia trải nghiệm học tập tại đây.

Đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm: Hướng dẫn viên, thuyết minh viên (gọi chung là hướng dẫn viên) tại điểm được xem là “linh hồn của làng du lịch” vì hướng dẫn viên chính là người truyền đạt, giới thiệu những sản phẩm du lịch của địa phương, là người kể những câu chuyện lịch sử, những công trình, di tích lịch sử - văn hóa của địa phương, người hướng dẫn viên am hiểu được nhiều câu chuyện lịch sử, am hiểu nhiều về tri thức dân gian, kỹ thuật canh tác, phong tục tập quán vùng miền và có cách diễn đạt thuyết minh lưu loát sẽ thu hút được sự thích thú, hài lòng của du khách khi tham quan, trải nghiệm.

Huyện Nghĩa Hành nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng nông nghiêp, nông thôn, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên,… để làm được du lịch cộng đồng và phát triển du lịch cộng đồng bền vững trong tương lai thì ngoài những cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, những bản sắc văn hóa đặc sắc thì vẫn cần phải có sự đoàn kết đồng lòng của chính quyền và đồng lòng của cộng đồng dân cư, cơ chế chính sách hỗ trợ cần phải thông thoáng hơn, cụ thể hơn. Đây là sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cả cộng đồng cùng chung tay vào làm, cùng nhau phát triển cùng nhau giữ gìn những đặc trưng, bản sắc vốn có của mỗi địa phương.

 

HÀ THANH QUANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024

;