Vẻ đẹp hùng vĩ của hồ Tà Đùng - được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”
Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía Nam của Tây Nguyên, nơi giao thoa và hội tụ của 40 dân tộc anh em và là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, tiêu biểu là Sử thi (Ót N’rông), đàn đá Đắk Kar, dân ca dân vũ, văn hóa cồng chiêng… Là tỉnh có địa hình đa dạng và phong phú, với sự xen kẽ giữa cao nguyên và núi cao đã tạo nên nhiều thác, hồ đẹp, kì vỹ của thiên nhiên, rất phù hợp để đầu tư, xây dựng các loại hình du lịch trải nghiệm như: thác 5 tầng (huyện Đắk R'lấp), thác Liêng Nung, hồ Đắk R’Tíh (TP Gia Nghĩa), thác Đắk GLun, thác Đắk Buk Sor (huyện Tuy Đức), thác Trinh nữ, hồ Trúc (huyện Cư Jut), hồ Tây (huyện Đắk Mil),… trong đó, đẹp nhất phải kể đến là hồ Tà Đùng (huyện Đắk Glong) được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên”; Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với sự độc đáo về địa chất, địa mạo, cổ sinh vật học và các miệng núi lửa hấp dẫn, hệ thống hang động núi lửa đồ sộ nhất Đông Nam Á, được UNESCO ghi danh - danh hiệu này đã mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch chung và du lịch cộng đồng nói riêng, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Với những tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng, những năm qua, Đắk Nông đã ban hành các chính sách để kêu gọi, khuyến khích hỗ trợ đầu tư, ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư xây dựng và phát triển du lịch, cụ thể như: Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông (trong đó có nội dung hỗ trợ về du lịch cộng đồng); Chương trình số 18-CTr/TU ngày 26/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch và du lịch gắn với công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1848/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 ban hành Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Qua đó, đã định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch nông trại trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 10 dự án kinh doanh du lịch được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có một số dự án đi vào hoạt động và thu hút du khách trong nước và quốc tế, như: Khu du lịch - di tích lịch sử văn hóa thắng cảnh cụm thác Đ'ray Sáp - Gia Long (huyện Krông Nô), Khu du lịch thác Đắk G’lun (huyện Tuy Đức), Điểm du lịch sinh thái Đắk Ken (huyện Đắk Mil), Thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên (huyện Đắk Song), Khu nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn (huyện Đắk R'lấp); đặc biệt, đã xây dựng được 3 tuyến du lịch trong đó có 41 điểm di sản với chủ đề Xứ sở của những âm điệu gồm các tuyến du lịch: Trường ca của nước và lửa, Bản giao hưởng của sự đổi thay, Thanh âm từ trái đất... qua đó góp phần quảng bá vùng đất, con người Đắk Nông hội nhập quốc tế, từng bước xây dựng, khẳng định vị thế, thương hiệu du lịch Đắk Nông. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 310 cơ sở kinh doanh du lịch và nhiều mô hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm.
Xác định du lịch là một trong ba trụ cột kinh tế, hiện nay tỉnh Đắk Nông đang đẩy mạnh liên kết xây dựng, quảng bá, xúc tiến các chương trình du lịch và liên kết bán sản phẩm du lịch trong và ngoài tỉnh, nước ngoài. Việc phát triển du lịch gắn với nông thôn trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư và phát triển thông qua loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp rất được du khách quan tâm, từ đó đã phát triển nhiều điểm du lịch tham quan, trải nghiệm, góp phần tăng tỉ trọng của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhiều tầng lớp dân cư địa phương. Thông qua du lịch, các ngành kinh tế - xã hội khác cũng phát triển, mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ cho các ngành nghề khác, thúc đẩy hoạt động thương mại và mang lại hiệu quả cao. Hoạt động du lịch đã tạo thêm nguồn thu để đầu tư xây dựng và tôn tạo cảnh quan và nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhân văn tạo thêm sức hấp dẫn thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành Du lịch Đắk Nông phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, do một số hạn chế như: nguồn lực đầu tư, nhân lực về du lịch các cấp còn hạn chế nên hiệu quả phát triển về du lịch chưa đạt được như kì vọng, định hướng của tỉnh, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính, chuyên sâu về Du lịch để đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm, mang tính chiến lược. Kinh phí đầu tư cho công tác phát triển ngành du lịch còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch còn hạn chế. Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn chủ yếu mới được phát triển ở quy mô nhỏ với những đặc thù về bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc tại địa phương; một số điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp, sản phẩm còn đơn điệu. Các chính sách hỗ trợ, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư có tiềm năng tham gia đầu tư phát triển những khu du lịch mang tính động lực, có sức lan tỏa trong khu vực. Công tác đào tạo nguồn nhân lực mặc dù đã được tăng cường nhưng chưa đảm bảo do nhận thức của người dân còn hạn chế. Việc quảng bá, xúc tiến du lịch, cũng như việc kết nối các địa điểm du lịch giữa các huyện, thành phố chưa đáp ứng nhu cầu.
Tiềm năng du lịch của Đắk Nông vẫn còn nhiều lợi thế cần được khai thác để phát triển, song để du lịch Đắk Nông có sự phát triển bứt phá, thực sự là ngành kinh tế đem lại hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân thấy được lợi thế tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng di sản văn hóa có điều kiện để phát triển du lịch. Tập trung đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến các khu, điểm du lịch nông thôn trọng điểm của tỉnh để xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn khép kín. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; triển khai áp dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn. Chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu về du lịch cộng đồng nhằm thúc đẩy du lịch phát triển.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, văn hóa phong phú và đa dạng, cùng với lợi thế về nông nghiệp, Đắk Nông được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
ĐÌNH TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024