Hậu Giang: Giải pháp trọng tâm phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” những tháng cuối năm 2024

Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương kiểm tra kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại tỉnh Hậu Giang

 

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong bốn nhóm giải pháp lớn nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhóm giải pháp này xếp ở vị trí đầu tiên, có tính đột phá, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện cho xây dựng văn hóa, có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tính chiến lược lâu dài, thể hiện quan điểm của Đảng ta coi xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo. Tiếp đó, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014) yêu cầu: Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động văn hóa, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Với tinh thần đó, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, phong trào đã mang lại nhiều kết quả toàn diện; giải quyết những vấn đề bức xúc và những yêu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương. Phong trào còn góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, huy động các nguồn lực, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư, lan toả rộng khắp toàn dân hưởng ứng thực hiện, góp phần xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh và góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang.

UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức diễu hành áo bà ba trên sông  Nguồn: vov.vn

 

Để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào chiều sâu và thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, những tháng cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo sẽ triển khai những giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, huy động mọi lực lượng và cả hệ thống chính trị tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, từ trong các cơ quan nhà nước đến ngoài xã hội, trong cán bộ, đảng viên, đến các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như nâng cao nhận thức, tính tự nguyện của cộng đồng, phát huy vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và vận dụng có hiệu quả Nghị quyết số 33 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ tại Quyết định số 2214 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021 – 2026.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa. Đặc biệt, Sở VHTTDL đang tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu vực văn hóa” và “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để thay thế cho Quyết định số 13 đang được thực hiện. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả phong trào bằng những việc làm tạo sức lan tỏa từ những mô hình, điển hình tiêu biểu. Lồng ghép các nhiệm vụ của phong trào vào các phong trào thi đua yêu nước khác của các sở, ban, ngành, đoàn thể; gắn kết chặt chẽ với xây dựng Nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực và tập trung đầu tư cho văn hóa ngang tầm với đầu tư trong các lĩnh vực khác, tạo đà cho sự phát triển của văn hóa.

Thứ tư, tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư; tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Tăng cường hoạt động của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng phong trào quần chúng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Thứ năm, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở. Nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai, thực hiện phong trào; từng thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và xây dựng văn hóa công sở. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, hướng đến xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến tích cực trong văn hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội.

 Cuối cùng, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm trong công tác quản lý văn hóa, thường xuyên tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân tiêu biểu xuất sắc, khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa.

 

QUANG BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;