Nhận thức được tầm quan trọng của việc trao truyền di sản văn hóa, thông qua Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2023, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của lực lượng nghệ nhân, cộng đồng người dân và sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
Cô giáo và học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương trình diễn hát, hô Bài Chòi
Những kết quả đạt được
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2023 chỉ rõ công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của lực lượng nghệ nhân, của cộng đồng và sự hưởng ứng tích cực của các trường học trên địa bàn, đồng thời các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi.
Từ thực tiễn triển khai Đề án, công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi được triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Sở VHTT đã phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian và UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế tiến hành nghiên cứu, kiểm kê di sản nghệ thuật Bài Chòi để xây dựng hồ sơ khoa học di sản nghệ thuật Bài Chòi, hướng dẫn Phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê sưu tầm các làn điệu Bài Chòi có nguy cơ mai một, thất truyền, để xây dựng kế hoạch bảo tồn phù hợp với đặc trưng, bản sắc của di sản nghệ thuật Bài Chòi Thừa Thiên Huế.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc trao truyền di sản văn hóa, tạo môi trường cho việc trao truyền và thực hành di sản, từ năm 2019 đến năm 2023, Sở VHTT đã phối hợp với UBND thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền và Nam Đông tổ chức 7 lớp tập huấn hát Bài Chòi trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với việc giúp các giáo viên Âm nhạc, học sinh và những người yêu thích di sản nghệ thuật Bài Chòi từng bước nhận diện loại hình di sản độc đáo này, trong các buổi tập huấn, các nghệ nhân đã hướng dẫn cách hát, hò Bài Chòi, kỹ năng trình diễn Bài Chòi, cách gõ phách cho giáo viên để các giáo viên có thể sử dụng thay cho dàn nhạc đệm khi dạy các em học hát/hô và biểu diễn Bài Chòi. Trong quá trình đó, tại các buổi tập huấn đều phối hợp với câu lạc bộ Bài Chòi tại địa phương hoặc các nghệ nhân để giao lưu và thực hành ngay tại các chòi, tạo không khí hứng khởi cho các buổi học. Đây là điểm mới so với các loại hình di sản văn hóa khác. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, các giáo viên sẽ đưa di sản Bài Chòi vào dạy lồng ghép trong chương trình môn Âm nhạc cũng như các chương trình ngoại khóa của các trường để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh.
Trong công tác biên soạn, xuất bản ấn phẩm giới thiệu, nghiên cứu về di sản nghệ thuật Bài Chòi, Sở VHTT Thừa Thiên Huế cũng đã tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật trên địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố Huế với hơn 300 câu hò, đoạn trích; biên soạn ấn phẩm "Hò Bài Chòi Huế" và lựa chọn một số tác phẩm trong Hành trình ký họa Di sản Cố đô Huế do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với nhóm Ký họa đô thị Việt Nam (Urban Sketchers Viet Nam) và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế để ấn phẩm được sinh động nhằm giới thiệu đến bạn đọc những câu hò thường được các nghệ nhân sử dụng trong ngày Hội Bài Chòi ở Huế hấp dẫn hơn.
Bảo tồn và lan tỏa các giá trị di sản Bài Chòi
Tổng kết Đề án, đại diện lãnh đạo Sở VHTT đã khẳng định, mặc dù quá trình triển khai Đề án đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế, khó khăn, như: việc duy trì đội ngũ nghệ nhân có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực Bài Chòi đang đặt ra nhiều thách thức khi đội ngũ nghệ nhân ngày càng lớn tuổi trong khi lực lượng nghệ nhân, học viên trẻ, những người biết hát Bài Chòi ngày càng ít dần, dẫn đến di sản nghệ thuật Bài Chòi đang đứng trước nguy cơ thất truyền; môi trường diễn xướng, lối sống, nếp sống, phong tục, tập quán có nhiều thay đổi đối với loại hình di sản Bài Chòi; người dân và du khách ít am hiểu về di sản Bài Chòi, các chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thật sự thu hút được sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Cùng với xu thế giao lưu, hội nhập quốc tế, nhiều loại hình nghệ thuật mới du nhập, nhiều trò chơi giải trí chất lượng cao, kỹ thuật công nghệ hiện đại đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, từ đó ảnh hưởng đến các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Hầu hết các nhóm, câu lạc bộ thực hành Bài Chòi dân gian trên địa bàn tỉnh hoạt động tự nguyện. Công tác truyền dạy ở các câu lạc bộ Bài Chòi còn hạn chế, chủ yếu truyền dạy lời hò giữa các thành viên trong gia đình, làng xã; kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn triển khai Đề án và một phần nhỏ từ nguồn xã hội hóa. Những lớp nghệ nhân là những người thực hành nghệ thuật Bài Chòi dân gian, được coi là những “di sản sống”, “thư viện sống” lần lượt qua đời vì tuổi tác… Những hạn chế đó dẫn đến hoạt động nhân rộng và phát triển nghệ thuật trình diễn Bài Chòi gặp rất nhiều khó khăn.
Nhằm tôn vinh, phát huy giá trị Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam khu vực miền Trung, các địa phương tiếp tục duy trì, củng cố hoạt động các câu lạc bộ Bài Chòi trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức và nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với yêu cầu hiện nay về việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản nghệ thuật Bài Chòi nói riêng. Hoạt động giao lưu trình diễn nghệ thuật Bài Chòi cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và câu lạc bộ tìm hiểu sâu hơn giá trị của nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ trong sáng tạo nghệ thuật. Đồng thời, tạo điều kiện cho các địa phương gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; kịp thời phát hiện các tài năng nghệ thuật để có kế hoạch bồi dưỡng nhằm phục vụ tốt hơn cho các hoạt động nghệ thuật của tỉnh. Hoạt động đã góp phần gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội, phổ biến loại hình Bài Chòi phục vụ du lịch, đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Theo lãnh đạo Sở VHTT Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, cần sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Bài Chòi dân gian, cụ thể hóa những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân trong loại hình nghệ thuật truyền thống này, tạo điều kiện để Sở VHTT tham mưu cho UBND tỉnh có cơ chế, chính sách đối với việc bảo tồn, phát huy di sản Bài Chòi ở địa phương. Đặc biệt là hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ, các địa phương duy trì thường xuyên hoạt động biểu diễn vào các dịp lễ hội, Tết cổ truyền. Bên cạnh đó, đề nghị Nhà nước tôn vinh và xét tặng các danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đối với các nghệ nhân xuất sắc, có công gìn giữ và phát huy di sản nghệ thuật Bài Chòi. Tham gia và tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng để những nghệ nhân Bài Chòi, cán bộ quản lý văn hóa có điều kiện nâng cao khả năng biểu diễn, cũng như trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý giữa các địa phương, giữa các câu lạc bộ Bài Chòi với nhau, đào tạo đội ngũ kế cận để tiếp nối, phát huy giá trị cũng như tạo thêm nhiều sân chơi, cuộc thi liên quan đến di sản Bài Chòi…
Những kết quả đạt được qua 5 năm thực hiện Đề án, đã minh chứng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là hoạt động cấp thiết, phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hành, sáng tạo di sản nghệ thuật Bài Chòi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng và nhân dân địa phương. Trong thời gian tới, cần có những tính toán để đưa Bài Chòi vào hoạt động du lịch, phục vụ du khách để tạo sức lan tỏa, để di sản sống mãi cùng cộng đồng, cũng như trường tồn cùng dân tộc.
HẰNG NGUYỄN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 576, tháng 7-2024