Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa góp phần thúc đẩy du lịch phát triển

Huyện Như Xuân (tỉnh Thanh Hóa) là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Hiện Như Xuân có 23 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 9 đền, nghè, 2 hồ, 9 hang động, 6 thác nước và 1 di tích lịch sử cách mạng, gắn liền các lễ hội, lễ tục truyền thống còn được bảo lưu, tái hiện trong đời sống cộng đồng. Những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp nhằm khơi dậy và bảo tồn vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Thác Cổng Trời xã Hóa Quỳ huyện Như Xuân là điểm đến du lịch hấp dẫn

 

Như Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, có 4 dân tộc anh em Kinh, Thái, Mường, Thổ cùng sinh sống. Mỗi dân tộc lại có nét văn hóa đặc trưng được hình thành từ lâu đời với những giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ, trang phục, nghề truyền thống. Tiêu biểu như múa Cá Sa, Khua luống, hát Khặp, nhảy sạp, tung còn của đồng bào dân tộc Thái; hát Đốm, hát Ru, hát Chậm đò ho, múa hát trống chiêng của đồng bào dân tộc Thổ; hát Xường, hát Giao duyên, ném còn của đồng bào dân tộc Mường... Bên cạnh đó, Như Xuân còn gìn giữ và phát huy nhiều lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội Dâng trâu tế trời gắn với đền Chín Gian, Lễ hội Đình Thi. Gần đây nhất huyện Như Xuân đã phục dựng lại được các nghi lễ truyền thống, như: Lễ cúng cơm mới, Tết của người Thái (Tết của người Thái Như Xuân được tổ chức vào ngày 25/12 âm lịch). Ngoài ra, huyện còn chú trọng bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái. Hiện, nghề dệt thổ cẩm của huyện không chỉ sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống về vật chất của người dân, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Những sản phẩm làm ra như khăn, váy, vỏ chăn, dây lưng, túi xách, ví cầm tay là những vật dụng sinh hoạt hằng ngày sẽ giúp cho người dùng cảm nhận được văn hóa truyền thống đang hiện hữu giữa cuộc sống đời thường. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng đã được xếp hạng cấp tỉnh, gồm: Di tích lịch sử - văn hóa đền Chín Gian (xã Thanh Quân), Di tích lịch sử - văn hóa Đình Thi (xã Yên Lễ); Di tích danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan (Hóa Quỳ); Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thác Cổng Trời (xã Xuân Quỳ); Di tích danh lam thắng cảnh Bến En của hai huyện Như Thanh và Như Xuân danh lam, thắng cảnh này đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm đầu tư, tôn tạo đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Như Xuân sẽ tiếp tục tuyên truyền tới người dân về những giá trị to lớn của lễ hội để thu hút người dân tham gia bảo tồn, đồng thời tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện đầy đủ lễ hội”.

Tiết mục Chậm đò ho của đổng bào dân tộc Thổ huyện Như Xuân

 

Có thể khẳng định, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Như Xuân đã kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế. Một số nét đẹp văn hóa trong lối sống, phong tục tập quán cùng lễ hội truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một; lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng ít, thế hệ trẻ không mặn mà với những giá trị văn hóa truyền thống... Nhận thức tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Như Xuân đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị có liên quan, địa phương tổ chức sưu tầm và vận động nhân dân cùng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; tập trung sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu; chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức lễ hội; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc và các tri thức dân gian khác... Cùng với đó, đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng; thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện; huy động sự tham gia của các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia tổ chức, điều hành các hoạt động văn hóa, bảo đảm tốt nhất quyền công dân trong sáng tạo, thực hành và thụ hưởng thành quả văn hóa.

Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của huyện Như Xuân không chỉ góp phần làm đa dạng, phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, mà còn tạo động lực để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch của địa phương.

Đồng bào dân tộc Thổ, huyện Như Xuân vui chơi trong Ngày hội văn hóa các dân tộc

 

LÊ HƯỜNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 579, tháng 8-2024

;