Thừa Thiên Huế: Điểm sáng mô hình phát huy các giá trị văn hóa trong Phát triển du lịch cộng đồng

Bản Dỗi thuộc xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 50km, nằm trong thung lũng được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, là địa phương nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã, có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Đến với bản Dỗi, hình ảnh đập vào mắt du khách là những bản làng xanh, sạch, những ngôi nhà nhỏ bao quanh sườn đồi, những hàng cau trước ngõ, một vẻ đẹp thường thấy ở những làng quê đồng bằng. Phía xa, không chỉ có những dãy núi trùng điệp hút tầm mắt mà còn có những con suối, thác nước rì rào, lòng hồ Thủy điện Thượng Lộ. Đặc biệt, thác Kazan như dải lụa trắng giữa đại ngàn.

Phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng

Với điều kiện tự nhiên phong phú, khí hậu trong lành, đa dạng về văn hóa và có phong cảnh nên thơ hữu tình bản Dỗi cũng là nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ Tu từ kiến trúc nhà gươl, nhà mồ hay trang phục truyền thống, dụng cụ âm nhạc dân tộc, ẩm thực... đến hệ thống suối, thác trượt, hang động, thảm thực vật, rừng nguyên sinh và hệ thống các hồ chứa lớn như Thượng Lộ.

Những giá trị độc đáo, bản sắc văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu đang được bảo tồn gần như nguyên vẹn về các lễ hội truyền thống, điệu múa Tung tung da dá và những phong tục, ngôn ngữ còn lưu giữ đến ngày nay…với mong muốn phát huy truyền thống, gìn giữ văn hóa địa phương, dựa vào các giá trị văn hóa truyền thống là hướng đi của UBND huyện Nam Đông để phát triển du lịch cộng đồng tại bản Dỗi.

Bản Dỗi còn có các vườn cây ăn quả như ổi, cam, quýt, bưởi, dứa, các vườn nông sản, rừng nguyên sinh,... với diện tích khoảng 14,5 ha. Các loại cây ăn quả ở đây được chăm sóc theo tiêu chí hoa quả sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, phong phú về chủng loại, sản lượng đủ cung cấp quanh năm. Ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu rất đa dạng và phong phú, có mùi vị làm say lòng người như: thịt nướng ống, thịt xông khói… cho đến cơm lam, cá suối, các loại rau rừng, tiêu rừng… và các loại rượu do chính đồng bào tự làm. Tất cả được chế biến theo hương vị truyền thống rất đặc trưng.

“Đề án phát triển du lịch huyện Nam Đông giai đoạn 2017 - 2020 định hướng đến năm 2030” được xem là một trong những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Nam Đông thể hiện quyết tâm đưa huyện trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi bật trên bản đồ du lịch của tỉnh. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của dự án VFBC (BQL dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và sự đồng hành hỗ trợ từ Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế để xây dựng bản Dỗi trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Nam Đông.

Ông Dương Thanh Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho rằng: "Khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng sẽ là hướng phát triển của du lịch Nam Đông. Việc bà con dân tộc, những người trẻ tham gia làm du lịch cũng là cách để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu".

Hướng phát triển du lịch dựa trên bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống được huyện Nam Đông chú trọng, đầu tư, được các đơn vị liên quan thực hiện, sưu tầm, động viên, khuyến khích bà con bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, từ đó nghiên cứu, quy hoạch xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, phù hợp với địa phương.

Ông Hồ Văn Chước đan Gùi Mây (đồng bào Cơ Tu gọi là A Doong)

 

Định vị thương hiệu du lịch trên nền tảng văn hóa

Phát triển du lịch gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc chính là lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…”. Đây là cơ sở để phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho người dân. Việc giữ gìn được các giá trị văn hóa, những lễ hội, phong tục tín ngưỡng sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức hút với du khách.

Quan điểm phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc đã làm thay đổi ý thức của người dân trong việc bảo tồn văn hóa, hoạt động văn hóa truyền thống, các lễ hội đã thực sự làm “sống lại” và lan tỏa giá trị sâu rộng, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Trong nỗ lực bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, hằng năm, huyện đều tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao sôi nổi, hội thi, hội diễn thu hút, tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia, như: liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca - dân vũ, ẩm thực, các trại sáng tác, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục các dân tộc, chợ phiên Nam Đông…

Bên cạnh đó, nhằm đào tạo về kỹ năng hướng dẫn viên du lịch cho đội ngũ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch, xây dựng đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kỹ năng, nghiệp vụ về du lịch cộng đồng để nâng cao chaatsa lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của huyện. Ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng VHTT huyện Nam Đông cho biết: Với quan điểm “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”, UBND huyện Nam Đông đặc biệt quan tâm đến việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác du lịch và những người dân có mong muốn, ý tưởng làm du lịch để góp phần phát triển du lịch huyện nhà.

Trong năm 2021-2022, điểm du lịch cộng đồng ở bản Dỗi đã đầu tư 6 homestay dựa trên nền tảng văn hóa đặc sắc từ mô hình nhà Gươl của đồng bào Cơ Tu. Hạ tầng, cơ sở vật chất tương đối đảm bảo chất lượng để phục vụ du khách. Bản Dỗi có thể kết nối với các điểm lân cận như đập tràn Hai Nhất, thác Phướn, Khu du lịch YesHue Eco… Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch cộng đồng bản Dỗi đã đón được hơn 1 nghìn lượt khách với tổng doanh thu hơn 150 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 thành viên của hợp tác xã. Con số này khá ấn tượng so với những năm trước đây: bình quân 1 năm đón khoảng 60 lượt khách, doanh thu khoảng hơn 10 triệu đồng. Du lịch cộng đồng bản Dỗi đã thực sự thay da đổi thịt sau những hỗ trợ mạnh mẽ của Dự án VFBC, chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng. Cảm nhận chung của mỗi du khách khi đến với bản Dỗi là sự tổng hòa của thiên nhiên - hương sắc - thanh âm và con người cùng tạo nên một điểm đến khó quên.

Mặc dù có những bước tiến, thay đổi nhưng bản Dỗi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Nhận thức về du lịch của cộng đồng của người dân còn hạn chế, do vậy sẽ dẫn đến nguy cơ người dân phát triển du lịch một cách tự phát, chất lượng dịch vụ không đạt tiêu chuẩn. Phần lớn người dân chưa được đào tạo làm du lịch và học tiếng nước ngoài; khách nước ngoài riêng lẻ chủ yếu tự khám phá và trải nghiệm. Hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất và kỹ thuật phục vụ du lịch vẫn còn thiếu. Ngoài các điểm du lịch được xây dựng trên địa bàn thì vẫn còn nhiều thác suối trong tình trạng hoang sơ, chưa được đầu tư. Sản phẩm du lịch tuy được chú ý phát triển song vẫn còn khá đơn điệu và có sự trùng lặp tại các điểm du lịch khác, chất lượng dịch vụ du lịch còn hạn chế.

Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, tự làm giàu trên chính giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc mình, đó chính là mục tiêu hướng tới một cuộc sống hạnh phúc, đáng yêu và đáng sống của mỗi bản làng, miền quê yêu dấu.

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023

 

;