Kiên Giang: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Kiên Giang mới đây đã tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống bạo lực gia đình”. Tọa đàm nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo gia lực gia đình, chào mừng kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam và hướng tới Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11.

 

Tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống bạo lực gia đình” nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận về thực trạng, kết quả phối kết hợp, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Hội LHPN tỉnh Kiên Giang hiện đã xây dựng được nhiều mô hình tổ, nhóm, câu lạc bộ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như: Mô hình câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Chi Hội an toàn”; “Gia đình không có bạo lực, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”... Ngoài ra, Hội còn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”… Tuy nhiên, theo thống kê của các cơ quan, ban ngành chức năng, từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 83 trường hợp phụ nữ bị bạo lực gia đình, hình thức bạo lực chủ yếu là bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể và 9 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Mặt khác, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được thường xuyên, liên tục.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe 7 tham luận với những nội dung tập trung vào nguyên nhân, giải pháp, kết quả, hiệu quả công tác tổ chức, triển khai, phối kết hợp thực hiện trong thời gian qua và đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới.

Sở VHTT có tham luận về “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực trong gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Tham luận xác định hoạt động truyền thông, tuyên truyền là một trong những giải pháp hàng đầu, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và nổi bật là xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình địa chỉ tin cậy cộng đồng, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, gia đình hạnh phúc tại 100% xã, phường, thị trấn... tạo thành mạng lưới phòng, chống bạo lực gia đình rộng khắp trong tỉnh. Qua đó, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiềm chế và giảm đáng kể, số vụ bạo lực gia đình năm 2018 là 95 vụ (giảm so với năm 2012 hơn 1.000 vụ); đến năm 2020 còn 66 vụ và đến năm 2022 còn 17 vụ. Để phát huy vai trò của tổ chức Hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, lồng ghép vào các phong trào thi đua, cuộc vận động, chương trình, đề án... góp phần đáng kể vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Hội rất chú trọng xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên PCBLGĐ, tư vấn, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình, làm tốt công tác hòa giải cơ sở. Qua đó, tích cực vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện công tác PCBLGĐ; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Cùng với đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, Hội LHPN các cấp còn nhân rộng, duy trì hiệu quả 3.965 câu lạc bộ, tổ, nhóm với hơn 73 ngàn thành viên tham gia. 100% cơ sở Hội thành lập 196 địa chỉ tin cậy cộng đồng đặt tại UBND, Hội LHPN, Công an, Trạm Y tế, trụ sở ấp, khu phố, Trung tâm Học tập cộng đồng, gia đình. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ, Hội đã góp phần cùng ngăn ngừa và làm giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh, hướng đến một môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Để thực hiện tốt công tác PCBLGĐ, trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp ở Kiên Giang cần tập trung nhiệm vụ, giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách - pháp luật của Nhà nước về gia đình, công tác xây dựng và phát triển gia đình trong tình hình mới. Tập trung triển khai các hoạt động vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, các chương trình, đề án có liên quan. Tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành trong thực hiện các mục tiêu của chương trình về công tác PCBLGĐ trong tình hình mới. Xây dựng, tổ chức các hoạt động, mô hình dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; hỗ trợ tư vấn, tham gia hoà giải ở cơ sở. Tổ chức kết nối giới thiệu việc làm, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực; duy trì hoạt động địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Ngoài tham luận của Sở VHTT thì Sở Tư pháp có tham luận về “Tình hình hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình của người dân, thực trạng và giải pháp”; Công an tỉnh tham luận về “Nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính về hành vi bạo lực gia đình”; Hội LHPN huyện Kiên Lương tham luận về “Vai trò Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện trong chỉ đạo Hội phụ nữ cơ sở tham gia, thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình”; UBND xã Vĩnh Hoà Hưng Nam, huyện Gò Quao tham luận về “Kết quả hoạt động và giải pháp nâng cao chất lượng của địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; Câu lạc bộ ấp An Thạnh, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng tham luận về “Những hiệu quả mang lại của câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình”. Tất cả đều rất thiết thực, ý nghĩa.

 

THẾ HẠNHT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

;