Bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật

Nói đến Lai Châu là nói đến bản sắc của 20 dân tộc, trong đó có những tộc người chỉ Lai Châu mới có như: La hủ, Lự... Cùng với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa ngay tại cộng đồng, bảo tồn gắn với quảng bá, phát triển du lịch... thì bảo tồn thông qua các tác phẩm nghệ thuật là cách làm hiệu quả trong việc góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Lai Châu trên con đường hội nhập, phát triển.

Tác phẩm múa Mặt trời bên khung cửi đạt HCB tại Hội thi múa không chuyên toàn quốc năm 2022
 

Lai Châu đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bởi sự phát triển của khoa học công nghệ, của điện thoại thông minh, truyền hình kỹ thuật số…, sự phát triển của các loại hình văn hóa hiện đại như âm nhạc đương đại, nhạc trẻ…, hay nguồn lực dành cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất hạn chế. Bên cạnh đó, những nghệ nhân được xem là báu vật sống của các loại hình di sản văn hóa truyền thống tuổi ngày càng cao, già yếu, thậm chí nhiều nghệ nhân đã qua đời, mà chưa kịp trao truyền cho lớp trẻ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc do mình nắm giữ.

Xuất phát từ bất cập, hạn chế nêu trên, đã có nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa được triển khai thực hiện hiệu quả, từ đó góp phần lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, bản sắc văn hóa của các dân tộc, trong đó bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật là một ví dụ điển hình. “Để có được những tác phẩm như: Che la la (chất liệu dân ca dân tộc Hà Nhì); Tiếng sáo mẫu tử (chất liệu dân ca dân tộc Lự)... ngoài việc đi biểu diễn, thâm nhập thực tế tại cơ sở, chúng tôi thường có những chuyến công tác đến cả tháng để nghiên cứu, sưu tầm các loại nhạc cụ, những bài dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dòng họ, tộc người trên địa bàn. Từ đó có thể nghiên cứu, chắt lọc và sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở các chất liệu được thâm nhập từ thực tế...”- Nhạc sĩ Minh Cừ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ.

Cùng với Minh Cừ, còn có rất nhiều nghệ sĩ đã bảo tồn, giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cũng như các dân tộc thiểu số trên địa bàn thông qua những tác phẩm múa mang đậm bản sắc văn hóa, huyền tích lịch sử và đã đạt giải cao tại các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức hằng năm như: Biên đạo múa Cà Thắm với các tác phẩm múa Mùa bông bản Lự, Vũ điệu về nguồn (chất liệu dân tộc Si La), Tùi ngụ đài (Rơi đài - chất liệu dân tộc Dao). Biên đạo múa Pờ Nhù Nu với các tác phẩm: Khoe khăn (chất liệu dân tộc Giáy), Mùa thay lá (dân tộc La Hủ), Lạc vườn đào - dân tộc Mông; Tiếng vọng Là Khư (dân tộc Hà Nhì)...  Càng ý nghĩa hơn khi những tác phẩm này đã giúp khơi dậy tình yêu văn hóa, ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng các dân tộc. “Các tác phẩm múa từ nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng được chắt lọc từ bản sắc của các dân tộc như tác phẩm Mùa thay lá (dân tộc La Hủ), Tiếng vọng Là Khư (dân tộc Hà Nhì)... đã giúp cho cộng đồng La Hủ, Hà Nhì ở Lai Châu biết rõ hơn về văn hóa của dân tộc mình. Bà con thích lắm, tự hào lắm! Giờ đây các bản có người La Hủ, Hà Nhì sinh sống thường xuyên tập múa bài này để biểu diễn vào những dịp lễ, Tết, hội của bản, cũng như tham gia các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh được tổ chức hằng năm” - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Tè Vàng A Lình chia sẻ.

Một tiết mục múa chất liệu dân tộc Hà Nhì (Đoàn huyện Mường Tè) tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các đơn vị  mạnh tiêu biểu năm 2022
 

Một lần đến xem chương trình lưu diễn của đội nghệ thuật thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn niềm vui, sự tự hào của mỗi người dân nơi đây khi được tận mắt chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình: “Chúng tôi thấy chương trình nghệ thuật đêm nay rất hay, đặc biệt là tiết mục Mùa bông bản Lự đúng là bản sắc của người Lự mình rồi, rất hay, rất đặc sắc và chúng tôi cảm thấy tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Sau chương trình này, tôi sẽ về tuyên truyền, vận động bà con phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Lự cho con cháu mai sau” - Anh Tao Văn Pèng bản Nậm Ngập, xã Nậm Tăm (Sìn Hồ) phấn khởi nói.

“Bảo tồn văn hóa qua các tác phẩm nghệ thuật là một trong những giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch”, cũng như thực hiện tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta từ ngày lập đó là "Văn hóa còn thì dân tộc còn" đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Chính vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật ra đời đã bám sát hơi thở, nhịp sống và bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, sau đó quay trở lại phục vụ chính đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và được bà con đón nhận với tình cảm nồng nhiệt” - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Lai Châu Trần Mạnh Hùng cho biết.

Được biết, hằng năm, cùng với việc xây dựng các chương trình nghệ thuật mới, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh luôn duy trì biểu diễn trên 80 buổi tại cơ sở, trong đó có trên 60 buổi thuộc các xã, bản vùng cao, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những tác phẩm đoạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng cấp khu vực và toàn quốc. Quan trọng hơn cả quá trình biểu diễn này đã góp phần đưa bản sắc của chính đồng bào quay trở lại phục vụ đồng bào với những gam màu tươi mới, giúp bà con thêm yêu, trân quý và từ đó hình thành lòng tự tôn, ý thức gìn giữ, bảo tồn bản sắc của chính dân tộc mình.

 

 

NHẬT MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 546, tháng 9-2023

 

;