Sóc Trăng phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Dù Kê của đồng bào Khmer

Với hơn 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào, trong đó có nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Hiện nay, toàn tỉnh có 3 đoàn nghệ thuật quần chúng của 3 huyện là: Đoàn Nghệ thuật Ron Ron, thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành; Đoàn Nghệ thuật Tân Nguyệt Quang, thuộc xã Viên An, huyện Trần Đề và Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh, thuộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Ngoài ra, Sóc Trăng còn có một đoàn nghệ thuật Khmer thuộc Sở VHTTDL tỉnh. Tất cả các đoàn nghệ thuật trên hiện vẫn đang hoạt động, được nhiều khán giả trong và ngoài nước biết đến.

Chúng tôi đến thăm Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng trong lúc các anh, chị em diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công đang tất bật tập luyện hăng say cho các chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả, bởi nhiệm vụ của Đoàn Nghệ thuật Khmer là tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật (ca, múa, nhạc, hát Dù kê, múa Rô băm…) phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh, mục đích để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Hằng năm, Đoàn tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị vào các ngày lễ, Tết, sự kiện chính trị của đất nước, tỉnh nhà, phục vụ khách du lịch và phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc… với hàng chục ngàn lượt người xem. Đặc biệt, trong mùa khô, đồng bào Khmer ở các địa phương thường tổ chức lễ hội Cầu an, thường xuyên mời các đoàn đến biểu diễn phục vụ bà con. Chúng tôi được gặp gỡ và trao đổi với anh Trần Tiền, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, người đã có thời gian gắn bó với nghệ thuật sân khấu Dù kê gần 20 năm nay.Anh Tiền cho biết: “Hồi nhỏ, mình có cơ duyên với nhạc cụ Khmer, cho nên khi Đoàn Nghệ thuật Khmer tuyển nhạc công, tôi đã tham gia thi tuyển và được chọn vào Đoàn cho đến nay. Mỗi ngày các anh, chị em diễn viên, nghệ sĩ luôn hăng say tập luyện, nhằm chuẩn bị thật tốt cho các hoạt động biểu diễn phục vụ bà con, nhất là dịp mùa khô hằng năm. Tuy vất vả, nhưng mọi người đều rất phấn khởi vì được thực hiện những điều mà mình yêu thích, đam mê, luôn phấn đấu làm tròn vai của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ khi đứng trên sân khấu phục vụ nhân dân”.

Nhằm bảo tồn và góp phần phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là đối với nghệ thuật hát Dù kê, các đoàn nghệ thuật thường xuyên phối hợp với Đài Truyền hình VTV5, VTV tại Cần Thơ và Đài Phát thanh - Truyền hình Sóc Trăng, tổ chức thu hình các vở diễn Dù kê, các  chương trình văn nghệ để phục vụ bà con vùng đồng bào Khmer Nam Bộ qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Các chương trình văn nghệ được dàn dựng công phu, chu đáo để chuyển tải thông tin thiết thực về ý nghĩa của sự kiện lịch sử của dân tộc, địa phương; ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Nông thôn mới, những vấn đề xã hội quan tâm, những trăn trở, nghĩ suy về trách nhiệm công dân, những niềm tin về cuộc sống hiện tại và tương lai, cũng như những thông điệp hữu ích của xã hội.... Qua đó, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương; nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, ra sức thi đua chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ông Lưu Thanh Hùng - Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng cho biết: “Đoàn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở VHTTDL; sự thống nhất giữa Ban lãnh đạo Đoàn, sự phối hợp công việc chặt chẽ, sáng tạo giữa các bộ phận, từ đó mọi hoạt động của đơn vị đều đạt kết quả tốt. Để hoạt động của Đoàn ngày càng tốt hơn, đi vào nền nếp, kịp thời theo xu hướng hiện đại, chúng tôi hướng nội dung hoạt động nghệ thuật đi vào chiều sâu, đáp ứng yêu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng quần chúng, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ chính trị nhằm nâng cao mức hưởng thụ nghệ thuật cho đồng bào; đầu tư xây dựng các tác phẩm ca - múa - nhạc Dù kê với chất lượng cao, tích cực bồi dưỡng nhiều tài năng nghệ thuật nhằm tiến tới chuyên nghiệp hóa, hoàn thiện đội ngũ diễn viên, nhạc công trẻ. Đồng thời, đẩy mạnh việc khai thác vốn nghệ thuật dân tộc; xây dựng kế hoạch, chương trình tập huấn chuyên môn tại chỗ cho diễn viên, nhạc công tại đơn vị; xây dựng chương trình nghệ thuật tham gia biểu diễn chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước”.

Riêng 3 Đoàn nghệ thuật còn lại gồm: Ron Ron, Tân Nguyệt Quang và Ánh Bình Minh, hoạt động biểu diễn nghệ thuật với pháp nhân là đoàn quần chúng nghiệp dư (tư nhân) nhưng vẫn duy trì hoạt động để phục vụ cho bà con Khmer trong và ngoài tỉnh.  Ông Thạch Xa, diễn viên Đoàn Ron Ron cho biết: “Tôi tham gia biểu diễn trong Đoàn Nghệ thuật Khmer Ron Ron từ năm 1988 cho đến nay, với tư cách là một diễn viên, tôi thường được Trưởng đoàn phân công đóng vai chính của nhiều vở diễn Dù kê nổi tiếng như: vở "Tum Teo", "Chau phe Rinh", "Chây SôRiYa Vong", "Đom Bon Pích", "Đom Bon Đec"… tôi luôn biểu diễn , rất nhập tâm, được bà con yêu mến, bạn bè đồng nghiệp kính trọng. Để thành công trong các vai diễn trên, là nhờ bản thân không ngừng nâng cao nghiệp vụ, thường xuyên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sân khấu Dù kê, học hỏi anh em đồng nghiệp, nhằm phục vụ bà con và quý khán giả ngày càng tốt hơn, để sân khấu Dù kê mãi mãi trường tồn theo thời gian”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sự thay đổi nhu cầu thị hiếu thẩm mỹ của người dân, sự bùng nổ của các loại hình giải trí hiện đại, sức hấp dẫn của phương tiện nghe nhìn… nên nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Sóc Trăng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội ngày càng thưa dần, trong khi đó, đội ngũ kế thừa chưa được đào tạo bài bản. Phương thức sưu tầm, lưu trữ và truyền bá còn nhiều hạn chế. Việc đầu tư viết kịch bản, dàn dựng và biểu diễn các vở diễn mới chưa đáp ứng nhu cầu của công chúng (nhất là đối với các đoàn nghiệp dư). Theo ông Sơn Ngọc Hoàng, Chi hội nghệ sĩ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trong lịch sử 100 năm hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê Phật giáo Nam tông Khmer với nhân sinh quan sâu sắc đã tác động mạnh mẽ đến nghệ thuật truyền thống của cộng đồng người Khmer, triết lý nhân sinh của Phật giáo Nam tông Khmer đã tác động đến tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lễ hội và các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có loại hình sân khấu Dù kê.

Dù kê là loại hình nghệ thuật sân khấu ẩn chứa những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng độc đáo của người Khmer. Bảo tồn phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này gắn với phát triển du lịch, tạo điều kiện để ngày càng có nhiều du khách khi đến vùng đất Sóc Trăng được xem biểu diễn nghệ thuật hát Dù kê, để hiểu hơn về văn hóa Khmer là hướng đi đúng, cần triển khai bài bản, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 

SÓC CA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 537, tháng 6-2023

 

;