Dư âm từ Liên hoan Ca Huế năm 2023

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu – Festival Huế 2023, Liên hoan Ca Huế 2023 là một hoạt động lần đầu tiên được tổ chức trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự quan tâm của ngành Văn hóa và Thể thao đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản Ca Huế. Thông qua Liên hoan, khuyến khích việc học tập, rèn luyện, nâng cao kỹ năng ca hát, biểu diễn cho các diễn viên, nhạc công cũng như xây dựng phong trào hát Ca Huế trong cộng đồng. Đồng thời cũng là cơ hội để phát hiện và biểu dương những hạt nhân cho phong trào văn hóa văn nghệ, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa nghệ thuật cơ sở, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.

Các tiết mục văn nghệ chào mừng tại đêm khai mạc

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT  Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức liên hoan phát biểu tại buổi lễ

 

Những dấu ấn của Liên hoan

Đến với Liên hoan Ca Huế lần này có sự tham gia của các đơn vị đến từ các Câu lạc bộ, doanh nghiệp, các công ty tổ chức biểu diễn Ca Huế trên địa bàn thành phố Huế. Đây được xem là một trong những hoạt động thiết thực, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản ca Huế trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với Ca trù miền Bắc, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Diễn ra trong 2 ngày, các đơn vị dự thi liên hoan đã biểu diễn nhiều tiết mục, bài bản Ca Huế, các trích đoạn ca kịch đặc sắc… Với tinh thần vượt lên mọi trở ngại, sự chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm của các đơn vị, Câu lạc bộ, doanh nghiệp tham gia, gần 150 diễn viên với 30 tiết mục trong 7 chương trình nghệ thuật đã thể hiện hết mình với sức truyền cảm, sự trang trọng, tinh tế, cuốn hút lòng người. Âm thanh của đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị, đàn tỳ bà và bộ xanh tiền, lúc khoan, lúc nhặt đã làm nên những tiết tấu chạm đến tâm hồn người thưởng thức. Cùng với Nam ai, Nam bình, ẩn chứa một chút man mác, một chút thương cảm, một chút bi ai, một chút vấn vương…. tạo nên không khí sinh động, đầy nhiệt huyết và không gian nghệ thuật phong phú đa sắc màu.

Trong liên hoan lần này, xuất hiện nhiều giọng ca tiềm năng không chỉ về chất giọng, kỹ thuật ca hát, xử lý ca khúc tốt, chắc nhịp mà còn thể hiện ca khúc bằng cả sắc thái tình cảm. Thật bất ngờ, có một số diễn viên vừa soạn lời, vừa hát rất tốt. Một số bài bản, làn điệu được các đơn vị phát triển có chiều sâu, có sự sáng tạo về dàn dựng, đưa lời mới vào trong các làn điệu dân ca và Ca Huế rất phù hợp với đời sống đương đại.

Nhìn chung các đơn vị tham gia Liên hoan đã có sự đầu tư về các mặt, nội dung tư tưởng, kết cấu chương trình, chất lượng nghệ thuật được nâng lên thể hiện trong công tác dàn dựng và biểu diễn cũng như sự kết hợp yếu tố phụ trợ của phục trang, đạo cụ, âm thanh, tiếng động, cấu trúc đa dạng của các thể loại trong chương trình, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn. Nội dung tập trung vào chủ đề ca ngợi quê hương xứ sở, xây dựng đời sống văn hóa, ứng xử giữa con người với con người, con người với xã hội, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu.

NSND Phạm Thị Kim Oanh, Trưởng ban Giám khảo nhận định: “Không chỉ là những giọng ca tha thiết ngọt ngào, những động tác khá uyển chuyển mang đầy cảm xúc thẩm mỹ, với nội dung thiết thực, ý nghĩa… phần nào đó còn có cả sự ẩn chứa mạch nguồn của sức sống mang tính bền vững, là hồn cốt bản sắc văn hóa Huế, văn hóa dân tộc. Chính điều đó, tất cả đều xứng đáng nhận được thang điểm cao nhất, giải thưởng cao nhất về tinh thần và ý chí của những người làm văn hóa".

Về tham dự liên hoan lần này ngoài những nghệ sĩ gạo cội của CLB Ca Huế Thính phòng thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế thì hầu hết là lực lượng diễn viên trẻ, sung sức và đầy nhiệt huyết. Hiệu quả của các chương trình nghệ thuật tương đối đồng đều về chất lượng, đặc biệt có những chương trình rất chỉn chu về mặt tổng thể, từ nội dung tư tưởng đến cấu trúc chương trình, kỹ năng biểu diễn về ca múa nhạc được nâng lên, vươn tới tính chuyên nghiệp về nghệ thuật.

 

Xây dựng Ca Huế thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc.

Trải qua hơn 3 thế kỷ hình thành và phát triển, Ca Huế như những mạch nguồn đêm ngày âm thầm chảy mãi trong lòng bao thế hệ với những giai điệu mượt mà, sâu lắng, thể hiện trong nhiều không gian cổ kính của cung phủ hay trên dòng sông Hương thơ mộng đã làm phong phú đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân, tăng thêm tính đặc sắc cho văn hóa Huế. Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.

Với những giá trị độc đáo, Ca Huế đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày nay, Ca Huế trên sông Hương là sản phẩm văn hóa du lịch không thể thiếu để phục vụ du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Huế, là hoạt động văn hóa sôi nổi về đêm của Huế. Loại hình nghệ thuật độc đáo này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên và người lao động, góp phần giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Liên hoan Ca Huế lần đầu tiên được tổ chức, cùng với các hoạt động nghiên cứu, xuất bản sách, thực hiện đề tài, dự án bảo tồn và phát huy giá trị Ca Huế, đưa Ca Huế vào trường học…sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Ca Huế trong bối cảnh xã hội đương đại, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách, phấn đấu đưa Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc của tỉnh. Hy vọng, sau Liên hoan Ca Huế lần này, các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn Ca Huế, các câu lạc bộ Ca Huế không ngừng nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ du lịch, phục vụ cộng đồng, xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc của tỉnh…

Từ kết quả của Liên hoan lần này sẽ giúp cho các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trong việc định hướng bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, truyền dạy, truyền lửa cho các thế hệ tương lai để câu hò, điệu lý, các bài bản Ca Huế vọng mãi tới muôn đời sau. Để sản phẩm Ca Huế ngày càng chất lượng, sang trọng, đáp ứng yêu cầu của du khách và tình yêu của nhân dân đối với di sản.

Phần thi của các đội sau lễ khai mạc

 

HẰNG NGUYỄN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 543, tháng 8-2023

 

 

;