Di tích lịch sử cách mạng Nhà máy in tiền tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy
Lạc Thủy là huyện miền núi thấp, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hòa Bình; phía Bắc giáp huyện Kim Bôi tỉnh (Hòa Bình), huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội); phía Đông giáp huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm (Hà Nam); phía Nam giáp huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn (Ninh Bình); phía Tây giáp huyện Yên Thủy (Hòa Bình) rất thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong và ngoài huyện, làm giàu thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Huyện có 10 đơn vị hành chính (8 xã, 2 thị trấn) với tổng diện tích tự nhiên 31.495,35 ha; dân số 66.210 người; dân tộc Kinh chiếm 58,2%, dân tộc Mường chiếm 40,75%, các dân tộc khác chiếm 1,05%. Huyện có trên 100 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể những giá trị văn hóa đặc trưng như: Lễ hội truyền thống, tín ngưỡng, tập quán xã hội… mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đó đều là những tài sản vô giá của huyện và của tỉnh Hòa Bình.
Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc đã được nâng lên và có chuyển biến tích cực: công tác quản lý nhà nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực được tăng cường, hoạt động tuyên truyền quảng bá được đẩy mạnh; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm; hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc đã được quan tâm gắn với thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch. Các di tích xuống cấp được quan tâm trùng tu, tôn tạo, những di tích đủ điều kiện được lập hồ sơ xếp hạng và đưa vào danh sách kiểm kê cần bảo vệ. Phong trào văn hóa, văn nghệ gắn với bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống được duy trì. Nhiều tập thể, cá nhân có công đóng góp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được khen thưởng, ghi nhận, động viên kịp thời. Các mô hình câu lạc bộ gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc Mường được nhân rộng. Đó là điều kiện để xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với phát triển du lịch làm đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch, thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Doanh thu từ hoạt động du lịch tăng lên, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Cụ thể, trên địa bàn huyện hiện có 6 di tích cấp quốc gia; 12 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, có 2 di tích đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị và được UBND tỉnh Hòa Bình ra Quyết định công nhận di tích cấp tỉnh là: di tích Đình Láo (xã Hưng Thi); Đền Cò Lào (xã Thống Nhất). Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tư liệu và thực hiện chuyển đổi số trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống cũng như sự phát triển văn hóa, du lịch tại địa phương.
Huyện còn thường xuyên phối hợp với Đài Truyền hình Trung ương, các báo Trung ương chuyên ngành du lịch, Báo Hòa Bình, Đài truyền hình tỉnh... xây dựng các tin bài, phóng sự tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về công tác quy hoạch, tiềm năng phát triển du lịch của Lạc Thủy; tăng cường thông tin tuyên truyền, xúc tiến quảng bá về hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, phát huy khai thác các giá trị tài nguyên du lịch, trọng tâm là các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; tập trung huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện của huyện. Tăng cường đầu tư, bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa dân tộc có giá trị tiêu biểu của Lạc Thủy. Trong những năm 2021-2025, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện đã triển khai hỗ trợ 450 triệu đồng mua cồng chiêng, âm ly, loa đài cho 15 thôn của các xã Hưng Thi, Phú Thành, Thống Nhất, thị trấn Ba Hàng Đồi. 112/112 đội văn nghệ thôn, khu dân cư được cấp kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách tỉnh với mức hỗ trợ 4.000.000đồng/đội/năm.
Cùng với đó, hoạt động văn hóa lễ hội, văn hóa tâm linh ngày càng được quan tâm và người dân nhiệt tình hưởng ứng. Các lễ hội đình làng, lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức mở rộng về quy mô nhưng đi vào nề nếp, có nét mới nhưng vẫn đảm bảo nội dung ý nghĩa truyền thống, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người dân. Hằng năm, huyện duy trì tổ chức Lễ hội Chùa Tiên theo quy mô cấp huyện (ngày khai hội thu hút khoảng 10.000 lượt du khách tham quan du lịch Lễ hội), còn lại 22 lễ hội truyền thống được tổ chức với quy mô cấp xã, cấp thôn, khu dân cư.
Để tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên và di sản văn hóa lịch sử trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã tăng cường công tác quảng bá, tích cực xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn lực, có cơ chế, chính sách phù hợp phát triển các loại hình du lịch du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh theo hướng chuyên nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các hộ kinh doanh lưu trú thông qua việc tập huấn, hỗ trợ kiến thức du lịch cộng đồng, hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phụ trợ; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích sản xuất các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc và sản phẩm Ocop như: Cam Lạc Thủy, na, gà , mật ong, măng, chè, thanh long... Qua đó, từng bước giúp người dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định từ du lịch, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hướng đến phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện được quan tâm, huy động nguồn lực và sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Nhiều lễ hội huy động được các nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp trên địa bàn như: VNPT, VIETTEL, MOBIFONE... Hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ dân gian tiếp tục được duy trì, hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển văn hóa địa phương.
ĐOÀN CẦN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 549, tháng 10-2023