Thiếu niên và chim diệc - Tác phẩm mới của đạo diễn Miyazaki Hayao gây chú ý

Sau 10 năm, đạo diễn Miyazaki Hayao - cha đẻ của Studio Ghibli chính thức trở lại màn ảnh rộng với tác phẩm mới The Boy and the Heron (Thiếu niên và Chim Diệc). Là một trong những tác phẩm trọng điểm của điện ảnh Nhật Bản năm nay, bộ phim gây tiếng vang lớn cả ở trong và ngoài nước. Ngày 15/12 năm nay, phim khởi chiếu tại Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên một phim Ghibli được phát hành thương mại rộng rãi tại phòng vé Việt.

 

Bộ phim mất 6 năm để hoàn thành 

Sự trở lại của Studio Ghibli và đạo diễn Miyazaki Hayao với Thiếu niên và Chim Diệc thực sự là một sự kiện lớn với không chỉ các fan anime mà cả người yêu điện ảnh nói chung. Mười năm sau tác phẩm “từng được coi là cuối cùng” The Wind Rises (Gió Nổi), đạo diễn Miyazaki Hayao trở lại với Thiếu niên và Chim Diệc khiến nhiều người ngỡ ngàng trước sức sáng tạo không giới hạn của vị đạo diễn năm nay đã bước sang tuổi 82. Không chỉ là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của Miyazaki Hayao, đây còn là món quà chia tay ông dành cho cháu trai của mình. 

Cũng giống như phim trước đến từ Studio Ghibli, Thiếu niên và Chim Diệc lấy bối cảnh thời điểm cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2, khi đất nước Nhật Bản trải qua nhiều biến cố lớn. Nhân vật chính của bộ phim là cậu thiếu niên Mahito - lúc này đang phải trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống gia đình, trường học, khiến cậu ngày càng khép kín bản thân và trở nên tiêu cực. Từ đó, phim đem đến nhiều thông điệp ý nghĩa về sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như khát khao hòa bình và cuộc sống tự do. 

Không chỉ vậy, phim cũng sẽ mang đến một trải nghiệm đậm chất Ghibli, khi lồng ghép trong phim rất nhiều các dấu ấn của các tác phẩm đình đám đến từ studio hoạt hình danh tiếng tầm cỡ thế giới này. Khán giả sẽ lại được khám phá một thế giới kỳ diệu vượt ngoài sức tưởng tượng, với những loài vật kỳ lạ, những con người sở hữu các năng lực đáng nể. Một lần nữa, người xem như được trở về thế giới tuổi thơ, đắm mình trong hành trình của phép màu, chạm đến những giới hạn mới của sự sáng tạo mà Studio Ghibli từng tạo ra. Nhiều khán giả chia sẻ, Thiếu niên và Chim Diệc khiến họ liên tưởng nhiều đến hai bộ phim nổi tiếng của Ghibli là Vùng đất linh hồn - anime duy nhất từng giành giải Oscar và Lâu đài di động của Howl

Vào năm 2020, nhà sản xuất Suzuki Toshio cho biết bộ phim đã hoàn thành 36 phút phim sau hơn ba năm thực hiện. Trước đây, đạo diễn Miyazaki thường đạo diễn khoảng 7 - 15 phút phim trong một tháng, nhưng khi thực hiện Thiếu niên và Chim Diệc, ông chỉ sản xuất 1 phút phim mỗi tháng. Điều này cũng phần nào có liên quan đến một cuộc cải tổ về phong cách làm việc, khi các nhân viên Studio Ghibli có thể tan làm vào 8 giờ tối mỗi ngày. Cuối năm 2020, có thông tin cho biết bộ phim đã hoàn thành được một nửa chặng đường trong 125 phút tổng thời lượng. Và tới năm 2023, bộ phim đã kịp hoàn thành để ra mắt khán giả.

 Chiến lược marketing đặc biệt 

Tại Nhật Bản, Thiếu niên và Chim Diệc không sử dụng bất cứ tài liệu quảng bá nào ngoại trừ một poster vẽ tay duy nhất hình chú chim diệc. Mọi thông tin về bộ phim bao gồm nội dung, dàn diễn viên, các nhân viên chế tác… cũng được giữ kín hoàn toàn cho đến ngày khởi chiếu.

Lý giải cho chiến lược marketing “không quảng bá” này, nhà sản xuất Suzuki chia sẻ: “Hiện tại, rất nhiều thông tin về các bộ phim được đưa ra trong suốt thời gian quảng bá. Và rồi tôi bắt đầu nghĩ rằng, mọi người sẽ nghĩ sao nếu một bộ phim không có bất cứ thông tin quảng bá nào? Đây chỉ là suy nghĩ của cá nhân tôi thôi, nhưng trong thời đại rất nhiều thông tin như bây giờ, việc “không có thông tin” có lẽ cũng là một kiểu giải trí.” 

Chiến lược đặc biệt của Studio Ghibli đã phát huy rất hiệu quả. Khán giả đến với bộ phim với tâm thế tò mò, với sự tin tưởng tuyệt đối dành cho đạo diễn Miyazaki Hayao và mến mộ Studio Ghibli. Sự ra mắt của Thiếu niên và Chim Diệc tại Nhật Bản đã trở thành một sự kiện điện ảnh quan trọng trong năm, khiến bộ phim trở nên đặc biệt đúng với tính chất của nó. 

Chiến lược marketing độc đáo, thành công phòng vé và tầm vóc của đạo diễn Miyazaki Hayao khiến việc quảng bá phim tại các thị trường quốc tế cũng trải qua nhiều áp lực. Nhà phát hành của bộ phim tại Mỹ - GKIDS chia sẻ, Thiếu niên và Chim Diệc có thể coi là thách thức lớn nhất về mặt marketing từ trước đến nay của công ty này. Họ không chỉ mong muốn đưa bộ phim đến các phòng chiếu khắp Bắc Mỹ mà còn hy vọng bộ phim “tìm được các khán giả mà nó xứng đáng”. 

Thống trị phòng vé Nhật Bản và lập kỷ lục doanh thu tại nhiều quốc gia trên thế giới 

Bộ phim mở màn với 1,35 triệu vé được bán ra, vượt mốc 2,1 tỷ yên doanh thu và trở thành tác phẩm có doanh thu mở màn cao nhất lịch sử Ghibli, vượt qua cả Vùng đất linh hồn. Hiện tại, phim có doanh thu 8,54 tỷ yên, đứng thứ ba trong số các phim có doanh thu cao nhất năm 2023 tại Nhật Bản và đứng thứ nhất trong số các tác phẩm không thuộc franchise. 

Vào cuối tháng 10 vừa qua, Thiếu niên và Chim Diệc đã bắt đầu khởi chiếu thương mại tại một số quốc gia lớn trên thế giới. Tại Hàn Quốc, theo thông tin từ KoBiz - trang thống kê dữ liệu phim ảnh của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc, phim đã ghi nhận trên 1,77 triệu vé tại thị trường này, thu về trên 13 triệu đô la doanh thu. Phim duy trì vị trí số 1 phòng vé trong suốt 2 tuần trước khi tạm thời bị The Marvels soán ngôi. 

Còn tại Pháp, phim khởi chiếu từ ngày 1/11 vừa qua và theo Box Office Mojo, bộ phim đã thu về hơn 7 triệu đô la. Tại Bắc Mỹ, phim khởi chiếu vào ngày 8/12/2023. Cùng dàn diễn viên lồng tiếng “gây bão” như một bom tấn Hollywood hạng A thực thụ với Christian Bale, Robert Pattinson, Florence Pugh, Gemma Chan, Dave Bautista hay Willem Dafoe, phim được dự đoán sẽ tiếp tục tạo ra cơn sốt lớn vào dịp cuối năm tại phòng vé toàn cầu dù phải đối đầu với những phim Hollywood lớn. 

“Càn quét” khắp các Liên hoan phim và loạt lời khen từ giới phê bình   

Vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản, phim gặt hái nhiều thành công cả về mặt phê bình và doanh thu tại các quốc gia trên toàn cầu. Từ tháng 9/2023, phim bắt đầu đến với nhiều LHP lớn trên thế giới. Ngày 7/9, phim trở thành tác phẩm mở màn LHP quốc tế Toronto, đánh dấu lần đầu tiên một phim hoạt hình và một phim Nhật Bản trở thành tác phẩm mở màn LHP này. Tại đây, phim nhận giải thưởng Audiences’ Choice và được lựa chọn tham gia tranh giải cho hạng mục Phim xuất sắc nhất. 

Sau đó, bộ phim còn tham dự nhiều LHP lớn khác như LHP New York, LHP Sitges, LHP Rome, LHP Grand Lyon, LHP quốc tế Chicago, LHP Barcelona…

Trên trang đánh giá Rotten Tomatoes, phim nhận về 98% đánh giá tươi từ các nhà phê bình, với rất nhiều lời khen có cánh dành cho đạo diễn Miyazaki Hayao. Là người từng tạo ra những thế giới hoạt họa chinh phục biết bao thế hệ khán giả với Vùng đất linh hồn, Lâu đài di động của Howl hay Hàng xóm của tôi là Totoro, một lần nữa, ông tiếp tục đưa người xem bước vào thế giới của trí tưởng tượng, mơ ước và phép màu. 

Nhà phê bình Sheraz Farooqi của CinemaDebate kết luận ngắn gọn: “Bộ phim chỉ có thể diễn tả bằng một từ: Nghệ thuật”. Trong khi đó, cây bút Kyle Pinion của Screen Rex nhận xét về chuyến phiêu lưu của Mahito trong lâu đài ma thuật là “Đúng với những gì bạn kỳ vọng và khác hoàn toàn với những gì bạn tưởng tượng”. Còn Laura Babiak của tờ Observer cho rằng: “Nhà làm phim vĩ đại đã trở lại với một trong những tác phẩm sáng tạo, trưởng thành và tuyệt vời nhất của ông”.

MINH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 556, tháng 12-2023

;