Hình ảnh biểu tượng về người lính trong thời kỳ mới

Sau nhiều dự án phim rất thành công trên sóng truyền hình, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tiếp tục được “chọn mặt gửi vàng” để làm một bộ phim truyền hình dài tập về đề tài người lính ở vùng biên giới và hải đảo. Được đầu tư rất công phu và chuyên nghiệp, bộ phim truyền hình Cuộc chiến không giới tuyến đã khắc họa chân thực hình ảnh biểu tượng về anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

 Vai diễn Trung là một thách thức lớn với Việt Anh, là nấc thang mới mà anh phải bỏ nhiều công sức để chinh phục

Dự án phim lớn được đầu tư công phu 

Người lính luôn là một đề tài truyền cảm hứng cả trong phim điện ảnh và phim truyền hình nhưng cũng là một đề tài đầy thách thức với các nhà làm phim. Đã khá lâu đề tài về người lính mới trở lại trên sóng truyền hình trong một kịch bản được đầu tư bài bản kỹ lưỡng, với câu chuyện trải dài từ miền núi tới hải đảo.

Thiếu tướng Lê Xuân Sang - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo ra mắt phim Cuộc chiến không giới tuyến: “Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ quốc phòng giao cho Tổng cục Chính trị phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam triển khai thực hiện đề án phim truyền hình dài tập về anh bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Dự án này chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 trong năm 2023 sẽ phối hợp sản xuất 40 tập phim, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục triển khai trong quý 1 năm 2024. Trong năm 2023, những tập phim đầu tiên của bộ phim đã hoàn thành. Được đầu tư công phu, chuẩn bị chặt chẽ, bộ phim khắc họa hình ảnh dung dị, chân thực của người lính, phản ánh những khó khăn vất vả, sự hy sinh cống hiến của họ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Dẫu còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng những hy sinh của các chiến sĩ bảo vệ an ninh Tổ quốc sẽ giúp khán giả hiểu sâu sắc hơn, yêu mến, quý trọng hơn anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới”.

Ông Lê Mạnh - Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) cho biết: “Đã lâu VFC mới đầu tư làm một bộ phim về biên giới, hải đảo, đây cũng là tình cảm và trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo Đài trao cho VFC. được sự ủng hộ của Tổng Cục chính trị Quân đội nhân vân VN Có ý kiến rất tích cực từ lãnh đạo tổng cục chính trị, các bộ phận và các đơn vị chuyên môn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ tư lệnh Hải quân và một số đơn vị liên quan. Phim đã hoàn thành 5 tập đầu tiên, được đánh giá là rất gần gũi với cuộc sống đời thường, tâm tư tình cảm của người chiến sĩ bảo vện an ninh biên giới và hải đảo, sát cánh cùng đồng bào đảm bảo an sinh xã hội.

 Những hình ảnh đầy xúc động về người lính bảo về biên cương Tổ quốc

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết: “Ê kíp đã vượt qua muôn vàn những khó khăn không dễ gì chia sẻ, nếu chỉ xem những hình ảnh trong phim khán giả sẽ không thể hình dung được. Nhiều lúc những người làm phim cũng không tự tin nhưng may mắn nhận được sự phối hợp từ phía Bộ quốc phòng, Bộ tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Hải quân và các đơn vị có liên quan cử đội ngũ cố vấn tới hỗ trợ và đồng hành cùng đoàn phim, giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ sợ mình khai thác chưa đủ, chưa tới - đó là điều chúng tôi lo lắng nhất. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ bình yên vùng biên giới và hải đảo của Tổ quốc, hình ảnh người lính vẫn phải có những phút giây đời thường dung dị, chúng tôi cố gắng để dung hòa được điều này cho bộ phim hấp dẫn, thuyết phục hơn”.

Khắc họa chân thực hình ảnh biểu tượng về người lính 

Xoay quanh câu chuyện của hai anh em Trung và Hiếu, sinh ra trong một gia đình quân nhân, người anh là Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Luông, còn người em là bộ đội nghĩa vụ Hải quân, Cuộc chiến không giới tuyến khéo léo lồng ghép những hoạt động của cả bộ đội Biên phòng và bộ đội Hải quân với nhiều câu chuyện rất đặc thù. 

Kể từ bộ phim Mùa xuân ở lại (2020) cũng của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đến nay, khán giả mới có dịp gặp lại người lính biên phòng trên miền biên cương trong một cuộc chiến không giới tuyến đầy cam go, kịch tính. Theo hành trình của Trung từ khi là Đội trưởng Đội chống ma túy thuộc Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh cho đến khi được phân công về làm Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Luông, bộ phim mở ra nhiều điều bất ngờ. Từ việc truy vết và lần ra đường dây của nhóm tội phạm ma túy đến những mối quan hệ bí ẩn, nhiều âm mưu bí mật giấu kín, cho thấy hành trình gian nan đầy hiểm nguy của các chiến sĩ bộ đội biên phòng trong cuộc chiến với kẻ thù ẩn nấp qua nhiều lớp ngụy trang để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong cuộc chiến ấy, tình quân dân gắn bó keo sơn luôn là gốc rễ của mọi thành công, giúp người dân trở thành cánh tay phải tin cậy của bộ đội, giúp thức tỉnh kẻ xấu để cuộc chiến nghiêng về phía công lý và lẽ phải.

Hình ảnh người lính hiện lên vừa chân thật vừa đời thường dung dị

Nhóm biên kịch Nguyễn Thu Thủy, thiếu tá Phạm Ngọc Hà Lê - người bổ sung những kiến thức chuyên môn bên cạnh những yếu tố đặc thù của người lính, Dương Hồng Hải, Đức Bảo phối hợp với nhau thật nhịp nhàng. Thiếu tá Phạm Ngọc Hà Lê cho biết, nhóm chia làm hai, một nhóm phụ trách mảng Hải quân, nhóm kia phụ trách mảng Biên phòng. Trong quá trình lên ý tưởng, phải qua quá trình đi thực tế mới quyết định chọn hai mảng đề tài này vì sẽ có nhiều điều gần gũi với nhân dân và thể hiện được nhiều mặt công tác của các chiến sĩ. Vừa làm nội dung vừa phụ thuộc vào khảo sát, trao đổi với đạo diễn và quay phim, đặc biệt nhận được tư vấn quan trọng về mặt chuyên môn nên quá trình chuẩn bị kịch bản rất kỹ lưỡng.

Đặc biệt, thông qua câu chuyện học tập, rèn luyện trong quân ngũ của Hiếu, hình ảnh những chàng lính biển được phác họa phần nào. Từ một thanh niên ngỗ nghịch tham gia quân ngũ, Hiếu đã trưởng thành trong một môi trường đầy kỷ luật với những người thầy đáng kính, hoàn thiện bản thân và trở thành một người lính ưu tú. Đặc biệt hơn, cùng với những đồng đội của mình, Hiếu đã tìm được lý tưởng mà mình muốn theo đuổi.

Qua câu chuyện của hai anh em Trung và Hiếu, hình ảnh người lính canh gác biên giới và hải đảo hiện lên như những chân dung tiêu biểu, mang tính biểu tượng về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Thiếu tá Phạm Ngọc Hà Lê xúc động chia sẻ: “Người lính Hải quân ít khi xuất hiện trên phim ảnh, lần này chúng tôi rất vui vì đưa được hình ảnh cán bộ chiến sĩ Hải quân lên màn ảnh một cách chân thật nhất. Xem phim, bên cạnh những hình ảnh vùng biên giới, hải đảo đẹp hùng vĩ, khán giả sẽ được chứng kiến hình ảnh đáng tự hào về những cảnh tập trận lớn rất ít khi xuất hiện trên phim, nhất là phim truyền hình. Những đại cảnh này hoành tráng không kém phim nước ngoài, cho thấy sự chuyên nghiệp của ê kíp làm phim”.

Có thể nói, vai diễn Trung là một thách thức lớn với Việt Anh, anh cho rằng “đây là nấc thang mới tôi phải bỏ nhiều công sức để chinh phục. Phải diễn làm sao cho ra được hình ảnh chân thực mà tiêu biểu về người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam điển hình là một áp lực lớn!”.

NSƯT Hoàng Hải vào vai ông Quang - Phó Trưởng đồn biên phòng rất giỏi công tác dân vận

Vừa thoát khỏi vai Lưu “nát” trong phim Cuộc đời vẫn đẹp sao, NSƯT Hoàng Hải vào vai ông Quang - Phó Trưởng đồn biên phòng - một người lính từng gắn bó cả cuộc đời với vùng biên ải, rất giỏi công tác dân vận bởi luôn gần gũi với dân. Anh khẳng định “nhiều người cho rằng Hoàng Hải khó mà thoái khỏi nhân vật Lưu nát ngay được nhưng Phó Trưởng đồn Quang không còn tí nào của Lưu nát”. Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng rất biết cách để khiến diễn viên phải nghĩ cách biến hóa mình: một diễn viên từng…8 lần đi tù trên phim như Việt Anh nay làm Trưởng đồn Biên phòng, còn ông Lưu nát rượu cửu vạn ở chợ đầu mối biến hóa thành Đồn phó. Anh cho biết, từng cảnh quay một làm rất kỹ bởi không phải ai cũng nắm rõ tường tận mọi công việc của bộ đội. Làm phim, có những công văn lần đầu tiên anh được đọc, lại có nhiều từ ngữ chuyên môn rất đặc thù phải được sự giúp đỡ của các đồng chí biên phòng đi cùng đoàn phim.

 Bên cạnh đó, các diễn viên Thu Quỳnh, Hà Việt Dũng, Trần Kiên, Tô Dũng… cũng đều nỗ lực hết mình để có những vai diễn chân thực nhất.

Việt Anh trong vai Trung, Thu Quỳnh vai y tá Phương

LƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023

;