CẢM QUAN CÔNG GIÁO CỦA NGUYÊN HỒNG QUA BỈ VỎ

Nguyên Hồng là nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực Việt Nam TK XX. Với ông, “niềm tin không bao giờ lụi tắt ở phía ánh sáng của tâm hồn con người” (1). Văn của ông có những cảm xúc rất chân thành, hồn nhiên, nguyên sơ, thống thiết. Có được điều đó bởi nhà văn đã sống trong những sẻ chia, yêu thương của những con người cần lao khốn khó, được niềm tin Công giáo nâng đỡ. Lòng nhân đạo trong ông với chủ nghĩa nhân văn cổ truyền, cùng tinh thần bác ái của Kitô giáo có sự giao hòa với nhau một cách nhuần nhuyễn. Bỉ vỏ, được viết khi nhà văn mới 19 tuổi, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực Việt Nam cũng là tác phẩm đẫm cảm quan công giáo của tác giả. Yếu tố Công giáo trong tác phẩm biểu hiện ở những môtip, hình ảnh, chi tiết gần gũi. Qua đó, người đọc được tiếp xúc với những tư tưởng, triết lý của Công giáo như tinh thần vị tha, nhân ái, sự nỗ lực trong hành trình hoàn thiện bản thân.

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội ra đời rất sớm trong lịch sử nhân loại và tồn tại phổ biến ở hầu hết các cộng đồng người trong lịch sử. “Niềm tin và thực tiễn tôn giáo vô cùng đa dạng và có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, có tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý không lớn nhưng có những tôn giáo có thể gọi là tôn giáo thế giới với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới” (2). Tôn giáo góp phần bù đắp những hụt hẫng trong cuộc sống, nỗi trống vắng trong tâm hồn, xoa dịu nỗi đau của con người. Ý thức tôn giáo cũng chứa đựng nhiều giá trị phù hợp với đạo đức, đạo lý con người. Văn học thế giới đã có những tác giả nổi tiếng mà cảm quan tôn giáo thấm đẫm trong sáng tác của họ như: Victor Hugo (Những người khốn khổ), Colleen McCulloug (Tiếng chim hót trong bụi mận gai), Aimatov (Đoạn đầu đài), Đôxtoiepxki (Lũ người quỷ ám), Dan Brown (Thiên thần và ác quỷ)…

Ở Việt Nam, cảm quan tôn giáo xuất hiện dường như đồng thời với sáng tác văn học. Trong văn học dân gian, sáng tác của dân tộc thiểu số chứa đựng tín ngưỡng bản địa, truyền thống. Truyện cổ tích hay truyền thuyết của người Kinh lại mang chứa cảm quan tôn giáo phổ biến như Đạo giáo, đạo Mẫu, đạo Phật… Văn học trung đại, cảm quan tôn giáo xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du… đa dạng như Đạo giáo, Lão Trang, đạo Phật... Văn học Việt Nam cận hiện đại, cảm quan tôn giáo thấm đẫm trong những tác phẩm văn xuôi và Truyện thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản 1887, là tác phẩm tiêu biểu. Ở nửa đầu TK  XX, văn xuôi có Nguyên Hồng, Nam Cao, Hồ Dzếnh…, thơ có Hàn Mặc Tử “đã dựng riêng một ngôi đền để thờ Chúa”... Văn học đương đại xuất hiện  nhiều nhà văn mà tác phẩm có dấu ấn tôn giáo như Võ Thị Hảo, Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Huy Thiệp…

Sự hình thành cảm quan Công giáo ở Nguyên Hồng

Nguyên Hồng sinh ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa ở Nam Định, lớn lên trong không khí thành kính Chúa, tiếng cầu kinh, tiếng chuông nhà thờ ngân nga mỗi ngày. Mẹ ông, người đàn bà tần tảo, sống không hạnh phúc bên một người chồng già nghiện ngập, đã phải lấy đức tin Thiên Chúa làm chỗ dựa tinh thần để vật lộn với đời vì miếng cơm, manh áo. Nguyên Hồng chịu ảnh hưởng sâu sắc niềm ngưỡng vọng Chúa từ hai người phụ nữ gần gũi nhất là bà với mẹ. Cuộc sống gia đình khó khăn, Nguyên Hồng đã trải qua những ngày thơ ấu đói khát, quẫn bách, tương lai, tiền đồ tăm tối. Trong hoàn cảnh như thế, bản thân nhà văn cũng phải tìm đến Chúa làm chỗ dựa tinh thần. Dĩ nhiên, việc tiếp nhận những ảnh hưởng của tư tưởng bác ái Thiên Chúa ở Nguyên Hồng có quá trình lịch sử, mức độ đậm, nhạt khác nhau trên từng chặng đường sáng tác. Nhưng vào thời kỳ tăm tối của xã hội cũng như bản thân nhà văn, Công giáo là điểm tựa quan trọng, chi phối sâu sắc sáng tác của ông.

Dù không có điều kiện học hành nhưng Nguyên Hồng luôn nỗ lực bồi đắp kiến thức bằng cách tự học. Một nguồn ảnh hưởng quan trọng tới sáng tác của ông là những tác phẩm kinh điển như Những người khốn khổ của Victo Hugo, Thời thơ ấu của Marxim Gorki, David Copperfield của Dickens, những truyện ngắn của A.Dauet… Ngoài ra, Nguyên Hồng còn được bà nội kể cho nghe những câu chuyện mà ông thấy còn sinh động hơn cả những tiểu thuyết thành tập, thành pho. Mở rộng kiến văn bằng tự học cũng là con đường mà nhà văn nhân đạo Nguyên Hồng đến với những con người cùng khổ bằng đức tin cứu rỗi, tấm lòng yêu thương da diết.

Nguyên Hồng là người rất nhạy cảm, dễ xúc động. Ông cảm thông, chia sẻ những nỗi khổ đau, oan trái với những con người cùng khổ, bất hạnh trong gia đình, ngoài xã hội. Ông bất bình trước những thái độ, hành vi vô nhân đạo, rẻ rúng con người. Cá tính này của Nguyên Hồng giống như một thứ nam châm, chỉ hút những gì phù hợp với tạng của nhà văn. Trong Một cuộc đời sáng tạo trong đau khổ, Vương Trí Nhàn cho rằng Nguyên Hồng là người “tâm trí luôn bén nhạy, lại có điều kiện lăn lộn giữa bao nhiêu xóm nghèo, bao nhiêu ngõ tối, mỗi nhân vật mang tính cách tự truyện này của Nguyên Hồng đồng thời là một ông Giêsu thương đời, xót đời, nhờ chút lương tri tối thiểu luôn cật vấn về sự đời”(3).

Công giáo xoa dịu nỗi đau, nâng đỡ số phận con người

Hình tượng Chúa Giêsu chịu nạn, đóng đinh thân mình lên cây thánh giá để chuộc tội cho chúng sinh là một biểu tượng vĩ đại, cảm động của tinh thần bác ái Thiên Chúa giáo. Xét về mặt giá trị luận, Thiên Chúa giáo cũng như bất cứ tôn giáo nào đều có chung một mục đích là làm cho con người được tự do, bình đẳng, hạnh phúc. Trước Chúa, mọi người đều có khả năng hoàn thiện nhờ sự nâng đỡ của Ngài, sự tu dưỡng tinh thần của chính mình. Đức tin vào Thiên Chúa đã giúp nhân vật của Nguyên Hồng khi cùng đường hay bế tắc tìm thấy điểm tựa để xoa dịu mọi nỗi đau.

Với Tám Bính, Chúa luôn được cầu nguyện vào lúc bức thiết nhất, những lúc cô bơ vơ hoặc gặp nạn, những lúc cô cảm thấy bế tắc. Đó là đêm đầu tiên Bính lang thang ở Hải Phòng, một đêm dài, lạnh, bơ vơ. Giữa lúc cô bơ vơ, trơ trọi, nhớ quê hương thì tiếng kinh cầu vang lên trong gió, réo rắt, gợi bi kịch của sự khổ hạnh đầu tiên mà Bính cảm nhận được. Rồi những lần bị ức hiếp sau đó, lần nào Bính cũng thảng thốt gọi tên Chúa để mong một sự cứu giúp, che chở.

Khi bị bắt nạt, hành hạ về thể xác, Bính nghĩ đến Chúa. Khi lo lắng cho một tương lai mù mịt, nghĩ tới sau này sinh con ra, hai mẹ con sẽ sống bằng những đồng tiền phi nghĩa, nhuốm máu người, rồi nghe cơn gió ào ào bỗng vang lên những tiếng kêu ca, oán trách, rủa xả, như muốn dứt từng miếng thịt, Bính lại gọi đến Chúa. Chúa đến với tâm thức Bính lúc Bính bế tắc cùng quẫn nhất, hơn cả một lời kêu cứu thông thường, mong được che chở, được xoa dịu nỗi đau để vượt thoát.

Tiếng cầu nguyện của Tám Bính hay những con chiên của Chúa thường khẩn thiết như sự kêu cứu giữa cuộc đời khốn khổ, gian nguy. Chính những lời tha thiết ấy góp phần làm cho văn chương Nguyên Hồng trở nên thống thiết, thấm đẫm giá trị nhân văn. Từ lòng thương cảm với thân phận những con người dưới đáy xã hội, con chiên ngoan đạo, nhà văn Nguyên Hồng cảm thông, xót xa cho thân phận họ. Chúa đã xuất hiện xoa dịu nỗi đau, nâng đỡ cuộc đời họ. Nhờ thế họ không chỉ có thể vượt thoát khỏi nỗi đau, mà còn luôn có khả năng hướng thiện.

Trong cảm hứng thương cảm của Nguyên Hồng, Công giáo hướng con người tới điều tốt đẹp

Trước khi con chiên muốn rửa tội, họ cần phải xưng tội (sám hối) của mình một cách thành khẩn với Chúa. Đây là một trong những nghi thức đặc trưng của Công giáo, một biểu tượng cho sự thanh tẩy tội lỗi. Con người cần phải trở lại với Thiên Chúa, vết nhơ của tội lỗi có thể tẩy xóa được, bằng cách từ bỏ mọi hành vi bất khiết, trở về để bước đi trong đường của Chúa. Đó là những gì mà lễ rửa tội biểu trưng. Trong Bỉ vỏ, những đoạn văn hay là những đoạn nhân vật sám hối, day dứt. Việc ghi lại những khoảnh khắc này khiến cho những trang văn viết về những kẻ chạy vỏ, ăn cướp, giết người trở nên đáng thương, thậm chí đáng được tha thứ, cứu rỗi.

Bị Năm Sài Gòn đuổi, Bính về Nam Định, nhất định không về quê. Cô sống cuộc đời lao động vất vả, lam lũ nhưng lại sáng rực lên một cách khác thường. Trong tâm trạng ấy, Bính bâng khuâng, quỳ gối đọc bản kinh ăn năn tội, sám hối. Cảm động về những lời răn trong bản kinh, lời dạy của ông cố đạo già, Bính ứa nước mắt quả quyết hứa sẽ nghe lời ông, từ bỏ mọi tội lỗi.

Bỏ nhà đi, gây nỗi oán thán cho cha mẹ, rồi trở lại gặp cảnh trớ trêu, Bính dằn vặt, day dứt với phận làm con. Trong lá thư Bính nhờ cậu học trò viết để gửi về bố mẹ, có những đoạn vô cùng tha thiết khẩn nài cha mẹ, sám hối Chúa về những việc cực chẳng đã phải nhắm mắt đưa chân. Đâu đó như vang lên tiếng kinh cầu nguyện, tiếng các con chiên cúi đầu chịu tội, sám hối. Ngôn từ ở đây thấm đẫm màu sắc của một con chiên ngoan đạo với phép tắc, thưa gửi trân trọng bề trên, với đức tin nơi Chúa. Những lời tha thiết mà phải đạo, không thể không lay động lòng người.

Sống cuộc đời của một bỉ vỏ, làm vợ một kẻ giang hồ như Năm Sài Gòn, Tám Bính không ít lần rơi vào sám hối cho những lỗi lầm của mình, của chồng. Có lúc, Bính từng mong muốn rằng vợ chồng đưa nhau lên Cao Bằng, Lạng Sơn, hay ra Uông Bí, Hồng Gai tìm cách làm ăn sinh sống. Băn khoăn rằng sao anh không theo đuổi một nghề khó nhọc nguy hiểm khác nhưng chân chính có phải hơn không. Rồi chứng kiến hành động giết Ba Bay tàn độc của Năm Sài Gòn, Bính không sao chợp mắt được, bỏ ăn, cảm giác phải chịu tội, thật như bị tù rồi, chỉ chờ ngày đi đày hay lên máy chém. Những giai đoạn đó của cuộc đời Bính, những va vấp, trăn trở, khát vọng, mong muốn bình dị ngày một xa lắc, chìm sâu, trôi đi chỉ khiến cô cảm thấy đáng tiếc mà thôi.

Bản thân Năm Sài Gòn, một tay anh chị khét tiếng, khi trở lại xà lim của sở mật thám Nam Định cũng không khỏi day dứt. Những thước phim ngắn mà rõ; mỗi một đoạn đời chỉ nằm trong đúng một câu văn; từ lúc mồ côi cha mẹ đến ra tù vào tội, ốm yếu, nghiện ngập… Mỗi hình ảnh là một nỗi niềm làm tê tái cả lòng Năm. Con người ấy cũng có lúc nhìn lại đời mình mà ngao ngán. Không thể tỏ cùng ai. Tâm trạng này của Năm làm người đọc nhớ đến Chí Phèo khi được thức tỉnh bởi tình yêu vô điều kiện của Thị Nở, con quỷ của làng Vũ Đại thấy hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Quá khứ, hiện tại có sự khác biệt lớn quá khiến hắn nôn nao buồn, tỉnh dậy hắn thấy già mà vẫn còn cô độc. Nam Cao cũng là nhà văn được sinh ra, lớn lên trong đức tin với Chúa. Cũng như Nguyên Hồng, sáng tác của Nam Cao thấm đẫm cảm quan Công giáo. Nhân vật của Nam Cao luôn đứng trước những thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh để rồi soi xét bản thân, ăn năn, sám hối, hướng lòng mình tới những điều tích cực để làm người.

Nhìn nhận lại mọi tội lỗi của mình để sám hối với người thân, trước Chúa, nhân vật của Nguyên Hồng mỗi lần như thế là một lần vượt qua chính mình để trở về với điều chính nghĩa, hướng thiện. Quan trọng hơn, mỗi lần rửa tội, thanh tẩy mình, họ lại cho người đọc niềm tin, hy vọng vào những giá trị chân chính, bản chất tốt đẹp không dễ mất đi của con người. Từng câu văn như những tiếng nấc nghẹn lại, dồn nén những cảm xúc mãnh liệt của đau đớn, tủi thẹn, tê tái về thân phận cuộc đời mình. Cuộc đời những kẻ cướp bóc, giết người không ghê tay ấy phút chốc trở nên đáng thương xót, thậm chí đáng được tha thứ. Niềm thương cảm của nhà văn nhân đạo Nguyên Hồng với những con người dưới đáy xã hội đã chứa đựng những giá trị, triết lý của Công giáo, làm lay động lòng người.

Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang, một chuồng lợn ngập ngụa phân tro; Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là vang lên tiếng muỗi, tiếng trẻ khóc; Bỉ vỏ đã viết xong trong một đêm lạnh lẽo âm thầm mà mọi vật như đều rung lên cùng với lòng thương yêu của một đứa trẻ ham sống dào dạt trong những bụi mưa thấm thía” (4). Những dòng lưu bút ấy của Nguyên Hồng đã lột tả trọn vẹn những trải nghiệm của đói khổ, thiếu thốn cơ cực nhưng lại được phủ bằng một lòng yêu thương, ham sống mãnh liệt. Từ trong sâu thẳm tâm thức nhà văn, đức tin của Công giáo đã tác thành bức tranh sống động nhiều màu sắc mà bi thương về những thân phận con người dưới đáy xã hội.

_____________

1. Nguyễn Đăng Mạnh, Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1991, tr.18.

2.  vi.wikipedia.org.

3. Vương Trí Nhàn, Nguyễn Quang Thân biên soạn, Nguyên Hồng, cát bụi và ánh sáng, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1992, tr.221.

4. Tôi viết Bỉ vỏ, diendanlequydon.com. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017

Tác giả : LÊ HẢI ANH

;